Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mấy hôm nay báo chí Việt Nam tấp nập đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong-un tại Hà Nội.

Hết thông tin về đất nước Triều Tiên hùng mạnh, đẹp đẽ "Một Triều Tiên giàu mạnh trong ký ức của du học sinh Việt Nam" (VTC), "Ký ức thời thanh xuân ở Triều Tiên của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao" (Người Lao động), "Triều Tiên, những điều bất ngờ" (Zing.vn)... lại đến tình hữu nghị giữa hai bên Việt-Triều "Ký ức ngọt ngào về ngôi trường mẫu giáo đặc biệt ở Hà Nội" (CafeF) ; hết ca ngợi vị lãnh tụ trẻ tuổi, tài cao, thân thiện Kim Jong-un lại đến thông tin về người vợ của Un "Chân dung người vợ xinh đẹp, bí ẩn và cuộc tình gây tranh cãi của chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un" (Tin tức online) : Nào "để làm vợ một người đàn ông như Kim Jong-un thì đúng là người phụ nữ ấy không thể tầm thường", nào xinh đẹp, thanh lịch, giọng nói ngọt ngào, nào gia đình họ rất hạnh phúc và Kim Jong-un là người đàn ông của gia đình v.v…

gapgo1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 2, phải) tại cuộc họp mở rộng với các quan chức hai nước trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội, ngày 28/2/2019. (Ảnh : AFP/TTXVN)

Báo chí cũng đưa tin người dân nơi này nơi kia đổ ra đường đón Chủ tịch Kim Jong-un, từ Lạng Sơn cho tới Hà Nội : "Người dân Lạng Sơn : ngài chủ tịch Kim rất trẻ, thân thiện và đẹp trai" (Ngôi Sao) ; "Người Hà Nội đổ tới khách sạn Marriott đón ông Trump" (Tin tức online)…

Nhà cầm quyền thì tất nhiên là hồ hởi đón khách. Hà Nội đón chào Kim Jong-un với đầy đủ lễ nghi trang trọng nhất, từ thảm đỏ cho tới hàng ngũ quan chức cao cấp.

Còn đối với Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm Donald Trump thì khỏi nói. Người Việt Nam vốn "mê" Mỹ, Tổng thống Mỹ nào đến Việt Nam, dù là Bill Clinton, Barack Obama hay Donald Trump đều được người dân đổ ra đường đón tiếp, người dân thường vốn chẳng mấy quan tâm, phân biệt được từng tư cách, nhân cách cho tới chính sách của từng vị Tổng thống Mỹ khác nhau ra sao, cứ Tổng thống Mỹ là khoái, thế thôi.

Lịch sử oái ăm : Hai chục năm Đảng cộng sản Việt Nam nhất định đánh Mỹ và đánh người anh em miền Nam cho đến cùng, đánh Mỹ từ khi Mỹ chưa có mặt ở Việt Nam và đánh Mỹ cả khi Mỹ đã bỏ đi rồi, mấy triệu người ngã xuống, đất nước tan hoang, máu xương chất thành núi, quyết tâm tiến chiếm một quốc gia hợp pháp để giành độc quyền lãnh đạo, để rồi ngày hôm nay say sưa ngưỡng mộ Mỹ, khen từ cái xe chở Tổng thống Mỹ cho tới đội cận vệ Mỹ khen đi, tin từng lời nói của Tổng thống Mỹ đương nhiệm tin đi, tìm mọi cách để có cái thẻ xanh hoặc quốc tịch hoặc cơ ngơi ở bên Mỹ, có con thì nhất định thể nào cũng phải cho qua Mỹ học v.v…

Thắng một cuộc chiến mà đại bại trong hòa bình là vậy.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều qua lăng kính người dân Việt Nam

Như vừa đề cập ở trên, người dân Việt bình thường không hiểu mấy (hoặc có nghe có đọc nhưng mau quên) về chế độ độc tài sắt máu ở Triều Tiên, về sự khốn cùng, bất hạnh của người dân Triều Tiên dưới sự lãnh đạo tàn bạo của dòng họ Kim, cũng không mấy quan tâm đến những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền cho tới nhân cách, chính sách của từng vị tổng thống Mỹ.

Với đa số người dân bình thường, thượng đỉnh Mỹ-Triều là một dịp tốt để làm ăn, để kiếm tiền. Nào in áo có hình Donald Trump-Kim Jong-un, nào cắt tóc theo kiểu Donald Trump hoặc Kim Jong-Un, nào thực đơn trong nhà hàng được trang trí theo chủ đề có liên quan đến hai người v.v... (tại sao không ?) (1).

