Bài học đàm phán : Malaysia và Châu Âu cứng rắn, Bắc Kinh lùi bước (RFI, 19/04/2019)
Trong những ngày đầu tháng Tư 2019, đã có hai thông tin về việc Trung Quốc phải lùi bước trong đàm phán trước đối tác, gần đây nhất là trường hợp dự án đường sắt ở Malaysia, và trước đó ít lâu là trong cuộc đàm phán thương mại với Liên Hiệp Châu Âu. Trường hợp Malaysia đã được đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera nêu bật trong bài ngày 14/04/2019 "Trung Quốc báo hiệu thay đổi trong chiến lược Vành Đai và Con Đường qua dự án đường sắt với Malaysia", và trường hợp Châu Âu đã được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post tiết lộ ngày 10/04 trong bài "Châu Âu dọa bỏ họp buộc Trung Quốc phải thỏa thuận".
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) họp báo với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk (trái) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker tại Bắc Kinh ngày 06/07/2018. Reuters/Thomas Peter
Ngày 15/04 vừa qua, trong một buổi họp báo, thủ tướng Malaysia Mahathir đã xác nhận việc nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy dự án Đường Sắt Kết Nối Bờ Biển Phía Đông ECRL (East Coast Rail Link) thực hiện với vốn Trung Quốc sau khi có một số điều chỉnh từ phía Bắc Kinh. Đây là dự án đã bị ông Mahathir tố cáo là bất bình đẳng đối với Malaysia do chi phí quá cao và nhiều vấn đề khác. Tân chính quyền Malaysia của ông Mahathir đã dọa hủy bỏ dự án này khi trở lại nhậm chức vào năm ngoái 2018.
Theo Reuters, thành công quan trọng nhất của Malaysia là đã buộc được Trung Quốc cắt giảm đến 1/3 chi phí chính thức của dự án từ 16 tỷ đô la trong kế hoạch ban đầu xuống còn 10,7 tỷ đô la. Tỷ lệ cắt giảm thậm chí còn cao hơn nữa, lên đến một nửa, nếu tính theo ước lượng của chính phủ Mahathir đã từng cho rằng chi phí thực tế sẽ đội lên thành 20 tỷ đô la sau khi tính thêm các khoản lãi suất, tiền thu hồi đất và một số chi phí khác khi tiến hành dự án...
Ngoài ra, Malaysia cũng thành công trong việc nâng cao tỷ lệ tham gia của phía Malaysia vào trong dự án, không bị buộc phải vay nợ nhiều của Trung Quốc, điều chỉnh một số chi tiết kỹ thuật để phù hợp hơn với lợi ích quốc gia.
Theo Al Jazeera, phát biểu trong cuộc họp báo hôm 15/04, thủ tướng Malaysia đã nhắc lại chỉ trích của ông về thỏa thuận mà người tiền nhiệm Najib Razak đã ký với Trung Quốc : "Đó là một mức giá không chính đáng, quá lớn, thiếu rõ ràng về các thông số kỹ thuật, giá cả, nói chúng là thiếu cơ sở kinh tế".
Trọng Nghĩa
******************
Trung Quốc : Bắc Triều Tiên sẽ dự thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa Mới (RFI, 19/04/2019)
Ngoại trưởng Trung Quốc ngày 19/04/2019 cho biết : Lãnh đạo 37 nước nhận lời tham gia hội nghị "Một Vành Đai Một Con Đường" lần thứ hai tại Bắc Kinh trong ba ngày từ 25 đến 27/04/2019. Bắc Triều Tiên cũng gởi một phái đoàn dự hội nghị.
Hoa cảnh trước Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh chào mừng thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa lần II. Ảnh chụp ngày 18/04/2019.Reuters
Sáng kiến "Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc với những dự án khổng lồ hai đường thủy bộ nối liền ba Châu lục Á, Âu, Phi được Bắc Kinh phát động vào năm 2013. Trong cuộc họp báo ngày 19/04/2019, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị loan báo có 37 nước tham gia ở cấp nguyên thủ quốc gia hoặc thủ tướng. Trong số các nước Châu Âu có Thụy Sĩ, Áo, Czech, Hy Lạp và Ý.
