Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hãng tin AP xác nhận 5 hố chôn người Rohyngya bị thảm sát (RFI, 01/02/2018)

Chính quyền Miến Điện cho đến nay luôn phủ nhận việc quân đội tàn sát người Hồi Giáo Rohingya trong các chiến dịch bố ráp vừa qua. Hãng tin Mỹ AP vào hôm nay, 01/02/2018 đã công bố kết quả một cuộc điều tra cặn kẽ, xác nhận sự tồn tại chưa hề được tiết lộ, của năm hố chôn tập thể xác người Rohingya tại làng Gu Dar Pyin (bang Rakhine), bị quân đội Miến Điện tàn sát vào tháng 8 năm ngoái.

myanmar1

Một trại tiếp đón người Rohingya hồi hương ở vùng Maungdaw, bang Rakhine (Ảnh ngày 24/01/2018)  Reuters/Stringer

Thông qua rất nhiều cuộc phỏng vấn với hơn hai mươi người sống sót hiện ở các trại tị nạn tại Bangladesh, và qua các đoạn video có ghi ngày giờ được thu bằng điện thoại di động, hãng AP đã nêu bật sự tồn tại của ít nhất là 5 mồ chôn tập thể, và chứng minh được là quân đội Miến Điện đã thẳng tay tàn sát các thường dân Rohingya, rồi cho thiêu hủy xác bằng lửa hay axit rồi vùi xác họ.

Các phát hiện khủng khiếp này đã phản bác lập luận của chính quyền Miến Điện, cho đến nay chỉ thừa nhận vỏn vẹn một hố chôn tập thể của 10 người bị cho là "quân khủng bố" tại làng Inn Din.

Trước các bằng chứng mới nhất đó về những gì càng lúc càng mang dáng dấp của một vụ diệt chủng người Rohingya ở bang Rakhine tại Miến Điện, bà Yanghee Lee, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc phụ trách nhân quyền ở Miến Điện đã nhận định rằng các hành vi của quân đội Miến Điện nhắm vào người Rohingya mang "dấu hiệu của hành vi diệt chủng".

Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách Châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch thì kết quả điều tra của hãng tin AP đã thôi thúc cộng đồng quốc tế là phải đòi chính quyền Miến Điện "chịu trách nhiệm".

Liên tiếp trong hai hôm 31/01 và 01/02, hãng AP đã yêu cầu văn phòng thông tin quân sự của Miến Điện bình luận nhưng không được trả lời. Trong lúc đó thì ông Htun Naing, một cảnh sát viên ở thị trấn Buthidaung, nơi có ngôi làng Gu Dar Pyin, thì khẳng định là ông "chưa bao giờ nghe nói đến những ngôi mộ tập thể như thế".

Theo hãng AP, chính quyền Miến Điện đã chận đường không cho ai đến làng Gu Dar Pyin, do đó không rõ là đã có bao nhiêu người chết tại đấy, nhưng hình ảnh vệ tinh do công ty DigitalGlobe chụp được cho thấy một ngôi làng bị tàn phá. Giới lãnh đạo cộng đồng cư dân đã lập một danh sách gồm 75 người chết, trong lúc dân làng ước tính con số nạn nhân có thể lên đến 400 người, dựa trên lời khai của thân nhân và các thi hài mà họ đã nhìn thấy trong các ngôi mộ và rải rác khắp khu vực.

Hầu hết những người dân làng được AP phỏng vấn đều nhìn thấy ba ngôi mộ lớn ở lối vào phía bắc của làng Gu Dar Pyin, gần con đường chính, nơi mà theo lời các nhân chứng, binh sĩ Miến Điện đã tập trung và hạ sát hầu hết những người Rohingya bị bắt. Một vài nhân chứng xác nhận hai ngôi mộ lớn khác gần nghĩa trang bên sườn đồi, và các ngôi mộ nhỏ rải rác khắp làng.

Trong những đoạn video mà AP có được, quay cảnh 13 ngày sau khi vụ tàn sát bắt đầu, người ta thấy những vũng nước bùn axit màu xanh lục bao quanh xác chết cụt đầu, chỉ có ngực nhô ra khỏi mặt đất, hoặc những bàn tay như đang cào trên trên mặt đất.

