Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 22 novembre 2017 17:26

Điểm báo Pháp - Khủng hoảng Rohingya

Trung Quốc hưởng lợi từ khủng hoảng Rohingya

Về thời sự Châu Á, báo Le Monde có bài của Bruno Philippe thông tín viên tại Bangkok Thái Lan, nhận định "Thảm cảnh của người Rohingya tại Miến Điện có lợi cho Trung Quốc".

rohingya1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) tiếp bà Aung San Suu Kyi, Bắc Kinh, ngày 19/08/2016 -Reuters/Rolex Dela Pena/Pool

Trước đây, Trung Quốc là đồng minh duy nhất của chế độ quân sự độc tài Miến Điện. Giờ đây, việc Miến Điện bị phương Tây chỉ trích trong hồ sơ khủng hoảng Rohingya cho phép Trung Quốc tìm lại được vai trò là một tác nhân quan trọng cần hợp tác để giải quyết hồ sơ này.

Ngày 06/11 vừa qua, Trung Quốc, thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An đã phủ quyết dự thảo nghị quyết yêu cầu Miến Điện tổ chức cho hàng trăm ngàn người Rohingya đang tị nạn tại Bangladesh được hồi hương, đồng thời quân đội Miến Điện phải chấm dứt các hành vi bạo lực nhắm vào sắc tộc thiểu số Hồi giáo này. Ngay từ thời bà Aung San Suu Kyi bị chính quyền quản thúc tại gia, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, cung cấp hầu như toàn bộ các thiết bị mà bà cần…

Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Miến Điện, trước đây đã tỏ ra lo lắng khi thấy quốc gia này xích lại gần phương Tây. Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Miến Điện hai lần, trong các năm 2012 và 2014.

Với hơn hai ngàn cây số biên giới chung và đã có quan hệ với Miến Điện từ rất lâu, Trung Quốc không thể chấp nhận chỉ có vai trò phụ trên sân khấu chính trị khu vực.

Nhà báo Thụy Điển Bertil Lintner, chuyên gia về Miến Điện, gần đây cho biết vào đầu những năm 2000, có một tài liệu dày được lưu hành trong giới quân sự Miến Điện, giải thích rằng Miến Điện quá phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức đe dọa chủ quyền quốc gia.

Trong khi đó, Trung Quốc luôn luôn chơi trò hai mặt : vừa tỏ sự thân thiện, hữu nghị với chính quyền Miến Điện, vừa cung cấp vũ khí cho lực lượng du kích thuộc các sắc tộc thiểu số ở vùng biên giới.

Tính chất hai mặt trong chiến lược của Trung Quốc cho phép ve vãn chính phủ Miến Điện đồng thời vẫn duy trì được các phương tiện để gây sức ép qua việc thao túng các kẻ thù của chính quyền Miến Điện.

Đối với Trung Quốc, Miến Điện là một quốc gia quan trọng. Về mặt kinh tế, Bắc Kinh cần bảo đảm an toàn cho hệ thống ống dẫn dầu và khí đốt đi qua vịnh Bengale để tới tỉnh Vân Nam (Yunnan). Nhờ vậy, các tàu chở dầu của Trung Quốc có thể đi tới vùng duyên hải ở phía đông mà không cần phải qua eo biển Malacca.

Hiện nay, Trung Quốc đang tìm cách có được 80% tổng số vốn của dự án xây dựng một cảng nước sâu, với tổng đầu tư hơn 7 tỉ đô la. Dự án này nằm rất gần các cảng tiếp dầu lửa và khí đốt, tại bang Arakan, nơi sinh sống của người Rohingya.

Le Monde kết luận, cho dù Miến Điện không trở thành một quốc gia tồi tệ như trước đây, nhưng Trung Quốc đã có thể xoa tay hài lòng : phương Tây càng chỉ trích, xa lánh Miến Điện, thì nước này càng trượt sâu vào quỹ đạo của Bắc Kinh.

