Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 01 février 2018 20:17

Đất nước nhìn từ Kuala Lumpur

Không được lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để chống phá nhà nước.

Tòng Thị Phóng

Phó Chủ tịch quốc hội

Tôi có chút giao tình với nhà biên khảo Đỗ Hải Minh. Ông tên thật là Dohamide Abu Talib, sáng lập viên của Hiệp Hội Chàm Hồi giáo Việt Nam – một tổ chức đã bị nhà đương cuộc Hà Nội giải thể sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Nhờ vào những công trình biên soạn công phu và thấu đáo của Dohamide Abu Talib nên sự hiểu biết của tôi về đạo Hồi (*) thêm được phần nào khách quan và chính chắn. Những điều răn dạy của kinh Qr’an rất nhân bản và thực tiễn :

- Vinh danh và kính trọng cha mẹ

- Bố thí rộng rãi cho người nghèo

- Bảo vệ và chu cấp trẻ mồ côi

- Trong sạch trong tình cảm và tinh thần.

- Khiêm tốn

- Cư xử công bằng với mọi người

- Tôn trọng quyền của người khác

Đến Malaysia, tôi mới được tận mắt nhìn thấy cách "cư xử công bằng" và "tôn trọng quyền của tha nhân" của những tín đồ Islam đối với những tôn giáo khác – dù điều luật thứ nhất của kinh Qu’ran là "chỉ tôn thờ một Thượng Đế (Allah) thôi.

Có hôm, đang ngơ ngác giữa thủ đô của đất nước này tôi thoáng thấy một mùi hương quen thuộc. Phải mất đến vài giây mới nhận ra là khói nhang Ấn Độ mà mình đã từng biết, khi đi qua những ngôi Chùa Chà ở quê nhà. Ở Kuala Lumpur – ngay góc đường Jalan Sehala và Jalan Pudu Lama – có một cái đền thờ nhỏ xíu xiu hà, nó nhỏ đến độ người ta phải đặt màn hình để cho số tín đồ đứng tràn ra bên ngoài nhìn thấy được cảnh hành lễ bên trong.

Tôi nghĩ rằng nơi đây chắc phải "thiêng" ghê lắm nên thiên hạ mới tụ tập đông đúc tới cỡ này. Nhưng chỉ vài phút sau, sau khi dạo quanh khu Phố Tàu, tôi mới biết là không phải vậy.

Giữa China Town thì sự hiện diện của chùa Tàu không phải là chuyện lạ. Điều lạ là cạnh đó (bên kia đường Laluan Sehala) lại có thêm một cái Chùa Chà khác, rất nguy nga, và cũng vô cùng tấp nập – dù ở Malaysia chỉ có chừng sáu phần trăm dân số là người Ấn Độ hay gốc Ấn. Cách đó không xa là Wisma Methodist Church, với thập tự giá cao vút trên không.

Thảo nào mà Kuala Lumpur có danh hiệu là The City of Contrast and Diversity. Tôi không chỉ kinh ngạc về sự tương phản và đa dạng của thủ đô Mã Lai mà còn choáng ngợp về nét tân kỳ và thanh nhã của thành phố tráng lệ này. Cũng như Singapore, Kuala Lumpur cho tôi thấy một Đông Nam Á khác : văn minh, an bình, và nhiều triển vọng – điều mà tôi không nhìn ra trong những ngày tháng sống ở Manila, Phnom Penh, Vientiane, hoặc Rangoon. Ngay ở Bangkok (nơi phồn thịnh hơn thấy rõ) những dòng xe di chuyển như kiến bò, hay những con kinh nước chẩy lừ đừ vì ô nhiễm, khiến tôi cảm thấy rất bất an khi nghĩ đến tương lai của thủ đô nước Thái.

datnuoc1

Ảnh chụp tháng 1 năm 2018

Theo Wikipedia :

Kể từ khi độc lập, Malaysia trở thành một trong những nước có hồ sơ kinh tế tốt nhất tại Châu Á, GDP  tăng trưởng trung bình 6,5% trong gần 50 năm. Về truyền thống, yếu tố thúc đẩy kinh tế Malaysia là các nguồn tài nguyên thiên nhiên, song quốc gia cũng phát triển các lĩnh vực khoa học, du lịch, thương mại hay du lịch y tế. Ngày nay, Malaysia có một nền kinh tế thị trường công nghiệp mới, có GDP danh nghĩa xếp thứ ba tại Đông Nam Á (10.756,00 USD) và xếp thứ 29 trên thế giới.

