Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp chú tâm đến Biển Đông và Châu Á, Trung Quốc bực tức (RFI, 06/05/2019)

2019 là năm hai nước Pháp và Trung Quốc kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đánh dấu sự kiện này, ngày 26/04/2019, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã đích thân đến Bắc Kinh khai mạc liên hoan văn hóa Festival Croisements, tên gọi tiếng Hoa là Mùa xuân Văn hóa Pháp-Trung. Đây là một đợt sinh hoạt văn hóa thường niên, nhưng Festival Croisements lần thứ 14 năm nay, kéo dài cho đến ngày 06/07, có một quy mô đặc biệt, với các hoạt động nghệ thuật, âm nhạc, sân khấu và triển lãm được tổ chức tại hơn 35 thành phố Trung Quốc.

biendong1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (t) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện 'Elysée (Paris - Pháp), ngày 25/03/2019. Reuters/Gonzalo Fuentes

Thông qua sự kiện văn hóa kể trên, hai nước Pháp và Trung Quốc đã phô trương một quan hệ hợp tác rất tốt. Tuy nhiên, chỉ một hôm trước đó, ngày 25/04, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc đã bất ngờ tố cáo chiến hạm Pháp xâm nhập trái phép lãnh hải Trung Quốc ở vùng eo biển Đài Loan, một cáo buộc đã bị Paris đáp trả bằng tuyên bố theo đó Pháp tái khẳng định sự gắn bó với quyền tự do hàng hải.

Căng thẳng âm ỉ trong quan hệ Pháp-Trung

Trong bài phân tích "Phải chăng quan hệ Pháp-Trung đang gặp rắc rối ?", chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 03/05 đã điểm qua tình hình quan hệ Paris-Bắc Kinh, giải thích lý do vì sao mà "các căng thẳng chính trị và kinh tế giữa hai nước vẫn âm ỉ cho dù quan hệ văn hóa song phương được tôn vinh".

Đối với The Diplomat, sự tương thông về mặt văn hóa giữa Pháp và Trung Quốc là một thực tế không thể chối cãi.

Pháp là thị trường du lịch hàng đầu ở Châu Âu cho khách Trung Quốc, thu hút khoảng 2 triệu du khách từ Trung Quốc vào năm 2017, một con số dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm. Nhiều người trong số này cũng là những người tiêu dùng cuồng nhiệt, đổ xô đến các cửa hàng sang trọng của Pháp. Công ty đường sắt quốc gia Pháp thậm chí đã cho ra mắt kênh WeChat bằng tiếng quan thoại vào tháng 3.

Liên hoan Mùa xuân Văn hóa Pháp-Trung năm nay cũng nhằm đánh dấu 55 năm ngày Paris và Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thế nhưng, theo chuyên san Nhật Bản, trong khi chờ đợi những thành tựu hợp tác văn hóa được nêu bật vào mùa hè này, thì những tháng đầu năm 2019 đã cho thấy những yếu tố không suôn sẻ cho hai nước.

Pháp muốn thức tỉnh Liên Hiệp Châu Âu trên vấn đề Trung Quốc

Điểm được The Diplomat lưu ý trước tiên là quan hệ Pháp-Trung quan trọng không chỉ trên bình diện song phương, mà còn trong toàn cảnh quan hệ Liên Hiệp Châu Âu - Trung Quốc.

Chỉ hơn sáu tháng sau khi nhậm chức tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã tuyên bố sẽ đưa quan hệ đối tác Châu Âu - Trung Quốc vào thế kỷ 21 nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tháng 1 năm 2018. Cam kết đó thể hiện ý muốn của ông là đưa nước Pháp vào vị trí trung tâm Châu Âu.

Gần đây hơn, quyết tâm tăng cường uy thế của Châu Âu của ông Macron còn được thấy rõ nhân dịp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình công du Châu Âu, nơi ông Tập phải đối mặt với một mặt trận thống nhất Châu Âu, trong một cuộc gặp, không chỉ với ông Macron, mà cả với bà Angela Merkel, thủ tướng Đức và ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu.

