Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Washington đưa Bình Nhưỡng vào danh sách "khủng bố"  (RFI, 21/11/2017)

Hoa Kỳ một lần nữa ghi tên Bắc Triều Tiên vào danh sách đen "Nhà nước bảo trợ khủng bố" cùng với Syria và Iran. Biện pháp mang tính biểu tượng này nhằm mục đích ngăn chận tham vọng hạt nhân của chế độ Bình Nhưỡng bằng gọng kềm trừng phạt.

btt1

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 20/11/2017. Reuters/Kevin Lamarque

Đúng như đã cam kết trong chuyến công du Châu Á vừa qua, ngày 20/11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo quyết định đưa Bắc Triều Tiên vào danh sách những quốc gia yểm trợ khủng bố.

Mục tiêu của chủ nhân Nhà Trắng là siết chặt vòng vây làm kiệt quệ kinh tế chế độ Kim Jong-un. Một loạt biện pháp trừng phạt mới cũng được bộ Tài Chính Hoa Kỳ công bố trong ngày 21/11.

Theo AFP, tổng thống Mỹ đưa ra hai luận điểm : Ngoài đe dọa hủy diệt thế giới bằng vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên còn liên tục hậu thuẫn các hành vi khủng bố trên khắp thế giới, kể cả ám sát trên lãnh thổ nước ngoài.

Hai trường hợp gần đây nhất, theo tổng thống Donald Trump, là vụ ám sát Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Kim Jong-un, ở phi trường quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) hồi tháng 04/2017 và vụ Otto Warmbier, một sinh viên Mỹ từ trần hồi tháng 06/2017 sau khi "được thả" và hồi hương trong trạng thái hôn mê.

Bắc Triều Tiên từ nay đứng chung danh sách đen với hai chế độ thù địch của Mỹ là Iran và Syria. Trong 20 năm, từ 1988 đến 2008, Bình Nhưỡng đã bị xem là "Nhà nước bảo trợ khủng bố" sau vụ đặt bom trên một chiếc phi cơ dân dụng của Hàn Quốc giết chết 115 người, vào năm 1987.

Tuy nhiên, để khuyến khích Kim Jong-un chấp thuận đối thoại hạt nhân, tổng thống Mỹ George W. Bush đã xóa tên Bắc Triều Tiên trong danh sách đen. Cuối cùng đàm phán cũng bị gián đoạn.

Theo tin giờ chót của Reuters, ba nước Châu Á Thái Bình Dương là Nhật, Hàn và Úc ủng hộ quyết định của tổng thống Mỹ. Thủ tướng Úc gọi Kim Jong-un là "thủ lĩnh một tổ chức tội ác". Trong khi đó, Bắc kinh, qua phát ngôn viên bộ ngoại giao Lục Khảng, kêu gọi các bên đối thoại "thay vì làm tình hình phức tạp thêm".

Còn theo đài Russia Today của Nga, dựa theo tài liệu của bộ ngoại giao Mỹ, Washington sẽ chi ra 12 triệu đôla để thực hiện 24 dự án "cản trở" chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Mỗi sáng kiến từ "cố vấn pháp luật cho đến chính trị và kỹ thuật" sẽ được bộ ngoại giao tuyển chọn và tài trợ tối đa 500 000 đôla.

Tú Anh

***********************

Mỹ, Nhật, Hàn gây sức ép "tối đa" với Bắc Triều Tiên (RFI, 21/11/2017)

Vì sao tổng thống Donald Trump đưa Bắc Triều Tiên trở lại sổ bìa đen những "Nhà nước bảo trợ khủng bố" ? Tokyo và Seoul hy vọng Bình Nhưỡng sẽ nhượng bộ để tránh sụp đổ. Tuy nhiên, cho đến nay, chế độ không còn sinh lộ này luôn "gồng mình" chịu đựng mọi áp lực, tiếp tục chế tạo vũ khí nguyên tử để tồn tại.

