Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hợp tác tại Biển Đông, trọng tâm thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines

Thanh Hà, RFI, 11/04/2024

Cuộc họp thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines diễn ra tại Nhà Trắng hôm nay 11/04/2024. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cho biết lãnh đạo ba nước sẽ thông qua một thỏa thuận bao gồm việc bảo đảm an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông. Trước cuộc họp thượng đỉnh, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tiếp riêng tổng thống Philippines.

trio1

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., Tổng thống Mỹ Joe Biden, AP - Ảnh minh họa

Hôm nay, tổng thống Joe Biden gặp lại thủ tướng Fumio Kishida và sẽ cùng tiếp tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng. Theo một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ, được AFP trích dẫn, sự hiện diện của tổng thống Philippines là "tín hiệu mạnh mẽ và cứng rắn mà Washington và Tokyo gửi đến Bắc Kinh" vào lúc mà Manila liên tục bị Trung Quốc uy hiếp ở Biển Đông.

Theo các nguồn tin thông thạo, nhân cuộc họp hôm nay, ông Biden một lần nữa sẽ nhắc lại lập trường kiên định, đó là "hiệp định phòng thủ hỗ tương giữa Hoa Kỳ và Philippines sẽ được áp dụng trong mọi trường hợp xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông, bao gồm cả việc bảo vệ các tàu tuần duyên của Philippines". Ngoài ra, hãng tin Mỹ AP cho biết tổng thống Hoa Kỳ chính thức thông báo huy động quân đội Mỹ hỗ trợ Philippines nâng cao khả năng phòng thủ trên biển.

Về phía Manila, trả lời báo chí trước khi lên đường đến Washington, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. hôm 10/04/2024 cho biết "chủ đích của hiệp ước ba bên là Mỹ-Nhật-Philippines có thể tiếp tục phát triển để đem lại thịnh vượng, hỗ trợ lẫn nhau và đương nhiên là nhằm duy trì hòa bình ở Biển Đông cũng như là bảo đảm tự do hảng hải trong vùng biển này". Thượng đỉnh Washington là cơ hội để các bên "đi sâu thêm vào chi tiết về các chương trình hợp tác ba bên, bao gồm cả việc thực hiện các dự án chung ở Biển Đông", nơi mà trong thời gian gần đây, căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đã gia tăng cường độ.

Trước cuộc họp hôm nay, thủ tướng Fumio Kishida từng quan niệm hợp tác "chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản, Hoa Kỳ và Philippines là một yếu tố then chốt trong khu vực". Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản hôm đầu tuần nêu đích danh Trung Quốc "không ngừng gây áp lực, hà hiếp" các nước láng giềng, kể cả Nhật và Philippines. Đại sứ Nhật tại Washington đã xác định tham vọng của "Bắc Kinh trong vùng biển này sẽ là một trong những chủ đề được thảo luận" tại thượng đỉnh ba bên hôm nay.

Hôm qua, hai thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Dân chủ và Cộng Hòa đề xuất một dự luật cấp 2,5 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Philippines, giúp Manila chống lại các áp lực của Trung Quốc.

Ngoài hồ sơ Biển Đông, kinh tế cũng là một ưu tiên của Manila. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. muốn nhân dịp này kêu gọi đầu tư của Mỹ và Nhật vào một số lĩnh vực thiết yếu như "cơ sở hạ tầng, công nghệ bán dẫn, an ninh mạng, năng lượng tái tạo và nhất là hợp tác ba bên về quốc phòng và hàng hải".

AFP ghi nhận đương nhiên Trung Quốc đặc biệt theo dõi thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines tại Washington hôm nay, do Bắc Kinh quan niệm đây là một nỗ lực của các bên nhằm hạn chế ảnh hưởng về địa chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Thanh Hà

*****************************

Hoa Kỳ, Nhật Bản thắt chặt hợp tác quốc phòng và không gian

Thu Hằng, RFI, 11/04/2024

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã được tiếp đón long trọng tại Nhà Trắng ngày 10/04/2024. Trong buổi họp báo chung với lãnh đạo Nhật Bản, tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi "bước tiến quan trọng nhất" trong mối quan hệ đối tác "phồn thịnh" với Nhật Bản kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Lãnh đạo hai nước thông báo "thắt chặt hợp tác quốc phòng", cũng như hợp tác về không gian, đường sắt và nhiều lĩnh vực khác.

trio2

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại tiệc chiêu đãi chính thức ở Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 10/04/2024. Reuters

Theo AFP, hợp tác quốc phòng giữa Washington và Tokyo sẽ "hiệu quả hơn". Lực lượng Mỹ (khoảng 54.000 quân) đóng ở Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (FJA) sẽ cải thiện "khả năng tương tác" thông qua "một bộ chỉ huy và giám sát". Hiện nay lực lượng Mỹ ở Nhật Bản bị phụ thuộc chặt chẽ vào Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Hoa Kỳ, đóng tại Hawaii.

