Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc tái khẳng định hậu thuẫn dành cho Nga, đối tác đang trong thế yếu

Trọng Nghĩa, RFI, 15/09/2022

Trong cuộc tiếp xúc trực diện đầu tiên vào hôm 15/09/2022, với tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ ngày Moskva xua quân tấn công Ukraine, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tái khẳng định lập trường ủng hộ cố hữu của Bắc Kinh đối với đồng minh. Theo giới quan sát, ngoài sự tương đồng giữa hai bên trong mục tiêu chiến lược là chống lại Hoa Kỳ và phương Tây, Trung Quốc còn nhắm vào nhiều mối lợi khác khi siết chặt thêm quan hệ với một đối tác đang trong thế yếu.

ngatrung4

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand, Uzbekistan, ngày 15/09/2022. via Reuters - Sputnik

Cho đến nay, trên vấn đề Nga xâm lược Ukraine, Trung Quốc không công khai ủng hộ, nhưng cũng không hề lên án hành động của Nga. Thậm chí Bắc Kinh còn tố cáo các biện pháp trừng phạt Moskva và việc phương Tây bán vũ khí cho Ukraine.

Theo thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh, từ nhiều ngày qua, sau khi thông tin về cuộc gặp hôm nay giữa hai ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin được xác nhận rõ ràng, cụm từ những "mặt trận thống nhất" với Nga chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây đã xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Lập trường ủng hộ Moskva đã được ông Lật Chiến Thư, chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc đến thăm Nga kể từ ngày chiến tranh Ukraine bùng lên, tuyên bố công khai trên truyền hình Nga vào tuần trước, khi ông tố cáo : "Mỹ và NATO đã trực tiếp tông vào cửa nhà của Nga, đe dọa an ninh quốc gia và sự an toàn của người dân Nga. Nga đã thực hiện các bước cần phải thực hiện. Trung Quốc hiểu rõ những lợi ích cốt lõi này và luôn luôn hoàn toàn ủng hộ Nga".

Theo nhiều nhà phân tích được hãng tin Pháp AFP phỏng vấn, xu hướng xích lại gần Nga của Trung Quốc đã được thúc đẩy thêm trong bối cảnh quan hệ của Bắc Kinh với Washington ngày càng xung khắc thêm.

Theo bà Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung Tâm Stimson ở Washington, với tư cách là cường quốc hạt nhân quan trọng thứ hai trên thế giới, "Nga là một tác nhân địa chính trị khó có thể bị lơ là".

Đối với Trung Quốc, Moskva là đối tác chính để làm đối trọng với Washington trên trường quốc tế. Ngày 12/09 vừa qua, nhân vật phụ trách đối ngoại cao cấp nhất của Trung Quốc là Ủy Viên Quốc Vụ Dương Khiết Trì đã cho rằng Nga và Trung Quốc có thể cùng nhau ‘thúc đẩy sự phát triển của trật tự quốc tế theo hướng công bằng và hợp lý hơn".

Về mặt thương mại, lợi dụng việc Nga bị phương Tây cấm vận dầu mỏ, Trung Quốc đã mua thêm dầu của Nga trong những tháng gần đây, và với giá rất hạ, một hành động góp phần giúp Moskva giảm thiểu tác động kinh tế của các lệnh trừng phạt.

Đối với chuyên gia Yun Sun, nếu Nga "bị suy yếu trong cuộc chiến Ukraine, điều đó không hẳn là tin xấu đối với Trung Quốc, vì Bắc Kinh nhờ đó sẽ có thêm nhiều ưu thế hơn trong quan hệ song phương".

Còn về chiều ngược lại, theo ông Hal Brands, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Viện John Hopkins ở Washington : "Với việc vị thế của Nga bị suy yếu, Putin sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc".

Ông Joseph Torigian, chuyên gia về chính sách quốc tế tại Đại học Mỹ ở Washington cũng thấy rằng cuộc gặp hôm nay của hai nhà lãnh đạo mở ra "vào thời điểm có nhiều chuyển động lớn trên chiến trường, điều đó có nghĩa là Nga trông cậy nhiều vào sự giúp đỡ của Trung Quốc".

