Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng thống Indonesia : 'Không có chuyện đàm phán chủ quyền với Trung Quốc' (BBC, 08/01/2020)

Tổng thống Indonesia hôm thứ Tư tới thăm một hòn đảo nằm trong vùng biển đang có tranh cãi với Trung Quốc, nhằm xác quyết chủ quyền của Indonesia.

indo1

Tổng thống Joko Widodo trong một cuộc họp báo hồi 10/2019

Ông Widodo nói với các phóng viên trên đảo Natuna Besar thuộc Quần đảo Natuna rằng vùng biển này hoàn toàn thuộc về Indonesia, và đây là điều không thể đàm phán.

"Tôi đã nói nhiều lần rằng Natuna là lãnh thổ thuộc chủ quyền của chúng tôi", ông Widodo nói.

"Không có gì phải tranh cãi thêm. Về mặt thực tế, về mặt pháp lý, Natuna là Indonesia".

Ông Widodo cũng gặp các ngư dân trên đảo.

Tình hình vẫn đang rất căng thẳng trong khu vực.

Cuộc đối đầu nổ ra từ giữa tháng Mười Hai, khi một tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống các tàu cá tiến vào vùng biển ngoài khơi Quần đảo Natuna ở miền bắc Indonesia.

Đây là nơi Indonesia nói hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình theo Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Jakarta đã triệu tập đại sứ Trung Quốc lên để phản đối mạnh mẽ.

indo2

Lực lượng an ninh thuộc Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia tuần tra trên biển quanh Quần đảo Natuna hồi 8/2016 sau một loạt các cuộc đối đầu với tàu Trung Quốc ở vùng EEZ của Indonesia nhưng Bắc Kinh coi là "ngư trường đánh bắt truyền thống" của mình

Trong hôm thứ Hai và thứ Ba, Indonesia đã triển khai bốn chiến đấu cơ và tăng cường bốn tàu chiến tới tuần tra ở vùng biển quanh Quần đảo Natuna.

"Tuy nhiên, người của chúng tôi đã được yêu cầu rằng chúng tôi sẽ không có những hành động khiêu khích mà chỉ bảo vệ lãnh thổ của mình", Thiếu tướng Không quân Ronny Irianto Moningka nói.

Giới chức Indonesia nói tính đến hôm Chủ nhật 5/1 có khoảng 30 tàu Trung Quốc ở vùng biển này và không chịu rời đi, hãng thông tấn Antara của Indonesia tường thuật.

"Các tàu này được hai tàu tuần duyên và một tàu kiểm ngư Trung Quốc hộ tống", Margono, phó đề đốc hải quân Indonesia được trang tin Bernar News dẫn lời nói.

Ông Margono nói các tàu Indonesia sẽ ở lại cho tới khi phía Trung Quốc rời khỏi EEZ của Indonesia.

Tin cho hay trong hôm thứ Tư, có ít nhất một tàu tuần duyên Trung Quốc hiện diện trong khu vực, và 10 tàu Indonesia tiến hành tuần tra.

Hôm thứ Ba 7/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Bắc Kinh đã "mở các kênh ngoại giao" với Indonesia kể từ khi vụ việc phát sinh, và nói "cả hai quốc gia cần phải gánh vác trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực".

Hôm 31/12, Bắc Kinh tuyên bố vùng biển đó là thuộc Quần đảo Trường Sa, nơi mà Trung Quốc nói rằng họ có chủ quyền. Trung Quốc cũng nói rằng cả Trung Quốc và Indonesia đang có các hoạt động nghề cá "bình thường" tại đó vùng biển mà Jakarta đề cập đến.

Nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dường như lui bước với việc làm giảm nhẹ mức độ trầm trọng của vụ việc và nói "không có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ" giữa Bắc Kinh với Jakarta, tuy hai bên có "những tuyên bố về quyền khai thác biển chồng lấn" ở Biển Đông.

Trung Quốc không đòi Quần đảo Natuna, nhưng nói họ có quyền đánh bắt cá ở các vùng biển nằm trong Đường Chín Đoạn, một tuyên bố không được quốc tế công nhận.

