Quân báo Mỹ : Trung Quốc có thể dội tên lửa xuống Đài Loan ngay lúc này (RFI, 16/01/2019)
Quân Đội Trung Quốc đã đặt vấn đề Đài Loan lên hàng đầu trong số các ưu tiên, và nguy cơ Bắc Kinh thống nhất Đài Loan bằng võ lực là mối đe dọa quân sự lớn nhất đối với Mỹ.
Xe quân sự chở hỏa tiễn diễn hành trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hôm 03/09/2015.AFP PHOTO / POOL / ROLEX DELA PENA
Trong một báo cáo công bố hôm qua, 15/01/2019, Cơ Quan Tình Báo Quân Sự Mỹ (DIA) đã cảnh báo như trên, trong lúc một lãnh đạo cơ quan này xác định rằng nếu muốn thì Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan bằng tên lửa ngay vào lúc này.
Báo cáo của cơ quan quân báo Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc thẩm định : "Động cơ chính thúc đẩy đà hiện đại hóa quân đội Trung Quốc là một mục tiêu có từ lâu : Đó là buộc Đài Loan phải thống nhất với Trung Quốc, và làm nản lòng mọi ý hướng tuyên bố độc lập của Đài Loan".
Để làm điều đó, Trung Quốc đã trang bị cho mình những loại vũ khí tinh vi, bao gồm tàu chiến, tàu ngầm và các hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung tiên tiến, vừa để tấn công Đài Loan, vừa để ngăn chặn và không cho lực lượng nước ngoài can thiệp giúp đỡ Đài Loan.
Phát biểu với giới báo chí, một lãnh đạo cao cấp của Cơ Quan Tình Báo Quân Sự Mỹ thừa nhận rằng các loại tên lửa của Trung Quốc hiện đại hơn so với Hoa Kỳ và Nga, vốn bị hiệp ước giải trừ vũ khí INF ràng buộc. Các tên lửa này đã được bố trí ngay trước mặt Đài Loan, và "nếu họ muốn bắn tên lửa vào Đài Loan, họ có thể làm điều đó ngay lúc này".
Quan chức xin giấu tên này xác nhận : "Đấy chính là điều khiến tôi lo lắng nhất".
Cho đến nay, Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh của mình và luôn đe dọa tấn công chiếm đảo này trong trường hợp chính quyền Đài Bắc tuyên bố độc lập, hay có sự can thiệp từ bên ngoài - đặc biệt là từ Mỹ, hậu thuẫn quân sự chính của Đài Loan.
Tuy nhiên, theo AFP, trước mắt Trung Quốc chưa thể xâm lược Đài Loan vì lẽ quân đội Trung Quốc vẫn còn nhiều yếu kém về cấu trúc, đặc biệt là về đào tạo và tổ chức.
Theo quan chức quân báo Mỹ được AFP trích dẫn, giới tình báo chưa thể biết chính xác khi nào quân đội Trung Quốc đủ tự tin để mở chiến dịch tấn công Đài Loan : "Họ có thể ra lệnh ngay hôm nay, nhưng tôi không nghĩ họ đặc biệt tin tưởng vào khả năng thành công".
Trong khi chờ đợi, Bắc Kinh tiếp tục dùng lời lẽ đao to búa lớn để cảnh cáo Mỹ là không nên xen vào vấn đề Đài Loan.
Trong cuộc tiếp xúc vào hôm qua với tư lệnh Hải Quân Mỹ đang ghé thăm Bắc Kinh, Tướng Lý Tác Thành (Li Zuocheng), tổng tham mưu trưởng Quân Đội Trung Quốc đã tuyên bố rằng Bắc Kinh chống lại bất kỳ hành động "can thiệp" nào nhằm hậu thuẫn cho nền độc lập của Đài Loan.
Theo viên tướng này : "Nếu bất cứ ai muốn tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ bảo vệ bằng mọi giá sự thống nhất của tổ quốc".
Trọng Nghĩa
*****************
Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ các ý định của Trung Quốc đối với Đài Loan và lo ngại rằng sức mạnh quân sự gia tăng của Bắc Kinh có thể khiến chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới quyết định dùng vũ lực để kiểm soát hòn đảo tự trị, một quan chức Mỹ được Reuters trích lời nói hôm 15/1.
Trao đổi với các phóng viên với điều kiện không nêu danh tính, quan chức tình báo quốc phòng cấp cao của Mỹ không dự báo rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ tiến hành một bước đi như vậy, nhưng nói thêm rằng khả năng đó là mối lo ngại hàng đầu, trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng và hiện đại hóa khả năng quân sự.
Khi được hỏi thêm rằng liệu quan chức này có phải đề cập tới việc Trung Quốc tự tin về khả năng giành thắng lợi trong cuộc chiến với Đài Loan, giới chức này nói rằng đó là điều "gây quan ngại nhất" đối với ông.