Đáng trân trọng hơn hết là nét hài hoà và sự bao dung của Kuala Lumpur. Ở đây, dù tận lực phát triển nhưng con người vẫn rất nương nhẹ và sống hài hoà với thiên nhiên. Dưới chân một công trình kiến trúc kỳ vỹ (K.L Tower , ngọn tháp truyền thông cao nhất Đông Nam Á – 1,381 feet – đặt trên nền của 50 ngàn mét khối xi măng cốt sắt) vẫn có bảng cảnh báo là "đừng cho khỉ thức ăn". Thú hoang vẫn còn chốn nương thân giữa vô số những cao ốc vươn cao chót vót đến tận trời xanh.

datnuoc2

Bảng cảnh báo ("Do not feed the monkey") dưới chân tháp Kuala Lumpur Tower

Cũng nơi đây, dù Allah được coi là đấng Thượng Đế tối cao duy nhất (và hiến pháp Malaysia thừa nhận đạo Hồi là quốc giáo) dân Mã Lai vẫn mở rộng vòng tay chào đón tất cả những tôn giáo khác : Phật giáo, Công giáo, Ấn giáo, Khổng giáo, Lão giáo...

Tưởng cũng nên nói thêm : từ tháng 8 năm 1978 đến tháng 10 năm 1991, đã có 250 ngàn người Việt Nam tị nạn cộng sản tìm đến Mã Lai, và được cho tạm trú ở Pulau Bidong trong một thời gian không ngắn. Ân tình này cần phải được ghi nhận và luôn ghi nhớ.

Sự bao dung của thiên hạ khiến tôi vô cùng cảm động, và không khỏi trạnh lòng nghĩ đến phần quê hương bất hạnh của mình.

Trong bản dự thảo Nhận Định Tuyên Bố Về Nhân Quyền Đầu Năm 2018, đọc được trên trang Tiếng Dân  (hôm 22 tháng 1 vừa qua) có đoạn nhận định như sau :

"Việc sách nhiễu, vu khống, hăm dọa đan viện Thiên An tại Thừa Thiên-Huế, nhất là cuộc tấn công phá hủy Thánh giá, biểu tượng đức tin Công giáo, và hành hung các đan sĩ ngày 28 và 29/06/2017. Tất cả đều nhằm ý đồ tước đoạt đất đai của họ. Chúng tôi cũng phản đối việc tấn công nhiều Giáo xứ tại Giáo phận Vinh (như Phú Yên, Song Ngọc, Văn Thai, Đông Kiều, Kẻ Gai, Phúc Lộc) trong năm 2017 ; việc ngăn chận nhiều chức sắc Phật giáo Thống nhất và Công giáo cầu nguyện chung nhân Ngày Nhân quyền 10/12/2017, việc cản trở Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy cử hành đại lễ Đản sanh Đức Huỳnh Giáo chủ ngày 11/01/2018, việc bắt cóc Mục sư Đoàn Văn Diên từ ngày 24/12/2017, việc sách nhiễu chánh trị sự Hứa Phi tại Lâm Đồng từ hôm 12/01/2018…".

Hai hôm sau, RFA ái ngại loan tin :

"Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang vào sáng ngày 23 tháng Một đã tuyên án 12 năm tù đối với một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy là ông Vương Văn Thả, với cáo buộc theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’. Ông Vương Văn Thả, cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, ngụ tại tỉnh An Giang, là một cựu tù nhân lương tâm. Ông Thả từng bị kết án 3 năm tù hồi năm 2012 với cáo buộc ‘Lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, công dân’, theo Điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam, và mãn án vào hồi đầu tháng 10 năm 2015.

Vào dịp Tết Nguyên Đán năm Đinh Dậu, ông Vương Văn Thả bắt đầu lên tiếng trên mạng xã hội về hoàn cảnh và chính kiến của ông đối với chế độ Cộng sản tại Việt Nam. Cả gia đình ông Vương Văn Thả, gồm 9 người bị lực lượng công an, cảnh sát cơ động…bao vây cô lập trong thời gian gần 2 tháng, cho đến ngày 18 tháng 5 năm 2017, ông Vương Văn Thả cùng người con trai và hai người cháu song sinh bị bắt".

datnuoc3

Ông Vương Văn Thả (giữa) bị bắt hồi Tháng Năm, 2017. Ảnh : Facebook Lê Văn Sơn

Qua ngày sau, ngày 24 tháng 1, nhật báo Người Việt cho biết thêm chi tiết :

"Không biết đọc, không biết viết vì không được đi học nhưng hai ông Nguyễn Nhật Trường và Nguyễn Văn Thượng 32 tuổi, là anh em sinh đôi, vẫn bị Tòa Án Nhân Dân tỉnh An Giang tuyên án 6 năm tù giam về tội ‘Tuyên truyền chống nhà nước’. Trong cùng phiên tòa diễn ra vào ngày 23 Tháng Giêng, ông Vương Văn Thả bị tuyên phạt 12 năm tù, con trai ông là Vương Thanh Thuận lãnh án 7 năm tù. Trang Phật giáo Hoà Hảo Thuần Túy xác nhận cả bốn bị cáo trong vụ này đều là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo...".