Ngành công nghiệp quốc phòng hai nước dự kiến nhiều thỏa thuận để đồng phát triển và sản xuất tên lửa, cũng như bảo trì chiến hạm, chiến đấu cơ Mỹ ở Nhật Bản. Một "diễn đàn" song phương sẽ được tổ chức nhằm xác định những lĩnh vực ưu tiên hợp tác để "kết nối tốt hơn" chính sách công nghiệp quốc phòng của hai nước. Washington muốn hỗ trợ Tokyo nhiều hơn trong việc xây dựng khả năng phòng thủ.

Ngoài ra, Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực không gian. Theo tổng thống Biden, "sẽ có hai phi hành gia Nhật Bản tham gia các chương trình thám hiểm Mặt Trăng Artémis của Mỹ, trong đó có một người sẽ là phi hành gia không phải là người Mỹ đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng". Chính phủ hai nước cũng ủng hộ dự án đường sắt cao tốc nối Dallas và Houston ở bang Texas, trị giá 30 tỉ đô la, sử dụng công nghệ Shinkansen của Nhật Bản.

Tại buổi họp báo, tổng thống Joe Biden cũng cho biết "lần đầu tiên, Nhật Bản, Mỹ và Úc sẽ thành lập một mạng lưới tên lửa phòng không và một hệ thống phòng thủ". Liên minh AUKUS (gồm Mỹ, Anh, Úc) sẽ hợp tác phát triển công nghệ quốc phòng mới với Nhật Bản. Ngoài ra, Mỹ, Úc và Anh sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận chung trong tương lai. 

Rất nhiều nhân vật nổi tiếng của Mỹ đã dự buổi dạ tiệc tối 10/04, như diễn viên Robert De Niro, chủ tập đoàn Amazon Jeff Bezos và chủ tập đoàn Apple Tim Cook… Hôm nay, 11/04, thủ tướng Fumio Kishida phát biểu trước Quốc Hội lưỡng viện Mỹ, sau đó dự thượng đỉnh ba bên với tổng thống Mỹ và tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.

Thu Hằng

***************************

An ninh : Vai trò đầu tàu của Nhật ở Châu Á - Thái Bình Dương

Thanh Hà, RFI, 11/04/2024

Trọng trách bảo đảm an ninh cho cả vùng Châu Á - Thái Bình Dương phải chăng đang dịch chuyển dần từ Washington sang Tokyo ? Đây là câu hỏi đang được đặt ra từ việc Hoa Kỳ và Nhật Bản ký kết hơn 70 thỏa thuận hợp tác quốc phòng trong chuyến công du của thủ tướng Fumio Kishida đến Mỹ hôm 10/04/2024.

trio3

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida duyệt đội quân danh dự tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 10/04/2024. Reuters - Kevin Lamarque

Tiếp thủ tướng Nhật Bản với những nghi thức trọng thể nhất, tổng thống Biden tuyên bố "hai nước chúng ta đang xây dựng mối quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh mạnh mẽ hơn và một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mạnh mẽ hơn bao giờ hết". Tiếp theo đó là hàng chục thỏa thuận về hợp tác quốc phòng, bao gồm cả các thỏa thuận "nâng cấp cơ chế chỉ huy quân sự của Mỹ tại Nhật để đối phó tốt hơn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng về an ninh", như báo tài chính Nikkei Asia ghi nhận. Ngoài ra, Hoa Kỳ và Nhật Bản mở rộng danh sách các chương trình cùng phát triển thiết bị quốc phòng.

Theo giới quan sát những thỏa thuận "chưa từng có từ khi kết thúc chiến tranh lạnh" giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản cho thấy vai trò ngày càng lớn của Tokyo về an ninh và quốc phòng. Nhật Bản đang trở thành mắt xích chính của Washington trong liên minh để đối phó với các quốc gia phi dân chủ, từ Trung Quốc đến Nga và Bắc Triều Tiên cũng như Iran.

