Covid-19 tiếp tục là từ khóa chi phối trang nhất các tạp chí phát hành tuần cuối tháng 01/2021. Trong khi Courrier International đánh giá lại cách chống dịch của Trung Quốc và L’Express báo động về những tên "lang băm" rao bán thần dược chống Covid, thì Le Point, một cách rất nghiêm túc, nhìn về tương lai, ghi nhận những triển vọng tươi sáng đến từ nhân tố RNA thông tin (mRNA hay ARNm) dùng cho vac-xin chống Covid-19.
Như thông lệ, L’Obs tập trung trên nước Pháp, nêu bật hồi ức của một số nhân sĩ trí thức Pháp và Algeria về cuộc chiến tranh Algeria, một giai đoạn quan trọng trong lịch sử cận đại Pháp, nhân dịp nhà nghiên cứu Benjamin Stora đệ trình báo cáo về vấn đề này lên cho tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Và cũng như thông lệ, tuần báo Anh The Economist mở rộng tầm nhìn ra thế giới, chú ý đến mối đe dọa ngày càng tăng của vũ khí nguyên tử đối với hành tinh chúng ta.
Courrier International dành một hồ sơ đặc biệt 12 trang cho vấn đề dịch Covid-19 tại Trung Quốc, một năm sau Vũ Hán. Chiếm trọn trang bìa là ảnh chụp một cảnh chẳng khác gì trong phim khoa học giả tưởng với một nhân viên y tế người trùm kín mít trong bộ quần áo bảo hộ y tế, cả khuôn mặt được che bằng một tấm kính, dẫn đầu một toán người phía sau, chìm hẳn trong một làn sương mù mịt của thuốc diệt khuẩn mà họ phun ra. Bên trên bức ảnh là hàng tựa lớn : "Covid-19 – Phương pháp Trung Quốc", kèm theo lời chú giải "Bắc Kinh đã ‘thành công’ trong việc ngăn chặn đại dịch như thể nào".
Theo Courrier International, vào lúc dư luận tại Pháp đang xôn xao về khả năng phong tỏa lần thứ ba, tạp chí muốn trở lại nơi mà tất cả bắt đầu, Vũ Hán, một năm sau khi đại dịch đã giết chết hơn 2 triệu người trên toàn thế giới, để tìm hiểu xem chế độ Bắc Kinh đã quản lý như thế nào để ngăn chặn được sự lây lan của virus.
Đối với tờ báo Pháp, ngay cả khi nguồn gốc của virus Sars-CoV-2 chưa được làm sáng tỏ, đã có một điều chắc chắn : Trung Quốc, hơn bất kỳ một nước nào khác, có vẻ như là đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus trong thời gian kỷ lục nhờ những biện pháp phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt và thô bạo.
Trên tờ báo Nhật Bản Nikkei Asia, một nhà quan sát chính sách công đã viết : "Ngay khi nhận ra mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, giới lãnh đạo Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt biện pháp, nhanh chóng huy động các nguồn lực có trong tay… Trong mười tuần, chính quyền đã thành công trong việc kiềm chế sự lây lan của virus".
Theo Courrier International, dĩ nhiên là cần phải thận trọng với số liệu thống kê của Trung Quốc. Số tử vong ở Trung Quốc rất thấp, so với phần còn lại của thế giới. Trong vòng một năm, đại dịch Covid-19 đã giết chết hơn 73.000 người ở Pháp, 421.000 người ở Mỹ, hơn 2 triệu người trên thế giới, và không đầy 5.000 người ở Trung Quốc, bất chấp những hình ảnh đáng ngờ ở Vũ Hán về những hàng người đông đảo đi nhận lọ tro của người thân sau khi thành phố "mở cửa trở lại", trái ngược với số liệu chính thức.
Tạp chí Pháp đã trích dịch những lời chứng trên trang mạng Trung Quốc Vi Tín (Weixin) của Trung Quốc cho thấy là nếu chính quyền tự hào về kết quả của mình, thì người dân vẫn chưa hết khủng hoảng..
Phương pháp mà Trung Quốc áp dụng là gì ? Tạp chí Courrier International đã lược qua từ kiểm soát đại trà, lấy nhiệt độ, giám sát bằng drone, cho đến phong tỏa nghiêm ngặt, cưỡng ép cách ly. Câu hỏi đặt ra là các biện pháp đó đã mang lại kết quả, nhưng với giá nào ?
Để trả lời cho câu hỏi trên, Courrier International đã đăng lại bài ký sự của thông tín viên của nhật báo Ý, Repubblica tại Trung Quốc, kể lại những gì ông đã phải trải qua lúc bị cách ly.
Khi từ Ý trở lại Trung Quốc vào tháng 10 vừa qua, nhà báo Filippo Santelli đã bị "nhốt" trong một khách sạn ở Nam Kinh. Thoạt đầu Santelli nghĩ là điều đó cũng tốt và ông sẽ chỉ mất hai tuần. Nào ngờ, do bị phản ứng dương tính với Covid, ông đã bị đưa ngay đến bệnh viện và bị cách ly hơn một tháng.
