Hôm 3/10, các nhóm nhân quyền kêu gọi Indonesia điều tra các vụ bán vũ khí bị nghi là của các công ty nhà nước thực hiện với Myanmar, nơi mà Indonesia đang cố gắng thúc đẩy hòa giải kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2021 gây ra xung đột lan rộng, theo Reuters.
Xe quân sự diễn hành ở Naypyitaw, Myanmar.
Theo Feri Amsari, cố vấn pháp lý cho các nhà hoạt động, các nhóm đã nộp đơn khiếu nại lên ủy ban nhân quyền quốc gia Indonesia hôm 2/10 cáo buộc rằng ba nhà sản xuất vũ khí thuộc sở hữu nhà nước đã bán thiết bị cho Myanmar kể từ cuộc đảo chính.
Myanmar đã chìm trong bạo lực kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ do người đoạt giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi lãnh đạo hơn hai năm trước.
Nhóm nhân quyền đưa ra khiếu nại bao gồm hai tổ chức của Myanmar, Tổ chức Nhân quyền Chin và Dự án Trách nhiệm Giải trình của Myanmar, và ông Marzuki Darusman, cựu bộ trưởng tư pháp Indonesia và nay là nhà vận động nhân quyền.
Trong đơn khiếu nại, nhóm này cáo buộc rằng nhà sản xuất vũ khí nhà nước Indonesia PT Pindad, hãng đóng tàu nhà nước PT PAL và công ty hàng không vũ trụ PT Dirgantara Indonesia đã cung cấp thiết bị cho Myanmar thông qua một công ty Myanmar tên là True North.
PT Pindad và PT PAL không trả lời ngay lập tức khi nhận được đề nghị đưa ra bình luận. Giám đốc PT Pindad trước đó nói với báo giới rằng họ đã không bán sản phẩm cho Myanmar kể từ năm 2016.
Công ty PT Dirgantara Indonesia cho biết họ chưa từng có hợp đồng với Myanmar hay bên thứ ba liên quan.
Công ty True North chưa trả lời ngay lập tức cho lời đề nghị đưa ra bình luận nhưng Reuters xem hồ sơ công ty không ghi ngày tháng cho thấy họ xác định ba nhà sản xuất vũ khí Indonesia là "đối tác chiến lược".
Các nhà hoạt động cho hay Myanmar mua nhiều mặt hàng từ các công ty này, bao gồm súng lục, súng trường tấn công và xe chiến đấu.
Ông Darusman cho biết ủy ban nhân quyền Indonesia, được gọi là Komnas HAM, có nghĩa vụ điều tra vì các công ty nhà nước phải chịu sự kiểm soát và giám sát của chính phủ.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Qqốc về Myanmar hồi tháng 5 báo cáo rằng quân đội Myanmar đã nhập khẩu vũ khí trị giá ít nhất 1 tỷ đôla và các vật liệu liên quan kể từ cuộc đảo chính, phần lớn từ Nga, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan và Ấn Độ.