Cũng về hồ sơ này, báo Les Echos đưa tin : "Rohingya : Ân Xá Quốc Tế tố cáo tình trạng phân biệt chủng tộc".

Trong bản báo cáo được công bố hôm qua, 21/11, Ân Xá Quốc Tế cho rằng Miến Điện là một nhà tù ngoài trời giam hãm cộng động thiểu số Rohingya và kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy mở mắt để thấy được cơn ác mộng mà sắc tộc này phải hứng chịu hàng ngày.

Đức tê liệt vì khủng hoảng chính trị

Ngoài khu vực Châu Á, các báo Pháp quan tâm đến tình hình Đức. Le Monde nhận định "Angela Merkel lung lay nhưng vẫn muốn tiếp tục cầm quyền". Sau khi dự án liên minh lập chính phủ không thành, thủ tướng Đức muốn tổ chức bầu cử lập pháp một lần nữa thay vì lập một chính phủ chỉ có thiểu số tại Quốc hội.

Tuy nhiên, để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tê liệt do khủng hoảng chính trị chưa từng thấy, báo Le Figaro qua bài "Tại Đức : tổng thống làm trung gian để tránh một cuộc bầu cử mới", cho biết, tổng thống liên bang Frank Walter Steinmeier, vừa được bầu hồi tháng 03/2017, nguyên là nhà ngoại giao và theo xu hướng dân chủ xã hội, hy vọng có thể sử dụng hai lợi thế này để tháo gỡ khủng hoảng.

Hồ sơ Syria : Nga gạt phương Tây ra ngoài

Với việc tổng thống Vladimir Putin tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh ba bên, Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran, tại Sochi, hồ sơ Syria được nhiều báo đưa tin và bình luận. Trong mục "Ý kiến", báo Le Figaro có bài "Syria : Phương Tây bị Nga gạt ra bên lề".

Kể từ khi Daesh bị thảm bại, các tác nhân liên quan trong hồ sơ Syria lao vào cuộc chạy đua tốc độ nhằm tái lập hòa bình ở nước này. Và trong cuộc chạy đua đó, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bỏ xa phương Tây. Khi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh ba bên tại Sochi, điện Kremlin, một mặt, muốn biến vòng đàm phán Astana (Kazakhstan) - cho phép thành lập các vùng giảm căng thẳng - thành một giải pháp chính trị, mặt khác, cạnh tranh với vòng đàm phán Geneva dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, thậm chí làm cho vòng đàm phán này trở nên vô ích, trống rỗng nội dung.

Ý thức được là với tư tưởng "chính trị thực tế", các nước phương Tây sẽ có lập trường uyển chuyển hơn trong việc đòi tổng thống Syria Bachar al-Assad phải ra đi, Nga muốn hành động nhanh chóng, để không bị mất các lợi thế có được nhờ thắng lợi quân sự trên thực địa. Moskva muốn tạo ra một "việc đã rồi" về ngoại giao, trước khi vòng đàm phán Geneva được nối lại vào ngày 28/11, giữa chế độ Damascus đang ở thế mạnh và phe đối lập bị phân tán và suy yếu.

Trong chiến tranh, thực tế chiến trường quyết định mọi việc. Tại Syria, quân đội Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ở thế mạnh. Bà Margaret MacMillan, sử gia Canada nhận định : Trong hồ sơ Syria, khi Mỹ rút, không một cường quốc dân chủ nào có thể bù lấp vào chỗ trống.

Việc Nga can thiệp quân sự vào Syria, từ năm 2015, đã làm thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường và cứu được chế độ Damas, trong khi đó, quân đội Iran và đồng minh từng bước củng cố vị thế tại Syria và từ mùa hè 2016, đến lượt quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến tại nước này.

Kể từ khi Putin tổ chức vòng đàm phán Astana, bộ ba này đã từng bước nắm lại hồ sơ Syria, phối hợp với nhau và gạt phương Tây ra bên lề.