Vấn đề đặt ra là Trung Quốc sẽ phải cân nhắc xem họ có thể giúp đỡ như thế nào mà không phải hy sinh lợi ích kinh tế của chính mình và tránh được các trừng phạt của phương Tây.

Trọng Nghĩa

*********************

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải họp thượng đỉnh để chống lại ảnh hưởng của phương Tây

Chi Phương, RFI, 15/09/2022

Cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 22 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải khai mạc tại Samarkand, Uzbekistan, hôm 15/09/2022. Với sự góp mặt của các cường quốc như Nga và Trung Quốc, hội nghị này được xem như một nỗ lực để chống lại ảnh hưởng của phương Tây.

ngatrung5

Đường phố Samarkand (Uzbekistan) trước hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Ảnh chụp ngày 09/09/2022 via Reuters – Foreign Ministry of Uzbekistan

Từ Tbilissi, thông tín viên RFI Regis Genté cho biết thêm :

"Trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu, Samarkand tiếp đón lãnh đạo 15 quốc gia, trong đó có 2 nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, 4 cường quốc hạt nhân và nhiều quốc gia nằm trong số những nước sản xuất cũng như tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.

Dù không nói ra, nhưng đối với một số nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS), mà hầu hết đều là những chế độ chuyên chế hoặc độc tài, đây là dịp để cho phương Tây thấy rằng phần còn lại của thế giới cũng quan trọng. Hơn nữa, cuộc họp được tổ chức vào thời điểm mà phương Tây đang bị thách thức bởi Nga, Trung Quốc và nhiều cường quốc khác hiện diện tại thủ đô Uzbekistan.

Một trong những sự kiện đáng chú ý trong thượng đỉnh lần này đó là việc Iran ký một văn bản để trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Belarus cũng sẽ bắt đầu thủ tục gia nhập tổ chức này. Các biên bản ghi nhớ sẽ được ký tắt để Ai Cập, Qatar hay Saudi Arabia tiến gần đến OCS. Khoảng 30 văn bản khác cũng sẽ được ký kết. Các văn bản này nhằm tăng cường mối liên hệ giữa các nước thành viên của một tổ chức vốn không phải là một khối, nhưng muốn tăng cường hợp lực".

Được thành lập vào năm 2001, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là một tổ chức liên chính phủ hợp tác về kinh tế, chính trị cũng như an ninh, gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và một số nước thuộc Liên Xô cũ. Theo AFP, đây được xem như một công cụ để cạnh tranh với các tổ chức của phương Tây. Tuy vậy, OCS không phải là một liên minh giống như Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, và cũng không có ràng buộc chính trị như Liên Hiệp Châu Âu. Các nước thành viên cùng nhau làm việc để giải quyết các thách thức về an ninh và thúc đẩy hợp tác thương mại.

Chi Phương

**********************

Lãnh đạo Trung, Nga gặp nhau bên lề thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải

Trọng Nghĩa, RFI, 15/09/2022

Bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại thành phố Samarkand ở Uzbekistan hôm 15/09/2022, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp song phương. Hai bên đã phô trương tinh thần đoàn kết trong bối cảnh quan hệ Nga-Phương Tây đã căng thẳng hẳn lên, sau khi Moskva xua quân xâm lược Ukraine.

ngatrung1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev tham dự nghi thức đón khách, trước cuộc hội kiến bên lề thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand, Uzbekistan, ngày 15/09/2022 via Reuters – Uzbekistan Presidential Press SE

Theo hãng tin Pháp AFP, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố với tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Bắc Kinh sẵn sàng cùng với Moskva hành động trong tư cách "đại cường" và đóng vai trò chủ đạo trong việc "thổi ổn định và năng lượng tích cực vào trong một thế giới bị các biến động xã hội lay động".

Về phần mình, tổng thống Nga Putin đã ca ngợi cách tiếp cận "cân bằng" của Trung Quốc trên vấn đề Ukraine, đồng thời tố cáo "mưu toan" thiết lập một thế giới đơn cực.