btt2

Tổng thống Mỹ Trump và thủ tướng Nhật Bản Abe nhân chuyến công du Châu Á của nguyên thủ Mỹ, ngày 06/11/2017. Reuters/Kiyoshi Ota/Pool

Sau hai nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong mùa hè vừa qua, các biện pháp đa phương trừng phạt Bắc Triều Tiên đã được tăng cường. Thế nhưng, Hoa Kỳ tiếp tục khuyến khích phần còn lại của cộng đồng quốc tế, cụ thể là Trung Quốc, cũng phải đơn phương cấm vận Bình Nhưỡng. Trong chuyến công du Trung Quốc, tổng thống Mỹ kêu gọi Bắc Kinh hãy "dứt khoát bỏ rơi" Bình Nhưỡng.

Ngày 20/11/2017, một tuần sau chuyến công du Châu Á, tổng thống Donald Trump thông báo đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách các nước hậu thuẫn khủng bố, bên cạnh Iran, Syria và Sudan, một thông báo mang tính "biểu tượng" theo giải thích của ngoại trưởng Mỹ.

Thông báo biểu tượng, mục tiêu tương tác

Theo ngoại trưởng Rex Tillerson, khi gọi đích danh Bắc Triều Tiên là "Nhà nước khủng bố", Hoa Kỳ nhắm vào hai mục tiêu tương tác. Thứ nhất là những nước nào hay cá nhân nào còn tiếp tục duy trì quan hệ thương mại với Bình Nhưỡng sẽ bị một loạt biện pháp trừng phạt mới mà bộ Tài Chính loan báo ngày 21/11/2017. Mục tiêu thứ hai là giúp cho Kim Jong-un hiểu ra rằng "nếu từ chối đàm phán thì Bắc Triều Tiên lâm vào tình thế càng lúc càng tồi tệ hơn".

Tại Hoa Kỳ, quyết định này đi đúng theo chiều hướng của Viện Bảo Vệ Dân Chủ ( Foundation for Defense of Democraties), nhóm áp lực hành lang ở lưỡng viện quốc hội Mỹ và nhiều nghị sĩ Mỹ. Theo chuyên gia Anthony Ruggiero, hành vi sử dụng hóa chất làm tê liệt thần kinh giết Kim Jong-nam ở Malaysia là một trường hợp bị bắt quả tang giết người ly khai. Một số hành động khác cũng bị xem là "mang tính chất khủng bố" là "xuất khẩu vũ khí" và "tấn công tin tặc" các công ty như Sony và một số ngân hàng quốc tế, đặc biệt là ngân hàng quốc gia Bangladesh.

Tại Châu Á, quyết định siết gọng kềm của tổng thống Donald Trump được chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc cổ vũ. Theo Yann Rousseau, thông tín viên của nhật báo kinh tế Les Echos tại Tokyo, hai nước Châu Á này nghĩ rằng những biện pháp cấm vận kinh tế mỗi ngày mỗi cứng rắn như chận đường nhập khẩu xăng dầu, cô lập ngoại giao toàn diện, sẽ từ từ làm chế độ khép kín này nhượng bộ yêu sách quốc tế, hầu tránh bị sụp đổ.

Kim sẽ nhượng bộ hay tiếp tục thách thức ?

Donald Trump cho rằng lẽ ra phải đưa Bình Nhưỡng vào danh sách đen từ lâu, không phải chờ đến bây giờ mới thấy "chiến lược kiên nhẫn" kéo dài suốt nhiều đời tổng thống Mỹ, không hiệu quả.

Tuy nhiên, chiến lược của Donald Trump không được giới chuyên gia chia sẻ 100%. Họ nhắc lại là năm 1988, Bắc Triều Tiên từng bị đưa vào danh sách "Nhà nước khủng bố" sau vụ chuyến bay 858 của Korean Air, từ Bagdad sang Gimbo, bị nổ trên không khi bay ngang biển Andaman (Ấn Độ Dương) vào ngày 29/11/1987 làm chết 115 người. Một nữ điệp viên của Bình Nhưỡng khai đã nhận lệnh của Kim Jong-il đặt chất nổ và lợi dụng quá cảnh ở Abu Dhabi để thoát thân.