*******************

Tổng thống Indonesia thị sát Natuna sau vụ tàu Trung Quốc xâm nhập (RFI, 08/01/2020)

Tiếp theo các phản ứng ngoại giao gay gắt về việc tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển trong quần đảo Natuna, chính quyền Jakarta có thêm động thái chính trị nhằm chứng tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tổng thống Joko Widodo đích thân tới thăm Natura ngày 08/01/2020.

indo3

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) cùng với Tư lệnh quân đội Gatot Nurmantyo (trái) và Tư lệnh Không quân Agus Supriatna trong một cuộc tập trận trên đảo Natuna, Indonesia ngày 06/10/2016. Reuters/Beawiharta/File Photo

Trước báo giới, tổng thống Indonesia tuyên bố : "Tôi đã nhiều lần nói rằng Natuna là thuộc chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi… Không có gì phải bàn luận, tôi hy vọng điều đó là rõ ràng".

Chính phủ Jakarta hôm 08/01 thông báo vẫn còn một tàu hải cảnh của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Trước chuyến thị sát của tổng thống Joko Widodo, quân đội Indonesia hôm 06/01 thông báo đã triển khai 8 chiến hạm và 4 chiến đấu cơ tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng quần đảo.

Hôm 30/12, Bộ Ngoại giao Indonesia tố cáo hàng chục tàu đánh cá Trung Quốc được hai tàu hải cảnh hộ tống xâm nhập đánh bắt cá trong vùng biển quanh quần đảo Natuna của Indonesia từ ngày 19/12.

Tuần trước, đại sứ Trung Quốc tại Jakarta đã được triệu mời lên Bộ Ngoại giao để tiếp thu phản đối chính thức về vụ việc tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Indonesia.

Trước các phải ứng kiên quyết của Indonesia, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cố gắng giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của vụ việc, khẳng định "không hề có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ" giữa Bắc Kinh và Jakarta.

Trong cuộc họp báo ngày 08/01 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng tuyên bố Trung Quốc "sẵn sàng tiếp tục xử lý một cách đúng đắn các bất đồng với Indonesia" và "Trung Quốc, Indonesia vẫn luôn duy trì trao đổi thông tin qua kênh ngoại giao về vấn đề này".

Indonesia không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng cho biết kiên quyết không dung thứ các hoạt động của tàu Trung Quốc trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước này.

Bản tin của AFP nhắc lại, Bắc Kinh vẫn luôn đòi chủ quyền gần hết vùng Biển Đông. Tại đó, họ đã cho xây dựng nhiều cơ sở quân sự và xây đắp đảo nhân tạo, đánh bắt cá trong các vùng biển của nước khác hoặc đang có tranh chấp.

Anh Vũ

****************

Biển Đông : Indonesia điều chiến đấu cơ, tàu chiến ra đối phó Trung Quốc (BBC, 08/01/2020)

Không quân Indonesia hôm thứ Ba 7/1 triển khai bốn chiến đấu cơ tới khu vực gần đây xảy ra tình trạng đối đầu với tàu Trung Quốc trên Biển Đông, theo Reuters.

indo4

Hôm 7/1 Indonesia điều bốn chiến đấu cơ F-16 tới tuần tra ở vùng biển quanh Quần đảo Natuna (hình minh họa)

Trước đó, hôm thứ Hai, Indonesia đã gửi thêm bốn tàu chiến ra vùng biển quanh quần đảo Natuna ở phía bắc nước này sau khi các tàu Trung Quốc không chịu rời đi, trang tin Channel News Asia (CNA) đưa tin.

Việc triển khai sức mạnh quân sự được thực hiện sau khi Jakarta phản đối điều mà Indonesia nói là Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình.

Trung Quốc biến vùng biển không tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp ?

Cuộc tranh cãi giữa hai bên nổ ra từ giữa tháng Mười Hai, khi một tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống các tàu cá tiến vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna.

Đây là nơi Indonesia nói hoàn toàn thuộc vùng EEZ của mình theo Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Jakarta hôm 30/12 đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tới trao công hàm phản đối.

