Tàu ngầm nước ngoài vào vùng biển Việt Nam phải nổi và treo cờ (RFA, 08/02/2018)
Tàu ngầm nước ngoài phải nổi lên mặt nước và phải treo cờ khi đi qua lãnh hải Việt Nam.
Chiếc tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Kilo 636 (C) mang tên 'Hà Nội' được thả xuống biển từ một chiếc tàu vận tải Rolldock của Hà Lan ở vịnh Cam Ranh, miền Trung Việt Nam vào ngày 3 tháng 1 năm 2014. AFP
Đó là một trong những qui định do Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành vào ngày 8 tháng 2. Theo nghị định này thì các tàu ngầm khi đi ngang khu vực 12 hải lý cách bờ biển Việt Nam, nhưng không đi vào các cảng của Việt Nam thì phải nổi lên, treo cờ của nước mình, và chạy liên tục không được dừng lại, trừ trường hợp bất khả kháng là bị tai nạn hay trục trặc kỹ thuật. Và một điều quan trọng nữa là phải báo cho cơ quan chức năng biết lịch trình của mình.
Các loại tàu khác kể cả tàu chiến đều cũng phải tuân theo qui định này.
Ngoài ra trong nghị định của Thủ tướng Việt Nam cũng có qui định liên quan đến các tàu chở chất phóng xạ hoặc chạy bằng năng lượng hạt nhân, theo đó ngoài các qui định về an toàn và công khai với cơ quan chức năng Việt Nam, các tàu này bị bắt buộc phải rời khỏi lãnh hải Việt Nam ngay tức khắc nếu có dấu hiệu không an toàn.
**********************
Mỹ muốn tăng xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam để giảm ảnh hưởng của Nga (RFA, 08/02/2018)
Khách thăm triển lãm hàng không Singapore chụp hình gần máy bay chiến đấu F-35B của Mỹ hôm 7/2/2018 - AP
Mỹ muốn Việt Nam mua vũ khí của mình nhiều hơn để giảm ảnh hưởng từ Nga.
Tạp chí chuyên về quốc phòng Defense News loan tin này vào ngày 7 tháng 2 dẫn lời một viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ tại triển lãm vũ khí đang diễn ra ở Singapore nói rằng Việt Nam đang mong muốn có một quan hệ đối tác về an ninh với Mỹ ở tầm cao hơn.
Viên chức này cũng nói rằng nước Mỹ khuyến khích Việt Nam đa dạng các loại vũ khí của mình thay vì chỉ có một nhà cung cấp truyền thống là nước Nga, từ đó sẽ có những quan hệ mật thiết hơn với quân đội Mỹ.
Mỹ đã bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào năm 2016, nhưng cho đến nay việc mua bán vũ khí của Mỹ vẫn không tiến triển.
Một trong những lý do được các nhà quan sát giải thích cho tình trạng không tiến triển đó là vì vũ khí của Nga có giá rẻ hơn, và điều thứ hai và Việt Nam đã quen thuộc với các hệ thống của Nga.
Giới quan sát có nhận định Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Trung Quốc, vì thế nếu xung đột Việt- Trung xảy ra thì Nga có thể bị Trung Quốc ép không cung cấp vũ khí cho Việt Nam, và người Trung Quốc cũng hiểu rõ hệ thống vũ khí mà Việt Nam đang sử dụng.
Theo lời Đại sứ Mỹ tại Singapore Tina Kaidanow thì đã có những tín hiệu khả quan cho việc Việt Nam làm quen với hệ thống vũ khí của Mỹ, đó là việc quân đội Mỹ chuyển giao cho Việt Nam tàu tuần duyên loại Hamilton, và Hà Nội mua của hãng Boeing các loại thiết bị do thám không người lái.
Theo các nhà phân tích thì măc dù đã có những tiến triển nhanh trong quan hệ giữa hai nước, nhưng có thể việc mua vũ khí Mỹ vẫn là điều nhạy cảm đối với một số người Việt vẫn còn không thoải mái khi nhớ lại những hành động can thiệp quân sự của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam trước đây. Ngoài ra Việt Nam còn lo ngại là Mỹ có thể viện dẫn vấn đề nhân quyền trong tương lai để ngưng cung cấp vũ khí.
Cũng theo thông tin từ tạp chí quốc phòng Defense News, đoàn Việt Nam tại hội chợ vũ khí Singapore giữ im lặng không giao tiếp nhiều, và đến ngày thứ tư 7/2 thì đại diện của hãng Lockheed Martin cho biết rằng đoàn Việt Nam có tiếp xúc với họ.