Thế là những ngày này hình ảnh Tổng thống của một cường quốc đầu tàu của thế giới tự do, dân chủ "vai kề vai, má kề má" với lãnh tụ của một trong những chế độ độc tài, sắt máu nhất trên thế giới, tràn lan ở Hà Nội và Việt Nam. Một số người khác, do tác động của truyền thông và sự tuyên truyền của nhà cầm quyền Việt Nam, nên hết lời ca ngợi Donald Trump và Kim jong-un đồng thời tự hào, hãnh diện vì Việt Nam được chọn là địa điểm cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều, điều đó chứng tỏ Việt Nam là một quốc gia hòa bình, mến khách v.v… Nhiều người đã vội mơ Việt Nam sẽ ghi dấu vào lịch sử vì đã có công góp phần tạo nên hòa bình cho bán đảo Triều Tiên !

Thượng đỉnh Mỹ-Triều : cơ hội cho đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam

Đối với nhà cầm quyền Việt Nam thì đây quả là một "vinh dự", một cơ hội để quảng bá về sự thành công của chế độ độc tài ở Việt Nam, về sự ổn định chính trị, sự mở cửa về kinh tế, hội nhập, thân thiện với cựu thù là nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Báo chí Việt Nam chưa gì đã thể hiện sự vui mừng quá mức, giống như mỗi khi bóng đá Việt Nam thắng được một trận đấu trong khu vực là báo chí tung hô với đủ mọi ngôn ngữ bốc thơm, khoa trương (2). Báo Thanh Niên giật tít : "Việt Nam-trung tâm hòa giải xung đột quốc tế" !

Giáo sư, nhà bình luận văn học Nguyễn Hưng Quốc viết trên facebook :

"LỘNG NGÔN. Chỉ được mượn làm nơi cho Tổng thống Mỹ và lãnh tụ Bắc Hàn gặp nhau trong hai ngày mà tự xưng là "trung tâm hòa giải xung đột quốc tế" thì quả là quá lộng ngôn".

Phải, ai cũng thấy ngay những vấn đề nội bộ, những vấn đề lịch sử mà đảng và cộng sản còn chưa hòa giải nổi thì nói gì đến chuyện to tát, hay nói thẳng ra, hãy hòa giải hòa hợp với chính đồng bào mình trước đi đã, rồi hãy mơ là "trung tâm hòa giải xung đột quốc tế" !

Cũng giống như báo chí từng viết bài "Quân đội Việt Nam được mời sang Mỹ huấn luyện cho lính Hải quân Mỹ và các nước" (Newsliving.net). Đúng là báo chí không biết "trời cao đất dày" là gì. Quan chức lãnh đạo Việt Nam tất nhiên càng hoang tưởng tợn qua sự kiện này.

Từ báo chí cho tới quan chức Việt Nam hãnh diện cho rằng Việt Nam có thể là hình mẫu cho Triều Tiên về "cải cách nền kinh tế, mở rộng mối quan hệ và giao thoa nền kinh tế thế giới". Có thể là như vậy. Nhưng nếu Triều Tiên không biết rút ra bài học từ Việt Nam, họ sẽ lại đi theo vết xe đổ của Việt Nam, vết xe đổ đó là gì ?

Đúng là kinh tế có mở cửa, một bộ phận thiểu số người dân có giàu lên nhưng đất nước có thực sự giàu mạnh hơn ? Kinh tế Việt Nam có thực sự đứng trên đôi chân mình, làm ra sản phẩm hay chỉ bán nguyên liệu thô, bán gạo, bán nông sản, bán đất đai, bán sức lao động ? Sự phát triển bừa bãi, không có tầm nhìn, không có kế hoạch, chiến lược và tham vọng lâu dài, cuối cùng chỉ biến Việt Nam thành một con nợ và bãi rác các loại của thế giới, những mâu thuẫn xã hội gay gắt, nạn tham nhũng nghiêm trọng, khoảng cách giàu nghèo và bất công càng ngày càng lớn ; tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề ; giáo dục và y tế đắt đỏ ; người dân vẫn chưa thực sự có tự do, độc lập mà ngay cả sự bình an cũng không có, đất nước ngày càng lún sâu vào vòng lệ thuộc với Tàu v.v…

Người viết bài này vốn không thích sự ca ngợi tán tụng của báo chí Việt Nam đối với Kim Jong-un, đất nước Triều Tiên hay thủ đô Bình Nhưỡng, nhưng qua một số bài báo như bài báo dưới đây, có vài điều chúng ta nhận thấy : Người dân Triều Tiên hoàn toàn không có tự do, bị biệt lập với thế giới bên ngoài, mù về thông tin thế giới, đời sống của người dân đa số rất kham khổ, bị tẩy não, tuy nhiên ít nhất đất nước này có vài điều hơn Việt Nam :