Theo Reuters, ngoài cuộc chiến thương mại, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với quân đội Trung Quốc và việc Bắc Kinh gia tăng quân sự hóa Biển Đông, Đài Loan là một trong các vấn đề "nóng" trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, trong các cuộc gặp với các lãnh đạo Lầu Năm Góc, quan chức PLA lâu nay vẫn nói rằng Đài Loan là một vấn đề nhạy cảm nhất đối với Bắc Kinh.
Trung Quốc đã nhiều lần triển khai máy bay và tàu bè quân sự để tập trận gần hòn đảo trong những năm qua, đồng thời tìm cách cô lập Đài Loan trên trường quốc tế bằng cách chèo kéo một số ít đồng minh ngoại giao còn sót lại của Đài Bắc.
Trung Quốc năm nay đã phản đối mạnh việc tàu chiến Mỹ qua Eo biển Đài Loan và đã phát cảnh báo về Đài Bắc sau cuộc gặp hôm 15/1 với quan chức hàng đầu của Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson.
Tuyên bố bằng tiếng Anh của Bộ Quốc phòng Trung Quốc về cuộc đối thoại có đoạn : "Nếu ai đó tìm cách chia tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo vệ sự thống nhất quốc gia, chủ quyền của Trung Quốc và sự toàn vẹn lãnh thổ".
Theo Reuters, Washington không có quan hệ chính thức với Đài Loan, nhưng theo luật, phải giúp bảo vệ hòn đảo này. Mỹ cũng là nguồn cung cấp vũ khí chính cho Đài Bắc.
Lầu Năm Góc nói rằng Washington đã bán cho Đài Loan hơn 15 tỷ đôla vũ khí kể từ năm 2010.
*****************
Anh và Mỹ lần đầu tiên tập trận chung tại Biển Đông (RFI, 16/01/2019)
Trong một động thái chắc chắn sẽ làm Trung Quốc giận dữ, lần đầu tiên hai chiến hạm của Anh Quốc và Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc tập trận chung kết thúc vào hôm nay 16/01/2019, trên vùng Biển Đông, nơi Trung Quốc đã xây dựng một số căn cứ trên các thực thể họ chiếm đóng.
Chiến hạm Mỹ USS McCampbell - DDG85 (T) và Anh Quốc HMS Argyll -F231 - triển khai đội hình tập trận tại vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương, ngày 15/01/2019(US NAVY)
Cuộc diễn tập được tổ chức trong bối cảnh Washington đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đồng minh để gây áp lực với Bắc Kinh.
Hãng tin Anh Reuters trích dẫn một thông cáo báo chí của Hải Quân Hoa Kỳ cho biết là khu trục hạm Mỹ có trang bị tên lửa dẫn đường USS McCampbell, đặt căn cứ tại Nhật Bản, và tàu khu trục Anh HMS Argyll, đang được triển khai tại Châu Á, cùng tiến hành một loạt bài tập thông tin liên lạc và những bài tập trận khác từ thứ Sáu 11/01 đến thứ Tư 16/01. Mục tiêu là nhằm "giải quyết các ưu tiên an ninh chung" của hai bên.
Một phát ngôn viên của Hải Quân Mỹ khẳng định rằng ít ra là từ năm 2010 đến nay, Hải Quân Anh và Mỹ chưa từng có một cuộc tập trận chung nào ở Biển Đông.
Cuộc tập trận Anh-Mỹ diễn ra vào lúc Luân Đôn càng lúc càng có thêm những hoạt động thể hiện chủ trương dấn thân sâu hơn vào Biển Đông. Vào đầu năm 2019 này, bộ trưởng Quốc Phòng Anh đã tiết lộ ý định thiết lập một căn cứ quân sự của Anh tại khu vực ven Biển Đông, được cho là có thể ở Singapore hay Brunei.
Trước đó, vào tháng 8 năm ngoái (2018), chiến hạm Anh HMS Albion, trọng tải 22.000 tấn, đã đi sát khu vực quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và đang chiếm đóng. Đó là lần đầu tiên mà Anh Quốc trực tiếp thách thức quyền kiểm soát ngày càng tăng của Trung Quốc trên vùng Biển Đông, sau khi Mỹ tỏ ý muốn quốc tế can dự nhiều hơn vào việc bảo vệ quyền tự do hàng hải tại vùng biển này.
Bắc Kinh đã cáo buộc Luân Đôn là đã có hành động "khiêu khích".
Về phía Mỹ, chiếc USS Campbell ngày 07/01/2019 vừa qua, cũng đã tiến vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa trong một chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải nhằm "thách thức các yêu sách chủ quyền trên biển quá đáng".
Thông tin về cuộc tập trận hỗn hợp Anh-Mỹ trên Biển Đông được loan báo đúng vào lúc tư lênh Hải Quân Mỹ, đô đốc John Richardson, kết thúc chuyến thăm Trung Quốc nhằm nối lại các cuộc đối thoại để "giảm nguy cơ đối đầu" giữa hai quân đội.