Theo Lockheed Martin thì Việt Nam đang trong giai đoạn tìm hiểu, và cho biết nếu Chính phủ Việt Nam muốn tiến tới thì công ty này rất sẳn sàng thảo luận.
********************
Trung Quốc triển khai tiêm kích Su-35 ở Biển Đông (RFI, 08/02/2018)
Hôm 07/02/2018, Không quân Trung Quốc thông báo các máy bay tiêm kích phản lực Su-35 do Nga sản xuất đã được triển khai ở vùng Biển Đông để "thực hiện nhiệm vụ tuần tra chiến đấu hỗn hợp".
Tiêm kích Nga Sukhoi 35 tại triển lãm hàng không Châu Hải, Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 10/11/2014AFP
Theo thông báo nói trên, đây là một phần trong nỗ lực của Không quân Trung Quốc tiến hành các cuộc tập huấn "trong điều kiện thực tế chiến đấu" để tăng cường khả năng tác chiến của các máy bay tiêm kích phản lực này ở vùng biển sâu hoặc ở khoảng cách xa. Nhưng thông báo không nói rõ là có bao nhiêu chiếc Su-35 tham gia cuộc thao dượt này.
Vào cuối năm 2015, Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 24 máy bay tiêm kích Su-35 của Nga và đến cuối năm ngoái đã tiếp nhận 14 chiếc đầu tiên và 10 chiếc còn lại sẽ được giao trong năm nay.
Su-35 là phiên bản nâng cấp của chiến đấu cơ đa năng Su-27, có tải trọng cất cánh tối đa 34,5 tấn, bay với tốc độ tối đa 2390 km/h, và có tầm bay có thể đạt tới 4500 km. Ngoài chiếc J-20, chiến đấu cơ phản lực tàng hình thế hệ thứ tư do Trung Quốc sản xuất, Su-35 là chiến đấu cơ tối tân nhất mà Không quân Trung Quốc hiện có.
Theo đánh giá của một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, Su-35 là một chiếc máy bay rất nguy hiểm và ngay cả F/15 Eagle hay F/A/18E/F Super Hornet của Hoa Kỳ cũng sẽ gặp khó khăn khi đối phó với máy bay tiêm kích này.
Thanh Phương
**********************
BrahMos là sản phẩm của công ty Hàng không-Vũ trụ BrahMos, một liên doanh Nga-Ấn Độ, và được đánh giá là tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới với tầm bắn gần 300 km. Hiện đang được trưng bày và chào hàng tại Triển lãm Hàng không Airshow Singapore, ý định xuất khẩu tên lửa BrahMos của Ấn Độ khiến Trung Quốc lo ngại.
Brahmos, loại hỏa tiễn siêu thanh lợi hại có thể phóng đi từ tàu ngầm, mà Ấn Độ định bán cho Việt Nam. wikipedia
Phát ngôn viên của BrahMos tại triển lãm Singapore cho biết nhiều cuộc đàm phán đang được tiến hành "với một số nước", nhưng tập đoàn chỉ muốn bán cho những quốc gia "đáng tin cậy" thân thiết với cả New Delhi lẫn Matxcơva.
Theo thông tin báo chí, nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Indonesia và Việt Nam, quan tâm đến việc mua tên lửa BrahMos. Trang CNBC của Úc chỉ đơn cử trường hợp Việt Nam để cho thấy lo ngại của Bắc Kinh trước việc tên lửa siêu thanh nằm trong tay các nước láng giềng.
Hà Nội hiện đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Bắc Kinh. Vì vậy, nếu thỏa thuận bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam thành hiện thực, Trung Quốc sẽ coi đó là một hành động leo thang vì "lần đầu tiên, Ấn Độ cho thấy ý định trang bị vũ khí cho một quốc gia ngay ở cửa ngõ Trung Quốc", theo nhận định của ông Shashank Joshi, phụ trách quan hệ quốc tế của Viện Tony Blair.
Chính quyền của thủ tướng Narendra Modi vẫn bác bỏ những thông tin cho rằng New Delhi sẽ bán tên lửa BrahMos cho Hà Nội. Một số quan chức Việt Nam lại nói úp mở rằng hai bên đang đàm phán.
Trung Quốc hoàn toàn có lý do để lo lắng trước loại tên lửa được mệnh danh là "sát thủ hành trình".
BrahMos rất cơ động vì có thể được phóng đi từ trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu của đối phương, như lô cốt, hệ thống radar, với hiệu quả tương tự như tên lửa hành trình Tomahawk được Mỹ sử dụng chống tổ chức Nhà Nước Hồi giáo.
