Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Liên Triều : thỏa thuận quân sự song phương, bước quan trọng để giảm căng thẳng

Thời sự Châu Á đáng chú ý với bài "Hai nước Triều Tiên hướng tới hòa dịu", trên Le Monde. Khi tập trung vào vấn đề hạt nhân, người ta có nguy cơ lãng quên một yếu tố tác động đến các cuộc đàm phán trong tương lai : đó là sự xích lại gần nhau giữa hai nước Triều Tiên.

lien1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đi dạo sau bữa ăn trưa. Ảnh do KCNA công bố ngày 21/09/2018 Reuters

Cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều 3 vừa qua tại Bình Nhưỡng cho thấy rõ hình ảnh về sự hòa giải giữa hai miền, và ít kết quả cụ thể trong hồ sơ hạt nhân. Tuy nhiên, trong quan hệ Liên Triều, hai nước đạt được một bước tiến quan trọng : đó là việc ký kết một thỏa thuận về quân sự nhằm làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Cũng trong thượng đỉnh Liên Triều 3, hai bên còn ký một thỏa thuận hợp tác kinh tế đầy hứa hẹn. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, mọi bước tiến trong lĩnh vực hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt.

Theo giải thích của báo Le Monde, thỏa thuận quân sự Liên Triều thể hiện quyết tâm của hai nước muốn từng bước tái lập hòa bình trên bán đảo.

Cho đến nay, Hoa Kỳ chưa chấp thuận ký một hiệp định hòa bình vì đây là phương tiện gây áp lực buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Mặt khác, Washington lo ngại là sau khi ký hiệp định hòa bình, chế độ Bình Nhưỡng sẽ đòi giải thể bộ chỉ huy quân sự Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm theo dõi, bảo đảm đình chiến. Thậm chí không loại trừ khả năng Bắc Triều Tiên đòi Mỹ rút quân ra khỏi Hàn Quốc, làm suy yếu liên minh quân sự của Hoa Kỳ tại Châu Á.

Chính vì con đường hướng tới hiệp định hòa bình bị chặn, Seoul và Bình Nhưỡng tiến hành từng bước nhỏ để làm giảm căng thẳng. Mục tiêu của thỏa thuận quân sự song phương là ngừng đối đầu quân sự, đặc biệt là trong khu vực phi quân sự hóa, xóa bỏ nguy cơ chiến tranh trên toàn bán đảo và chấm dứt quan hệ thù địch. Thỏa thuận đề ra nhiều biện pháp để thực hiện mục tiêu này.

Báo Le Monde nhấn mạnh đến chính sách ngoại giao khéo léo, thực tế của Hàn Quốc. Tại thượng đỉnh Liên Triều 3 ở Bình Nhưỡng, ký được thỏa thuận quân sự với Bắc Triều Tiên là ưu tiên số một của Hàn Quốc, trước cả các sáng kiến tái thúc đẩy đàm phán về hạt nhân, vì giảm căng thẳng sẽ tạo thuận lợi cho tiến trình phi hạt nhân hóa.

Thỏa thuận về quân sự là kết quả đàm phán công phu giữa các bộ tham mưu của quân đội hai nước. Không dễ dàng gì thuyết phục được các quân nhân đám phán. Theo chuyên gia Cheong Seong-chang, thuộc viện Sejong, ở Seoul, "tỉ lệ được lòng dân của tổng thống Moon Jae-in rất cao, ngăn cản mọi biểu hiện chống đối từ phía quân đội, vốn là thành trì của tư tưởng bảo thủ". Còn ở Bình Nhưỡng, sau các vụ thanh trừng liên tiếp, dường như Kim Jong-un đã nắm trong tay quân đội.

Tình trạng chiến tranh chưa chấm dứt trên bán đảo Triều Tiên, nhưng theo báo Mỹ New York Times, thỏa thuận về quân sự cho thấy quyết tâm của hai chính phủ muốn tự quyết định tương lai của mình. Và mong muốn độc lập, tự quyết này đã được thể hiện rõ dưới thời tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung (1998-2003), Ro Moo-hyun (2003-2008) và càng mạnh mẽ hơn với đương kim tổng thống, Moon Jae-in.

Trung Quốc : Gian lận thống kê

Phụ trương Kinh tế và Doanh nghiệp báo Le Monde có bài "Tại Trung Quốc, các tiểu xảo về số liệu thống kê".

