Ngày 16/07/2020, ngoại trưởng Iran Javad Zarif thông báo, theo lệnh của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, ông đang đúc kết đàm phán với Trung Quốc về một hiệp định hợp tác thương mại - quân sự kéo dài 25 năm với tổng giá trị khoảng 400 tỉ đô la. Nếu không có trở ngại, hai nước sẽ ký thỏa thuận khổng lồ này vào tháng 03/2021.
Cả Iran và Trung Quốc giữ kín nội dung chi tiết văn bản đang được đàm phán. Tuy nhiên, trong khoản tiền khổng lồ này, 280 tỉ sẽ được dành cho ngành công nghiệp dầu lửa và khí đốt ; 120 tỉ được đầu tư cho cơ sở hạ tầng và công nghệ. Đổi lại, Iran sẽ bán rẻ dầu lửa và khí đốt cho Trung Quốc, thấp hơn giá thị trường khoảng 32%. Ngoài ra, thỏa thuận cũng đề cập đến công nghệ 5G, lập nhiều vùng tự do trao đổi thương mại và cả lĩnh vực quân sự.
Tuy nhiên, trang Sputnik cho rằng cần thận trọng về số tiền khổng lồ được Trung Quốc hứa đầu tư vào Iran. Thực vậy, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ra nước ngoài liên tục giảm từ vài năm gần đây : năm 2016 là 178 tỉ đô la, nhưng giảm xuống còn 105 tỉ đô la vào năm 2020. Tính trung bình, theo thỏa thuận nói trên, nếu được ký, hàng năm Bắc Kinh sẽ đầu tư khoảng 16 tỉ đô la vào Iran, chiếm đến 15% tổng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc. Nhưng nếu nhìn vào những hậu quả nghiêm trọng do dịch Covid-19 và do chiến tranh thương mại với Mỹ để lại, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc hẳn sẽ bị tác động.
Iran đang trải qua giai đoạn khó khăn về mọi mặt. Trên trang Le Figaro, Mahnaz Shirali, giảng viên trường Khoa học Chính trị Paris, nhận định trừng phạt của Mỹ đã khiến nền kinh tế Iran gần như khánh kiệt và không thể hậu thuẫn cho những lực lượng nước ngoài Hezbollah ở Lebanon hay Hach Al-Chaabi, Hamas… để đối đầu với Mỹ hay Israel. Thậm chí, chế độ Tehran không còn đủ khả năng để phản công các vụ tin tặc từ Israel nhắm vào khu hạt nhân Natanz và khu quân sự Parchin, nằm ở miền trung Iran.
Chi phí vào các cuộc xung đột trong khu vực luôn được Tehran giữ bí mật. Tuy nhiên, theo thẩm định của bộ Ngoại Giao Mỹ, con số này lên đến khoảng 16 tỉ đô la mỗi năm, từ xung đột ở Syria đến Yemen hay yểm trợ cho phe Hezbollah ở Irak và Lebanon.
Chính thường dân Iran lại là những người phải trả giá đắt cho chính sách đối ngoại "Đả đảo Mỹ ! Đả đảo Israel !" của chính quyền bảo thủ. Người dân vốn đã phải đối mặt với cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, đã bùng dậy phản đối quyết định tăng 300% giá xăng vào tháng 11/2019. Kết quả là khoảng 1.500 người chết vì bị trấn áp trong vòng 3 ngày biểu tình, trong sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế.
Đại dịch Covid-19 đang đẩy Iran vào túng quẫn dù chính quyền Tehran cố tình giấu quy mô thiệt hại do virus corona gây ra. Theo dữ liệu mà đài BBC của Anh nhận được từ nguồn tin ẩn danh, từ ngày 22/01 đến 20/07, số người chết tại Iran vì Covid-19 lên đến 42.000 người, thay vì 17.900 theo số liệu chính thức ngày 03/08.
"Thỏa thuận đối tác chiến lược với Trung Quốc là kết quả tự nhiên của nhiều thập niên xa cách giữa Mỹ và Iran, thậm chí bị đẩy nhanh hơn dưới thời tổng thống Donald Trump… Nếu được triển khai, thỏa thuận sẽ tung chiếc phao cứu hộ tài chính cho Iran", theo nhận định với trang L’Orient Le Jour của Ali Alfoneh, chuyên gia về Iran tại Viện các nước Ả Rập Vùng Vịnh ở Washington (Arab Gulf States Institute in Washington, AGSIW).