Theo AFP, đối với tổng thống Putin, mà đất nước đang bị Phương Tây trừng phạt, thượng đỉnh lần này với chủ tịch Trung Quốc và các lãnh đạo khác trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là dịp để chứng tỏ rằng Nga không hề bị cô lập. Còn đối với ông Tập Cận Bình, hội nghị lần này cho phép ông củng cố thêm uy tín trước Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào tháng 10, đại hội mà ông đang nhắm tới nhiệm kỳ thứ ba.

Thượng đỉnh Nga-Trung lần này còn được cho là một thách thức nhắm vào Hoa Kỳ, nước đi đầu trong việc trừng phạt Nga và trợ giúp Ukraine, đồng thời càng lúc càng khiến Bắc Kinh phẫn nộ trong chủ trương giúp đỡ Đài Loan.

Theo thông tín viên RFI Anissa el-Jabri tại Moskva, bề ngoài đoàn kết mà Nga và Trung Quốc muốn phô trương với mọi người thực ra che giấu một sự cạnh tranh hiện vẫn còn rất kín đáo, mà trong đó Nga bắt đầu bị lép vế.

"Việc chọn Trung Á là địa điểm hội nghị thể hiện sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa Nga và Trung Quốc.

Tháng Giêng vừa qua, Nga đã can thiệp vào một nước Kazakhstan bị bạo loạn, trong khi Trung Quốc lại tỏ ra kín đáo. Giờ đây, vào lúc chính mình đang chịu áp lực ở Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng bùng lên trở lại giữa Armenia và Azerbaijan, vai trò đảm bảo an ninh của Moskva ngay tại sân sau của họ đột nhiên bị lu mờ. Đối mặt với sự thèm muốn của các đối thủ như Bắc Kinh, vùng ảnh hưởng của Nga có nguy cơ bị xâm phạm. 

Một thông điệp của cựu thủ tướng Nga vào tháng trước – dù đã nhanh chóng bị xóa bỏ - đã làm cho nhiều nước bất bình. Ông Dmitri Medvedev khi ấy tuyên bố rằng "Kazakhstan là một quốc gia nhân tạo". Vào tuần trước, chính quyền Kiev đã chớp thời cơ đưa ra lời cảnh cáo. Trên một tờ báo Uzbekistan, ngoại trưởng Ukraine tuyên bố : "Tôi muốn mọi người hiểu rằng, nếu chúng tôi thua, quý vị sẽ là người tiếp theo".

Tuy nhiên, một nước Nga đang chịu áp lực về quân sự sẽ nhận được một sự ủng hộ - bằng lời nói - rất rõ ràng từ Trung Quốc. Phát ngôn viên điện Kremlin hôm qua đã xác nhận rằng : "Hai nhà lãnh đạo sẽ nói về Ukraine và Đài Loan". Và trong cả hai trường hợp nói trên, báo chí Nga đều cho rằng : "Kẻ khiêu khích chính là Hoa Kỳ".

Hải quân Nga-Trung cùng tuần tra ở Thái Bình Dương

Như để nhấn mạnh thêm quan hệ ngày càng chặt chẽ thêm giữa Nga và Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Nga vào hôm nay, 15/09, cho biết Hải quân Nga và Trung Quốc đang tổ chức tuần tra chung ở vùng Thái Bình Dương. Một thông báo đăng trên mạng Telegram cho biết thủy thủ cả hai bên đã thực hiện các thao tác chiến thuật chung, và tiến hành các bài tập dùng đến pháo binh và trực thăng.

Thông cáo xác định rằng các cuộc tuần tra hỗn hợp nhằm thúc đẩy việc "tăng cường hợp tác hải quân giữa Nga và Trung Quốc, duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, giám sát vùng ven biển và bảo vệ các cơ sở kinh tế trên biển của Nga và Trung Quốc".

Trọng Nghĩa

**************************

Mặt trận Trung Quốc - Nga chống phương Tây rạn nứt vì Kazakhstan ?