Ba nhà lãnh đạo Châu Âu đã nói rõ về tầm quan trọng của mối quan hệ Châu Âu - Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy Bắc Kinh giải quyết vấn đề giao dịch thương mại không công bằng, hạn chế tiếp cận thị trường Trung Quốc, nhu cầu minh bạch và các vấn đề nhân quyền.

Riêng tổng thống Macron đã ngày càng nói mạnh hơn về việc toàn thể Liên Âu phải hợp sức đối phó với Trung Quốc.

Vào tháng Ba, ông tuyên bố là thời kỳ Châu Âu còn "ngây thơ" đã qua rồi. Theo ông Macron, trong nhiều năm, Châu Âu đã có một cách tiếp cận không hợp lý và Trung Quốc đã lợi dụng sự chia rẽ của Châu Âu.

Trong một dịp khác, dù thừa nhận Trung Quốc là một cường quốc thế giới, tổng thống Pháp cảnh báo rằng các hoạt động tài chính và đầu tư của Trung Quốc có thể gặp rủi ro, đặc biệt là ở Châu Phi : "Những gì được cho là tốt trong ngắn hạn, thường có thể trở thành xấu trong trung và dài hạn".

Pháp vươn qua Châu Á khiến Bắc Kinh bất bình

Theo The Diplomat, nước Pháp dưới thời Macron đã có một cách tiếp cận táo bạo hơn trong chính sách đối ngoại nói chung, nhìn xa hơn Châu Âu, đến tận Châu Phi, cũng như Châu Á.

Việc Pháp xây dựng và tăng cường quan hệ đối tác ở các vùng Châu Phi nơi ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng, cũng như với các quốc gia ở khu vực Châu Đại Dương và vùng lân cận Trung Quốc, có lẽ đã không giúp Pháp có được thiện cảm của Bắc Kinh, đặc biệt là khi Paris có một quan điểm cứng rắn hơn đối với Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường mang dấu ấn của ông Tập Cận Bình.

Mặc dù sự tái định hướng của Paris qua khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã được tiến hành trước khi ông Macron đắc cử tổng thống vào năm 2017, nhưng tổng thống Pháp đã trở thành người công khai ủng hộ việc củng cố các mối quan hệ kinh tế và an ninh trên "trục Ấn Độ-Thái Bình Dương". Không những thế, Pháp còn biến thái độ ủng hộ thành các thỏa thuận cụ thể với các tác nhân trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam, để tăng cường hợp tác quốc phòng.

Những quan hệ mở rộng này, theo The Diplomat, rất có thể là đã làm Trung Quốc lo lắng thêm trước việc các cường quốc ngoài khu vực thiết lập quan hệ đối tác với các nước Châu Á đã sẵn sàng chống lại hành vi quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong vùng.

Hải quân Pháp : Luật biển quốc tế bị thách thức ở Biển Đông

Chính sách Châu Á Thái Bình Dương như thế nào, và cụ thể đụng chạm tới Trung Quốc ra sao ? Trong buổi điều trần ngày 11 tháng 4 năm 2018 trước Ủy ban Ngoại giao, Quốc phòng và Lực lượng Võ trang Thượng Viện Pháp, đô đốc Christophe Prazuck, tham mưu trưởng Hải quân Pháp đã nêu lên 4 thách thức đang đặt ra cho Hải quân Pháp, trong đó có hai yếu tố liên quan đến Trung Quốc :

Trước hết là sự trở lại của những "lập luận dựa trên sức mạnh", đặc biệt trong các vấn đề biển, đến từ các cường quốc tái xuất hiện, như Trung Quốc hay Nga. Trung Quốc chẳng hạn, chỉ trong vòng 4 năm, đã xây dựng được một lực lượng tương đương với toàn bộ Hải quân Pháp hiện nay. Nga thì đã nhân lên gấp 1,5 lần số lượng tàu ngầm của họ. Uy lực hải quân và chiến lược của các nước này do đó đã thay đổi trong những năm gần đây.