1. Thủ đô Bình Nhưỡng của họ có nhiều công trình kiến trúc hoành tráng, có chất lượng.

2. Quy hoạch tốt hơn hẳn 2 thành phố lớn của Việt Nam là Sài Gòn, Hà Nội. Trong khi quy hoạch của Sài Gòn, Hà Nội bị nát bét, có con đường cây xanh đẹp nào là chặt cho bằng hết, nóng như đổ lửa, nhà cửa thì đủ kiểu kiến trúc chỏi nhau, phương tiện giao thông công cộng rất kém nên toàn xe gắn máy, vừa ô nhiễm vừa hỗn loạn… thì Bình Nhưỡng sạch sẽ, ngăn nắp, nhiều cây xanh, phương tiện giao thông công cộng khá tốt. Nếu họ cứ giữ được như thế này mà phát triển giàu mạnh lên thì Bình Nhưỡng là một đô thị tầm trung của thế giới trong khi Hà Nội hay Sài Gòn vẫn chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu để được gọi là một đô thị : ví dụ đường sá phải rộng, cân xứng với tỷ lệ dân số và có đủ các loại đường trên cao, dưới thấp, đường hầm… ; cơ sở hạ tầng hiện đại trong đó phải có một hệ thống giao thông công cộng tốt và tiện lợi ; quy hoạch tốt, khu nhà ở hay khu trường học, bệnh viện cách biệt với khu thương mại ; giao dịch tiền tệ phải thông qua ngân hàng, các loại thẻ chứ không phải bằng tiền mặt ; mọi thứ phải được hệ thống hóa, điện tử hóa chứ không phải cái gì cũng thực hiện bằng sức người, bằng lao động phổ thông v.v…

3. Giáo dục, y tế miễn phí.

4. Lãnh đạo có tham vọng nên xây công trình lớn, thắt lưng buộc bụng để đầu tư cho vũ khí hạt nhân nhờ đó không khiếp sợ Tàu, còn Việt Nam có bao nhiêu tiền chui hết vào túi của quan tham, không đầu tư đủ cho quốc phòng, ngược lại còn quỵ lụy quá mức trước Tàu, nói thật chứ bây giờ Trung Quốc mà tấn công Việt Nam thì chẳng biết Việt Nam trụ được bao lâu ? Việt Nam chẳng đầu tư cho giáo dục, y tế, cũng không để dành cho các thế hệ tương lai, có bao nhiêu xài hết chỉ để lại đống nợ cho con cháu.

Tất nhiên, nỗi sợ hãi lớn nhất của các thế hệ lãnh đạo Triều Tiên là sợ mất quyền lực, sợ bị lật đổ cho nên họ sẽ nhìn thấy ở Trung Quốc và Việt Nam mô hình khá lý tưởng cho họ : vừa mở cửa về kinh tế, dân thoát đói nghèo, vừa tiếp cận với thế giới mà vẫn giữ được quyền lực. Tuy nhiên, nếu họ khôn, có tầm nhìn xa, có tham vọng cho dân tộc thì không nên học theo Việt Nam 100% làm gì. Thực tế khác hẳn với những suy nghĩ hoang tưởng của đám lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam : đó là Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản là một quốc gia thất bại, một dân tộc thất bại chứ không phải là một điển hình hay ho gì (3).

Thượng đỉnh Mỹ-Triều đúng là một cơ hội lớn cho đảng và nhà nước Việt Nam nếu họ biết nhân dịp này thay đổi về chính sách ngoại giao để thực sự trở thành một quốc gia thân thiện, là bạn bè của cả thế giới chứ không phải chỉ là bạn tốt của những chế độ độc tài mà cả thế giới đều dè chừng (như Trung Quốc) hoặc lánh xa như Bắc Hàn cho tới Cuba, Nga… Và nếu họ thực tâm có tham vọng, muốn thay đổi để Việt Nam trở thành một cường quốc giàu mạnh thực sự, dân tộc Việt Nam có tự do, dân chủ, bình an thực sự, thay vì ngây ngất "tự sướng" mấy ngày rồi khi cơ hội qua đi, mọi chuyện vẫn như cũ.