Tuy nhiên, đồng thuận ba bên này có thể là chưa đủ để tái lập hòa bình tại Syria. Chính quyền Ankara lo ngại Moskva có thể ủng hộ về mặt ngoại giao lực lượng Kurdistan, kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ và đang kiểm soát một phần lãnh thổ phía bắc Syria.

Phe đối lập, tuy bị suy yếu nhưng vẫn có tiếng nói. Với sự ủng hộ của Hoa Kỳ, các phe phái đối lập với Bachar al-Assad, ngày hôm nay, tới Saudi Arabia, nhằm tìm kiếm đồng thuận, để có lập trường chung trước khi bước vào vòng đàm phán Geneva.

Cho dù muốn làm chủ tiến trình đàm phán hòa bình tại Syria, Nga vẫn cần cộng đồng quốc tế "bật đèn xanh" để tạo tính chính đáng cho các nỗ lực ngoại giao của mình. Phải chăng vì thế mà Vladimir Putin có cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump vào tối hôm qua ?

Về vai trò của Moskva trong hồ sơ Syria, báo Les Echos có cùng nhận định : "Nga tìm cách tổ chức tương lai chính trị Syria". Trước cuộc gặp thượng đỉnh ba bên tại Sochi, tổng thống Vladimir Putin đã kín đáo tiếp đồng nhiệm Bachar al-Assad cách nay hai hôm và trong cuộc gặp này, Moskva muốn thúc đẩy tổ chức một "Đại hội các dân tộc Syria" bao gồm cả các lực lượng thân Damascus và nhiều phe phái đối lập khác. Còn theo Liberation : "Tương lai chính trị của Syria được làm rõ tại Sochi".

"Roma, thủ đô của sự bần hàn"

Lời báo động này của hiệp hội hoạt động từ thiện Caritas, được đăng trên báo Le Figaro.

Theo báo cáo của Caritas, nước Ý hiện có tới 4,7 triệu người nghèo, tăng gấp đôi so với thời kỳ 2012-2015, trong số này có hơn một triệu người trẻ, và 3 triệu người trong độ tuổi lao động.

Thủ đô Roma cổ kính vĩnh cữu có 16 ngàn người bần hàn, 45% trong số này là người Ý. Một phần ba có bằng đại học.

Theo một giáo sư kinh tế thuộc đại học Luiss, để giải quyết tình trạng này, nước Ý phải có được tỷ lệ tăng trưởng từ 3 đến 4% trong nhiều năm. Thế nhưng, năm nay, theo dự tính, tỷ lệ tăng trưởng của Ý có thể chỉ là 1,5% và đối với chính quyền, thế là đáng mừng lắm rồi.

Trang nhất các báo Pháp

Tổng thống "Macron muốn làm dịu sự chống đối của các dân biểu địa phương", "Tuyển chọn vào đại học không phải là điều kiêng kỵ đối với giới trẻ", đó là tựa trên trang nhất các báo Le MondeLe Figaro. Trong khi đó, Libération quan tâm đến việc Tòa án quốc tế về Nam Tư cũ, ngày hôm nay, ra phán quyết xét xử "Tên đồ tể cuối cùng", đó là Ratko Mladic, cựu chỉ huy quân đội Serbia Bosnia, bị cáo buộc phạm tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại. Còn Les Echos giải thích "Paris muốn kiếm lợi từ Brexit như thế nào".

Trang nhất báo La Croix đặt câu hỏi "Có nên nữ hóa chữ viết hay không ?". Bởi vì trong thời gian qua, tại Pháp, nhiều hiệp hội đấu tranh cho bình đẳng nam nữ cho rằng trong tiếng Pháp, giống đực chiếm ưu thế hơn giống cái, trong danh từ chung và về ngữ pháp. Tuy nhiên, Viện Hàn Lâm Pháp đã bác bỏ đề nghị "nữ hóa" này và thủ tướng Edouard Philippe ra thông tư yêu cầu các bộ trưởng không sử dụng loại ngôn ngữ "ngôi gộp - inclusive" trong các văn bản chính thức.

RFI tiếng Việt, 22/11/2017

Published in Châu Á