Ngày 18/09 vừa qua, nhật báo China Daily cho biết ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa ban hành 20 biện pháp ngăn ngừa và trừng phạt gian lận thống kê. Văn phòng thống kê quốc gia Trung Quốc còn lập ra một ban chuyên trách chống gian lận thống kê.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh thông báo các biện pháp này. Trong các năm 2016, 2017, Trung Quốc đã thông qua nhiều quy định. Thế nhưng, dường như mọi việc không thay đổi. Le Monde trích dẫn câu nói nổi tiếng của cựu thủ tướng Anh Benjamin Disraeli (1804-1881) : Có ba loại nói dối : đó là nói dối, nói dối rất nhiều và thống kê. Đây có thể coi là khẩu hiệu của nước Trung Hoa dưới thời Tập Cận Bình.

Theo tờ báo Pháp, từ lâu, các chuyên gia Trung Quốc tin rằng gian lận và sai lầm trong thống kê có thể ảnh hưởng đến việc tập hợp đánh giá kinh tế, do vậy, họ chuyển sang dùng các chỉ số khác, thí dụ, thay vì theo dõi tổng sản phẩm quốc nội, họ theo dõi mức tiêu thụ nhiên liệu. Thế nhưng, trong tháng Bẩy vừa qua, các số liệu tiêu thụ nhiên liệu do các cơ quan chức trách công bố lại khác hẳn nhau. Hay gần đây hơn, chính quyền ba tỉnh công khai thừa nhận đã gian lận thống kê trong những năm vừa qua.

Theo báo Le Monde, chống gian lận, khai man thống kê không phải là dễ dàng trong một đất nước vốn coi tăng trưởng là ưu tiên tuyệt đối, mỗi quan chức của đảng phải có trách nhiệm đóng góp vào sự nghiệp này, và ông Tập Cận Bình tập trung quyền lực hơn tất cả các lãnh đạo Trung Quốc trước đó, kể từ thời Mao Trạch Đông. Chính vì thế, Le Monde mỉa mai, cựu thủ tướng Anh Disraeli chưa chết.

Iran : Châu Âu tìm cách lách trừng phạt của Mỹ

Báo Le Monde có bài đánh giá : "Iran : tranh cãi về hiệu quả của cơ chế Châu Âu chống trừng phạt".

Ngày 24/09, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, đại diện cao cấp về ngoại giao Châu Âu Federica Moghenini cùng ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ra thông cáo về việc thành lập một "Cơ chế đặc biệt", giúp cho các doanh nghiệp Châu Âu tiếp tục làm ăn với Iran và tránh được trừng phạt của Hoa Kỳ, ví dụ lập cơ chế trao đổi hàng hóa trực tiếp, không giao dịch bằng đô la Mỹ, mà thông qua các ngân hàng Châu Âu hoặc theo mô hình phòng thanh toán bù trừ…

Tuy nhiên, còn có quá nhiều điểm không rõ ràng trong dự án này. Trước tiên chưa ai rõ là cơ quan phụ trách cơ chế này sẽ được đặt ở đâu, lúc nào thì cơ chế này được thành lập. Chính vì vậy, thông báo thành lập cơ chế đặc biệt mang tính chính trị nhiều hơn là kinh tế.

Mặt khác, Hoa Kỳ đã lên tiếng đe dọa và sẽ điều chỉnh các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn cơ chế này hoạt động. Ngày 25/09, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton đã cảnh cáo : Liên Hiệp Châu Âu nói mạnh nhưng làm yếu. Washington sẽ theo dõi sát cơ chế chưa được thành lập này và không để cho Châu Âu tránh được trừng phạt của Hoa Kỳ.

Các trụ cột trong chính sách ngoại giao của Trump

Đương nhiên, các báo Pháp đều chú ý đến ngày đầu tiên khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc với các phát biểu của tổng thống Mỹ và nguyên thủ Pháp. Le Monde chạy trên trang Nhất : "Tại Liên Hiệp Quốc, Macron chỉ trích chính sách uy lực của kẻ mạnh của Trump".

Les Echos nhận định : "Donald Trum bị cô lập tại Liên Hiệp Quốc khi kết tội Iran". Còn La Croix có bài xã luận "Khi Trump gây cười" và nhấn mạnh, việc mất lòng tin đối với tổng thống Mỹ gây mất ổn định trong quan hệ quốc tế.

Qua phát biểu của tổng thống Mỹ, báo Le Figaro tóm tắt "Năm quy luật trong chính sách ngoại giao của Trump".