Thanh Hà, RFI, 13/09/2022

Kazakhstan là cái gai trong tuần trăng mật giữa Moskva và Bắc Kinh, hay trái lại Nur Sultan là viên gạch đầu tiên cho mái nhà chung Á - Âu trước thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - một sáng kiến của Trung Quốc và Nga là thành viên nặng ký nhất ?

ngatrung2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Bắc Kinh, ngày 11/09/2019. AP - Mark Schiefelbein

Từng chọn quốc gia Trung Á này làm bệ phóng cho dự án OBOR - Một Vành Đai Một Con Đường, Tập Cận Bình tính toán những gì khi chọn vùng ảnh hưởng của Moskva cho chuyến xuất ngoại đầu tiên sau gần ba năm bị "cấm cung" vì Covid-19 và trong bối cảnh Nga trông cậy nhiều vào Trung Quốc từ khi xâm chiếm Ukraine ?

RFI tiếng Việt mời Emmanuel Véron, giáo sư địa chính trị, Viện Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương, trả lời các câu hỏi trên.

Hai ngày trước thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Uzbekistan với đỉnh điểm, trên nguyên tắc là cuộc gặp đầu tiên với Vladimir Putin từ khi Nga xâm chiếm Ukraine, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu công du Kazakhstan trong hai ngày 14 và 15/09/2022.

Thủ đô Nur Sultan đang trở thành tâm điểm của bàn cờ ngoại giao quốc tế : chuyến tông du của lãnh đạo Tòa Thánh Vatican trong 3 ngày kể từ 13/09 đã là một sự kiện, nhưng quan trọng hơn nữa đối với tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev là cuộc hội đàm ngày 14/09 với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Để chuẩn bị cho sự kiện lãnh đạo Trung Quốc công du Kazakhstan, tháng 7/2022 ngoại trưởng Vương Nghị đã nhấn mạnh Trung Quốc và Kazakhstan "tăng cường hợp tác", đặc biệt là trong khuôn khổ dự án Một Vành Đai, Một Con Đường. Tháng 2/2022, tổng thống Jomart Tokayev và chủ tịch Tập Cận Bình trong một cuộc điện đàm, sau phong trào nổi dậy của một phần dân chúng Kazakhstan và Nga đã điều quân sang can thiệp, lãnh đạo hai nước đồng lòng "mở ra một giai đoạn vàng son 30 năm" trong quan hệ song phương.

Giáo sư Emmanuel Véron, Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương INALCO, Học viện Hải quân Pháp và chuyên gia về Trung Quốc đương đại, trước hết lưu ý về ý nghĩa, về tầm mức quan trọng chuyến công du Kazakhstan lần này :

"Trước hết, Kazakhstan sát cạnh Trung Quốc, chia sẻ một đường biên giới chung hơn một ngàn cây số. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Kazakhstan và đương nhiên, cán cân thương mại nghiêng về phía Bắc Kinh. Kazakhstan xuất khẩu dầu, khí đốt và nhiều loại khoáng sản cho Trung Quốc. Năm 2013, chính tại thủ đô Astana, ông Tập Cận Bình khởi động dự án Con Đường Tơ Lụa Mới. Lần này, cho dù thủ đô Kazakhstan đã đổi tên (thành Nur Sutan), chuyến đi của ông Tập là một sự tiếp nối cho chuyến đi gần một chục năm trước. Bắc Kinh hàm ý nhắc nhở về tầm mức quan trọng của dự án và kế hoạch đó vẫn tiến triển.

Điều thứ nhì là, sau Kazakhstan, Tập Cận Bình sẽ dự thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một sáng kiến khác của Bắc Kinh, tại Uzbekistan, dự trù diễn ra vào ngày 16/09. Ngoài Trung Quốc và Nga, nhiều nước Trung Á đã tham gia tổ chức này cùng với Ấn Độ, Pakistan. Một số đồng minh hay nước bạn khác của Trung Quốc được mời tham dự, với tư cách quan sát viên hay đối tác đặc biệt của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây hiện nay và nhất là chiến tranh Ukraine, thượng đỉnh ở Uzbekistan mang ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị và ngoại giao. Sự kiện này khẳng định khối Á - Âu muốn thoát khỏi cái bóng của phương Tây về nhiều mặt : kinh tế, thương mại, kỹ thuật, công nghệ chính trị, quân sự, ngoại giao. Trung tâm của khối này phải là Trung Quốc, và Eurasia làm đối trọng với phần còn lại của thế giới phương Tây mà mà tất cả xoay quanh Hoa Kỳ".

