Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Miến Điện : Thời điểm của nghi ngờ và suy xét (RFI, 24/11/2017)

Một nghịch lý đang diễn ra tại quốc gia Đông Nam Á Miến Điện : chính khi sắc dân Hồi giáo thiểu số Rohingya rơi vào thảm cảnh, những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế, nhất là phương Tây, lại khiến dân tộc Miến Điện, vốn có truyền thống bị chia rẽ, trở nên đoàn kết hơn. Trên đây là nhận định của ông Olivier Guillard, chuyên gia về Châu Á thuộc viện Quan Hệ Quốc Tế Và Chiến Lược (IRIS), Paris.

rohingya1

Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi (G) trong cuộc họp báo tại thượng đỉnh ASEM, ở Naypyidaw, ngày 21/11/2017. Reuters/Stringer

Trong bài viết "Miến Điện : Thời điểm của sự nghi ngờ và suy xét" đăng trên trang mạng về Châu Á Asialyst, chuyên gia Olivier Guillard nhận định đã đến lúc suy xét kỹ lưỡng để đánh giá về trách nhiệm của chính quyền dân sự (lãnh đạo Aung San Suu Kyi và chính phủ thuộc đảng Liên Đoàn Quốc Gia Về Dân Chủ - LND) và tập đoàn quân sự. Quan hệ giữa chính quyền dân sự và tập đoàn quân sự vốn rất băng giá nay trở nên nồng ấm hơn qua cuộc khủng hoảng người Rohingya.

Năm năm sau khi tập đoàn quân sự thu gọn quyền lực sau nửa thế kỷ lãnh đạo liên tục và tiến hành chuyển giao quyền lực (quá trình chuyển giao hiện vẫn chưa hoàn tất), vào ngày 08/11/2015, cuộc tổng tuyển cử tự do được tổ chức tại Miến Điện.

Hiến Pháp Miến Điện do tập đoàn quân sự soạn thảo để phục vụ cho cho lợi ích của họ, nên còn nhiều hạn chế về thủ tục hành chính, nhất là điều kiện trở thành tổng thống, vốn được đề ra nhằm chống bà Aung San Suu Kyi. Mặc dù vậy, vào năm 2015, các nhà quan sát, thăm dò ý kiến và cử tri không trông chờ gì hơn ngoài chiến thắng của đảng LND của bà Aung San Suu Kyi trong kỳ bầu cử Quốc Hội năm đó.

Trái ngược với năm 1990, khi tập đoàn quân sự không công nhận kết quả bầu cử có lợi cho đảng LND, vào năm 2015, các tướng lĩnh quân đội Miến Điện lại điềm nhiên chấp nhận kết quả bỏ phiếu mang lại thắng lợi cho đảng LND. Và đó là một sự sỉ nhục đối với đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển USDP.

Bối cảnh chính trị khi đó ở Miến Điện tương đối thuận lợi cho đảng LND, nhất là đảng của bà Aung San Suu Kyi có một thời gian chuẩn bị lãnh đạo đất nước.

Một năm rưỡi sau những bước đi đầu tiên của chính phủ dân sự, sau những kỳ vọng và sự phấn khởi tột bậc của dân chúng, cũng như những lời cổ vũ, khen ngợi của cộng đồng quốc tế, nhất là phương Tây (mà theo chuyên gia Olivier Guillard là quá sớm) về thắng lợi của nền dân chủ, người ta thấy những nhận xét ít thiện cảm hơn và cách nhìn nhận thực tế hơn về tình hình Miến Điện.

Chính quyền LND ngay từ đầu nhiệm kỳ đã vấp phải sự thiếu kinh nghiệm về quản lý và giải quyết các vấn đề quốc gia. Chính vì thế, họ phải liên minh với tập đoàn quân sự vốn vẫn còn những ảnh hưởng vô cùng lớn, trong khi hai bên vẫn chưa thực sự được hòa giải. Và chính phủ Miến Điện cũng vấp phải một chuỗi hồ sơ phức tạp và chồng chéo, chẳng hạn tiến trình hòa bình và hòa giải quốc gia, phát triển kinh tế, quan hệ với tập đoàn quân sự cũ và giới lãnh đạo Phật Giáo mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, quan hệ với thế giới bên ngoài, từ Washington tới Bắc Kinh …

Trong bối cảnh phức tạp đó, hồi tháng 09/2017, một cuộc khủng mới lại bùng nổ : từ miền bắc bang Arakan, vài trăm ngàn dân thường thuộc sắc dân thiểu số Hồi giáo Rohingya rơi vào thảm cảnh, phải sang lánh nạn tại nước láng giềng Bangladesh. Cuộc khủng hoảng người Rohingya đã làm xấu đi hình ảnh của Miến Điện thời hậu chính quyền quân sự.