Mỹ đang trông thấy ở Nhật Bản rất nhiều lợi thế. Thứ nhất về đối nội, hai thủ tướng liên tiếp Shinzo Abe và Fumio Kishida liên tục vận động sửa đổi bản Hiến Pháp chủ hòa để "tăng cường mức tự chủ về an ninh và quốc phòng" của Nhật Bản. Với sức mạnh công nghiệp và công nghệ cao, Tokyo cũng đã nới lỏng các quy định về xuất khẩu vũ khí mở đường cho việc tham gia tích cực hơn vào thị trường màu mỡ này trong bối cảnh hai cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine tiếp diễn, mối đe dọa Bắc Triều Tiên ngày càng lớn và tham vọng chiếm đất, chiếm biển vô tận của Trung Quốc. Nhật Bản cũng là một quốc gia không ngần ngại tăng ngân sách quốc phòng đề phòng hai hiểm họa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Lợi thế thứ hai của Nhật Bản là sức mạnh của cỗ máy công nghiệp và một phần công nghệ tương lai đang được đặt ở Nhật Bản. Do vậy, lôi kéo được Nhật Bản về phía mình là một lá chủ bài trong cuộc đọ sức công nghệ cao với Trung Quốc. Lợi thế công nghệ đó cho phép Nhật Bản đang "lột xác từ một nước chủ hòa hóa thân thành một cường quốc quân sự trong tương lai". Điều đó sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng trên bàn cờ quốc tế, như Yann Messager, một nhà báo độc lập hoạt động tại Tokyo ghi nhận trong bài viết đăng trên báo The Diplomat hôm 11/04/2024.

Ưu điểm thứ ba của Tokyo là uy tín của xứ hoa anh đào đối với các đối tác Đông Nam Á và cả ở Châu Đại Dương. Nhật Bản là một nhà tài trợ hào phóng, là một nguồn đầu tư quý giá giúp nhiều quốc gia Đông Nam Á phát triển. Theo thăm dò gần đây do viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS Singapore thực hiện, Tokyo được xem là một "đối tác đáng tin cậy" và trong 6 năm liên tiếp uy tín của Nhật trong vùng lớn hơn so với của Hoa Kỳ hay Trung Quốc.

Nhật Bản liên tục mở rộng quan hệ từ ngoại giao đến kinh tế, quân sự với Ấn Độ, Úc, và đương nhiên là với nhiều nước Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, hay Indonesia… Chẳng vậy mà Nhật Bản là một trong những chặng dừng của tổng thống tân cử Indonesia Prabowo.

Cũng dưới chính quyền Kishida, Nhật Bản đã san bằng những hiềm khích quá khứ lịch sử với Hàn Quốc vì mục tiêu "an ninh chung trong khu vực".

Trước ngần ấy lợi thế của Nhật Bản, việc Mỹ trông cậy nhiều hơn vào đối tác chiến lược này là điều dễ hiểu, nhất là trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang ở eo biển Đài Loan hay tại Biển Đông, Nhật sẽ trong thế "tiền đồn" : 54.000 lính Mỹ đang trú đóng trên xứ hoa anh đào.

Cuối cùng, trong tính toán của tổng thống Biden, tăng cường hợp tác quân sự và quốc phòng với chính quyền Kishida cũng là cách để trấn an phần nào các đồng minh của Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trước khả năng Nhà Trắng đổi chủ sau bầu cử tổng tổng thống vào tháng 11 tới đây.

Thế còn đối với các nước trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, từ Ấn Độ đến Úc và kể cả Hàn Quốc hay Đông Nam Á, đúng là trong bối cảnh hiện nay, trước những tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên biển, trên bộ ngày càng lớn, tất cả chỉ còn biết trông chờ vào Mỹ. Vấn đề là ẩn số trên chính trường Mỹ và mọi người còn nhớ, kể cả Nhật Bản, rằng ông Donald Trump khi lên cầm quyền từng xé bỏ những hiệp định quan trọng nhất về an ninh, kinh tế của người tiền nhiệm. Do vậy, việc tổng thống Biden ký hàng loạt thỏa thuận hợp tác quân sự với thủ tướng Kishida có thể được hiểu là chính quyền hiện tại ủy thác cho Tokyo một phần trách nhiệm bảo đảm an ninh cho khu vực. Mỹ cũng biết rằng Nhật Bản có nhiều lá chủ bài trong tay để là "một đối tác đáng tin cậy".

Thanh Hà

Additional Info

  • Author Thanh Hà, Thu Hằng
Published in Châu Á