Ông Vương Văn Thả cùng hai con, và những người đồng đạo chắc chắn sẽ được sống yên lành (thay vì phải lâm vào cảnh tù đầy) nếu họ có cơ hội được sống ở một quốc gia nào khác – ngoài Việt Nam – như Malaysia chả hạn. Tôi còn trộm nghĩ thêm rằng sở dĩ đất nước này giàu có, phú túc, và an bình không chỉ vì có nhiều tài nguyên thiên nhiên mà còn vì ngân qũi quốc gia của họ không bị ăn cắp và cũng không phải chi dùng cho việc đàn áp nhân quyền hay bách hại tôn giáo – như ở quê mình.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 01/02/2018 (tuongnangtien's blog)

(*) Theo Wikipedia : "Hồi giáo (tiếng Ả Rập : الإسلامal-'islām), còn gọi là đạo Islam, là một tôn giáo độc thần thuộc nhóm các tôn giáo Abraham". Nhà biên khảo Dohamide Abu Talib (Đỗ Hải Minh) cho chúng tôi biết thêm rằng người Việt chúng ta đã quen dùng hạn từ Hồi giáo rồi, dù sự thực từ "hồi" theo đúng nghĩa thì chỉ là tôn giáo của tộc Hồi theo đạo Islam ở bên Tàu thôi nên dịch Islam là Hồi giáo chung chung thì e hơi gượng ép.

Published in Diễn đàn

Chính phủ Miến Điện cáo buộc quân nổi dậy Rohingya dùng trẻ em làm lính (RFI, 28/08/2017)

Hôm 28/08/2017, bà Aung San Suu Kyi, người trên thực tế lãnh đạo chính phủ Miến Điện, cáo buộc quân nổi dậy người Rohingya Hồi giáo sử dụng trẻ em làm lính và đốt cháy nhiều ngôi làng.

myanmar1

Lính biên phòng Bangladesh ngăn người Rohingya vượt biên từ Miến Điện qua biên giới tị nạn ngày 27/08/2017. Reuters/Mohammad Ponir Hossain

Trên trang Facebook cá nhân, cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi tố cáo "quân khủng bố" chống lại lực lượng an ninh Miến Điện bằng cách đưa lính trẻ em lên chiến tuyến. Chính quyền Miến Điện khẳng định rằng chính những trẻ em đó đã dùng dao tham gia các vụ tấn công từ thứ Sáu tuần trước (25/08) vào các đồn cảnh sát biên phòng.

Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, cần phải thận trọng trước cáo buộc nói trên, bởi vì cho tới nay chính phủ của bà Aung San Suu Kyi vẫn ủng hộ quân đội Miến Điện, trong khi lực lượng này bị các tổ chức nhân quyền quốc tế, như Human Rights Watch, tố cáo là đã phóng hỏa nhiều ngôi làng của người Hồi giáo và phạm nhiều tội ác.

Quân đội Cứu nguy Rohingya Arakan, lực lượng nổi dậy, đã tấn công vào các đồn biên phòng, bác bỏ lời cáo buộc của chính phủ Aung San Suu Kyi. Trên trang Twitter, lực lượng này khẳng định, khi bố ráp các làng của người Hồi giáo, binh lính Miến Điện đã đem theo các "phần tử cực đoan" Phật Giáo, và những người này đã đốt nhiều nhà của dân làng.

Bạo động hiện vẫn tiếp diễn tại bang Rakhine, miền tây Miến Điện, nơi từ nhiều năm qua, tình hình vẫn rất căng thẳng giữa cộng đồng Hồi giáo Rohingya và cộng đồng Phật Giáo. Theo thống kê của cảnh sát, từ thứ Sáu đến nay, các trận giao tranh đã khiến ít nhất 92 người thiệt mạng, trong đó có 12 người bên phía lực lượng an ninh.