Liên Hiệp Quốc, các nước phương Tây và các quốc gia Hồi giáo, giới hoạt động nhân quyền và các tổ chức nhân đạo từ đó không ngừng chỉ trích hành động của cả chính quyền dân sự và giới lãnh đạo quân sự Miến Điện, coi họ là thủ phạm chính gây ra thảm họa cho người Rohingya. Thậm chí, nhiều người còn gọi đó là nạn thanh lọc sắc tộc hoặc diệt chủng.

Thế giới phê phán chính quyền Naypyidaw, tố cáo bạo lực ở Arakan, thương cảm trước nỗi đau của các nạn nhân, áp đặt lệnh trừng phạt. Nhưng chuyên gia Olivier Guillard đặt câu hỏi liệu có ai thực sự muốn biết sự thật về đặc quyền và khả năng của từng bên : chính quyền dân sự và các tướng lĩnh quân đội ? Ai có thể tới hiện trường ở bang Arakan để tìm hiểu chi tiết về cuộc khủng hoảng và cho toàn thể nhân loại biết sự thực và đánh giá rạch ròi trách nhiệm của lực lượng an ninh, quân đội và nhóm phiến quân Rohingya cực đoan ARSA ?

Bà Aung San Suu Kyi đang ở đâu trong cơn bão Rohingya ? Liệu bà có còn là một biểu tượng ? Là nữ cố vấn về dân chủ của chính quyền Miến Điện, khôi nguyên giải Nobel hòa bình 1991, người mà dân chúng Miến Điện đặt nhiều kỳ vọng, một thần tượng luôn điềm tĩnh và mỉm cười trong mắt phương Tây vốn khát khao dân chủ, tự do và đề cao nhân quyền, bà Aung San Suu Kyi đã không vượt qua được cơn bão tố bùng lên từ bang Arakan. Không ai hiểu nổi sự yên lặng của bà trong hồ sơ này. Nhiều người đã kêu gọi tước danh hiệu khôi nguyên Hòa Bình của lãnh đạo Aung San Suu Kyi : cộng đồng quốc tế đã vỡ mộng và coi đó là đòn trừng phạt nhắm vào cá nhân bà.

Sự thay đổi mạnh mẽ trong thái độ của quốc tế khiến xã hội Miến Điện, vốn là một điển hình của sự chia rẽ nội bộ, đã đoàn kết vượt qua những khúc mắc chính trị, sắc tộc, xã hội để sát cánh ủng hộ các lãnh đạo dân sự và tập đoàn quân sự trong hồ sơ Rohingya.

Còn quan hệ giữa lãnh đạo chính quyền dân sự, bà Aung San Suu Kyi và lãnh đạo quân đội, vị tướng quyền hành Min Aung Hlaing ? Mặc dù bị chỉ trích, họ đã tận dụng cuộc khủng hoảng trầm trọng này để hàn gắn phần nào vết thương. Bà Aung San Suu Kyi đã không chỉ trích trước công luận hành động bạo lực của phe quân sự tại bang Arakan trong hai tháng qua, cho dù bà bị quốc tế chỉ trích là thụ động và thiếu lòng trắc ẩn. Theo chuyên gia Olivier Guillard, đó là vì bà ấy không muốn liều lĩnh hứng đòn phản công ngay tức khắc của tập đoàn quân sự, cũng như sự phản đối của dân chúng mà đa phần theo Phật Giáo.

Và đương nhiên, lãnh đạo Aung San Suu Kyi chọn giải pháp giữ yên lặng và nói giảm nói tránh để làm nhẹ về nỗi đau khổ và điều kiện sống cùng cực của hơn nửa triệu dân thường ở bang Arakan, hiện đang tị nạn tại nước láng giềng Bangladesh. Cũng không nên quên rằng ở nhiều vùng khác, nhất là các bang Shan, Kachin, Karen, hàng triệu người, đa phần là các sắc dân thiểu số, đang phải gánh chịu thảm cảnh do xung đột giữa quân đội và các nhóm vũ trang sắc dân thiểu số.

Chuyên gia Olivier Guillard kết luận thay vì chỉ trích và đưa ra những đánh giá chung chung, cộng đồng quốc tế nên suy xét kỹ hơn để hiểu rõ về nội bộ xã hội Miến Điện, xác định trách nhiệm của từng bên (chính quyền dân sự và tập đoàn quân sự) và xem xét kỹ lưỡng trong việc áp đặt lệnh trừng phạt. Với nhiệm kỳ lãnh đạo 7 năm của đảng LND trên nền tiến trình chuyển giao dân chủ rất phức tạp và vô cùng ngoắt nghéo, khao khát của đất nước Miến Điện và 55 triệu người dân là có một tương lai tươi đẹp hơn chứ không phải là bị tẩy chay, cấm vận.