Thứ nhất là chủ trương đặt chủ quyền quốc gia lên trên hết. Thứ hai là đơn phương hành động, chứ không co cụm. Thứ ba, là tiền : Donald Trump cân nhắc mọi quyết định trên cơ sở chi phí tốn kém ra sao. Quy luật thứ tư là chính sách ngoại giao của Trump chú trọng đến khu vực thay vì toàn cầu và cuối cùng, ngoại giao cũng như chính sách chung của Donald Trump là trong chừng mực có thể thì đoạn tuyệt với các phương pháp trong quá khứ.

Brexit và Công Đảng Anh

Đại hội Công Đảng Anh và Brexit cũng được báo chí Pháp quan tâm : Libération cho biết "Brexit : cuối cùng Corbyn ló dạng ra khỏi sương mù". Sau hai năm tranh cãi, chia rẽ sâu sắc trong nội bộ, tại đại hội ở Liverpool, Công Đảng Anh kêu gọi tổ chức bầu cử lập pháp trước thời hạn, ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về hồ sơ Brexit.

Le Figaro có cùng nhận định này : "Jeremy Corbyn cảm thấy sẵn sàng lãnh đạo và xử lý hồ sơ Brexit". Lãnh đạo Công Đảng Anh tự khẳng định vai trò có thể thay thế thủ tướng Theresa May.

Les Echos nói thẳng : "Brexit : Corbyn đề nghị May nhường chỗ". Trong khi đó, Le Monde cho biết, khi ủng hộ khả năng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit, "Công Đảng Anh không loại trừ việc tiếp tục ở lại Liên Hiệp Châu Âu".

Báo động khẩn cấp về bệnh lao

Báo Le Monde cho biết "Bệnh lao, tình trạng khẩn cấp trên thế giới". Hôm qua, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ở New York, Tổ Chức Y Tế Thế Giới – WHO, lần đầu tiên, đã lên tiếng báo động về quy mô bệnh lao trên toàn cầu và kêu gọi các quốc gia tăng cường đấu tranh phòng chống căn bệnh này.

Theo giới chuyên gia, tình hình hiện nay đáng lo ngại và khẩn cấp vì bệnh lao gây ra nhiều nạn nhân hơn là Sida. Trong năm 2017, khoảng 1,6 triệu người đã qua đời do bệnh này, trong đó có 300 ngàn nạn nhân vừa bị lao vừa bị nhiễm HIV.

Trên toàn thế giới, tổng số người mới mắc bệnh lao chỉ giảm mỗi năm có 2%. Trong số này, có tới hai phần ba là tại 8 quốc gia bao gồm 6 nước Châu Á và 2 nước Châu Phi. Cao nhất là tại Ấn Độ, 27%.

Nếu xu hướng này tiếp tục thì cộng đồng quốc tế có thể không đạt được mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hiệp Quốc đề ra : đó là xóa sổ bệnh lao trên toàn thế giới vào năm 2030.

Trang Nhất báo Pháp

Trang nhất các báo Pháp hôm nay khá tản mạn, nếu như Le Monde chú ý đến phát biểu của tổng thống Emmanuel Macron tại Liên Hiệp Quốc, thì Le Figaro cho biết "Uy quyền của thủ tướng Đức Merkel bị thách thức ngay trong phe của bà". Còn Libération quan tâm đến phương tiện di chuyển mới, đang trên đà phát triển tại Pháp : "Xe trượt – Trottinette – tự do tung hoành".

Trong khi đó, theo báo kinh tế Les Echos, "Chiến tranh giá cả dữ dội trong lĩnh vực viễn thông" ở Pháp. Còn báo Công giáo La Croix có bài "Các linh mục đang ở tâm bão".

Đức Tâm

Published in Châu Á

Vắng Mỹ sẽ không có hiệp ước hòa bình Triều Tiên

Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tiếp tục là đề tài được các báo Pháp chú ý.

lientrieu1

Một trong những hình ảnh gây xúc động trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều : hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Moon Jae-in cùng bước qua vạch biên giới ở Bàn Môn Điếm, ngày 27/04/2018. Korea Summit Press Pool/Pool via Reuters

Trong bài xã luận mang tựa đề "Triều Tiên : Con đường tiếp cận dài lâu", Le Monde ghi nhận định hình ảnh lịch sử về hai nhà lãnh đạo Nam và Bắc Triều Tiên, tay trong tay bước qua đường biên giới chia cắt đôi bên ở Bàn Môn Điếm, đã được phổ biến trên toàn thế giới và làm dậy sóng mạng xã hội hôm thứ Sáu 27/04/2018.