Trang Sputnik của Nga thận trọng về tính khả thi của thỏa thuận khổng lồ giữa Iran và Trung Quốc. Ngoài lý do khoản đầu tư khổng lồ được nêu ở trên, thì tại sao thông tin lại được ngoại trưởng Iran công bố chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ? Phải chăng Tehran muốn gây sức ép tối đa với Mỹ trong thế bước đường cùng ? Bị Mỹ trừng phạt, trong khi Liên Hiệp Châu Âu bất lực, dè chừng phản ứng, hiện giờ vấn đề Iran còn bị lu mờ vì đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác, như Jonathan Fulton, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Zayed, ở Abou Dhabi, lại có ý kiến ngược lại. Theo ông, thỏa thuận thương mại - quân sự giữa Iran và Trung Quốc có thể đáng ngại vì "thỏa thuận đối tác được đàm phán từ năm 2016. Vì thế, sẽ sai lầm nếu coi đó là lời đáp trả đối với chiến lược gây sức ép tối đa của Mỹ hoặc do mối quan Mỹ-Trung ngày càng xấu đi". Và nếu được kí kết, thỏa thuận sẽ làm thay đổi bàn cờ trong vùng.
Vùng Trung Đông giầu nhiên liệu luôn là điểm quan trọng trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều dầu nhất thế giới, còn Iran là một trong những nhà sản xuất lớn nhất nhưng hiện bị Mỹ trừng phạt, có dầu nhưng không bán được, sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2018.
Hợp tác quân sự song phương cũng là một lĩnh vực được nhấn mạnh trọng thỏa thuận chiến lược 25 năm giữa Bắc Kinh và Tehran. Năm 2019, hải quân Trung Quốc và Iran đã diễn tập chung. Nếu được kí kết, chắc chắn hai bên sẽ tăng cường trao đổi thông tin tình báo và Trung Quốc có thể sử dụng cơ sở hải cảng hoặc cảng hàng không tại Iran, theo nhận định của nhà báo địa chính trị Renaud Girard trên Le Figaro (20/07).
Một thỏa thuận có quy mô như vậy chỉ ký được nếu Nga không "quấy rối" vì tại Iran, Matxcơva có nhiều quyền lợi và không muốn các lợi ích này bị tổn hại bởi thỏa thuận hợp tác Iran-Trung Quốc. Do vậy, theo chuyên gia Pháp Mahnaz Shirali, Iran đã triển hạn thêm 20 năm một hiệp định, trong đó Nga nhận được rất nhiều lợi ích về thương mại và quân sự. Những điều khoản này đi ngược lại hoàn toàn với Hiến Pháp của nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran cấm một quốc gia khác thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Iran.
Thế nhưng, trong hoàn cảnh hiện nay, dường như Iran cần Trung Quốc hơn là ngược lại, theo nhận định của trang L’Orient Le Jour. Đàm phán thỏa thuận chỉ được ngoại trưởng Iran nhắc đến, trong khi phía Bắc Kinh vẫn kín tiếng. Cho đến giờ, chính quyền Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng về Trung Đông và Iran không phải là ngoại lệ. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng có quan hệ hữu hảo với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc ả rập thống nhất, hai đối thủ của Iran.
Trong khi đó, Iran đang trong tình cảnh rất tế nhị, theo phân tích của phó giáo sư Jonathan Fulton với trang L’Orient Le Jour : "Nếu Iran được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và trở thành một nước bình thường, thì đây sẽ là thị trường lớn cho các doanh nghiệp Trung Quốc và là một nguồn năng lượng quan trọng. Iran cũng có thể trở thành một điểm trung chuyển trong dự án Con đường và Vành đai. Nhưng hiện giờ, Iran vẫn chưa phải là một nước "bình thường", và vẫn là đối tượng bị trừng phạt. Dù có lợi, thì những lợi ích đó bị hạn chế".
Chuyên gia Ali Alfoneh tại Washington chú ý đến những nước thành con nợ sau khi nhận đầu tư của Trung Quốc với nguy cơ chính quyền sẽ không còn được hoàn toàn điều hành một Nhà nước có chủ quyền. Ngoài ra, theo ông, "rất nhiều người Iran lo rằng chế độ tìm cách ổn định bằng mọi giá, kể cả việc chấp nhận những thế lực bên ngoài đối lập với Mỹ, ví dụ Nga hoặc Trung Quốc. Họ sợ rằng trong thỏa thuận này, người Iran sẽ trao cho Trung Quốc tất cả những gì Bắc Kinh muốn để Trung Quốc bảo đảm an ninh cho Iran".
(Tổng hợp từ Le Figaro, L’Express, L’Orient Le Jour, Sputnik)
Thu Hằng