Một thách thức khác, theo đô đốc Prazuck liên quan đến sự suy yếu của trật tự quốc tế, được thấy đặc biệt trên biển, thể hiện qua việc luật biển quốc tế bị (Trung Quốc) đặt lại ở Biển Đông.

Riêng về sự hiện diện của Pháp ở Biển Đông, tham mưu trưởng Hải quân Pháp nhắc lại tuyên bố của ông Jean-Yves Le Drian, lúc còn là bộ trưởng quốc phòng tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore, xác định rằng trong tư cách một quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế rộng thứ hai trên thế giới, Pháp có nhiệm vụ lên tiếng về nhu cầu củng cố luật biển quốc tế đang bị thách thức ở Biển Đông.

Theo đô đốc Prazuck, tuyên bố của bộ trưởng Le Drian đã được Quân đội Pháp thể hiện trong thực tế : từ 6 đến 10 lần mỗi năm, một chiến hạm Pháp đi qua Biển Đông để khẳng định ưu thế của luật hàng hải quốc tế. Hoạt động này đã được chú ý, tàu Pháp đã bị tàu Trung Quốc theo dõi nhưng không có sự cố, trong lúc các láng giềng của Trung Quốc thì ghi nhận rằng cho đến gần đây, Pháp là quốc gia Châu Âu duy nhất có mặt ở vùng Biển Đông.

Theo The Diplomat, một lời khiển trách kỳ lạ vào tháng Tư của Bộ quốc phòng Trung Quốc, sau đó bị xóa khỏi bảng ghi chép lại, về một chuyến đi thường lệ của một tàu hải quân Pháp qua eo biển Đài Loan, là dấu hiệu phản ánh điều có thể gọi là thái độ bực bội của Bắc Kinh trước sự hiện diện của Pháp ở những khu vực mà Trung Quốc có quyền lợi.

Trung Quốc cũng có thể là không hài lòng với nỗ lực vươn ra thế giới của Pháp. Ngay cả đánh giá của Ủy Ban Châu Âu về Trung Quốc, theo đó nước này vừa là đối tác hợp tác và đàm phán, vừa là đối thủ cạnh tranh kinh tế, vừa là đối thủ mang tính hệ thống (hay là toàn diện), cũng làm Bắc Kinh bất bình.

Kinh tế sẽ gắn bó Pháp, Châu Âu với Trung Quốc

Tuy nhiên, khía cạnh kinh tế của quan hệ Trung Quốc-Pháp và Trung Quốc - Liên Hiệp Châu Âu có thể sẽ là chất keo giữ cho các mối quan hệ không bị lơi lỏng.

Liên Hiệp Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Châu Âu sau Hoa Kỳ. Thương mại hai chiều giữa khối Liên Âu và Trung Quốc đã tăng lên 1,5 tỷ euro mỗi ngày.

Giá trị cao của quan hệ thương mại đã được củng cố vào cuối tháng 3 khi Paris và Bắc Kinh ký các thỏa thuận trị giá 40 tỷ euro, bao gồm việc bán 300 máy bay Airbus và hợp đồng với Tập Đoàn Điện Lực Pháp EDF về một trang trại năng lượng gió ngoài khơi ở Trung Quốc.

Bất chấp sự chia rẽ trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu và thách thức của việc điều hòa lợi ích giữa hơn hai chục quốc gia thành viên, việc duy trì ổn định trong quan hệ giữa Paris, Bruxelles và Bắc Kinh là điều rất cần thiết cho Trung Quốc, đặc biệt là khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục sôi sục.

Trọng Nghĩa

*******************

Hai chiến hạm Mỹ đi bên trong 12 hải lý đá Ga Ven và Gạc Ma (Người Việt, 06/05/2019)

Hai chiến hạm Mỹ trang bị hỏa tiễn dẫn đường đã đi gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở quần đảo Trường Sa hôm Thứ Hai, một hành động có thể chọc tức Bắc Kinh.

biendong2

Khu trục hạm USS McCampbell thực tập bắn hỏa tiễn khi đi gần quần đảo Hoàng Sa trong một chuyến thực hiện "tự do hải hành". (Hình: US Navy)

