Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tập Cận Bình kêu gọi Trump "kiềm chế" (RFI, 24/04/2017)

Theo dự kiến, hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson đến bán đảo Triều Tiên trong vài giờ tới. Nhật Bản gửi hai chiếc tầu khu trục đến tham gia tập trận cùng với hạm đội Mỹ. Trung Quốc hôm nay, 24/04/2017, kêu gọi Hoa Kỳ và các bên liên quan "kiềm chế".

btrt1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại tư dinh ở Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida, ngày 06/04/2017. REUTERS

Truyền thông Trung Quốc loan báo, trong cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ, chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng "Trung Quốc hy vọng tất cả các bên kiềm chế và tránh mọi hành động gây căng thẳng trên bán đảo" Triều Tiên.

Theo lãnh đạo Trung Quốc, "biện pháp duy nhất để có thể giải quyết một cách nhanh nhất hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên và để thực hiện việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo, đó là mỗi bên liên quan nên gánh vác một phần trách nhiệm của mình". Ông Tập Cận Bình cho biết thêm là Trung Quốc phản đối mọi sáng kiến đi ngược với các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Cuộc điện đàm này, cũng là lần trao đổi thứ hai từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, diễn ra vào lúc căng thẳng gia tăng giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ. Chính quyền Bình Nhưỡng lại có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo mới vào ngày mai, thứ Ba 25/04, nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân.

Trước khi nói chuyện với chủ tịch Tập Cận Bình, tổng thống Donald Trump cũng có cuộc điện đàm với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản cho biết là ông đánh giá cao lập trường của tổng thống Mỹ, nhấn mạnh là "mọi giải pháp đều có thể thương lượng" trước mối đe dọa của Bình Nhưỡng.

Một dấu hiệu khác cũng cho thấy chính quyền Trump đang tập trung vào hồ sơ Bắc Triều Tiên. Theo tiết lộ của một quan chức cao cấp trong chính phủ, vào thứ Tư 26/04, các nghị sĩ được triệu mời đến Nhà Trắng dự một phiên họp cấp cao để bàn về cuộc khủng hoảng.

Lãnh đạo ngoại giao Rex Tillerson và bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis cũng sẽ tham dự, cũng như giám đốc tình báo quốc gia Dan Coats và tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, tướng Joseph Dunford.

Hàn Quốc cũng muốn tập trận chung với hàng không mẫu hạm Mỹ

Theo Reuters, vào lúc hai khu trục hạm Nhật Bản thao dượt chung với hải đội tác chiến USS Carl Vinson gần bán đảo Triều Tiên, Seoul cũng muốn tập trận chung với hải đội này. Hôm thứ Hai 24/04/2017, phát ngôn viên của bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết Seoul đang thảo luận với Hải Quân Mỹ, nhưng không loan báo chi tiết.

Cuộc tập trận Mỹ-Nhật khai diễn từ Chủ Nhật. Bắc Triều Tiên đe dọa sẽ "đánh đắm" tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson.

Minh Anh

*************************

Phó Tổng thống Mỹ kết thúc công du Châu Á-Thái Bình Dương (RFI, 23/04/2017)

Ngày 23/04/2017, phó tổng thống Mỹ Mike Pence kết thúc tại Úc chuyến công du Châu Á-Thái Bình Dương kéo dài 10 ngày. Ông Mike Pence tới Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Úc trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Triều Tiên gia tăng.

btrt3

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (T) gặp thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Dinh Toàn quyền Úc, Sydney, ngày 22/04/2017. REUTERS/Jason Reed

Trong một cuộc họp báo ở Sydney ngày 22/04, ông Mike Pence phát biểu rằng cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên vẫn có thể được giải quyết một cách hòa bình nếu có sự hỗ trợ của Trung Quốc. Cũng nhân dịp này, phó tổng thống Mỹ thông báo tàu sân bay USS Carl Vinson và đội tàu hộ tống sẽ tới biển Nhật Bản trong vài ngày tới.

Liên quan tới chủ đề di dân, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã trấn an Canberra và cam kết sẽ tiếp nhận những di dân, người tị nạn bị Úc từ chối, mặc dù theo như ông nói, đó không phải thỏa thuận mà tân chính quyền Mỹ đề cao.

Ông Mike Pence phát biểu cam kết này được coi là một tín hiệu cho thấy tổng thống Donald Trump đã nhượng bộ trước thủ tướng Úc Malcom Turnbull vì "tầm quan trọng to lớn của liên minh lịch sử giữa Mỹ và Úc", ý muốn nói tới cam kết của Úc trong cuộc chiến tại Irak và Syria.

Thỏa thuận tiếp nhận di dân bị Úc từ chối được ký từ thời tổng thống Barack Obama. Úc không muốn tiếp nhận di dân, phần lớn là người Hồi giáo, và vào tháng 11/2016, tổng thống Obama đã cam kết cấp visa tới Hoa Kỳ cho tối đa 1.250 di dân bị Úc từ chối tiếp nhận. Tuy nhiên, khi bước chân vào Nhà Trắng, ông Donald Trump đã gọi đó là một thỏa thuận "ngu ngốc".

Thùy Dương

Published in Châu Á