Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines tuần tra chung ở Biển Đông

Minh Anh, RFI, 06/12/2024

Ngày 06/12/2024, Hoa Kỳ triển khai một máy bay trinh sát trong khi Nhật Bản và Philippines điều tầu hải quân để tiến hành cuộc tuần tra chung tại khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông.

tuantra1

Tàu tấn công nhanh của Philippines trong cuộc diễn tập chung với hải quân Mỹ, Nhật trong khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, ngày 06/11/2024. AP - Aaron Favila

Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết cuộc tuần tra chung được các đồng minh và đối tác tiến hành tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhằm "duy trì tự do hàng hải và hàng không" và "các quyền sử dụng hợp pháp khác về hàng hải và không phận quốc tế". Theo hãng tin AP, những cụm từ này được Mỹ, Nhật Bản và Philippines sử dụng để phản đối các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực có tranh chấp.

Còn theo hai quan chức an ninh Philippines xin ẩn danh, cuộc tuần tra được thực hiện tại một nơi cách bãi cạn Scarborough khoảng 40 hải lý (74 km). Đây là khu vực đánh bắt cá đang có tranh chấp gay gắt giữa Bắc Kinh và Manila, ngoài khơi tây bắc Philippines. Hai quan chức trên nói thêm rằng chiến dịch này đã được lên kế hoạch từ nhiều tháng trước, nhưng bị trì hoãn do một số cơn bão và không nhằm phản ứng lại vụ va chạm giữa các tầu Trung Quốc và Philippines hôm thứ Tư 04/12.

AP nhắc lại, Philippines cách nay hai ngày tố cáo hải cảnh Trung Quốc được tầu chiến hỗ trợ đã bắn vòi rồng, chặn đường và va quệt vào một tầu của Tổng cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản (BFAR), được tuần duyên Philippines hộ tống, đến tiếp tế cho các ngư dân tại bãi cạn Scarborough, khu vực mà Trung Quốc canh phòng chặt chẽ. Bắc Kinh đáp trả rằng các tầu Philippines đã xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc, buộc họ phải hành động.

Nhật Bản, quốc gia cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, đã lên án việc "sử dụng vòi rồng và cản trở gây nguy hiểm cho an toàn của tầu và thủy thủ đoàn". Đại sứ Nhật Bản tại Manila, Endo Kazuya, nhắc lại lập trường của Tokyo là "duy trì luật pháp và phản đối mọi hành động làm gia tăng căng thẳng".

Theo thông báo từ Manila và Tokyo ngày hôm qua, 05/12, Nhật Bản sẽ hỗ trợ 1,6 tỷ yên (tương đương với 10,6 triệu đô la) để cung cấp cho hải quân Philippines các trang thiết bị như ra-đa ven biển, thuyền cao su, cùng nhiều thiết bị quốc phòng khác, nhằm tăng cường giám sát các tuyến đường biển của Philippines, bao gồm cả ở Biển Đông.

Minh Anh

******************************

Philippines tập trận với đồng minh ở Biển Đông

Reuters, VOA, 06/12/2024

Philippines đã tổ chức các cuộc tập trận trên biển với Mỹ và Nhật Bản bên trong vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông, quân đội của họ cho biết hôm 6/12, hai ngày sau cuộc đối đầu với Bắc Kinh xung quanh một bãi cạn tranh chấp.

tuantra2

Tàu hải cảnh Trung Quốc đối đầu với tàu hải quân Philippines tại bãi cạn Scarborough

Các cuộc tập trận này, với sự tham gia của máy bay P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ, tàu BRP Andres Bonifacio và một máy bay nhỏ C-90 của Hải quân Philippines, và tàu khu trục lớp Murasame JS Samidare của Nhật, là vòng tập trận mới nhất của Philippines với các đồng minh trong năm nay khi đối mặt với Trung Quốc ngày càng mạnh bạo.

Các cuộc tập trận được tiến hành ‘phù hợp với luật pháp quốc tế, và có sự quan tâm thích đáng đến sự an toàn hàng hải, cũng như quyền và lợi ích của các quốc gia khác’, Lực lượng Vũ trang Philippines và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cho biết trong các tuyên bố riêng biệt.

Hôm 4/12, Philippines cáo buộc các tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng và va chạm với một trong số các tàu của họ đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho ngư dân tại bãi cạn Scarborough ở trong vùng Biển Đông đang tranh chấp.

Manila cũng cho thấy sự cảnh giác về sự hiện diện của một tàu hải quân Trung Quốc tại bãi cạn mà họ cho là đã chặn và che khuất các tàu tuần dương của họ, trong hành động mà họ gọi là ‘sự leo thang và khiêu khích mạnh mẽ’.

Trung Quốc, quốc gia tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả bãi cạn Scarborough, khẳng định rằng hành động của họ là hợp pháp.

Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague rằng các đòi hỏi chủ quyền của họ không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

Chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough chưa bao giờ được xác định, nhưng tòa án đã phán quyết rằng việc Trung Quốc phong tỏa ở đó vi phạm luật pháp quốc tế và khu vực này là ngư trường truyền thống mà ngư dân nhiều nước khai thác.

Nguồn : VOA, 06/12/2024

Additional Info

  • Author Minh Anh, RFA tiếng Việt
Published in Châu Á