Vẫn theo giải thích của ông Shashank Joshi, trong trường hợp "Ấn Độ muốn bắn từ ngoài khơi, tên lửa có thể bắn tới bờ biển của kẻ thù. Nếu bắn từ trên không, tên lửa có thể tấn công được một số mục tiêu ở vùng Tây Tạng". Chưa dừng ở đó, "Nga và Ấn Độ vẫn đang nghiên cứu để tăng gấp đôi tầm bắn của tên lửa. Nếu thành công, BrahMos còn linh hoạt hơn và nguy hiểm hơn", trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được một số tranh chấp biên giới và luôn tỏ ra đối đầu trong những tham vọng chính trị.
Ngoài ra, giá bán cũng là một lợi thế khác của BrahMos. Theo nhà sản xuất, do công việc bảo trì ít tốn kém nên loại vũ khí này có giá cả hợp lý nhất trong số các hệ thống tên lửa hành trình đang tồn tại.
Ông Sameer Patil, giám đốc Trung tâm An ninh Quốc tế của tổ chức tư vấn Gateway House tại Mumbai, cũng cho rằng việc xuất khẩu loại tên lửa này sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại vì BrahMos "sẽ nâng cấp đáng kể năng lực quân sự của bất kỳ nước nào mua chúng. Điều này còn đúng hơn đối với một số nước Đông Nam Á, hiện đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc".
BrahMos là một dự án đặc biệt hữu hiệu đối với Matxcơva, theo nhà phân tích quốc phòng Zoe Stanley-Lockman tại Singapore, và cũng là một trong số ít dự án hợp tác Nga-Ấn mà Matxcơva muốn tận dụng để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng và hy vọng thay thế Hoa Kỳ trong việc cung cấp một số loại vũ khí cho Ấn Độ. Tuy nhiên, theo nhận định của CNBC, Matxcơva cũng duy trì quan hệ chiến lược với Bắc Kinh, vì vậy tổng thống Putin sẽ tỏ ra thận trọng trước những quan ngại của Trung Quốc về việc xuất khẩu "sát thủ hành trình"BrahMos.
Thu Hằng
*******************
Trung Quốc càng gia tăng sức ép, Việt Nam càng cần Mỹ (VNTB, 08/02/2018)
Quan hệ Việt - Mỹ đang tăng trưởng trong hợp tác quốc phòng, tìm kiếm lính Mỹ mất tích, rà phá bom mìn, hợp tác giáo dục... Nhưng còn điều gì khiến mối quan hệ hai quốc gia còn trục trặc ?
Tác giả Le Thu Huong, trong một bài đăng tải trên chuyên trang bình luận chính trị ASPI - The Satrategist đã có những chia sẻ đáng lưu ý, trong đó dù trong bất cứ hoàn cảnh nào - thì Việt Nam phải luôn cần Mỹ, sự gia tăng sức ép của Trung Quốc càng lớn, thì Mỹ càng cần phải hiện diện.
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson
ề mặt quốc phòng, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis gần đây đã thực hiện chuyến đi đầu tiên của ông tới Đông Nam Á. Đáng lưu ý, chuyến thăm Indonesia và Việt Nam đã được liệt kê trong chiến lược an ninh quốc gia mới gần đây của Washington và là đối tác quốc phòng có ý nghĩa ngày càng tăng trong khu vực. Chuyến đi này không chỉ đánh dấu vai trò lớn hơn của hai quốc gia trong khu vực, mà còn là dấu hiệu cho thấy Washington đang tăng cường hợp tác ngoài các liên minh hiệp ước khu vực (Thái Lan và Philippines). Ông Mattis khẳng định rằng Mỹ muốn có mối quan hệ mạnh mẽ hơn với một Việt Nam mạnh mẽ hơn.
Hà Nội đã có những nỗ lực tích cực từ những ngày đầu của chính quyền mới của Mỹ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người đứng đầu nhà nước Đông Nam Á đầu tiên và thứ ba từ Châu Á (sau Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) - gặp mặt Tổng thống Donald Trump ở Washington. Nhiều chuyến thăm cấp bộ cũng đã diễn ra và Tổng thống Mỹ đã viếng thăm Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái nhân sự kiện APEC.
Ý tưởng chuyến thăm của một tàu sân bay Mỹ đã được đưa ra trong chuyến thăm Washington của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch vào tháng Tám vừa qua. Tại Hà Nội, Mattis gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang, thăm chùa Trấn Quốc và thảo luận về kế hoạch cho tàu USS Carl Vinson đến Đà Nẵng vào tháng Ba, năm 2018. Đây là chuyến thăm lần đầu tiên kể từ khi quân Mỹ rời khỏi Việt Nam - chấm dứt chiến tranh vào năm 1975. Chỉ hai ngày trước khi Mattis đến, Mỹ cam kết khắc phục hậu quả dioxin tại Căn cứ Không quân Biên Hòa.