Thế giới cần lắm tin vui…

Thế giới đầy chia rẽ và xáo trộn ngày nay cần lắm những tin vui. Cả thế giới theo dõi cuộc hội ngộ giữa Kim Jong-un và Moon Jae-in - với vẻ dễ mến được tính toán trước, việc lãnh đạo Bình Nhưỡng bất ngờ mời tổng thống Hàn Quốc bước một bước sang phương Bắc….

Libération nêu thêm sự kiện Bắc Triều Tiên bỏ múi giờ cũ đã đơn phương ấn định năm 2015, để phù hợp với giờ Hàn Quốc ; việc Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng gặp thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Cũng không thể quên những giọt nước mắt của ông Suh Hoon, giám đốc cơ quan tình báo Hàn Quốc, người kiến tạo ra "Moonshine policy" ; hay việc nhà độc tài Bắc Triều Tiên cụng ly với bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc.

Cam kết hoàn tất hiệp ước hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, rõ ràng là những cơ sở để hy vọng. Mối hy vọng này vượt ra khỏi bán đảo Triều Tiên, nơi căng thẳng từng lên đến đỉnh điểm cách đây vài tháng. Một cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước Triều Tiên sẽ gây ra những hậu quả hết sức tai hại đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Châu Á nói chung. Còn nguy cơ chạy đua vũ trang nguyên tử, thì liên quan đến toàn thế giới.

Nhưng theo Le Monde, tuy đương nhiên là phải hoan nghênh các tin vui này, nhưng cũng không thể ngây thơ. Đây không phải là cuộc họp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên. Hồi năm 2007, cha của Kim Jong-un là Kim Jong-il đã gặp gỡ tổng thống Hàn Quốc lúc đó, ông Roh Moon-hyun. Vấn đề ngưng chương trình hạt nhân và hiệp ước hòa bình, và kể cả những lời hứa trong hội nghị thượng đỉnh trước đó năm 2000, đều chỉ nằm trên giấy.

Mỹ và hiệu quả trừng phạt : Hai nhân tố quan trọng

Vì sao cuộc gặp lần này lại tốt đẹp ? Le Monde cho rằng đó là nhờ Hoa Kỳ tham dự vào cuộc chơi, với lời hứa sẽ gặp Kim Jong-un của tổng thống Donald Trump - nhà độc tài mà chỉ cách đó vài tháng bị ông Trump gọi là "Little Rocketman" (chú nhóc hỏa tiễn) - khiến lãnh đạo Bình Nhưỡng vui vẻ hơn. Đã đưa được chương trình nguyên tử đến giai đoạn cuối, Kim Jong-un nay có thể đàm phán trên thế mạnh. Một nhân tố khác có thể là các biện pháp trừng phạt ngày càng đè nặng lên nền kinh tế Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên các nhà ngoại giao và nhà phân tích sau khi nghiên cứu tuyên bố chung ở Bàn Môn Điếm, vẫn còn nghi ngại ở nhiều điểm. Tuy khẳng định sẽ "phi hạt nhân hóa toàn bộ",nhưng không có định nghĩa rõ ràng, như vậy có thể diễn dịch theo nhiều cách khác nhau. Cơ chế kiểm soát giải trừ, mà Mỹ coi là điểm chính yếu, cũng không được nói đến ; và chưa có lịch trình nào cụ thể. Như một ngạn ngữ quen thuộc "Quỷ sứ núp trong những chi tiết", bản tuyên bố đầy hứa hẹn này thực ra rất nghèo nàn.

Có lẽ tiết lộ đáng chú ý nhất trong cuộc gặp đáng ngạc nhiên này là câu trả lời của nhà độc tài phương Bắc, khi tổng thống Hàn Quốc thổ lộ giấc mơ của ông là đến thăm đỉnh non thiêng của người Triều Tiên nằm trên đất Bắc : "Rắc rối lắm, đường đi đến đó rất tệ". Chế độ Bình Nhưỡng rất cần viện trợ, nhưng con đường để cụ thể hóa những tuyên bố trong thượng đỉnh liên Triều lần này có nguy cơ rắc đầy chông gai.

Những lời hứa "xôi hỏng bỏng không" trong quá khứ

Về hồ sơ nguyên tử, Les Echos giải thích "Bắc Triều Tiên thường xuyên lừa dối cộng đồng quốc tế trong quá khứ như thế nào".

