Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hồng Kông 6 tháng tranh đấu : Dân không lùi, chính quyền lộ rõ điểm yếu (RFI, 20/12/2019)

Cách đây hơn 6 tháng, phong trào phản kháng chống dự luật dẫn độ tại Hồng Kông bùng phát. Khủng hoảng khiến đặc khu kinh tế lao đao ; bóng ma Bắc Kinh can thiệp lơ lửng ; bạo lực, bắt bớ khiến tưởng có lúc khiến một bộ phận dân chúng buông bỏ vì mệt mỏi, sợ hãi. Thế nhưng Hồng Kông vẫn đứng vững, đoàn kết. Hàng loạt sai lầm và điểm yếu của chính quyền thân Trung Quốc lộ rõ, đặc biệt là tính chất phản dân chủ của bộ máy công lực.

hk1

Biểu tình rầm rộ với cả triệu người ở Hồng Kông, ngày 08/12/2019. Reuters/Danish Siddiqui

Theo một thống kê, cảnh sát đã sử dụng tổng cộng 12.000 lựu đạn cay, tiến hành khoảng 6.000 vụ bắt giữ, rất nhiều trạm metro bị phá hủy, một thanh niên biểu tình thiệt mạng. Thủ phủ tài chính hàng đầu Châu Á có lúc tưởng rơi vào hỗn loạn. Thế nhưng cuộc tuần hành đòi dân chủ, ngày 08/12/2019, vẫn diễn ra ôn hòa, với 800.000 người tham gia (theo ban tổ chức), như một tín hiệu kiên định gửi đến chính quyền đặc khu và ban lãnh đạo chế độ cộng sản Trung Quốc.

Trả lời RFI, giáo sư Jean-Philippe Béja, chuyên gia Hán học Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), nhận xét : "800 nghìn người tham gia, điều đó chứng tỏ là dân chúng vẫn hoàn toàn nỗ lực tham gia phong trào tranh đấu. Nếu như lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga và giới lãnh đạo Bắc Kinh hy vọng mọi người chán nản, thì họ đã thất bại. Người Hồng Kông cương quyết bảo vệ bản sắc của mình, lối sống của mình và, nếu có thể, sẽ cải thiện cả hệ thống chính trị nữa".

Trông đợi "đa số thầm lặng" ủng hộ

Trong nhiều tháng, lãnh đạo Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đã đặt cược vào sự ủng hộ của "đa số thầm lặng" sớm hay muộn sẽ chống lại cuộc phản kháng của giới trẻ, đang ngày càng trở nên quyết liệt hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bà Lâm đã tính sai. Trong cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11, cử tri đã nghiêng hẳn về các ứng cử viên dân chủ. Phe dân chủ giành thắng lợi tại 17 trên 18 quận, với 452 ghế đại biểu hội đồng quận (trên tổng số 479 ghế). Thắng lợi chưa từng có kể từ năm 1997, khi Hồng Kông được trao lại cho Trung Quốc.

Theo nhà Trung Quốc học Sebastian Veg, giám đốc nghiên cứu École des Hautes Etudes en Sciences Sociales (EHESS), Paris, chiến thuật làm làm lơ trước các đòi hỏi của dân chúng đã bị "phá sản hoàn toàn". Ông nói :

"Đây là một thất bại hoàn toàn. Trên thực tế, người ta đã có một chủ trương khiến bạo lực ngày càng gia tăng. Chúng ta chứng kiến những người biểu tình đòi dân chủ hơn, chính quyền phải có trách nhiệm hơn, thì đối diện với họ, chúng ta cũng chứng kiến một chính phủ ngày càng trở nên ít cởi mở hơn hơn trước các đòi hỏi của dân chúng đang biểu tình trên đường phố. Chính quyền đã không hề lưỡng lự khi nâng cao mức độ bạo lực của cảnh sát và kiên quyết từ chối xem xét trách nhiệm về phía cảnh sát. Như vậy là xã hội rơi vào một vòng xoáy bạo lực theo hướng ngày càng gia tăng".

Nhân nhượng quá trễ

Sau ba tháng biểu tình liên tục, ngày 04/09/2019, lãnh đạo đặc khu tuyên bố hủy bỏ dự luật dẫn độ, cho phép đưa người Hồng Kông sang Hoa lục xét xử, đầu mối của phong trào phản kháng chưa từng có. Tuy nhiên, quyết định mà bà Lâm đưa ra quá trễ. Trong thời gian này, phong trào biểu tình đã mở rộng các yêu sách. Họ yêu cầu trả tự do và ân xá cho những người bị bắt, điều tra về bạo lực cảnh sát, rút lại cáo buộc "bạo động" nhắm vào phong trào biểu tình và yêu cầu bầu cử trực tiếp lãnh đạo đặc khu và thành viên Nghị Viện Hồng Kông.