Trong khi đó, sự kiện kỷ niệm 50 năm Tết Mậu Thân – có thể không gây ra một cuộc tranh cãi có yếu tố lịch sử, mà lại bắt nguồn từ các thế lực hiện tại trong khu vực.
Vậy Trung Quốc thế nào ?
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng Trung Quốc không phản đối chuyến viếng thăm của ông Carl Vinson tới Việt Nam, nhưng Hoàn Cầu Thời báo của Đảng cộng sản Trung Quốc cảnh báo về ‘vạch đỏ’ mà Mỹ và Việt Nam không nên vượt qua. Bắc Kinh muốn các yếu tố bên ngoài, như Mỹ, phải tránh xa sự tranh chấp mà nước này cho là song phương.
Sự không hài lòng của Trung Quốc đối với việc Washington nối lại quan hệ với Hà Nội không phải là điều đáng ngạc nhiên, vì sự phát triển này diễn ra giữa lúc căng thẳng hai nước bùng phát, ngay sau khi chiến lược quốc phòng của Mỹ được công bố, và rõ ràng ‘đối thủ chiến lược’ là nhằm vào Trung Quốc. Thêm vào đó, hoạt động tự do hàng hải (FONOP) được triển khai gần đây nhất bởi một tàu chiến từ Mỹ, khi vào ngày 17 tháng Một, chiến hạm USS Hopper đã đi gần bãi biển Scarborough - một khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Manila và Bắc Kinh, vào năm 2012. Phía Trung Quốc nhấn mạnh rằng FONOP đã vi phạm chủ quyền và Bắc Kinh buộc phải tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm tăng cường thiết lập các cơ sở quân sự trên các hòn đảo nhân tạo. Về phía Hà Nội, cũng đang tích cực duy trì các yêu sách của mình ở Biển Đông. Chuyến thăm của Mattis đến các nước Đông Nam Á, và đặc biệt là cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với Hà Nội, khiến Bắc Kinh cảm thấy phiền phức.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis tại Hà Nội
Và cách Trung Quốc ứng phó là hình thành một truyền thống báo hiệu những gì họ mong muốn từ các nước láng giềng và những gì họ không muốn xảy ra. Chẳng hạn, bằng ngoại giao, Bắc Kinh thường xuyên tuyên bố với một số quốc gia, chẳng hạn như Việt Nam, rằng Hà Nội đang phản ứng quá mức. Và lối chỉ trích cứng rắn của Trung Quốc - là một phần của chiến lược của Bắc Kinh. Theo đó, nó đề cao sự bất mãn của nước này trước khi đi đến sự cưỡng chế nhằm thay đổi hành vi của quốc gia mục tiêu.
Để phản ứng thích hợp với Trung Quốc, Việt Nam cần sự ủng hộ mạnh mẽ và liên tục của Mỹ. Và có lẽ, Hà Nội đã phát triển một phản ứng thích hợp nhằm chống lại sự cưỡng chế từ phía người bạn lớn của mình. Chẳng hạn, tháng Năm, năm 2014, khi Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu HYSY-981 vào vùng biển Việt Nam, Hà Nội đã phát động chiến dịch ngoại giao và truyền thông tập trung để chống lại sự cưỡng ép của Trung Quốc. Kết quả là, Trung Quốc đã rút lại giàn khoan trước thời hạn. Tuy nhiên, vào tháng Bảy, năm 2017, dưới áp lực của Bắc Kinh trong việc yêu cầu ngừng thăm dò khí đốt với công ty Repsol, Hà Nội phải cúi đầu. Tất nhiên, phản ứng trong mỗi tình huống sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề và các yếu tố khác như lợi ích từ nhượng bộ hoặc cái giá phải trả để chống lại sự cưỡng ép từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, rõ ràng, Hà Nội coi chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ là một cơ hội có giá trị đối với Trung Quốc, tuy nhiên vẫn còn một số chỗ để đàm phán, có lẽ về thời gian của chuyến thăm, thời gian lưu trú của tàu sân bay và những gì mà Hà Nội có thể nói về tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, Hà Nội cần có sự cam kết liên tục của Washington rằng lập trường cứng rắn của Mattis đối với Trung Quốc không phải là sự tạm thời và rằng một cam kết của Washington đối với Biển Đông vẫn nằm trong danh sách ưu tiên của Trump.
Ánh Liên lược dịch
Nguồn : Aspistrategist