Giáo hoàng Francis hôm qua đã bày tỏ tình liên đới và kêu gọi tôn trọng quyền của thiểu số Hồi giáo Rohingya. Hôm nay, tòa thánh Vatican cũng vừa thông báo là giáo hoàng sẽ thăm Miến Điện vào cuối tháng 11 tới, trước khi thăm Bangaldesh.

Thanh Phương

************************

Miến Điện : Thường dân Rohingya kẹt giữa hai làn đạn (RFI, 28/08/2017)

Do chiến sự nổ ra giữa quân nổi dậy với quân đội Miến Điện, hàng ngàn người Hồi giáo Rohingya đang chạy về phía biên giới Bangladesh để lánh nạn. Như vậy là một lần nữa, thường dân của cộng đồng thiểu số này lại bị kẹt giữa hai làn đạn.

myanmar2

Người Rohingya vượt rào biên giới tìm đường chạy nạn sang Bangladesh ngày 27/08/2017. Reuters/Mohammad Ponir Hossain

Hiện có khoảng 1,1 triệu người Rohingya sinh sống tại bang Rakhine và đây vẫn được xem là một trong những cộng đồng thiểu số bị truy bức nặng nề nhất thế giới, nhất là vì họ là những người vô tổ quốc, không được xem là công dân Miến Điện, mà chỉ là người Bengali nhập cư trái phép. Nhưng Bangaldesh thì cũng xem người Rohingya là những người nhập cư trái phép và thường không cho họ sang tị nạn.

Không những thế, thường dân Rohingya còn thường xuyên là mục tiêu trả đũa của quân đội Miến Điện. Tháng 10 năm ngoái, sau cuộc tấn công vào các đồn cảnh sát, mà quân nổi dậy Rohingya bị nghi là thủ phạm, quân đội Miến Điện đã mở các "chiến dịch chống khủng bố" tại bang Rakhine. Binh lính Miến Điện lúc đó bị tố cáo đã gây ra nhiều vụ truy bức sắc tộc, giết người, hãm hiếp và tra tấn đối với thường dân Rohingya.

Lần này cũng vậy, sau cuộc tấn công của quân nổi dậy Rohingya vào các đồn cảnh sát thứ Sáu tuần trước, quân đội Miến Điện, cùng với các phần tử Phật Giáo cực đoan đã bố ráp các ngôi làng Rohingya, đốt cháy nhiều nhà của dân làng, theo lời tố cáo của các tổ chức phi chính phủ.

Trước tình hình đó, hàng ngàn người của cộng đồng thiểu số này trong những ngày qua đã vượt biên chạy sang láng nạn bên nước Bangladesh láng giềng. Khoảng 3000 người đã sang được Bangladesh, nhưng từ hôm qua, lính biên phòng Bangladesh đã đẩy trở lui hàng ngàn người tị nạn Rohingya khác, mặc dù có tin là lính Miến Điện đã bắn vào thường dân vượt biên.

Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân đạo quốc tế đang nỗ lực cứu trợ cho những người tị nạn Miến Điện, nhưng các tổ chức này đã buộc phải rút một số nhân viên, sau khi chính phủ cho biết họ đang điều tra về sự dính líu của các tổ chức nhân đạo vào cuộc tấn công của quân nổi dậy vào một ngôi làng trong tháng tám.

Vào tuần trước, một ủy ban quốc tế, đứng đầu là cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã kêu gọi chính quyền Miến Điện nên cho thiểu số Rohingya được hưởng thêm nhiều quyền, nếu không thì có nguy cơ là ngày càng có nhiều người thuộc cộng đồng này trở nên cực đoan. Ủy ban Annan được thành lập vào năm ngoái chính là theo yêu cầu của bà Aung San Suu Kyi.

Báo cáo của ủy ban này đề nghị chính quyền đóng cửa toàn bộ các trại tạm cư, hiện đang có tổng cộng 120 000 người Rohingya tản cư, ở bang Rakhine và cho họ một nơi ở đàng hoàng hơn.

Nhưng trong báo cáo, Ủy ban Kofi Annan đã tránh dùng chữ "Rohingya", một từ vẫn là cấm kỵ ở Miến Điện. Điều này cho thấy là không dễ gì giải quyết được vấn đề Rohingya và như vậy là thường dân của cộng đồng thiểu số này sẽ còn tiếp tục kẹt giữa hai làn đạn.