Căng thẳng gia tăng trong những hôm sau đó, với việc hai bên liên tục phản bác lẫn nhau.

indo5

Indonesia đã nhiều lần bắt giữ, đánh chìm tàu cá Việt Nam và tàu các nước khác bị cho là vào đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển nước này

Jakarta nói đây là vùng biển thuộc EEZ của Indonesia, và là nơi họ có đầy đủ đặc quyền theo quy định của Công ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS).

Là một thành viên ký kết UNCLOS, Indonesia nói, Trung Quốc có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng quy định này.

Bắc Kinh tuyên bố vùng biển đó là thuộc Quần đảo Trường Sa, nơi mà Trung Quốc nói rằng họ có chủ quyền. Trung Quốc cũng nói rằng cả Trung Quốc và Indonesia đang có các hoạt động nghề cá "bình thường" tại đó vùng biển mà Jakarta đề cập đến.

UNCLOS quy định EEZ là vùng biển có chiều rộng 200 hải lý, tính từ đường cơ sở của một quốc gia trở ra.

Nằm lui lên trên về phía đông bắc của quần đảo Natuna là Quần đảo Trường Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Philipines.

Tuy nhiên, Indonesia không phải là một bên tham gia tranh chấp đối với Quần đảo Trường Sa.

Indonesia cũng giữ quan điểm Jakarta không tham gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và không có các vùng chồng lấn trên biển với Trung Quốc.

Indonesia bảo vệ chủ quyền nhưng 'không khai chiến với Trung Quốc'

Fajar Adriyanto, phát ngôn viên của không quân Indonesia, nói rằng bốn chiến đấu cơ F-16 đã tiến hành các chuyến bay phía trên quần đảo Natuna, là "các hoạt động tuần tra chuẩn mực nhằm bảo vệ chủ quyền" của Indonesia.

"Chúng tôi không có chỉ thị khai chiến với Trung Quốc", ông nói thêm.

Trước khi đưa thêm chiến đấu cơ và tàu chiến tới khu vực, Indonesia đã có sẵn bốn chiến hạm ở khu vực Natuna.

"Chúng tôi cũng có hàng trăm quân nhân ở đó", Chỉ huy Fajar Tri Rohadi thuộc Bộ Tư lệnh Hạm đội Một của Hải quân Indonesia được CNA dẫn lời.

"Chúng tôi phải hành động chính xác, thông minh. Chúng tôi muốn thực thi pháp luật nhưng không làm nóng tình hình".

"Nhưng luật của chúng tôi đã được quốc tế công nhận, cho nên quý vị phải tuân theo luật quốc tế. Mọi người đều biết rằng vùng biển đó thuộc về Indonesia", Chỉ huy Rohadi nói thêm.

Trong hôm thứ Hai, Indonesia tuyên bố sẽ đưa thêm cả ngư dân tới Natuna.

Khoảng 120 ngư dân sẽ tới để đối phó với tàu Trung Quốc, bộ trưởng chịu trách nhiệm điều phối các quan hệ chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia được CNA dẫn lời nói.

indo6

Ngư dân Indonesia nói họ thấy một tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống các tàu cá Trung Quốc nhiều lần trong những ngày gần đây, và họ đã báo cáo cho Cơ quan An ninh Biển Indonesia (hình minh họa)

Tin cho hay người ta đã nhìn thấy ba tàu tuần duyên Trung Quốc trong khu vực.

Theo dữ liệu từ trang Maritime Traffic chuyên theo dõi việc di chuyển của tàu bè trên biển, có ít nhất hai tàu hải giám của Trung Quốc là Trung Quốc Hải cảnh (Zhongguo Haijing) và Hải cảnh 35111 (Haijing 35111) đã tiến vào khu vực EEZ của Indonesia hôm thứ Ba, cách Quần đảo Riau của Indonesia khoảng 200km (khoảng 108 hải lý).

Vị trí này nằm trong vùng biển thuộc Đường Chín Đoạn mà Bắc Kinh đơn phương đưa ra, khoanh vùng hầu hết diện tích Biển Đông.

Hải cảnh 35111 cũng là một trong các tàu đã tham dự vào cuộc đối đầu với tàu Việt Nam hồi năm ngoái ở Bãi Tư Chính, nơi nằm trong vùng EEZ của Việt Nam nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố là của Trung Quốc.

