Hàn Quốc, Mỹ tổ chức cuộc tập trận hiếm hoi với hàng không mẫu hạm
VOA, 04/06/2022
Hàn Quốc và Mỹ tổ chức cuộc tập trận quân sự kết hợp đầu tiên với sự tham gia của một hàng không mẫu hạm của Mỹ trong hơn bốn năm, quân đội Hàn Quốc cho biết hôm thứ Bảy, giữa tin tức Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân.
Quân đội Hàn Quốc và Hoa Kỳ tập trận chung - Ảnh minh họa
Các cuộc tập trận kéo dài ba ngày diễn ra ở vùng biển quốc tế ngoài khơi đảo Okinawa của Nhật Bản cho đến thứ Bảy, bao gồm các hoạt động phòng không, chống hạm, chống tàu ngầm và ngăn chặn hàng hải, Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết.
Cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017. Các quan chức Seoul cho biết Bình Nhưỡng đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm với một thiết bị kích nổ để chuẩn bị cho vụ nổ dưới lòng đất lần thứ bảy.
USS Ronald Reagan, hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân 100.000 tấn, đã tham gia cuộc diễn tập, cùng với tàu tuần dương phi đạn điều hướng USS Antietam, tàu khu trục USS Benfold được trang bị hệ thống Aegis, và tàu tiếp dầu USNS Big Horn của Hạm đội, JCS cho biết.
Hàn Quốc cũng gửi tàu đổ bộ Marado 14.500 tấn, tàu khu trục Sejong Đại đế 7.600 tấn và tàu khu trục Munmu Đại đế 4.400 tấn, cùng những tàu khác.
Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên của hai nước đồng minh kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhậm chức vào tháng trước, và là cuộc tập trận song phương đầu tiên của hai nước có sự tham gia của một hàng không mẫu hạm kể từ tháng 11 năm 2017.
"Cuộc tập trận củng cố quyết tâm của hai nước để đáp trả nghiêm khắc bất cứ hành động khiêu khích nào của Triều Tiên, đồng thời thể hiện cam kết của Mỹ trong việc cung cấp sự răn đe mở rộng", JCS nói trong một phát biểu.
Tại hội nghị thượng đỉnh gần đây với ông Yoon, Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa sẽ triển khai "khí tài chiến lược" - thường bao gồm các hàng không mẫu hạm, máy bay ném bom tầm xa hoặc tàu ngầm phóng phi đạn - nếu cần thiết để răn đe Triều Tiên như một phần của nỗ lực tăng cường sự răn đe mở rộng.
Ngày thứ Sáu, các đặc phái viên hạt nhân từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã gặp nhau tại Seoul để chuẩn bị cho "mọi tình huống khả dĩ".
Hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln dẫn đầu cuộc tập trận của quân đội Mỹ ở Hoàng Hải vào tháng 3, sau khi Triều Tiên tiến hành thử nghiệm đầy đủ phi đạn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lần đầu tiên kể từ năm 2017. Nhóm tàu tấn công USS Abraham Lincoln cũng hoạt động ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên vào tháng 4.
Trong đợt thử nghiệm hạt nhân và ICBM lớn cuối cùng của Triều Tiên vào năm 2017, các hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, Theodore Roosevelt và Nimitz, cùng các nhóm tàu tấn công, đã được điều động đến gần bán đảo để phô trương lực lượng.
Triều Tiên lâu nay đã chỉ trích các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc là một cuộc diễn tập cho chiến tranh.
Theo Reuters
********************
RFA, 02/06/2022
Cuộc tập trận quốc tế do Mỹ dẫn đầu có tên RIMPAC (Vành đai Thái Bình Dương) 2022 với sự tham gia của 25.000 người từ 26 quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 29/6 đến 4/8 tới ở Hawaii nhưng không có Việt Nam tham gia. Thông báo của Hạm đội 3 Hải quân Mỹ cho biết thông tin về cuộc tập trận hôm 1/6.
AFP
Tham gia cuộc tập trận có các nước trong Bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ. Có năm nước ASEAN tham gia gồm Malaysia, Brunei, Singapore, Philippines và Thái Lan.