Từ đầu năm đến nay, đã ba lần Mỹ cho các chiến hạm thực hiện các chuyến "tự do hải hành" trên Biển Đông gần với các đảo hoặc đảo nhân tạo mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền trong khi Hoa Thịnh Đốn không công nhận. Các khu vực cũng đang tranh chấp chủ quyền giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Hành động trên Biển Đông của Mỹ diễn ra trong lúc Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh đang thương thuyết để chấm dứt cuộc chiến thương mại đang diễn ra. Hôm Chủ Nhật tổng thống Donald Trump còn dọa sẽ tăng thuế quan trên 200 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc nhập vào Mỹ từ 10% lên 25% trong tuần này nếu hai nước không đạt được thỏa thuận.

Theo hãng tin Reuters thuật lời phát ngôn viên quân sự Hoa Kỳ, hai khu trục hạm trang bị hỏa tiễn điều khiển USS Preble và USS Chung Hoon đã đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đá Ga Ven (Gaven Reef) và Đá Gạc Ma (Johnson Reef) thuộc quần đảo Trường Sa hôm Thứ Hai 6/5/2019.

Đại tá Clay Doss, phát ngôn viên Hạm đội 7, cho hay "chuyến đi qua vô hại" (innocent passage) nhằm "thách đố những tuyên bố chủ quyền lãnh hải quá đáng, và cũng để duy trì quyền đi qua lại các vùng biển được luật lệ quốc tế minh định".

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông, nhiều khu vực lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước phía Nam, bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cướp năm 1974 sau trận hải chiến với VNCH. Đến năm 1988 thì Bắc Kinh cướp Đá Gạc Ma, Đá Ga Ven và mấy bãi đá ngầm khác rồi bồi đắp thành các đảo nhân tạo khổng lồ, xây dựng các căn cứ quân sự với tham vọng khống chế toàn bộ Biển Đông.

Sau khi có tin hai khu trục hạm Mỹ đi gần các đảo nhân tạo Ga Ven và Gạc Ma, Bắc Kinh cho phát ngôn viên ngoại giao Geng Shuang (Cảnh Sảng) la lối hành động của các chiến hạm Mỹ "xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, làm tổn hại hòa bình, an ninh và trật tự tốt của khu vực biển liên quan. Hải quân Trung Quốc đã cảnh cáo các tàu đó phải đi khỏi".

Hoa Kỳ không công nhận các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ Trung Quốc nên không công nhận 12 hải lý là lãnh hải của họ. Cảnh Sảng được thuật lời còn yêu cầu Mỹ "chấm dứt các hành động khiêu khích như thế", một điều các phát ngôn viên ngoại giao hay quân sự Trung Quốc luôn luôn lập lại nhưng vẫn thấy chiến hạm Mỹ tái diễn.

Chuyến "tự do hải hành" của hai khu trục hạm Mỹ hôm Thứ Hai Preble và Chung Hoon là hành động mới nhất mà Hoa Thịnh Đốn chống lại các nỗ lực của Bắc Kinh muốn dần dần giới hạn sự tự do hải hành trên Biển Đông, vùng biển có lượng hàng hóa thương mại trị giá hơn 5 ngàn tỉ đô la được chuyển vận hàng năm.

Mỹ đã nhiều lần lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông khi xây dựng các căn cứ quân sự khổng lồ tại Hoàng Sa và Trường Sa. Không những Bắc Kinh có một lực lượng hải quân với cả trăm tầu chiến, tàu ngầm đủ loại, họ còn có hàng chục tàu hải giám, hải cảnh và hàng ngàn tàu "dân quân biển" là các lực lượng quân sự trá hình.