1001 lý do để ông Tập chọn Kazakhstan

Kazakhstan chính thức thoát khỏi quỹ đạo Moskva từ năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ. Với gần 2,8 triệu cây số vuông, Kazakhstan đứng thứ 9 trên thế giới về diện tích, nhưng lại là một trong những quốc gia có mật độ dân số thấp nhất.

Kazakhstan cũng là thành viên quan trọng nhất trong số 5 nước Trung Á. Thuần túy về địa lý, Kazakhstan chiếm một vị trí chiến lược giữa hai phần "đông" và "tây" của địa cầu, là "gạch nối" giữa Châu Âu với Châu Á. Như giáo sư Véron vừa nêu, Trung Quốc và Kazakhstan có đường biên giới chung rất dài, sát cạnh với Tân Cương, nơi đa số dân cư theo đạo Hồi thuộc sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, mà một phần lớn trong số đó gốc Kazakhstan hay có thân nhân đang sống tại Kazakhstan.

Chính vì "yếu tố" Tân Cương, mà từ 2016 Bắc Kinh đã "đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố" trong đối thoại với Kazakhstan. Trung Quốc đã bắt đầu chuyển giao nhiều trang thiết bị tăng cường an ninh (xe tải, drone, máy bay quân sự, video…) cho chính quyền Nur Sultan.

Dưới góc độ kinh tế, Kazakhstan thực sự là một "mỏ vàng" trong mắt các doanh nhân Trung Quốc. Không phải tình cờ mà năm 2013 ông Tập Cận Bình đã "khai sinh" dự án Con Đường Tơ Lụa Mới thể kỷ 21 trên lãnh thổ quốc gia Trung Á này.

Kazakhstan là nguồn dự trữ uranium thứ nhì của thế giới. Những mỏ vàng, đồng, cobalt và đủ các loại kim loại hiếm là nam châm thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc từ lâu nay.

Emmanuel Véron : "Các chuyên gia về Kazakhstan thường nói đùa quốc gia đất rộng người thưa này đích thực là bảng phân loại Mendeleiv với đủ mọi kim loại, khoáng sản trong lòng đất. Mọi người chú ý nhiều đến dầu khí, than đá … mà quên rằng Kazakhstan là một mỏ uranium lớn trên thế giới và còn nắm giữ rất, rất nhiều các khoáng sản khác được Trung Quốc đánh giá cao. Từ lâu nay, các tập đoàn Trung Quốc đã đổ bộ vào Kazakhstan để khai thác uranium, vàng, dầu hỏa, khí đốt… Đây cũng là nơi đặt nhiều đường ống dẫn đưa năng lượng Nga vào lãnh thổ Trung Quốc".

Theo báo Le Monde ngày 13/01/2022, Trung Quốc từ năm 2005 bắt đầu lập kho dự trữ dầu hỏa chiến lược, tương tự như tại nhiều nước phương Tây. Bắc Kinh đề ra mục tiêu đến năm 2025 các nước cộng hòa từng thuộc quỹ đạo của Liên Xô sẽ bảo đảm đến 20% khoản dự trữ chiến lược đó. Trong bài toán này, Trung Quốc trông chờ nhiều vào 2% dữ trữ dầu hỏa của Kazakhstan còn ngủ yên trong lòng đất.

Từ năm 2006, Trung Quốc đã xây dựng gần một chục đường ống dẫn dầu với Kazakhstan, tối thiểu 5 trong số đó đã hoạt động. Năm 2005, tập đoàn dầu khí quốc gia CNPC mua lại một phần vốn của PetroKazakhstan : đó là cửa ngõ tiếp cận "một trong những mỏ dầu hỏa lớn nhất tại Trung Á". Các chuyên gia về Trung Quốc đương đại thậm chí nói đến hẳn một "chiến lược ngoại giao dầu hỏa".