Thậm chí, càng ngày họ càng hà khắc hơn, con số người bất đồng chính kiến bị bắt tăng hẳn trong mấy năm gần đây với những bản án vô cùng tàn nhẫn, nhà cầm quyền thậm chí cũng chẳng buồn che giấu bộ mặt "khủng bố" của mình khi ngang nhiên bắt cóc người (4), bộ mặt "độc tài" khi trục xuất hai người đóng giả Donald Trump, Kim Jong-un ra khỏi Việt Nam và cấm người đóng giả Donald Trump xuất hiện trước đám đông, ngay trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều (5) !

Thượng đỉnh Mỹ-Triều : mục đích của Donald Trump và Kim Jong-un

Dù kết quả hội nghị thượng đỉnh lần này ra sao thì Kim Jong-un cũng là người thắng lớn !

Những mục đích lớn nhất của Kim Jong-un đã đạt được : Từ lâu Triều Tiên đã nhiều lần muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ nhưng các cựu tổng thống Mỹ trước đây không chấp nhận, còn bây giờ, lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của dòng họ Kim, một tổng thống Mỹ đã hạ mình ngồi ngang hàng thương lượng với lãnh tụ của một trong những chế độ độc tài sắt máu nhất trên thế giới, có nghĩa là công khai thừa nhận chế độ đó, cộng thêm sự "nồng nhiệt" của nhà cầm quyền Việt Nam đã thêm phần "rửa mặt", tô son trát phấn" cho Kim Jong-un và chế độ tàn bạo Bắc Hàn.

Riêng Donald Trump thì nhiều lần hết lời khen ngợi Kim Jong-un. Có thể nhiều người sẽ cho rằng đó chỉ là những lời nói ngoại giao, làm chính khách là phải biết bỏ qua chuyện nhỏ để làm được chuyện lớn, nhưng nếu những giá trị nhân quyền mà là "chuyện nhỏ", những mối quan hệ cẩn trọng với những quốc gia thù địch với Mỹ như Nga, hoặc có nguy cơ thù địch như Trung Quốc là "chuyện nhỏ" thì uy tín, lòng tin cậy của các nước đồng minh cũng như thế giới tự do đối với Hoa Kỳ bao lâu nay sẽ giảm đi rất nhiều.

Có thể nhiều người sẽ cho rằng điều quan trọng là tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, hóa giải nguy cơ chiến tranh với Triều Tiên, đó mới là thắng lợi lớn. Nói thật, cho dù các đời tổng thống Mỹ trước đây ra sức cấm vận Triều Tiên, đẩy Triều Tiên vào thế vô cùng khó khăn nhưng dòng họ Kim cũng chẳng ngu và liều đến mức gây chiến tranh với Mỹ !

Còn giải trừ vũ khí hạt nhân, chuyện đó lại càng khó xảy ra hơn, bởi vì dòng họ Kim thừa biết đó là sức mạnh, là vũ khí sống còn để tự vệ và để mặc cả với Trung Quốc hay với Mỹ khi cần, họ sẽ chẳng bao giờ có đủ lòng tin vào Mỹ hay bất cứ nước nào để từ bỏ vũ khí của họ ! Các báo cáo của FBI, CIA của Mỹ hay nhận định của các chuyên gia gần đây cũng đã nói lên điều đó nhưng Trump không quan tâm "North Korea constructing new missiles despite agreement with US : Report" (ABCNews), "I believe Putin' : Trump dismissed US advice on North Korea threat, says McCabe" (The Guardian), "Trump and Kim are still far apart in terms of removing nuclear arms, expert says" (CNBC).

Nhớ lại trước đây khi Nixon đi đêm với Mao Trạch Đông, Mỹ bắt tay Trung Quốc, mở cửa cho Trung Quốc, tưởng rằng khi kinh tế khá lên thì Trung Quốc sẽ thay đổi thể chế chính trị, hóa ra, Mỹ chỉ tạo cơ hội cho một con sư tử thức dậy và sau 40 năm, Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn tồn tại còn con sư tử Trung Quốc đã thực sự trở thành một mối đe dọa với chính Mỹ và thế giới ! Liệu có chăng lịch sử sẽ lập lại, từ hội nghị thượng đỉnh này Bắc Hàn sẽ nhận được những điều kiện dễ dãi của Hoa Kỳ và các nước phương Tây để mở cửa hội nhập về kinh tế nhưng chế độ độc tài ở Bắc Hàn vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, và không chừng vài thập niên sau, Bắc Hàn lúc đó mới thực sự là một mối đe dọa của thế giới ?