Năm 1994, sau một năm căng thẳng, một hiệp ước song phương được ký tại Genève giữa Bình Nhưỡng và chính quyền Clinton. Bắc Triều Tiên cam kết ngưng xây dựng các lò phản ứng, đổi lại sẽ được cung cấp hai nhà máy điện bằng nước nhẹ, 500.000 tấn nhiên liệu, và bảo đảm về an ninh. Nhưng hai bên nhanh chóng tố cáo nhau vi phạm, và đến năm 2002 chính quyền Bush phát hiện Bình Nhưỡng vẫn bí mật làm giàu uranium.

Năm 2003, Bắc Triều Tiên chấp nhận tham dự cuộc đàm phán sáu bên đầu tiên, theo sự dàn xếp của Bắc Kinh. Sau hai năm thương lượng gay go, tháng 9/2005 Bình Nhưỡng chấp nhận một hiệp ước mới : từ bỏ chương trình nguyên tử quân sự để đổi lấy viện trợ kinh tế và xăng dầu. Nhưng sau đó Bắc Triều Tiên bực tức trước sáng kiến chống rửa tiền của Mỹ, và tháng 10/2006, Kim Jong-il cho thử hạt nhân lần đầu tiên.

Đến năm 2007, Bình Nhưỡng lại ngồi vào bàn hội nghị sáu bên, và còn chấp nhận cho thanh tra các cơ sở nguyên tử, đóng cửa địa điểm Yongbyon. Tuy nhiên quan hệ Mỹ-Triều xấu đi, Bắc Triều Tiên từ chối phương cách thanh tra do Washington đề nghị, và tháng 5/2009 lại cho thử nguyên tử !

Năm 2012, Kim Jong-un lên nối ngôi cha, lại hứa với chính quyền Obama ngưng cho thử hạt nhân và làm giàu uranium để đối lấy viện trợ. Một lần nữa phía Mỹ nghi ngờ hỏa tiễn Bắc Triều Tiên bắn đi là loại đạn đạo, và Jong-un từ đó đến nay đã cho thử nguyên tử thêm bốn lần.

Không có Mỹ thì không có hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Nhà sử học Jean-Louis Margolin, giáo sư trường đại học Aix-Marseille khi trả lời nhật báo La Croix đã nhấn mạnh "Không có Hoa Kỳ, thì không thể có hòa bình giữa hai nước Triều Tiên".

Chuyên gia Margolin ghi nhận, lâu nay cả hai nước Triều Tiên đều từ chối công nhận đường biên giới hiện nay ở vĩ tuyến 38. Tại Hàn Quốc, các bản đồ và dự báo thời tiết đều trình bày toàn bán đảo Triều Tiên, không có đường biên. Còn tại Bắc Triều Tiên, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chưa bao giờ được gọi là tổng thống. Trong khi đó nếu không công nhận lẫn nhau, thì chưa thể có hiệp ước hòa bình thực sự.

Một thỏa ước từ thời tổng thống Park Chung-hee dự kiến thành lập một Nhà nước liên bang năm 1972, để thống nhất một cách hòa bình. Những năm sau đó, Hàn Quốc xây dựng nhà ga thống nhất nằm cạnh khu phi quân sự, một bến tàu hướng về Bình Nhưỡng và hướng kia về phía Seoul, nhưng cho đến nay chưa có con tàu nào đi về phía Bắc Triều Tiên.

Vào đầu cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950, một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ soạn thảo đã được thông qua vào ngày 25/6, công nhận Bắc Triều Tiên là kẻ tấn công phương Nam. Do Liên Xô tẩy chay Hội Đồng Bảo An nên không sử dụng được quyền phủ quyết. Nghị quyết này mang lại tính chính danh cho lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc, cho nên hai nước Triều Tiên không thể đạt được giải pháp chung cuộc nếu không tính đến Hoa Kỳ.

Cho dù một hiệp ước đình chiến đã được ký năm 1953, nhưng thực chất đây chỉ là thỏa thuận ngưng bắn, lập ra vùng phi quân sự. Hàn Quốc không ký vì trách cứ Mỹ đã hợp pháp hóa việc chia cắt đất nước, và công nhận sự hiện diện của Bắc Triều Tiên. Đồng thời, với tư cách người bị tấn công, từ chối bị đặt ngang hàng với quân xâm lược. Đang trong chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ chấp nhận chia đôi đất nước Triều Tiên vì không muốn chọc giận Liên Xô. Cuối cùng, hiệp ước được ký giữa một bên là Bắc Triều Tiên cùng với Trung Quốc, bên kia là cộng đồng quốc tế. Theo giáo sư Margolin, Bình Nhưỡng cũng sẽ không bao giờ chấp nhận bị coi là kẻ xâm lược.