Chủ đề của cuộc tập trận lần này là "khả năng, thích ứng, đối tác".
Theo thông báo từ Hải quân Mỹ, cuộc tập trận nhằm mục đích cung cấp cơ hội cho các nước tham gia trong việc duy trì và củng cố các mối quan hệ quan trọng cho an toàn và an ninh trên các tuyến đường biển và các vùng biển liên lục địa.
Các lực lượng tham gia tập trận sẽ thực hiện các nhiệm vụ bao gồm : giải cứu, kiểm soát biển, các hoạt động an ninh biển và các tình huống chiến tranh phức tạp.
Tham gia cuộc tập trận có 38 tàu chiến, bốn tàu ngầm và chín lực lượng trên bộ với hơn 170 máy bay, theo thông tin từ Hạm đội ba của Hải quân Mỹ.
Lần cuối và cũng là lần đầu tiên Việt Nam cử tám sĩ quan tham gia cuộc tập trận hai năm một lần này là vào năm 2018. Việt Nam đã cử các quan sát viên đến cuộc tập trận vào các năm 2012 và 2016. Năm 2020 Việt Nam cũng được mời tham gia tập trận nhưng không tham gia vì lấy lý do đại dịch Covid-19.
Trung Quốc, nước bị Mỹ và các quốc gia đồng minh lên án về các hành động lấn lướt ở Biển Đông thời gian qua, cũng từng được mời tham gia RIMPAC lần đầu tiên vào năm 2014 với mục đích nhằm khuyến khích nước này ngừng các hành động lấn lướt và nguy hiểm ở Biển Đông. Nhưng dường như điều này đã không kiềm chế được Bắc Kinh gia tăng các hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông các năm tiếp theo.
Mỹ vì vậy đã không còn mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận vào năm 2018 để tỏ thái độ với Bắc Kinh về các hành động của nước này ở Biển Đông.
**********************
RFA, 02/06/2022
Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới đây cho biết nước này sẽ triển khai bốn tàu chiến cùng máy bay ra khu vực Ấn độ - Thái Bình Dương từ ngày 14/6 đến ngày 28/10 năm nay.
- AFP
Mục đích được nói là để "cải thiện khả năng chiến thuật của Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản (JMSDF), và tăng cường hợp tác với hải quân các nước đối tác ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương qua tập trận chung và góp phần vào hòa bình, ổn định trong khu vực, cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau và mối quan hệ với các quốc gia đối tác qua cuộc triển khai này".
Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Nhật, trong số các tàu chiến có tàu chở máy trực thăng JS Izumo (DDH-183) với ba máy bay trực thăng, tàu khu trục JS Takanami (DD-110), tàu khu trục JS Kirisame (DD-104).
Ngoài ra, còn có ba máy bay khác cũng được triển khai gồm máy bay tuần tra trên biển P – 1, máy bay diễn tập tình báo điện tử Orion UP-3D, và một máy bay tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Các tàu chiến của Nhật bản sẽ ghé thăm một số nước trong đợt triển khai, trong đó có các nước Mỹ, Úc, Philippines và Việt Nam.
Các tàu chiến của Nhật cũng sẽ tham gia một loạt các cuộc tập trận chung với các nước trong khu vực như Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Australia, Philippines.
Cũng tin liên quan đến an ninh khu vực, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ tới Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La từ ngày 10/6 và là nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật tham gia sự kiện thường niên của khu vực này kể từ năm 2014.
Đối thoại Shangri-La bắt đầu từ năm 2002 và là diễn đàn quốc phòng an ninh quan trọng nơi quy tụ các quan chức cấp cao, các nhà ngoại giao và các chuyên gia từ nhiều nước.
Chủ đề Biển Đông cũng là một trong các chủ đề thường được bàn thảo tại Đối thoại này. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch hồi năm 2018 đã đề cập đến vấn đề quân sự hóa Biển Đông ở Đối thoại Shangri-La nhưng trách nêu tên Trung Quốc.