Với Donald Trump, cũng như bức tường xây dọc biên giới với Mexico, rõ ràng hội nghị thượng đỉnh này vô cùng quan trọng để lấy lại uy tín giữa lúc vô số vụ scandal xảy ra trong suốt thời gian hai năm qua kể từ ngày Trump nhậm chức, đặc biệt là cuộc điều tra của Cố vấn đặc biệt Robert Mueller về mối quan hệ giữa Trump và Nga hay những vụ làm ăn bê bối trước đây của Trump và gia đình Trump ngày càng đến gần kết cục với những thông tin được dự đoán là không có gì tốt đẹp cho Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ, rằng nếu Trump có thoát được cuộc điều tra về Nga thì cũng còn vô số vụ khác !

Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội dưới mắt nhìn thế giới

Nhà cầm quyền muốn chứng tỏ sự nồng nhiệt, hiếu khách của họ đối với Kim Jong-un là quyền của họ, nhưng việc họ ra sức tuyên truyền, "tô son trát phấn" cho Kim Jong-un thông qua báo chí khiến một số người dân không hiểu hồ hởi đón tiếp Kim Jong-un, một bức hình trên báo Tuổi Trẻ online còn cho thấy cảnh học sinh Lạng Sơn đứng trong mưa phùn giá lạnh 13 độ C vào sáng ngày 26/02/2019 để đón phái đoàn Bắc Triều Tiên.

Nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải viết trên facebook : 

"Tôi cho rằng, chính quyền Việt Nam đã hoàn toàn sai lầm khi điều động các em học sinh ra đón ông Kim Jong-un và phái đoàn Bắc Triều Tiên, nhất là trong bối cảnh mưa phùn và gió lạnh. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe các em.

Bổn phận của các em học sinh là học hành và vui chơi. Các em không có trách nhiệm đón ai cả, cho dù đó là tổng thống Mỹ. Về sâu xa, nếu đứng đón Kim Jong-un, các em học sinh này có thể nảy sinh niềm tự hào về một sinh vật chính trị vào hàng ghê tởm nhất hành tinh. Đó là một điều hoàn toàn không tốt nếu không nói là tệ hại".

Đúng là nhà cầm quyền muốn nịnh bợ Ủn thì cứ việc -những kẻ độc tài, khủng bố đón nhau là phải, sao phải hành tội cả thể xác lẫn đầu độc đầu óc trẻ em như thế này ?

Báo chí thế giới cũng đưa tin về chuyện Việt Nam đón tiếp Kim Jong-un  : Vietnamese lay out welcome mat for Kim Jong-un ahead of Trump meeting (The Sydney Morning Herald), Vietnam greets Trump and Kim Jong-un with flowers, giant portraits and press at arm’s length" (Los Angeles Times)...

Nếu là ở một quốc gia tự do dân chủ, Donald Trump và Kim Jong-un chắc chắn sẽ được đón tiếp "nồng hậu" theo kiểu khác : những cuộc biểu tình phản đối các chính sách gây chia rẽ của Donald Trump hay phản đối chế độ độc tài sắt máu của dòng họ Kim.

Trong khi đó, không hề có một cuộc biểu tình phản kháng nào ở Việt Nam đã đành, mà 100 nhân sĩ, trí thức, nhà hoạt động xã hội và tổ chức dân sự xã hội người Việt lại gửi một bức Thư ngỏ cho Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm nói lên khát vọng thoát Trung, mối nguy từ Trung Quốc, quyền lợi tương đồng giữa Việt Nam và Mỹ trước nguy cơ này và khao khát Mỹ sẽ giúp đỡ Việt Nam để chống Tàu. Đọc lá thư, thú thật là cảm thấy buồn, không chỉ vì sự ngây thơ, cả tin của một số nhân sĩ, trí thức tên tuổi, đáng kính trọng của Việt Nam mà còn vì tính chất tuyệt vọng của nó, khi gửi gắm hy vọng và niềm tin vào một người như Donald Trump đã nói ngay từ đầu chính sách của mình là "America First" !

Thượng đỉnh Mỹ-Triều : những người mơ ước một tương lai dân chủ cho Việt Nam nhưng nồng nhiệt ủng hộ Trump sẽ nghĩ gì ?

Đối với những ai đã và vẫn hy vọng một tương lai tự do, dân chủ cho Việt Nam, nhưng lại ra sức ủng hộ, ngưỡng mộ Trump, chỉ vì hy vọng Trump sẽ đánh Tàu Cộng hoặc sẽ xóa sổ các chế độ cộng sản còn lại trên thế giới, sẽ nghĩ gì khi thấy Trump bỏ qua hồ sơ nhân quyền tệ hại của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, Trump hết lời khen ngợi Việt Nam, coi Việt Nam là một mô hình đáng để Triều Tiên học hỏi ? Điều đó cũng có nghĩa là Donald Trump nói riêng và Hoa Kỳ nói chung đã mặc nhiên thừa nhận rằng chế độ độc tài ở Việt Nam là một nơi ổn định về chính trị để có thể tổ chức hội nghị mà không sợ chuyện gì xảy ra, rằng chế độ độc tài ở Việt Nam sẽ còn tồn tại lâu dài và Mỹ không có gì phải bận tâm về điều đó !