Đành rằng Kazakhstan vẫn duy trì liên hệ "đặc biệt" với Nga, nhưng vốn và các công ty của Trung Quốc đã "đổ bộ" vào Kazakhstan. Tối thiểu ba tuyến đường xe lửa tốc hành nối liền Trung Quốc với Kazakhstan, xuyên qua Nga đến thẳng tây Âu, Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran đã đi vào hoạt động và Bắc Kinh đã huy động hàng chục tỷ đô la đầu tư cho các dự án này. Kazakhstan cũng đã trông cậy nhiều vào vốn của Trung Quốc để phát triển từ ngành thủy điện đến công nghiệp xe hơi…

Ngoài những mục tiêu về kinh tế, Trung Quốc luôn theo đuổi mục đích chiến lược và an ninh trong quan hệ với tất cả các quốc gia có đường biên giới chung với Hoa Lục.

Emmanuel Veron, Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông INALCO, phân tích :

"Chúng ta đã đề cập đến yếu tố quan trọng nhất là đường biên giới chung giữa hai nước. Trong suốt từ 3 đến 50 năm qua, Bắc Kinh luôn tìm cách "bình định" các đường biên giới. Trong mắt giới lãnh đạo Trung Quốc, điều đó có nghĩa là các quốc gia sát cạnh phải thuần phục Bắc Kinh. Điều này đã được minh họa qua quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông. Trong trường hợp của Kazakhstan thì rõ ràng đây là một mối quan hệ bất tương xứng, Kazakhstan lép vế trên đủ mọi phương diện, thành thử Trung Quốc coi Kazakhstan là điểm tựa để bắt rễ vào Trung Á. Kazakhstan có nhiều lợi thế : một đất nước giàu về tài nguyên, tương đối không đông dân, và là quốc gia có trọng lượng nhất trong số các nước Trung Á. Quá dễ để cho Bắc Kinh, qua cửa ngõ Kazakhstan, triển khai Con Đường Tơ Lụa Mới sang Trung Á, vươn sangTrung Đông và khối Âu - Á. Kazakhstan là một mắt xích quan trọng để từng bước bắt rễ vào một khu vực thuộc quỹ đạo của Liên Xô xưa kia, của Nga ngày nay".

Yếu tố Nga trong bài toán của Tập Cận Bình

Bài toán của Trung Quốc về Kazakhstan vấp phải một trở ngại là ảnh hưởng của Nga với nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô. Một phần ba dân số nước ngày là người gốc Nga ; thủ đô Astana nay đổi tên là Nur Sultan lại là thành viên của Liên Minh Kinh Tế Á - Âu, Kazakhstan cũng là trong số các sáng lập viên Tổ Chức An Ninh Tập Thể CSTO, một sáng kiến của Moskva.

Về phía Kazakhstan, cho dù thủ đô đã đổi tên, dinh tổng thống đã đổi chủ nhưng duy trì được thế cân bằng giữa hai nước láng giềng quá lớn là Nga và Trung Quốc luôn là kim chỉ nam trong chính sách đối ngoại của quốc gia Trung Á này.

Kazakhstan chủ trương thu hút đầu tư của Trung Quốc để phát triển kinh tế, nhưng về an ninh thì Nga vẫn là điểm tựa chính. Nhưng cùng lúc, mở rộng bang giao với phần còn lại của thế giới để không bị lệ thuộc quá nhiều vào hai điểm tựa là Bắc Kinh và Moskva. Kazakhstan cũng trông cậy vào các đối tác khác, như Châu Âu, hay Mỹ và cả nhiều nước Châu Á, để giữ vừa đủ khoảng cách với hai nước láng giềng sát cạnh.

Ngoài ra, Kazakhstan cũng không bao giờ quên bản sắc Á và Âu của chính mình : Liên Hiệp Châu Âu mới là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài quan trọng nhất vào Kazakhstan, đứng trước cả Trung Quốc. Vào lúc khủng hoảng năng lượng trên thế giới đang tăng cao vì chiến tranh Ukraine, tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã tiếp nhiều lãnh đạo Châu Âu để bàn về chính sách xuất khẩu dầu khí.