Thế rồi, đến năm 2008, để tạo điều kiện mở lại đàm phán đa phương về hạt nhân Bắc Triều Tiên, tổng thống George W. Bush đã xóa tên Bình Nhưỡng trong danh sách khủng bố, với lý do Bình Nhưỡng không nhúng tay vào bất cứ một vụ khủng bố nào từ năm 1988.

Trong chiều hướng này, sẽ không là điều ngạc nhiên nếu Bình Nhưỡng tuyên bố xem thường"áp lực quốc tế" và sẽ phóng vài tên lửa hay cho nổ hạt nhân để thách thức. Bởi vì đối với Kim Jong-un, bom nguyên tử là vũ khí duy nhất bảo vệ chế độ.

Tú Anh

*****************

Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un loại bỏ nhân vật số 2 trong quân đội ? (RFI, 21/11/2017)

Nhân một cuộc điều trần tại Quốc hội Hàn Quốc ngày 20/11/2017, cơ quan tình báo nước này báo cáo về khả năng một chiến dịch thanh trừng nội bộ mới đang diễn ra tại Bắc Triều Tiên, với việc hai viên tướng hàng đầu trong quân đội vừa bị kỷ luật. Hai nhân vật này đã bị trừng phạt cùng với nhiều sĩ quan khác trong khuôn khổ một cuộc thanh tra đặc biệt nhắm vào Tổng cục Chính trị quân đội.

btt3

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội, Hwang Pyong-so tại lễ bế mạc Á Vận Hội lần thứ 17, Incheon, ngày 04/10/2014. Reuters/Jason Reed

Hãng tin Mỹ AP dẫn lời một dân biểu Hàn Quốc có dự cuộc điều trần cho hay cả hai nhân vật đứng đầu Tổng cục Chính trị quân đội Bắc Triều Tiên vừa bị kỷ luật là chủ nhiệm tổng cục Hwang Pyong-so và phó chủ nhiệm Kim Won-hong.

Tổng cục Chính trị quân đội là cơ quan giám sát sự trung thành của các sĩ quan quân đội và chủ nhiệm tổng cục Hwang Pyong-so được coi là nhân vật quyền lực số 2 ở Bắc Triều Tiên, chỉ đứng sau lãnh đạo Kim Jong-un.

Theo dân biểu nói trên, việc Tổng cục Chính trị quân đội bị thanh tra là điều chưa từng xẩy ra trong vòng 20 năm nay, và nguyên do dẫn đến cuộc thanh tra là thái độ "không trong sạch" của cơ quan này.

AP cho biết hiện chưa rõ là ông Hwang Pyong-so bị khiển trách, cách chức hay bị đày về vùng nông thôn, chỉ biết là ông đã bị kỷ luật. Còn theo tường thuật của báo chí Hàn Quốc, nhân vật này đã không xuất hiện trước công chúng từ ngày 13/10 vừa qua.

Giới phân tích Hàn Quốc cho rằng, do vị trí quan trọng của ông trong guồng máy lãnh đạo Bắc Triều Tiên, nếu quả thực là ông Hwang Pyong-so bị thanh trừng, điều đó có thể dẫn đến một sự thay đổi lớn trong hệ thống quyền lực ở Bắc Triều Tiên.

Dẫu sao thì đây không phải là lần đầu tiên mà Kim Jong-un ra tay loại bỏ các nhân vật lãnh đạo hàng đầu tại Bắc Triều Tiên. Kể từ khi ông nhậm chức vào cuối năm 2011, đã có một loạt các cuộc thanh trừng, cách chức, thậm chí hành quyết, nhắm vào những người mà các chuyên gia nước ngoài cho là có thể thách thức quyền lực của Kim Jong-un.

Mai Vân

Published in Châu Á