Khiêu khích làm bùng thêm bạo lực

Được Bắc Kinh hậu thuẫn hoàn toàn, lãnh đạo Hồng Kông quyết định không nhân nhượng gì thêm. Tệ hại hơn nữa bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ra lệnh cấm người biểu tình mang mặt nạ hồi tháng 10. Tưởng như là giải pháp giúp giảm nhẹ khủng hoảng, nhưng ngược lại, biện pháp này như rót thêm dầu thêm vào lửa.

Giáo sư Jean-Philippe Béja nhận định : "Luật chống mang mặt nạ, được thông qua hồi tháng 10, là một đòn khiêu khích thực sự, đã dẫn đến các bạo lực nghiêm trọng. Chính bắt đầu từ thời điểm này, mà người ta bắt đầu đốt các cửa hàng thân Trung Quốc, và đập phá các trạm xe điện ngầm. Tuy nhiên, không kể một số rất ít trường hợp đặc biệt, bạo lực từ phía người biểu tình là thấp hơn rất nhiều so với bạo lực của cảnh sát".

Tính chất phản dân chủ của bộ máy bị phơi bày

Ngày 18/11, luật chống mang mặt nạ bị Tòa thượng thẩm Hồng Kông ra phán quyết khẳng định là vi hiến. Tính chất phản dân chủ của bộ máy công lực bị phơi bày đặc biệt qua việc thiếu cơ chế kiểm soát nội bộ, cho phép điều tra về các hành động lạm quyền của lực lượng cảnh sát. Ngày 11/12/2019, 5 chuyên gia về an ninh công cộng người nước ngoài tuyên bố rút khỏi Hội Đồng Khiếu Nại về Lực Lượng Cảnh Sát (Independent Police Complaints Council - IPCC), của cảnh sát Hồng Kông, do Hội Đồng thiếu tính chất độc lập cần thiết.

Nhóm 5 chuyên gia quốc tế trên được thành lập từ tháng 9/2019, đứng đầu là Sir Dennis O'Connor, nguyên thanh tra trưởng của cảnh sát Anh. Trả lời AFP, nhà chính trị học Mã Nhạc (Ma Ngok) nhận định, quyết định từ nhiệm này khẳng định nỗi ngờ vực trong xã hội Hồng Kông về việc cảnh sát Hồng Kông không có khả năng điều tra độc lập, với sự trợ giúp của chuyên gia độc lập quốc tế, là có cơ sở.

Theo giáo sư Jean-Philippe Béja, trong lúc phong trào không có dấu hiệu yếu đi, tính chất phản dân chủ của bộ máy chính quyền Hồng Kông lộ rõ, trái bóng hiện đang bên sân Bắc Kinh.

Giáo sư Jean-Philippe Béja : "Bế tắc là do không có đối thoại. Ta biết rằng tại Bắc Kinh vấn đề vẫn còn nguyên vẹn. Liệu chính quyền Trung Quốc có chấp nhận một ủy ban điều tra về các bạo lực hay không ? Họ có thể nhân nhượng về việc này. Họ đã từng lợi dụng bạo lực gia tăng để chia rẽ phong trào, nhưng rốt cuộc họ đã thất bại. Không có dấu hiệu nào cho thấy phong trào yếu đi".

Hướng tới tranh cử Nghị Viện 2020

Trước mắt, khoảng 2.000 người bị truy tố vì các hành động bạo lực đang đợi ra tòa vào tháng 3 năm tới. Nhà nghiên cứu Sebastian Veg dự báo : "Chắc chắn là sẽ có các bản án rất nặng, về tội danh gây bạo động. Và các bản án này sẽ lại khiến người biểu tình xuống đường để yêu cầu ân xá. Và như vậy có thể sẽ có thêm những cuộc biểu tình lớn".

Kể từ tháng 6/2019, đại đa số trong số bảy triệu người dân Hồng Kông đã đoàn kết bảo vệ tự do, chống lại Bắc Kinh. Cuộc tranh đấu kiên định của người dân đặc khu làm lộ rõ nhiều điểm yếu của chính quyền : làm lơ các đòi hỏi của người dân chúng, trông đợi ở sự ủng hộ của "đa số thầm lặng" chống lại giới trẻ, sửa chữa sai lầm nhưng quá trễ, chính sách khiêu khích thổi bùng thêm bạo lực, đặc biệt là chính quyền không đủ khả năng kiểm soát bạo lực cảnh sát.