Armenia : Xã hội dân sự chống Nhà nước đảng trị kiểu cộng sản

Nhìn sang một quốc gia chịu ảnh hưởng của Liên Xô cũ là Armenia, Le Monde đặt câu hỏi liệu nước này có thể ra khỏi thời kỳ hậu xô-viết ?

Armenia độc lập năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, và gần ba thập niên sau, một phong trào phản kháng chưa từng thấy đã xuất hiện từ ngày 13/4 năm nay, do thế hệ trẻ chưa từng biết đến chế độ cộng sản tiến hành. Giới trẻ mà đứng đầu là dân biểu Nikol Pachinian muốn chấm dứt tình trạng lạm dụng quyền hành của giai cấp thống trị, nạn vơ vét tài nguyên của các đại gia và tham nhũng Nhà nước.

Làn sóng phản kháng này trước hết nhằm tách rời Nhà nước ra khỏi Đảng. Cũng như trong chế độ cộng sản, thủ tướng Serge Sarkissian đồng thời là chủ tịch đảng Cộng Hòa Armenia (HHK), duy trì chế độ Nhà nước đảng trị. Những người biểu tình muốn nhắc nhở, Nhà nước thuộc về nhân dân chứ không phải thuộc về Đảng. Trong các cuộc tập hợp trước quảng trường Cộng Hòa ở Erevan, ông Pachinian luôn bắt đầu bằng câu : "Hỡi những công dân của nước Cộng Hòa Armenia…".

Bên cạnh đó, những người phản kháng còn tượng trưng cho một xã hội dân sự ngày càng độc lập trước chính quyền. Đây không phải là một "cuộc cách mạng màu" như Gruzia (Georgia) và Ukraine, vì phong trào chú trọng vào xã hội Armenia chứ không đụng đến những cam kết quốc tế, mà theo Le Monde, kinh nghiệm này có thể áp dụng cho các xã hội dân sự ở Belarus, Azerbaizan, và kể cả Nga - tại sao không.

Cò trắng không còn bay về phương Nam

Thời sự nước Pháp là chủ đề chính của các báo Paris hôm nay, chủ yếu là cuộc đình công của công nhân tập đoàn đường sắt quốc gia Pháp SNCF. Libération đăng ảnh các tổng thư ký ba nghiệp đoàn lớn và chạy tựa "Các nghiệp đoàn đối đầu với Macron". Le Figaro nhận định "Macron vẫn kiên quyết trước phong trào phản kháng xã hội".

Trang nhất của La Croix đăng ảnh một nhân viên đường sắt đình công, phía trước là những hành khách chen chúc, chạy tựa "SNCF, một cuộc xung đột vẫn đang tìm kiếm lối ra" : Sau một tháng đình công, kết quả vẫn chưa thấy còn công luận ngày càng ít ủng hộ phong trào. Nhật báo Le Monde gợi ý : "SNCF : Các giải pháp để ra khỏi cuộc xung đột". Riêng nhật báo kinh tế Les Echos đặt vấn đề về dự định đánh thuế GAFA, tức bốn đại tập đoàn internet "Dự án của Pháp làm chia rẽ Châu Âu".

Trên lãnh vực môi trường, bài điều tra của Le Figaro "Những cánh cò không còn bay về phương Nam" cho biết, với những mùa đông ngày càng ấm hơn và thức ăn tràn ngập ở một số bãi rác lớn, loài cò ngày càng ít bay đến Châu Phi để trú đông, hoặc kết thúc cuộc hành trình ở Bồ Đào Nha.

Nếu năm 1995, có 1.187 con cò trải qua mùa đông ở Bồ Đào Nha, thì nay con số này lên đến 14.000 con. Bãi rác lộ thiên tại Evora rộng đến 1 hecta, cao 35 mét được lũ cò coi là căng-tin của chúng, mỗi ngày có 5.000 con cò đến kiếm ăn. Theo một chuyên gia, nếu đóng cửa các bãi rác, đàn cò sẽ phải thiên di trong khi các thế hệ mới chưa bao giờ bay xa, sẽ ít có nguy cơ sống sót khi bay ngang qua biển.

Thụy My

Published in Quốc tế