Những người sống sót cho biết là quân đội Miến Điện đã lên kế hoạch tấn công vào ngày 27 tháng 8, và cố gắng che giấu những gì họ đã làm. Họ không chỉ dùng súng, dao, lựu đạn, mà còn mang theo cuốc xẻng để đào hố chôn xác và axit để đốt cháy khuôn mặt và bàn tay để không ai nhận dạng được nạn nhân.

Trọng Nghĩa

**********************

Tòa Myanmar từ chối cho hai nhà báo Reuters tại ngoại (RFA, 01/02/2018)

Vào ngày 1 tháng Hai năm 2018, tòa án Yangoonn đã bác đơn xin tại ngoại của 2 nhà báo người Miến Điện làm việc cho hãng thông tấn Reuters.

myanmar2

Nhà báo Reuters Kyaw Wa Lone vào giờ nghỉ tại tòa ở Yangon, Myanmar hôm 1/2/2018  Reuters

Hai nhà báo có tên là Wa Lone, 31 tuổi, và Kyaw Soe Oo, 27 tuổi, bị cảnh sát Myanmar bắt giữ từ hồi tháng 12 năm ngoái với cáo buộc tội đánh cắp tài liệu bí mật quốc gia.

Cả 2 nhà báo này đều khai với nhân viên điều tra là họ được 2 nhân viên cảnh sát mời dùng cơm tối rồi trao cho họ một phong bì nhưng họ không biết bên trong chứa đựng những gì. Họ vừa cầm phong bì trên tay thì bị an ninh ập vào bắt giữ.

Một số quốc gia và những tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng phản đối việc chính quyền Miến Điện bắt giữ 2 nhà báo này, xem đó là hành động ngăn chặn quyền tự do báo chí, vì trước khi bị bắt, nhà báo Wa Lone và Kyaw Soe Oo là những người giúp hãng thống tấn Reuters đưa tin về chuyện binh sĩ và an ninh Miến Điện đàn áp người Hồi Giáo Rohingya. Chiến dịch đàn áp của an ninh Myanmar đã đẩy 668.000 người thuộc tập thể thiểu số này phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.

Trong một diễn tiến khác có liên quan, vào ngày 1 tháng 2 hãng thông tấn quốc tế AP cho hay những người Rohingya tạm cư ở Bangladesh nói rằng có ít nhất 75 người dân làng Gu Dar Pyin bị binh sĩ Myanmar nã súng bắn chết và chôn xác ở 5 mồ chôn tập thể.

Bản tin của AP cũng nói vụ bắn giết xảy ra từ hôm 27 tháng Tám năm ngoái, và con số người trong làng này chết có thể lên tới 400 người.

Làng Gu Dar Pyin là một trong những ngôi làng của người Hồi Giáo Rohingya ở bang Rakhine, là nơi quân đội Myanmar mở những cuộc hành quân để truy lùng khủng bố. Tuy nhiên, theo những người Rohingya, quân đội Myanmar chỉ lấy danh nghĩa bài trừ khủng bố để đàn áp họ : bắn giết, đốt nhà, hãm hiếp, cướp của.

Ngay sau khi tin này được công bố, đại diện nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện là bà Yanghee Lee gọi đây là hành động diệt chủng, vì binh sĩ Miến cố ý nổ súng giết người Rohingya. Ông Phil Robertson, phụ tá giám đốc Châu Á của Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền Human Rights Watch cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc chính phủ Myanmar phải nhận lãnh trách nhiệm về những việc làm tàn bạo này.

Quân đội và chính phủ Myanmar chưa lên tiếng nói gì về tin này, nhưng trong quá khứ, cả chính phủ dân sự do Bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo và quân đội đều lên tiếng bác bỏ các cáo buộc, cũng như những lời chỉ trích của công đồng quốc tế.

Cũng vào ngày 1 tháng 2, tin từ chính phủ Miến nói rằng một kẻ lạ mặt đã ném bom xăng vào khu vực nhà riêng của bà Aung San Suu Kyi tại thành phố Yangoon.

Theo ông Zaw Haty, phát ngôn viên chính phủ, cuộc điều tra tìm thủ phạm đang được tiến hành. Ông cũng cho biết vụ tấn công chỉ gây thiệt hại không đáng kể.

Được biết lúc vụ việc xảy ra, bà Suu Kyi đang ở thủ đô Naypyidaw, nói chuyện trước quốc hội về những thành quả mà chính phủ do bà lãnh đạo đạt được trong 2 năm qua, kể từ khi lên cầm quyền vào đầu năm 2016.

Published in Châu Á