Thùy Dương

***********************

Rohingya : Thỏa thuận Miến Điện-Bangladesh mang tính ngoại giao (RFI, 24/11/2017)

Thỏa thuận Miến Điện-Bangladesh ký ngày 23/11/2017 chỉ cho phép người Rohingya theo Hồi giáo hồi hương "trong hai tháng tới". Thông cáo chính thức của hai bên không hề sử dụng cụm từ "Rohingya" để chỉ người tị nạn Hồi giáo tại Bangladesh.

rohingya2

(Ảnh minh họa) - Những người Rohingya Miến Điện vượt biên giới sang Bangladesh để tới các trại tị nạn ở Palang Khali, ngày 19/10/1017. Reuters/Jorge Silva/File Photo

Theo hãng tin AFP, các tiêu chí về việc hồi hương, cũng như số người liên quan trong chương trình này, cũng không được nêu cụ thể. Trong khi đó, ngoại trưởng Miến Điện kiêm cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi lại đánh giá thỏa thuận này được ký kết "dựa trên mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và hữu nghị, có lợi cho cả hai nước".

AFP đánh giá thông cáo của Naypyidaw và Dacca về việc hồi hương người Rohingya mang tính chất ngoại giao, và được đưa ra chỉ vài ngày trước chuyến công du của giáo hoàng Phanxicô, tại Miến Điện từ ngày 26-30/11, sau đó là Bangladesh từ 30/11 đến 02/12.

Trong khi đó, tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội Miến Điện đã đến Trung Quốc ngày 23/11/2017 và bắt đầu chuyến công du 5 ngày, theo lời mời của quân đội nước này trong bối cảnh cộng đồng quốc tế gây sức ép đối với quân đội và chính phủ Miến Điện trong hồ sơ Rohingya. Theo trang The Irrawaddy, mục đích của chuyến viếng thăm là thảo luận các biện pháp để cùng nhau thúc đẩy hòa bình và an ninh dọc biên giới chung của hai nước. Tướng Min Aung Hlaing cảm ơn sự hỗ trợ của Trung Quốc trong "trường hợp bang Rakhin".

Người Rohingya, sống chủ yếu ở bang Rakhine, bị coi là người nước ngoài tại Miến Điện, nơi có đến hơn 90% dân số theo Phật Giáo. Sắc dân thiểu số theo Hồi giáo này cũng là cộng động vô tổ quốc lớn nhất thế giới vì bị tước quốc tịch Miến Điện từ năm 1982 và phải chịu rất nhiều thiệt thòi : không được du lịch hay kết hôn nếu không được phép, không được tham gia thị trường lao động và không được hưởng các dịch vụ công (trường học và bệnh viện).

Thu Hằng

***********************

Trung Quốc muốn thắt chặt quan hệ với quân đội Miến Điện (RFI, 23/11/2017)

Một lãnh đạo cao cấp quân đội Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh muốn thắt chặt quan hệ với quân đội Miến Điện nhằm bảo vệ hòa bình và an ninh trong khu vực.

rohingya3

Tướng Trung Quốc Lý Tác Thành ( thứ 2 từ phải) trong một hội nghị tại bắc Kinh ngày 16/08/2016 - Ảnh tư liệu : Mark Schiefelbein / AFP

Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc công bố vào hôm qua, 22/11/2017, trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh với tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Trung Quốc Lý Tác Thành (Li Zuocheng), ủy viên Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, đã tuyên bố rằng trước tình hình an ninh khu vực phức tạp và luôn biến đổi, Trung Quốc sẵn sàng duy trì trao đổi thông tin chiến lược với quân đội Miến Điện.

Bắc Kinh muốn có nhiều các cuộc tiếp xúc hơn nữa giữa quân đội hai nước, tăng cường hợp tác huấn luyện và kỹ thuật, nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định cho khu vực biên giới chung.

Theo Reuters, Bắc Kinh tỏ ra khó chịu về các cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Miến Điện và lực lượng nổi dậy thuộc các sắc tộc thiểu số có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc tại vùng biên giới. Hàng ngàn người đã phải chạy sang Trung Quốc để tránh bạo lực.

Thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc không hề đề cập đến vấn đề người Rohingya. Trong cuộc khủng hoảng này, phương Tây lên án quân đội Miến Điện trấn áp, thậm chí tiến hành chiến dịch thanh lọc chủng tộc nhắm vào người Rohingya theo đạo Hồi.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế còn kêu gọi quốc tế tiến hành cấm vận toàn diện Miến Điện và trừng phạt tài chính nhắm vào giới lãnh đạo quân đội Miến Điện. Trong bối cảnh đó, tướng Min Aung Hlaing dẫn đầu một phái đoàn quân sự Miến Điện, công du Trung Quốc từ ngày 22/11.

