Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 27 septembre 2017 11:38

Vụ người Rohingya không dễ giải quyết

Chính phủ Myanmar sẽ quản lý các ngôi làng bị đốt phá (RFA, 27/09/2017)

Chính phủ Myanmar sẽ đảm nhận việc tái thiết các ngôi làng bị thiêu rụi trong đợt giao tranh giữa phiến quân Hồi giáo Rohingya và quân đội chính phủ.

myanmar1

Một ngôi làng của người Rohingya bị đốt ngày 31/8/2017. AFP

Tờ Global New Light of Myanmar dẫn lời ông Win Myat Aye, Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Myanmar nói rằng theo luật của quốc gia này thì những khu vực bị thiêu rụi sẽ thuộc phạm vi quản lý của chính phủ. Ông cũng cho biết quá trình tái thiết sẽ diễn ra một cách hiệu quả vì theo luật thì chính phủ sẽ trực tiếp giám sát hoạt động xây dựng lại các khu vực xảy ra thảm họa hay giao tranh.

Biện pháp tái thiết được nói có thể sẽ khiến hơn 480 ngàn người Rohingya đang lánh nạn trở lại quê hương của họ. Tuy nhiên, ông Aye nói rằng chính phủ chưa có kế hoạch hay phương thức cụ thể nào để đưa những người này trở về.

Ảnh vệ tinh cho thấy có khoảng 400 ngôi làng của người Rohingya tại bang Rakhine đã bị đốt cháy trong các vụ xung đột.

***********************

Khai quật những mộ tập thể Ấn Giáo ở bang Rakhine (RFA, 27/09/2017)

Quân đội Myanmar vào ngày 27 tháng 9 tổ chức chuyến đầu tiên cho báo chí đến tại khu vực nơi có những mộ tập thể tín đồ Ấn Giáo được khai quật hồi đầu tuần này.

myanmar2

Thân nhân của 23 nạn nhân bị sát hại trong vụ quân ARSA tấn công làng Ấn Giáo hôm 25/8. AFP

Trong khi đó công tác tìm kiếm 50 tín đồ Ấn Giáo bị sát hại được tiếp tục được tiến hành. Những người chứng kiến ​​vụ việc cho hãng tin AFP biết cuộc đổ máu xảy ra bên ngoài làng Ấn Giáo ở Kha Maung Seik miền bắc bang Rakhine. Số này được nói bị sát hại trong cuộc tấn công của Đội quân Cứu thế Arakan Rohingya ngày 25 tháng 8 vừa qua.

Một người địa phương tên Fwaira Bazar kể lại rằng ngày xảy ra cuộc tấn công, một nhóm người đeo mặt nạ đã ập tới khu vực người Ấn giáo sinh sống, đánh đập và bịt mắt người dân rồi chở họ vào rừng. Theo lời những người địa phương thì bọn khủng bố đã giết hại hơn 100 người, rồi đào hố chôn thi thể họ.

Chiến dịch đáp trả của quân đội Myanmar đối với đợt tấn công của phiến quân Rohingya được nói khiến hằng trăm người thiệt mạng và gần nửa triệu người sắc tộc Rohingya theo Hồi giáo phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.

Liên Hiệp Quốc cho rằng chiến dịch của quân đội Myanmar là tảo thanh sắc tộc. Tuy nhiên phía Myanmar bác bỏ cho rằng họ chỉ ra tay trấn dẹp những phần tử khủng bố quá khích Rohingya.

***************

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tố cáo Myanmar phạm tội ác chống nhân loại (RFA, 26/09/2017)

Myanmar đang phạm tội ác chống lại nhân loại qua các chiến dịch tảo thanh đối với phiến quân nổi dậy Hồi giáo tại bang Rakhine.

myanmar3

Những người tị nạn Hồi giáo Rohingya chờ được phát thức ăn bởi quân đội Bangladesh tại trại tị nạn Balukhali gần Gumdhum vào ngày 26 tháng 9 năm 2017. AFP

Đây là nội dung trong thông cáo báo chí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch công bố vào ngày 26 tháng 9. Đồng thời tổ chức này cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hãy áp đặt các biện pháp chế tài cùng lệnh cấm vận vũ khí đối với Myanmar.

Phát ngôn nhân Chính phủ Miến Điện phản đối cáo buộc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch, nói rằng không có một bằng chứng nào cho việc cáo buộc này và Chính phủ Myanmar luôn cam kết bảo vệ nhân quyền.

Miến Điện cũng đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Liên Hiệp Quốc rằng các lực lượng của Chính phủ tham gia vào việc tảo thanh sắc tộc chống người Hồi giáo Rohingya nhằm đáp trả các cuộc tấn công của phiến quân nổi dậy người Rohingya nhắm vào các lực lượng an ninh hồi ngày 25 tháng 8 vừa qua.

Giám đốc Chính sách Pháp lý của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch, James Ross, nói rằng quân đội Miến đang trục xuất người Rohingya ra khỏi bang Rakhine một cách dã man. Các vụ đốt phá và thảm sát dân làng hàng loạt đã đẩy người dân phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn là tất cả tội ác chống lại loài người.

Hiện đã có gần 440 ngàn người chạy sang Bangladesh tị nạn, phần lớn là người Rohingya. Những người này cáo buộc các lực lượng an ninh truy đuổi người Rohingya ra khỏi quốc gia đa số người theo Phật giáo ở Myanmar.

Published in Châu Á