Thanh Phương

************************

Miến Điện : Nguy cơ nội chiến ở bang miền tây Rakhine (RFI, 27/08/2017)

Bang Rakhine ở phía tây Miến Điện lại rơi vào vòng xoáy bạo lực sau loạt tấn công ngày 25/08/2017 của người nổi dậy Rohingya theo Hồi giáo nhắm vào các trạm cảnh sát Miến Điện. Ít nhất 92 người chết trong các cuộc đụng độ.

myanmar3

Đoàn người Rohingya vượt biên giới sang Banladesh trốn chạy xung đột bạo lực ngày 26/08/2017. Reuters/Mohammad Ponir Hossain

Hàng nghìn người Hồi giáo Rohingya tìm đường trốn khỏi Miến Điện thông qua ngả Bangladesh. Ngày 26/08, lực lượng an ninh Miến Điện gần đồn biên phòng Ghumdhum thậm chí đã nổ súng vào thường dân, khiến 12 người thiệt mạng. Tình hình hiện nay có thể dẫn đến một đợt trấn áp mới của quân đội Miến Điện đối với thường dân người Rohingya.

Thông thông tín viên RFI trong khu vực, Arnaud Dubus, tường trình :

Bạo lực lại nổi lên ở bang Rakhine và bắt đầu giống một cuộc nội chiến nhỏ. Những người Rohingya nổi dậy, được huấn luyện và nhận tài trợ từ nước ngoài, đã tấn công lực lượng an ninh Miến Điện. Lực lượng này buộc phải phản công truy đuổi quân nổi dậy. Cuộc tấn công cũng nhắm vào thường dân thiểu số Hồi giáo Rohingya đang đi lánh nạn.

Cách đây vài hôm, cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã trình một bản báo cáo lên ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi. Trong đó, ông Annan đề xuất trao thêm quyền tự do đi lại cho thường dân Rohingya và đóng cửa các trại tị nạn nơi có khoảng 120.000 người Rohingya sinh sống từ năm 2012.

Trước các đợt bạo động xảy ra trong những ngày qua, bà Aung San Suu Kyi khó có thể phản ứng ngay lập tức, trong khi đó, quân đội mới là người có tiếng nói cuối cùng về hồ sơ Rakhine.

Các cuộc đụng độ gần đây có nguy cơ đẩy mạnh vòng xoáy bạo lực và xâm phạm nhân quyền, trong đó có cả tình trạng hãm hiếp tập thể và sát hại thường dân, như từng xảy ra ở vùng này vào tháng 10/2016 sau những cuộc tấn công đầu tiên của các nhóm nổi dậy Rohingya.

Ngày hôm qua (26/08) quân đội bắn súng cối vào một số nhóm người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, đang tìm cách vượt biên giới giữa Miến Điện và Bangladesh là một dấu hiệu đầu tiên.

Bangladesh không nhận thêm người Rohingya Miến Điện

Ngày 26/08/2017, chính quyền Dhaka tuyên bố không nhận thêm người Rohingya vào nước này, vì hiện đã có khoảng 400.000 người Miến Điện sống tại Bangladesh. Theo trang Prothom Alo, Bộ Ngoại giao Bangladesh đã triệu ông Aung Myint, quan chức ngoại giao Miến Điện tại Dhaka, để bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về những sự kiện mới diễn ra, đồng thời yêu cầu chính quyền Naypyidaw có những biện pháp chấm dứt nhanh chóng làn sóng người Rohingya tràn sang Bangladesh.

Theo một tổ chức phi chính phủ của Malaysia bảo vệ người Hồi giáo (Malaysia Consultative Council of Islam Organisations, Mapim), Kuala Lumpur và Jakarta nên gây sức ép với chính quyền Miến Điện để ngừng truy bức người Hồi giáo Rohingya.

Cũng trong ngày 26/08, hãng tin AP trích phát biểu của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, cho biết Hoa Kỳ cũng lên tiếng yêu cầu chính quyền Miến Điện nhanh chóng có những biện pháp nhằm giảm căng thẳng, đồng thời tôn trọng luật pháp và bảo vệ nhân quyền cũng như những quyền tự do cơ bản.

Trước hàng nghìn giáo dân tập trung trên quảng trường Saint-Pierre sáng 27/08, giáo hoàng Francis "cầu nguyện đấng Tối cao cứu giúp" cộng đồng thiểu số Rohingya theo Hồi giáo ở Miến Điện đang bị truy bức và yêu cầu tôn trọng các quyền của họ. Theo báo chí, giáo hoàng Francis có thể đến thăm Miến Điện và Bangladesh vào cuối tháng 11/2017.

Thu Hằng

Published in Châu Á