Cuộc tranh đấu của người dân Hồng Kông trong thời gian tới chắc chắn sẽ tiếp tục. Nhiều nhà quan sát dự báo, bên cạnh cuộc đấu tranh trên đường phố với phương châm "linh hoạt như nước", giới tranh đấu vì dân chủ Hồng Kông sẽ riết ráo chuẩn bị cho cuộc bầu cử Nghị Viện, diễn ra vào tháng 9/2020. Đây là một mặt trận chính mà Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông đang tìm cách đối phó.

Trọng Thành

******************

Tập Cận Bình cảnh cáo : Macao và Hồng Kông là hai vùng bất khả xâm phạm (RFI, 20/12/2019)

Trong buổi lễ long trọng ngày 20/12/2019 kỷ niệm 20 năm Macao được trả lại cho Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình hết lời ngợi khen tinh thần yêu nước của Macao. So sánh Macao với Hồng Kông, Bắc Kinh xem vùng lãnh thổ này là "thành công rực rỡ của mô hình một quốc gia hai chế độ".

hk2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (G) tại lễ kỉ niệm 20 năm Macao được trao lại cho Trung Quốc, ngày 19/12/2019. Reuters/Jason Lee

Nguyên thủ Trung Quốc cảnh cáo sẽ "không dung thứ cho bất kỳ một lực lượng nước ngoài nào can thiệp vào Hồng Kông hay Macao".

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga, là một trong những quan khách dự lễ kỷ niệm. Ngay từ khi nổ ra các cuộc tuần hành hồi tháng 6/2019, chống dự luật cho dẫn độ, Bắc Kinh luôn quy trách nhiệm cho các lực lượng nước ngoài "giật dây" phong trào dân chủ Hồng Kông và bác bỏ các đòi hỏi chính trị của người dân Hồng Kông. Trong mắt ông Tập Cận Bình, Macao là tấm gương sáng cho Hồng Kông cần noi theo.

Trong bài diễn văn hôm nay chủ tịch Trung Quốc đã ca ngợi Macao "trung thành gắn bó với đất mẹ". Đặc phái viên đài RFI, Stéphane Lagarde, so sánh khác biệt giữa Hồng Kông và Macao, trong nhãn quan Bắc Kinh :

"Không nghi ngờ gì cả, ông Tập Cận Bình thích dự dạ tiệc ở Macao hơn là chứng kiến phong trào phản kháng ở Hồng Kông. Chủ tịch Trung Quốc đã nhắc lại trong bài diễn văn hôm nay, rằng sau 20 năm được trở về với đất mẹ, Macao ổn định và hài hòa. Khi mà một gia đình được êm ấm, đương nhiên cuộc sống sẽ sung túc và thịnh vượng.

Khác biệt thứ nhất giữa Hồng Kông và Macao, là sự trung thành với chính quyền trung ương. Từ năm 1999 khi được Bồ Đào Nha trao trả lại cho Bắc Kinh, Macao luôn là đứa học trò ngoan, chấp nhận tất cả những thay đổi theo chỉ thị đến từ vùng đất mẹ. Thay đổi đầu tiên là việc áp dụng luật an ninh quốc gia. Trên điểm này, cho đến tận ngày hôm nay dân cư Hồng Kông vẫn không chấp nhận.

Khác biệt thứ hai dưới nhãn quan của Bắc Kinh là tinh thần yêu nước tại Macao phù hợp với giấc mơ Trung Hoa. Điều này hoàn toàn trái ngược với trường hợp của Hồng Kông sau sáu tháng biểu tình chống đối Hoa Lục. Tại đây, chính quyền Macao đã kêu gọi dân chúng giương cao những lá cờ của Trung Quốc. Cả một rừng cờ đỏ với 5 sao vàng trải kín trên những lộ trình ông Tập Cận Bình đi qua. Bài quốc ca của Trung Quốc vang lên khắp nẻo đường, ngay từ trong những trường học.

Điểm khác biệt thứ ba giữa Hồng Kông và Macao là cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha này là một vùng lãnh thổ kiểu như Monaco. Về diện tích, Macao chỉ tương đương với một quận của Hồng Kông và dân số cũng chỉ bằng 1/10 so với cựu thuộc địa Anh. Kinh tế Macao xoay quanh các sòng bạc. Trong hai thập niên qua, GDP của Macao đã được nhân lên gấp 6 lần.

Nhưng sự thịnh vượng đó không biến vùng đất này thành một đứa con đầy cá tính trong mắt Bắc Kinh. Đấy chính là khác biệt thứ tư. Macao giờ đây là một trong những thành phố an toàn nhất trên thế giới như ông Tập Cận Bình vừa khen ngợi. Còn đối với công luận Hồng Kông thì Macao là đứa con quá ngoan ngoãn. Hồng Kông tự hào là một trung tâm quốc tế. Quy chế này, Macao, thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha, chưa có được".

Thanh Hà

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Châu Á