Rõ ràng, số phận của một quốc gia, một dân tộc phải do chính dân tộc đó tự quyết, không thể trông chờ vào bất cứ nước nào hay bất cứ ai, cho dù đó là Tổng thống Mỹ !

Song Chi

Nguồn : RFA, 26/02/2019 (songchi's blog)

(1) "Hanoi t-shirt designer cashes in on Trump-Kim summit", dpa-international

(2) đại loại : "Không thể tin nổi ! U23 Việt Nam đặt cả Châu Á dưới chân bằng chiến thắng để đời" (Đời Sống và Pháp Luật), "Cả Châu Á nể U23 Việt Nam : Tinh thần Việt Nam khiến đối phương sợ hãi !" (VietnamNet), "Báo Châu Á khen hết lời : Thắng đẳng cấp, bóng đá Việt Nam vươn tầm Châu lục" (Lao Động), v.v…, rồi nào "vỡ òa", "tự hào quá Việt Nam", v.v…

(3) "Tường trình bất ngờ từ Triều Tiên của phóng viên Tuổi Trẻ", Tuổi Trẻ.

(4) từ quan tham Trịnh Xuân Thanh giữa Berlin cho tới nhà báo, blogger bất đồng chính kiến Trương Duy Nhất ở Bangkok, Thái Lan

(5) "Fake Kim Jong-un deported from Hanoi, Vietnam before second Trump-Kim Summit", Mothership.

Published in Diễn đàn

Thượng đỉnh Trump - Kim : Cả hai đều mong sớm đạt kết quả

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội ngày 27 và 28/02/2019 đang là sự kiện thu hút báo chí cả thế giới từ vài ngày qua.

summit1

Bưu chính Việt Nam phát hành loại tem đặc biệt nhân thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên tại Hà Nội, ngày 26/02/2019. Reuters/Ann Wang

Trước thềm cuộc gặp, nhật báo Le Monde có bài nhận định : "Trump và Kim, hai người đàn ông gấp gáp tìm đồng thuận".

Theo tờ báo, cả lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng như Mỹ đều muốn thể hiện được sự thành công ngoại giao trong lần gặp thứ 2 này.

Le Monde nhìn thấy một điểm chung của tổng thống Donald Trump và chủ tịch Kim Jong-un khi đến với cuộc gặp lần này là "Người đầu tiên thì đang vấp phải những khó khăn trong nội bộ, muốn gặt hái nhanh nhất một thành tích ngoại giao. Đó là thành tích của vị tổng thống Mỹ đầu tiên làm được việc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, giúp nước Mỹ thoát khỏi nguy cơ bị tấn công hạt nhân. Còn người thứ hai thì hy vọng giải tỏa căng thẳng với Hoa Kỳ sẽ cho phép kinh tế Bắc Triều Tiên thoát ra được lối mòn kinh tế".

Bài viết nhắc lại : Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore tháng 06/2018, tổng thống Donald Trump đã không bỏ lỡ cơ hội tán dương quan hệ với chủ tịch Kim Jong-un. Đó là cách để ông Trump tạo sự khác biệt với những người tiền nhiệm, những người mà theo ông đã đẩy nước Mỹ đến rất gần cuộc chiến tranh với Bắc Triều Tiên.

Ông Trump đang rất muốn đẩy nhanh tiến trình hòa giải với Bắc Triều Tiên vì nếu để chậm trễ thì có nguy cơ làm ảnh hưởng đến lịch trình tranh cử tổng thống Mỹ khi mà chỉ còn một năm nữa bắt đầu cuộc chạy đua trong nội bộ đảng.

Mặc dù cơ quan tình báo Mỹ vẫn tỏ hoài nghi về tiến trình giải trừ hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng ông Trumpvẫn liệt kê các thành công thu được từ cuộc gặp lần trước : "Với Hoa Kỳ, quan hệ với Bắc Triều Tiên tốt đẹp hơn bao giờ hết. Không có vụ thử tên lửa nào, hài cốt lính Mỹ được trả, con tin được trở về Mỹ. Chúc cho phi hạt nhân hóa có cơ hội tốt", trên Twitter tổng thống Trump viết.