Cũng trong hôm thứ Ba, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Bắc Kinh đã "mở các kênh ngoại giao" với Indonesia kể từ khi xảy ra vụ việc, và nói "cả hai nước cần chung vai gánh vác trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực".

******************

Indonesia tung lực lượng hùng hậu chưa từng thấy để ngăn Trung Quốc (RFI, 07/01/2020)

Vào lúc một cuộc đối đầu trên biển nghiêm trọng nhất với Trung Quốc đang leo thang ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia nằm sát Biển Đông, Jakarta vào hôm qua 06/01/2020 xác nhận đã triển khai thêm tàu chiến và binh lính đến vùng biển Natuna để sẵn sàng đáp trả các hành vi của Trung Quốc thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

indo7

Tàu KRI Imam Bonjol của Hải Quân Indonesia (P) kiểm tra một tàu cá Trung Quốc hoạt động gần quần đảo Natuna, Tỉnh Quần đảo Riau, Indonesia, ngày 17/06/2016. Foto/Handout/Indonesian Navy/ via Reuters

Một lực lượng 120 tàu đánh cá Indonesia cũng được huy động đến khu vực đang bị tàu cá Trung Quốc có tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống xâm lấn.

Theo ghi nhận của chuyên san quốc phòng Jane's 360, cơ quan thông tin thuộc Quân Đội Indonesia đã xác nhận việc nước này vừa triển khai thêm hai hộ tống hạm chống ngầm, cùng với ít nhất là 600 binh sĩ đến khu vực quần đảo Natuna nhìn ra Biển Đông để tăng viện cho lực lượng tại chỗ, chống lại các hành vi xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo này.

Theo bộ Quốc Phòng Indonesia, đây là một lực lượng hùng hậu nhất từ trước đến nay được triển khai đến khu vực, cả trên bình diện phương tiện vũ khí, lẫn quân lính.

Mục tiêu là để đối phó với những hành vi bị Jakarta coi là sự xâm lấn ngày càng tăng của tàu thuyền Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia.

Theo hãng tin Anh Reuters, ông Imam Hidayat, người phụ trách các chiến dịch trên biển thuộc Cơ Quan An Ninh Hàng Hải Indonesia đã xác nhận rằng nước này đã có 6 chiến hạm tại vùng Natuna, và bốn chiếc khác đang trên đường đến nơi.

Theo chuyên san Jane’s, ngoài việc triển khai tàu chiến và quân đội, Không Quân Indonesia cũng đã phái một chiếc phi cơ tuần tra hàng hải Boeing 737 đến giám sát khu vực từ ngày 05/01 vừa qua.

Một bản thông cáo của Quân Đội Indonesia tố cáo các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp được tàu tuần duyên nước ngoài bảo vệ, xem đấy là những hành động vi phạm chủ quyền của Indonesia. Lời tố cáo nhắm vào các hoạt động gần đây của lực lượng Hải Cảnh và các tàu đánh cá Trung Quốc.

Indonesia huy động ngư dân hỗ trợ cho quân đội

Để tăng cường lực lượng sẵn sàng đáp trả các hành vi xâm lấn của Trung Quốc, chính quyền Indonesia sẽ huy động ngư dân đến vùng Natuna sát Biển Đông để hỗ trợ cho các chiến hạm đã có mặt trong vùng.

Theo hãng tin Anh Reuters, bộ trưởng phụ trách an ninh Indonesia Mahfud MD ngày hôm qua, 06/01 cho biết là khoảng 120 ngư dân từ đảo Java sẽ được gửi lên vùng quần đảo Natuna, cách đấy khoảng 1.000 km về phía bắc. Không chỉ thế, Jakarta còn tính đến việc đưa thêm tàu đánh cá từ vùng duyên hải phía bắc và những vùng khác đến Natuna để tham gia bảo vệ chủ quyền đất nước.

Trong một tuyên bố mạnh mẽ khác thường, tổng thống Indonesia Joko Widodo đã khẳng định trước báo giới rằng Indonesia sẽ không có bất kỳ đàm phán nào khi vấn đề liên quan đến chủ quyền đất nước.

Trọng Nghĩa

Additional Info

  • Author Tổng hợp
Published in Châu Á