Minh Anh

************************

Rohingya : Mỹ lên án một cuộc "thanh lọc chủng tộc" (RFI, 23/11/2017)

Washington nghiên cứu khả năng trừng phạt kinh tế Miến Điện về khủng hoảng người Rohingya. Trong thông cáo ngày 22/11/2017, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nêu đích danh "một số nhân vật trong quân đội và lực lượng an ninh" nước này trong vụ "thanh lọc chủng tộc", đẩy 600.000 người Rohingya sang Bangladesh tị nạn.

rohingya4

Thảm cảnh người Rohingya Miến Điện vượt sông sang Bangladesh tị nạn. ảnh chụp tại Cox's Bẩz, biên giới Bangladesh ngày 11/11/2017. Reuters/Navesh Chitrakar

Thông cáo với lời lẽ cứng rắn trên đây của Bộ ngoại giao Mỹ khác hẳn với thái độ thận trọng của ngoại trưởng Rex Tillerson trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi tại Naypidaw hôm 15/11/2017.

Thông tín viên RFI, Anne Corpet tại Washington phân tích về thay đổi trong thái độ của Hoa Kỳ trên hồ sơ người Rohingya :

Đây là một thay đổi rõ nét trong ngôn ngữ ngoại giao của Mỹ. Từ giữa tháng 9/2017, Liên Hiệp Quốc đã sử dụng cụm từ thanh lọc chủng tộc khi nói về thảm cảnh của Rohingya mà đến nay đã có hơn 600.000 người phải sang Bangladesh tị nạn. Vào thời điểm đó, chính quyền Mỹ đã từ chối dùng lại từ ngữ của Liên Hiệp Quốc.

Lần này, theo giải thích của một nhà ngoại giao, việc Washington sử dụng cụm từ thanh lọc chủng tộc cho thấy mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình.

Trong thông cáo, ngoại trưởng Tillerson nêu đích danh quân đội, các lực lượng an ninh Miến Điện và nhiều nhóm tự vệ ở cấp địa phương phải chịu trách nhiệm về vụ thanh lọc chủng tộc nhắm vào người Rohingya theo đạo Hồi ở Miến Điện.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không loại trừ khả năng ban hành một số biện pháp trừng phạt nhắm vào một số đối tượng. Ông Tillerson nói rõ : Những người gây tội ác phải bị trừng phạt.

Bộ Ngoại Giao Mỹ không đặc biệt nhắm vào chính quyền Miến Điện. Một nhà ngoại giao giải thích : Tình hình trong khu vực này không hoàn toàn do chính quyền dân sự Miến Điện kiểm soát, nhưng Hoa Kỳ trông cậy vào bà Aung San Suu Kyi để giải quyết khủng hoảng.

Cũng trong thông cáo của Bộ ngoại giao, Rex Tillerson hoan nghênh nỗ lực gần đây của chính quyền Miến Điện và Bangladesh về kế hoạch đưa người tị nạn Rohingy hồi hương.

Ông Tillerson cho biết thêm : cách thức Miến Điện giải quyết khủng hoảng lần này mang tính quyết định để thực hiện thành công tiến trình chuyển đổi, hướng tới một xã hội dân chủ hơn.

Miến Điện–Bangladesh đạt thỏa thuận về người tị nạn Rohingya

Theo hãng tin Reuters vào sáng nay (23/11), Miến Điện và Bangladesh đã ký một thỏa thuận mà trên nguyên tắc sẽ mở đường cho việc đưa hàng trăm ngàn người Rohingya tị nạn tại Bangladesh về nguyên quán. Một quan chức trong bộ Lao Động, Nhập Cư và Dân Số Miến Điện, ông Myint Kiang, cho biết thỏa thuận nói trên đã được ký kết vào sáng nay tại Naypidaw và Miến Điện "sẵn sàng đón nhận" người Rohingya trở về, sau loạt bạo động dấy lên từ hôm 25/08/2017 tại bang Arakan.

Cũng về người Rohingya, Miến Điện, tòa thánh Vatican ngày 22/11/2017 thông báo đức giáo hoàng Phanxicô sẽ đến thăm người tị nạn Rohingya tại thủ đô Dhaka vào ngày 01/12/2017. Lãnh đạo tòa thánh Vatican công du hai nước Miến Điện và Bangladesh từ ngày 26/11/2017 đến mồng 02/12/2017.

Thanh Hà

Published in Châu Á