Le Monde nhận định, trạng thái tinh thần đó của tổng thống Mỹ có thể sẽ tạo thuận lợi cho các nhượng bộ, ít ra cũng để Kim Jong-un cũng tiến thêm dù là bước nhỏ.

Về phần Kim Jong-un, Le Monde phân tích thấy lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng có lý do để tiến nhanh. Trước hết là để tận dụng tâm trạng tốt của người đối thoại và tận dụng quyền hành ông đang nắm trong tay, nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bị bế tắc trước Hoa Kỳ.

Theo Le Monde, với một thể chế độc tài như Bắc Triều Tiên, dư luận công chúng không phải là yếu tố quan trọng, nhưng rõ ràng từ khi lên nắm quyền năm 2011, ông Kim Jong-un đã nhiều lần nhắc lại cam kết cải thiện đời sống người dân. Từ đó đến nay, Bắc Triều Tiên đang thay đổi diện mạo so với nhiều thập kỷ trước. Đất nước Triều Tiên đang cần một cuộc cải cách kinh tế toàn diện và điều này không thể làm được trong vòng vây cấm vận, trừng phạt.

Theo tờ báo, gỡ bỏ các trừng phạt trở nên cấp bách để Bắc Triều Tiên thoát ra khỏi lối mòn và giúp phát động trở lại hợp tác với Hàn Quốc mà các dự án giờ đang sẵn sàng chỉ còn chờ tín hiệu "đèn xanh" về chính trị. Trong khi đó tờ báo cũng nhấn mạnh là Bắc Triều Tiên không muốn phụ thuộc vào Trung Quốc, Nga hay bất cứ nước nào.

Le Monde nhận định ông Kim ý thức được cần phải tiến nhanh và chơi lá bài Trump. Từ một năm nay, ông với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng thông đồng làm việc đó. Ông Moon Jae-in, nhân vật chủ chốt, năng nổ trong việc lấy lại vận mệnh của người Triều Tiên, cũng rất hối hả. Ông Moon cũng chỉ còn hai năm trong nhiệm kỳ để những việc đã làm được không bị đảo lộn.

Tờ báo kết luận, nhưng yếu tố như vậy có thể sẽ dẫn đến người này hay người khác có nhượng bộ, dù là bên ngoài mặt.

Chủ nhà Thượng đỉnh Mỹ - Triều : Việt Nam lợi cả đôi đường

Vẫn trong khuôn khổ chủ đề thượng đỉnh Mỹ - Triều, Le Monde có một bài viết khác về nước chủ nhà Việt Nam. Theo Le Monde, được chọn là địa điểm cho sự kiện lớn này, "chế độ Hà Nội hy vọng tăng cường hình ảnh của một "đối tác chiến lược" với Washington cũng như cả với Bình Nhưỡng và Seoul".

Tờ báo nhận xét : Nếu như cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore tháng 06/2018 mang tính lịch sử thì cuộc gặp lần 2 tại Hà Nội sẽ mang nhiều biểu tượng.

Trước tiên vì cả ba nước Việt Nam, Mỹ và Bắc Triều Tiên đều từng đối mặt nhau trong các cuộc chiến tranh chết chóc. Mặt khác, có thể Việt Nam sẽ là mô hình cho Bắc Triều Tiên trên phương diện mở cửa, hiện đại hóa đất nước và bình thường hóa quan hệ với kẻ thù của ngày hôm qua là : Hoa Kỳ.

Theo quan sát của tác giả bài viết, một thỏa thuận giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên dù thế nào đều có lợi cho Việt Nam. Đó sẽ là một bước tiến quan trọng về mặt ngoại giao đối với Việt Nam, được ví như là một mũi tên trúng 3 đích.

Tờ báo dẫn lời chuyên gia Nguyễn Việt Phương phân tích trên trang The Diplomat : "Can dự vào một giải pháp hòa bình cho khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ giúp Việt Nam cải thiện mối quan hệ đối tác chiến lược với Washington, Seoul và vẫn giữ được quan hệ anh em với Bắc Triều Tiên".

Liên quan đến mối quan hệ "anh em" đó, Le Monde nhấn mạnh Việt Nam và Bắc Triều Tiên có những tương đồng và khác biệt. Cả hai nước trong quá khứ đã có chiến tranh với Mỹ trong một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Việt Nam đã thoát khỏi cuộc chiến và hòa giải với Mỹ. Bắc Triều Tiên, từ hơn 60 năm nay, vẫn coi Mỹ như là kẻ thù, đất nước vẫn bị chia cắt. Điểm chung là "cả hai nước đều đã là con tin của lịch sử không phải của họ là : Cuộc chiến tranh lạnh".