Santelli đã không ngần ngại so sánh hệ thống các lớp kiểm soát mà Trung Quốc đề ra để chống dịch như là "9 tầng địa ngục", mà người bị nhiễm virus bị đẩy xuống tầng cuối cùng.
Đối với Courrier International, lời chứng hiếm hoi của nhà báo Ý cho phép người ta hiểu được do đâu mà Trung Quốc rốt cuộc đã thoát ra khỏi dịch bệnh một cách tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay Covid-19 đang có dấu hiệu bùng lên trở lại ở Trung Quốc, và chính quyền cũng đang áp dụng biện pháp mạnh để dập dịch, lần này là ở Hà Bắc, với thành phố Thạch Gia Trang, 11 triệu dân, đã bị hoàn toàn cô lập.
Vấn đề đáng ngại, theo tạp chí Pháp, là dịch bệnh lan rộng tại vùng nông thôn, "mắt xích yếu nhất của hệ thống y tế Trung Quốc". Tạp chí Tài Tân của Trung Quốc đã nêu ý kiến của một chuyên gia thuộc cơ quan kiểm soát dịch bệnh quốc gia, theo đó thì "điều kiện phòng ngừa tốt không hội đủ ở nông thôn và việc dân chúng đi lại vào dịp Tết Nguyên Đán, ngày 12/02 tới đây, càng làm mọi việc thêm khó khăn".
Lúc ấy, theo Courrier International, người ta sẽ rõ là phương pháp chống dịch của Trung Quốc có bền vững hay không.
Như nói ở trên, tạp chí Pháp L'Express tuần này vẫn quan tâm đến hồ sơ Covid-19, nhưng đặc biệt chú ý đến "Những tên lang băm Covid", tựa lớn ngay trang bìa, đề cập đến đủ loại thành phần, từ những người tự nhận là "guru" hay lãnh tụ tinh thần, những kẻ mang danh bác sĩ, cho đến những phần tử lan truyền thuyết âm mưu, những người chống vac- xin… Theo tạp chí Pháp, đó là những kẻ rêu rao những liệu pháp thần kỳ để đối phó với một dịch bệnh mà họ cho là không tồn tại. Những thành phần này, theo L’Express, là mối đe dọa cho khoa học và nền dân chủ.
Tạp chí Pháp đã nêu bật hiện tượng bùng nổ của số lượng "tín đồ" đi theo một số nhân vật như Thierry Casasnovas, Tal Schaller hoặc Jean-Jacques Crèvecoeur, những người tự tôn mình thành "guru", tức là bậc thầy hướng dẫn tinh thần.
Đó là những "thánh phán" mới, phát tán các loại thuyết âm mưu chống việc tiêm chủng, cho rằng việc chích ngừa là nhắm tiêm vào người dân những con rận điện tử cực nhỏ để dễ theo dõi, hoặc là để triệt sản nhằm giảm dân số thế giới. Những người có thể gọi là lang băm đó một mặt phủ nhận sự tồn tại của dịch Covid-19, một mặt khác lại rêu rao là chỉ cần dùng thực phẩm tự nhiên là đủ sức "tăng cường" hệ thống miễn dịch của mình.
Điều đáng ngại là trong giới "lang băm" cũng có những bác sĩ thật như giáo sư Perronne hay nghị sĩ Martine Wonner, những người sẵn sàng quảng bá cho các loại "thần dược" như hydroxychloroquine, ivermectine, hay bác bỏ sự tồn tại của làn sóng dịch bệnh thứ hai và thứ ba, từ chối các biện pháp y tế (đeo khẩu trang, phong tỏa...) hoặc gây nghi ngờ về vac-xin RNA.
Theo ông Rudy Reichstadt, giám đốc hiệp hội theo dõi các loại thuyết âm mưu Conspiracy Watch, rốt cuộc thì chính phủ Pháp đã nhận thức được mức độ nguy hại của hiện tượng này. Đối với ông Reichstadt, đã đến lúc phải ngăn chặn, không cho những luận điệu sai lạc đó lan rộng trong một xã hội Pháp vốn đang có xu hướng chạy theo các loại y học phi truyền thống.
Tạp chí Pháp đặc biệt ghi nhận là báo chí dành cho phụ nữ là mảnh đất màu mỡ cho các phần tử gọi là khoa học kể trên.
Cũng khai thác chủ đề Covid-19, nhưng tạp chí Le Point đã có một cái nhìn rất lạc quan, tìm hiểu sâu hơn về phân tử RNA thông tin (mRNA) được dùng trong các loại vac-xin đầu tiên chống Covid-19 của Pfizer hay Moderna. Trang bìa tạp chí nêu bật trong hàng tựa : "Virus và biến thể (ngày nay), ung thư và đột quỵ ngày mai : Phân tử RNA sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào".