Trên đài RFI tiếng Việt, giáo sư Emmanuel Véron, Viện INALCO nhắc lại từ nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump cho đến dưới chính quyền Biden, Washington luôn duy trì quan hệ "hữu hảo" với Kazakhstan, và một sự "hiện diện kín đáo về mặt quân sự" tại quốc gia Trung Á này. Sau cùng, chuyên gia về Trung Quốc đương đại Học viện Hải quân Pháp và giáo sư địa chính trị tại Viện Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương thấy rõ ý đồ của Trung Quốc muốn gặm nhấm vào vùng ảnh hưởng của Nga :

"Đằng sau vỏ bọc bề ngoài, rõ ràng là phía Nga đã bực mình trước sự năng động thái quá của Trung Quốc. Nhiều người dùng hình tượng ‘xe ủi’ khi nói đến áp lực từ phía Bắc Kinh. Cần nhắc lại rằng, Trung Quốc không chỉ gia tăng sự hiện diện ở Trung Á. Tại miền đông Siberia, tức là đi từ hồ Baikal đến tận Vladivostock, chỗ nào cũng thấy các doanh nghiệp của Trung Quốc. Riêng tại Trung Á, thì Kazakhstan là cổng vào cho phép Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng đến tận Turkmenistan, Iran". 

Chuyến viếng thăm chính thức Kazakhstan của chủ tịch Trung Quốc lần này là bằng chứng mới cho thấy sự gần gũi giữa hai quốc gia. Nếu như Nga, Mỹ bất đồng trên nhiều hồ sơ, ít ra là cả Washington lẫn Moskva cùng không hào hứng trước quan hệ nồng thắm giữa hai nguyên thủ Kassym-Jomart Tokayev và Tập Cận Bình.

Thanh Hà

***********************

Chủ tịch Trung Quốc công du Kazakhstan củng cố ảnh hưởng ở vùng Trung Á

Anh Vũ, RFI, 14/09/2022

Hôm 14/09/2022, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Nur-Sultan, trong chuyến công du Kazakhstan trước ngày dự thượng đỉnh khu vực cùng với người đồng cấp Nga, Vlladimir Putin.

ngatrung3

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tại Nur-Sultan, Kazakhstan, ngày 14/09/2022. via Reuters - Kazakh Presidential Press Service 

Đây là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020. Sau Kazakhstan, ông Tập Cận Bình sẽ tới Uzbekistan dự thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Kazakhstan và Uzbekistan là hai quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ, có vị trí nằm giữa tuyến "đường tơ lụa mới", một dự án hạ tầng giao thông đầy tham vọng do ông Tập Cận Bình khởi xướng nhằm hoàn thiện các tuyến đường thương mại nối Trung Quốc với toàn thế giới.

Sau khi tới Nur-Sultan, chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với tổng thống Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokaiev.

Trước khi lên đường công du, lãnh đạo Trung Quốc, qua báo chí hai nước đã tuyên bố "bảo vệ an ninh chung" cùng với Kazakhstan.

Theo ông Tập cận Bình, Trung Quốc mong muốn hợp tác với Kazakhstan trong lĩnh vực chống buôn lậu ma túy, tội phạm quốc tế có tổ chức và đặc biệt chống "3 vấn nạn", cách nói của Bắc Kinh để chỉ : khủng bố, ly khai và tôn giáo cực đoan.

Kazakhstan là quốc gia có biên giới với vùng Tân Cương của Trung Quốc. Bắc Kinh bị các nước phương Tây và các tổ chức bảo vệ nhân quyền tố cáo đàn áp người thiểu số theo Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, trong số họ có hàng nghìn người vẫn có quan hệ chặt chẽ với người Kazakhstan.

Kazakhstan, một nước giàu tài nguyên khí đốt, đang muốn mở rộng quan hệ thương mại với Trung Quốc, có xu hướng ủng hộ Bắc Kinh về hồ sơ Tân Cương.

Sau Kazakhstan, ông Tập Cận Bình đến Samarcande, Ouzbekistan dự thượng đỉnh OCS, diễn ra từ 15-16/09. Bên lề hội nghị ông Tập Cận Bình ngày mai có cuộc gặp tổng thống Nga Vladimir Putin với mục tiêu củng cố quan hệ đồng minh, đối phó với phương Tây.

Anh Vũ

Additional Info

  • Author Trọng Nghĩa, Thanh Hà, Anh Vũ
Published in Châu Á