Hồi tuần trước, Tư lệnh Lực lượng Mỹ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cảnh cáo Bắc Kinh là sẽ đối phó với các tàu hải giám, tàu "dân quân biển" như tàu quân sự của Trung Quốc. Đô đốc John Richardson được báo Anh quốc Financial Times (FT) thuật lời như trên qua một cuộc phỏng vấn phổ biến trên mạng hôm Chủ nhật 28/4/2019. (TN)

*****************

Biển Đông : Chiến hạm Mỹ lại đi vào trong vùng 12 hải lý ở Trường Sa (RFI, 06/05/2019)

Quân đội Hoa Kỳ hôm 06/05/2019 thông báo đã điều hai chiến hạm đi vào vùng 12 hải lý xung quanh hai đảo đá ngầm tại Trường Sa. Sự kiện này diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng về thương mại. Bắc Kinh lập tức lên tiếng phản đối.

biendong3

Ảnh minh họa : Chiến hạm Mỹ USS McCampbell. Ảnh chụp ngày 23/09/2016 - Reuters

Hai khu trục hạm tên lửa dẫn đường Preble và Chung Hoon đã đi vào bên trong khu vực 12 hải lý xung quanh Đá Gaven (Gaven Reefs) thuộc cụm Nam Yết và Đá Gạc Ma (Johnson Reefs) thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa. Đây là các đảo đá ngầm bị Bắc Kinh chiếm đóng từ năm 1988. Riêng Đá Gạc Ma là một trong ba địa điểm diễn ra trận hải chiến Trường Sa, quân Trung Quốc đã tàn sát 64 lính hải quân Việt Nam tại đây.

Trung tá Clay Doss, phát ngôn viên Hạm đội Bẩy nói với hãng tin Reuters, việc "đi qua vô hại" này là nhằm "thách thức các yêu sách phi lý về chủ quyền trên biển, và bảo đảm quyền đi vào các tuyến đường hàng hải theo luật pháp quốc tế".

Đây là hoạt động mới nhất để chống lại các nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạn chế tự do hàng hải tại vùng biển chiến lược này. Washington cũng đã nhiều lần đả kích việc Bắc Kinh xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo và thực thể ở Biển Đông.

Hôm nay phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố : "Trung Quốc hết sức bất bình và kiên quyết phản đối" hoạt động hàng hải này của Mỹ.

Như vậy, hai tuần sau cuộc biểu dương lực lượng kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc, mà Hoa Kỳ chỉ gởi một phái đoàn cấp thấp đến dự, chiến hạm Mỹ lại tiến hành hoạt động "đi qua vô hại" trên Biển Đông. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp lực lên Bắc Kinh qua việc loan báo tăng thuế nhập khẩu vào 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, và có thể tiếp tục áp thuế lên toàn bộ 325 tỉ đô la hàng còn lại.

Thụy My

*****************

Bắc Kinh ‘mập mờ đánh lận con đen’ sẽ dẫn đến xung đột trên Biển Đông (Người Việt, 05/05/2019)

"Trò mập mờ đánh lận con đen" của Trung Quốc khi dùng các tàu bán quân sự và tàu đánh cá trong tranh chấp chủ quyền sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột trên Biển Đông. Chính sách đó không phải là không ai nhìn thấy nên sẽ làm mất ổn định tại các vùng biển đang tranh chấp chủ quyền giữa các nước ở khu vực".

biendong4

Nhóm tàu đánh cá "dân quân biển" của Trung Quốc có tàu hải giám hộ tống biểu dương sức mạnh tập thể trên biển. (Hình : globaltimes.cn)

Báo South China Morning Post (SCMP) hôm Chủ Nhật, 5/5/2019 dẫn lời báo động của một chuyên viên về an ninh khu vực cho hay như vậy.

Thời gian gần đây, Bắc Kinh đã đưa tới 275 chiếc tàu đánh cá có sự hộ tống của các tàu hải giám đến vây quanh một bãi cát gần đảo Thị Tứ hiện do Philippines trấn giữ trong quần đảo Trường Sa. Manila đã phản đối gay gắt với Bắc Kinh về nguy cơ trở thành điểm nóng, gây mất ổn định, an ninh khu vực.

"Đội tàu đông nghịt với khả năng chịu đựng dài ngày tại một chỗ không phải là chuyện nhỏ nhờ khoảng cách không xa lắm với các đảo nhân tạo gần đó của Trung Quốc, chẳng hạn như đảo Su Bi. Nơi đây có thể cung cấp trú ẩn cho những tàu đó nếu thời tiết bão tố".

Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam School of International Studies thuộc đại học Nanyang Technological University ở Singapore nhận xét.

"Các tàu đó có thể dừng tại các cơ sở (trên đảo Su Bi), tiếp nhận nhiên liệu, thực phẩm rồi quay trở lại vây đảo Thị Tứ, chứ không cần phải trở về bến cảng tại lục địa", ông Koh nói trên SCMP.

Những năm gần đây, đặc biệt từ lúc Bắc Kinh ồ ạt và gấp rút xây dựng 7 đảo nhân tạo trên Biển Đông, nhiều nhà phân tích thời sự đã báo động về sự hiện diện quá đông đảo của lực lượng bán quân sự và đội tàu "dân quân biển" của Trung Quốc, xuất hiện ngày mỗi nhiều hơn trước.

Cuối tháng 3/2019, Sở An Toàn Hàng Hải của tỉnh Quảng Đông loan báo sẽ bắt đầu đóng chiếc tàu cho hải giám lên tới 10.200 tấn, dự trù hạ thủy trước tháng 9/2021. Chiếc tài này tương đương với một chiếc khu trục hạm cỡ lớn, được coi như tàu lớn nhất trong lực lượng bán quân sự của Bắc Kinh.

Cuối năm ngoái, Bắc Kinh loan báo 3 trung tâm quan sát hải dương đã bắt đầu hoạt động tại các đảo nhân tạo Đá Chữ Thập, Su Bi và Vành Khăn. Ba đảo nhân tạo này được coi là 3 đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc bồi đắp tại Trường Sa, trên đó, có các phi đạo dài 3.000 mét cùng các giàn hỏa tiễn phòng không, hỏa tiễn chống tàu biển, các đài radar, hàng trăm cơ sở quân sự.

Đến tháng 1/2019, Trung Quốc loan báo đã xây dựng trung tâm cứu hộ hàng hải trên đảo nhân tạo Đá Chữ Thập nhằm hậu thuẫn cho các vài trò "cứu mạng người". Trong khi Bắc Kinh khoe các cơ sở vừa kể sẽ giúp bảo vệ an toàn hàng hải, các nước khác nhìn thấy trong đó có sự mập mờ giữa nhu cầu dân sự và quân sự của Trung Quốc. Giới chuyên gia gọi đó là "chiến thuật vùng xám" nhằm đánh lừa các nước khác.

Hồi tuần trước, Tư lệnh Lực lượng Mỹ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cảnh cáo Bắc Kinh là sẽ đối phó với các tàu hải giám, tàu "dân quân biển" như tàu quân sự của Trung Quốc. Đô đốc John Richardson được báo Anh Quốc Financial Times (FT) thuật lời như trên qua một cuộc phỏng vấn phổ biến trên mạng hôm Chủ Nhật, 28 tháng 4/2019.

Trong cuộc phỏng vấn của báo Financial Times, Đô Đốc Richardson nói rằng ông "xác định rõ rệt rằng Hải Quân Hoa Kỳ sẽ không (thể) bị hiếp đáp và vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động thường lệ và hợp pháp trên thế giới".

Năm ngoái, người ta thấy nhiều máy bay quân sự Trung Quốc đã giáp xuống đảo Đá Chữ Thập dù Bắc Kinh từng tuyên truyền nhiều lần là các đảo nhân tạo họ bồi đắp chỉ cho các nhu cầu dân sự. Những gì người ta nhìn thấy từ xa qua hình ảnh vệ tinh đã chứng minh ngược lại.

"Các tòa nhà (cao tầng) trên các đảo nhân tạo thường được mô tả là nhà tạm trú cho ngư dân và các mục tiêu dân sự khác, nhưng cũng có thể được lính sử dụng", ông Koh nhận định.

Theo ông Koh, việc Bắc Kinh mập mờ gia tăng sử dụng các lực lượng hải giám và dân quân biển sẽ càng làm cho các nước ASEAN thêm âu lo, cũng như thêm khó khăn cho việc đàm phán một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) giảm thiểu nguy cơ xung đột võ trang. (TN)

Published in Châu Á