Theo Le Point, "được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ, công nghệ học RNA thông tin đã cho ra vac-xin chống Covid đầu tiên, hứa hẹn sẽ chữa khỏi mọi căn bệnh, hoặc gần như vậy".
Trong một hồ sơ 12 trang, bao gồm 6 cuộc phỏng vấn, tạp chí Pháp nêu bật khả năng theo đó, bên cạnh việc sử dụng trong vac-xin, phân tử RNA trong dài hạn có thể chữa khỏi vô số bệnh, chẳng hạn như xơ nang, ung thư và thậm chí cả các bệnh thoái hóa thần kinh.
Le Point gợi lên một kỷ nguyên mới của y học, bởi vì từ hai năm qua, những loại thuốc đầu tiên dựa trên nhân tố RNA "can thiệp" (iRNA) đã đạt được những kỳ công, như giải thích của giáo sư David Adams, người đứng đầu Trung tâm Tham khảo Quốc gia về bệnh lý thần kinh dạng amyloid tại bệnh viện Bicêtre, vùng Paris, đặc biệt là đối với bệnh thoái hóa gan di truyền.
Trái với các đồng nghiệp, tạp chí L’Obs tập trung nói về quan hệ thật gắn bó giữa nước Pháp với vùng thuộc địa cũ Algeria trong một hồ sơ dài 14 trang, được tạp chí nêu bật trên trang bìa qua hàng tựa : "Ký ức về Algeria của chúng ta".
Khoảng bảy triệu người ở Pháp được cho là có mối liên hệ với Algeria. Bất chấp lệnh ngừng bắn ký kết ngày 19/03/1962, trong tâm trí và cơ thể của mọi người, cuộc chiến vẫn chưa kết thúc đối với những người nhập cư gốc Algeria, những người Pieds-Noirs, tức là dân Pháp trước đây định cư ở thuộc địa cũ, những người harki, tức là dân quân người Algeria theo Pháp, những cựu quân nhân, con và cháu của họ…
Nhân dịp nhà sử học Benjamin Stora vừa đệ trình lên tổng thống Pháp bản báo cáo về vấn đề Algeria, kêu gọi hòa giải, tuần báo Pháp đã gặp gỡ nhiều nhà văn, nghệ sĩ, trí thức hai bên bờ Địa Trung Hải để ghi nhận cảm nghĩ của họ.
Trong số các nhân vật được phỏng vấn có chính khách tên tuổi Arnaud Montebourg, đảng Xã hội Pháp, xuất thân từ một gia đình harki, nhà toán học và dân biểu Pháp Cédric Villani, một người gốc Pied-Noir, hay nữ ca sĩ kiêm diễn viên Camélia Jordana, cháu gái của các chiến binh Algeria chống Pháp trước đây.
Ngay trên trang nhất, The Economist chạy thành tựa lớn câu hỏi : "Ai sẽ trở thành cường quốc hạt nhân tiếp theo ?" bên trên hình vẽ một cây nấm hạt nhân ở cuối một con đường thẳng tắp. Đối với tờ báo, thế giới đang phải đối mặt với tình trạng vũ khí hạt nhân ngày càng phổ biến hơn, và để ngăn chặn điều này, các cường quốc hạt nhân cần phải nhanh chóng hành động.
Theo ghi nhận của tuần báo Anh, ngày nay, vẫn chỉ có chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, không có thêm nước nào so với 25 năm trước đây. Đó là năm nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc, đều tham gia Hiệp Ước Chống Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân NPT, cùng với 4 quốc gia nằm ngoài hiệp ước, vì không ký kết hay phê chuẩn như Ấn Độ, Pakistan và Israel, hoặc là vì đã rút ra khỏi NPT như Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh trường kỳ để ngăn chặn loại vũ khí sát thương dữ dội nhất trên thế giới phát tán sắp trở nên khó khăn hơn. Trong thập kỷ tới, mối đe dọa có thể đến từ các nước nặng ký về kinh tế và ngoại giao với tham vọng khó có thể bị kềm chế.
Đối với The Economist, đà thống trị khu vực đang gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc và kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên sẽ đè nặng trên Hàn Quốc và Nhật Bản, hai trong số các cường quốc lớn nhất Châu Á. Ở vùng Trung Cận Đông, sự hiếu chiến của Iran và chương trình hạt nhân của nước này sẽ phủ bóng lên cả Saudi Arabia lẫn Thổ Nhĩ Kỳ.
Đà phổ biến vũ khí hạt nhân không phải là một phản ứng dây chuyền, nhưng rất dễ lây lan. Nếu trật tự hạt nhân bắt đầu suy yếu, sẽ gần như không thể chặn đứng dịch bệnh phổ biến vũ khí nguyên tử. Đó là lý do vì sao, theo The Economist, điều quan trọng là phải hành động ngay từ hôm nay.
Mai Vân