Nghi ngờ Trung Quốc sử dụng bàn đạp kinh tế, qua thỏa thuận thương mại mù mờ, để gây ảnh hưởng chính trị, nhiều nước tỏ ra dè dặt. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF cảnh báo các nước nghèo coi chừng rơi vào bẫy nợ của Con đường tơ lụa. Hoa Kỳ không gửi một bộ trưởng nào, Pháp cử ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian.
Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết, trong số các nước Châu Á dự thượng đỉnh năm nay, có Bắc Triều Tiên tham gia, nhưng ông không nói chủ tịch Kim Jong-un có dự hay không.
Theo báo chí Nga, trước khi bay sang Bắc Kinh, tổng thống Vladimir Putin sẽ tiếp chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Vladivostock.
Tú Anh
********************
Bangladesh : Tố cáo sách nhiễu tình dục, một nữ sinh bị thiêu sống (RFI, 19/04/2019)
Hôm 19/04/2019, dư luận tại Bangladesh bị chấn động sau khi biết thêm chi tiết về vụ một nữ sinh 19 tuổi bị thiêu sống theo lệnh của hiệu trưởng mà cô đã tố cáo hành vi sách nhiễu tình dục. Cái chết của Nusrat Jahan Rafi, xảy ra vào tuần trước, đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình ở Bangladesh. Thủ tướng Sheikh Hasina đã cam kết sẽ đưa toàn bộ những người có liên can đến vụ này ra trước pháp luật.
Ảnh minh họa : Nhà chức tráchBangladesh bị cho là không sốt sắng điều tra về các vụ tấn công tình dục đối với phụ nữ.© Reuters
Theo cảnh sát Bangladesh, đầu tiên nạn nhân đã bị đưa lên sân thượng của trường Hồi Giáo mà cô đang theo học. Tại đây, những kẻ tấn công Nusrat Jahan Rafi đã yêu cầu cô rút lại đơn kiện hiệu trưởng về tội sách nhiễu tình dục. Khi nữ sinh này từ chối rút đơn kiện, những kẻ đó đã đổ xăng lên người cô và châm lửa.
Theo lời viên sĩ quan cảnh sát đặc trách cuộc điều tra, ít nhất năm trong số những người bị bắt, trong đó có 3 bạn học, đã dùng khăn trói chân tay nạn nhân rồi tưới dầu lên người cô. Kế hoạch của họ là dàn cảnh một vụ tự thiêu, nhưng khăn trói đã bị cháy và nạn nhân đã chạy thoát được xuống dưới.
Bị phỏng nặng đến 80%, nạn nhân đã qua đời tại bệnh viện ngày 10/04. Nhưng trước khi chết, cô đã kịp ghi một video clip lập lại lời tố cáo hiệu trưởng. Nusrat Jahan Rafi cũng cho biết đã nhận diện một số kẻ tham gia vụ thiêu sống cô.
Hôm nay, cảnh sát cho biết là một trong 17 người bị bắt trong vụ này khai rằng chính hiệu trưởng là kẻ ra lệnh giết nữ sinh Nusrat Jahan Rafi.
Mặc dù thủ tướng Bangladesh đã hứa sẽ không để thủ phạm nào thoát sự trừng phạt của phát luật, các hiệp hội tại nước này vẫn lên án thái độ không sốt sắng của nhà chức trách khi điều tra về các vụ hãm hiếp hay tấn công tình dục. Nusrat Jahan Rafi đã đệ đơn kiện hiệu trưởng từ cuối tháng 3, nhưng theo một clip video vừa được công bố, vào lúc ấy viên cảnh sát nhận đơn kiện đã nói rằng "chuyện có gì lớn đâu".
Thanh Phương