Bốn hôm sau vụ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy bị vỡ, nhấn chìm các làng hạ lưu ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu trong biển nước, khiến hàng trăm người mất tích, cư dân những nơi bị nạn vào hôm nay 27/07/2018, đã phẫn nộ cáo buộc chính quyền Lào cố tình giảm thiểu số người bị chết do sự cố.
Lào : Một cảnh lụt ở Attapeu sau khi đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy bị vỡ. Ảnh 26/07/2018. Reuters/Soe Zeya Tu
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, một đoạn video cho thấy cảnh giải cứu một đứa trẻ và gia đình đang tránh lụt trên một ngọn cây, chung quanh toàn là nước bùn, đã khiến mạng internet dậy sóng.
Chính quyền vẫn duy trì con số 27 người chết vì lũ lụt, bất kể việc thoạt đầu đã chính thức loan báo sự kiện có « hàng trăm người mất tích » sau thảm họa vỡ đập Xe Namnoy. Thế nhưng, căn cứ vào khối lượng hàng tỷ tấn nước từ tối thứ hai 23/07 vừa qua đã tràn xuống vùng hạ lưu con đập, nhấn chìm nhiều ngôi làng đến tận nước Cam Bốt lân cận, với hàng nghìn cư dân phải sơ tán, các phát biểu nghi ngờ tính chính xác của số liệu nạn nhân do chính quyền đưa ra càng lúc càng nhiều.
Trả lời câu hỏi của hãng AFP, một người dân ở làng May, xin giấu tên, đã cho rằng : « Không thể chỉ có 27 người chết, chắc chắn là phải có ít nhất 100 người thiệt mạng. Riêng trong làng của chúng tôi, đã có rất nhiều người bị mất tích vì lũ lụt. Không thấy tăm hơi họ đâu cả ».
Một nhóm phóng viên AFP đã cố gắng đến ngôi làng bị lụt vào hôm nay, 27/07/2018, nhưng đã bị chính quyền ngăn chặn, với lý do là chỉ có quân đội được quyền vào khu vực bị nạn mà thôi.
Một cư dân khác đã cho biết là nước đã dâng lên nhanh chóng đến mức nhiều người bất ngờ bị nước cuốn đi khi đang ngủ : « Nước dâng lên quá nhanh, cuốn đi mọi thứ, và không phải ai cũng chạy kịp » để thoát thân. Trong khi đó thì chính quyền Lào lại loan báo một việc xả nước thông thường.
Trong nhiều ngày qua, các phương tiện truyền thông chính thức của Lào đã liên tục giảm thiểu con số nạn nhân do các phương tiên truyền thông ngoại quốc đưa ra.
Lãnh đạo vùng bị nạn là ông Leth Xaiaphone, vào hôm nay khẳng định với báo chí rằng con số « khoảng một trăm người mất tích » cho thấy là chính quyền đã nỗ lực hết sức trong công tác cứu hộ. Tuy nhiên, ông cũng phải thừa nhận rằng chính quyền chỉ có vài tiếng đồng hồ để thông báo cho dân làng về nguy cơ lũ lụt, tức là vào buổi chiều khi đập bị vỡ, cho đến buổi tối, khi lũ bắt đầu.
Một người dân ở làng Man xác nhận với AFP rằng ông chỉ được trưởng làng thông báo về lũ lut một tiếng đồng hồ trước, và gia đình ông chỉ còn nước leo lên mái nhà để tránh lũ, và phải chờ năm ngày mới được thuyền của chính phủ đến sơ tán.
Trong các ngôi làng được AFP ghé thăm vào hôm nay, 27/07, có rất nhiều người bị đói phải xin ăn, trong khi hàng cứu trợ từ Việt Nam và Thái Lan đang được chuyển đến nay, nhưng một cách lộn xộn.
Trọng Nghĩa
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen hôm nay, 27/07/2018, hoan nghênh nỗ lực của chính quyền để « tiêu diệt những kẻ phản bội », nhân một cuộc tập hợp cử tri quy mô, hai ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội bị đối lập kêu gọi tẩy chay.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (áo xanh) trong cuộc mít tinh tranh cử cuối cùng ngày 27/07/2018. Reuters/Darren Whiteside
Trước khoảng mấy chục ngàn người ủng hộ tại Phnom Penh sáng sớm hôm nay, ông Hun Sen, cầm quyền từ 33 năm qua, tuyên bố : « Mới đây chúng ta đã có những biện pháp theo luật định nhằm tiêu diệt những kẻ phản bội mưu toan lật đổ chính quyền, và một lần nữa đưa đất nước lâm vào cảnh chiến tranh ».
Không khí đang căng thẳng tại Cam Bốt trước cuộc bầu cử Chủ nhật tới. Trên 80.000 cảnh sát được huy động để sẵn sàng « chặn đứng các hành động khủng bố và gây hỗn loạn ». Đối lập hầu như không có tiếng nói : Đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt (CNRP) đã bị giải thể cuối năm 2017 và chủ tịch đảng Kem Sokha bị bỏ tù, nhiều nhân vật đối lập phải lưu vong. Về mặt chính thức, có 20 chính đảng tranh cử, nhưng tất cả đều trung thành với chính quyền.
Các nhà đấu tranh nhân quyền cáo buộc thủ tướng Hun Sen muốn tại vị bằng mọi giá. Hoa Kỳ và Châu Âu hủy bỏ việc hỗ trợ tổ chức bầu cử, ngược lại Trung Quốc và Ấn Độ cử quan sát viên đến Cam Bốt.
Ông Hun Sen nhấn mạnh : « Những ai chống lại bầu cử là những kẻ phá hoại quốc gia và nền dân chủ, không thể tha thứ được. Ai không đi bầu là cố tình hủy hoại dân chủ, với sự hỗ trợ của một nhóm bất hợp pháp ở nước ngoài ». Ông so sánh Cam Bốt với Pakistan cũng vừa tổ chức bầu cử, nói rằng sự khác biệt là ở chỗ « ở đây chúng ta không có bạo động lẫn khủng bố ».
AFP ghi nhận, thủ tướng Hun Sen thường có những tuyên bố gây sốc, như hứa hẹn « địa ngục » cho phe đối lập, bảo họ « chuẩn bị quan tài » nếu chống đối. Ông cũng khẳng định muốn tiếp tục nắm quyền « thêm hai nhiệm kỳ nữa ».
Thụy My