Nhưng quan hệ giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng đã trải qua những thăng trầm. Việt Nam đã bắt tay cả với Hàn Quốc và Mỹ và đang có những thành công kinh tế nhất định. Tuy nhiên, theo tác giả bài báo, hoàn cảnh của Bắc Triều Tiên bây giờ khác với Việt Nam của những năm 1980.

Thương mại Mỹ - Trung : Bắc Kinh trút thở phào

Chuyển sang với Les Echos, tờ báo kinh tế chú ý đến sự kiện hôm qua, 25/02, tổng thống Trump quyết định kéo dài thời hạn đình chiến thương mại ra sau ngày 01/03. Les Echos có bài viết : "Bắc Kinh nhẹ người với viễn cảnh đạt thỏa thuận với Washington" trong cuộc đọ sức thương mại.

Tờ báo nhận định : "Dù không đưa ra tuyên bố chính thức nào, quyết định của Mỹ không áp dụng tăng thuế đánh vào hàng Trung Quốc từ ngày 1 tháng 3 chắc chắn được các lãnh đạo ở Bắc Kinh đón chào nồng nhiệt".

Một chuyên gia về Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định : "Mục tiêu đầu tiên của Bắc Kinh đã đạt được. Tức là không có leo thang trong cuộc chiến thương mại. Đó là một tín hiệu tích cực vì ông Trump đã tỏ ý cho thấy sắp tới có thể đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Quyết định của Mỹ không chỉ giải tỏa căng thẳng trong nội bộ chế độ Bắc Kinh, đang có ý kiến trái ngược nhau về việc xử lý vụ tranh chấp thương mại với Mỹ, mà còn là luồng dưỡng khí quý giá cho kinh tế Trung Quốc".

Ông Tập Cận Bình, hơn ai hết, là người lo sợ nhất leo thang xung đột thương mại với Mỹ. Từ cuối năm 2018, kinh tế Trung Quốc liên tục có dấu hiệu giảm tốc, trong khi đó tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ tiếp tục đè nặng nên các doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc.

Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế được Les Echos trích dẫn, các cuộc thương lượng về thương mại sẽ còn khó khăn hơn ở giai đoạn cuối. Bản thân Tân Hoa Xã, hãng tin chính thức Trung Quốc, cũng bình luận : "Cần phải giữ vững tinh thần, tranh chấp thương mại Mỹ-Trung còn kéo dài, phức tạp và căng thẳng".

Algeriaa : Tổng thống Bouteflika ra ứng cử nhiệm kỳ 5

Một thời sự khác chiếm trang nhất nhiều báo Pháp là cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Algeria với việc vị tổng thống 81 tuổi, già yếu Bouteflika vẫn tiếp tục ra tái ứng cử cho thêm nhiệm kỳ nữa đang làm dấy lên làn sóng phản đối trong dân chúng Algeria.

Xã luận báo Le Monde viết : Một tuần mới mở ra tại Algeria đang có những dấu hiệu quyết định. Giới sinh viên hôm nay thông báo biểu tình, nhiều lời kêu gọi biểu tình khác vào thứ Sáu tuần này, tức là hai ngày trước khi hết hạn nộp đơn ứng cử tổng thống, diễn ra vào ngày 18/04…

Đất nước Algeria đang thức tỉnh. Hàng chục nghìn người từ hôm thứ Sáu tuần qua đã xuống đường biểu tình phản đối ông tổng thống bệnh tật ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 5.

Còn Libération trích dẫn một câu khẩu hiệu của người biểu tình làm tựa lớn trang sự kiện : "Algeria : Không nhiệm kỳ của sự xấu hổ". Xã luận tờ báo bình luận bằng lời lẽ khá cay nghiệt : Một tổng thống bị tai biến tim mạch, không có phát biểu nào trước công chúng từ 7 năm qua và chỉ còn xuất hiện trong các nghi lễ dưới các bức ảnh chụp. Đó không còn gọi là bù nhìn nữa mà là xác ướp.

Những người ủng hộ thấy ở ông một sự bảo đảm ổn định. Đúng là sự ổn định hoàn hảo, bởi tổng thống bị câm, bất động, như là bức tượng sáp trong bảo tàng Grevin. Thế là giới trẻ Algeria vùng lên. Libération đặt câu hỏi : Phải chăng sẽ có một mùa xuân Ả Rập mới ? Có thểnhưng sẽ gặp nhiều khó khăn, tờ báo kết luận.

Anh Vũ

Published in Châu Á