Trọng Nghĩa
******************
Anh, Mỹ lần đầu tiên tập trận chung ở Biển Đông (VOA, 16/01/2019)
Hoa Kỳ và nước Anh đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên giữa hai nước ở Biển Đông kể từ khi Trung Quốc xây các căn cứ quân sự trên các đảo trên vùng biển đang trong vòng tranh chấp này, theo tin từ lực lượng hải quân hai nước cho biết hôm 16/1, giữa lúc Washington đang vận động sự hậu thuẫn của các đồng minh để gây áp lực với Bắc Kinh.
Mỹ - Anh lần đầu tiên điều tàu chiến tập trận ở Biển Đông
Taiwan News trích dẫn một tuyên bố của quân đội Hoa Kỳ hôm 16/1, xác nhận rằng Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Anh hôm 16/1 đã hoàn tất thành công các cuộc diễn tập hải quân kéo dài 6 ngày trên Biển Đông.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ lực lượng hải quân Mỹ tường thuật rằng tàu khu trục có tên lửa dẫn đường của Hoa Kỳ, USS McCampbell, đặt căn cứ tại Nhật Bản, và tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia Anh, HMS Argyll, hiện đang đi thăm Châu Á, đã thực hiện các cuộc diễn tập về truyền tin và các hoạt động khác bắt đầu từ thứ Sáu 11/1 cho đến thứ Tư 16/1/2019, "để giải quyết các ưu tiên an ninh chung".
Một phát ngôn viên của Hải quân Hoa Kỳ lưu ý về ý nghĩa của các hoạt động này khi nêu lên rằng không có cuộc tập trận chung nào giữa hai đồng minh Anh-Mỹ, "ít nhất là từ năm 2010". Ông nói :
"Trong lịch sử gần đây, hai nước không hề thực hiện các cuộc tập trận chung như thế này, đặc biệt là ở Biển Đông".
Các cuộc tập trận diễn ra sau khi một tàu chiến khác của Anh, tàu HMS Albion - có trọng tải 22.000 tấn, tiến sát quần đảo Hoàng Sa hồi tháng 8, vào vùng biển mà Trung Quốc đã tuyên bố thuộc chủ quyền của họ trong Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên vương quốc Anh trực tiếp thách thức quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với tuyến đường thủy chiến lược trong khu vực, sau khi Hoa Kỳ hối thúc cộng đồng quốc tế tham gia các hoạt động nhằm thách thức yêu sách chủ quyền ngày càng hung hăng của Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc London là tham gia "các hành động khiêu khích".
Chiến hạm McCampbell của Mỹ trong tháng này đã tiến sát tới quần đảo Hoàng Sa và đi vào vùng biển thuộc phạm vi 12 hải lý chung quanh quần đảo này trong một hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải. Hải quân Hoa Kỳ giải thích rằng mục đích của hoạt động đó là để "thách thức các yêu sách chủ quyền quá đáng" của Bắc Kinh.
Taiwan News dẫn lời chỉ huy tàu chiến Mỹ Allison Christy, nói rằng đây là "một cơ hội hiếm hoi" để phối hợp hoạt động với các đối tác Anh, qua đó "hai nước có thể củng cố thêm các quan hệ chặt chẽ đã có, và học hỏi lẫn nhau".
Các hình ảnh về các căn cứ quân sự của Trung Quốc trong Biển Đông được công bố hồi năm ngoái hình như cho thấy các tên lửa đất đối không lưu động hoặc tên lửa hành trình chống hạm. Không quân Trung Quốc cũng đã đáp máy bay ném bom trên các đảo đang trong vòng tranh chấp trong khuôn khổ các cuộc tập trận.
*******************
Quân đội Mỹ dự kiến sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa đầu tiên trên đảo Okinawa của Nhật vào cuối năm nay, một động thái mà kênh Fox News nói là sẽ gửi tín hiệu tới Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng củng cố chủ quyền ở Biển Đông.
Hiện chưa rõ khi nào thì vụ thử sẽ được tiến hành, nhưng trang tin Stars and Stripes dẫn lại tờ Sankei của Nhật đưa tin rằng cuộc thử nghiệm bao gồm cả hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội Mỹ, với khả năng bắn trúng mục tiêu trong khoảng cách gần 300 km.
Theo Fox News, dù không xác nhận vụ thử sẽ diễn ra, quan chức Bộ Quốc phòng Nhật nói rằng nó sẽ là cuộc thử nghiệm đầu tiên ở khu vực.
Kênh này cho biết rằng quân đội Mỹ không hồi đáp ngay trước một yêu cầu bình luận về tin trên.
Theo Fox News, tờ Sankei nhận định rằng Trung Quốc ngày càng gia tăng hành động ở Biển Đông, và vụ thử sẽ được coi là một sự phòng thủ trước Trung Quốc.
Không chỉ ở Biển Đông, Bắc Kinh còn tranh chấp một quần đảo với Nhật ở biển Hoa Đông.