Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mỹ-Phi : Manila "nâng cấp" tập trận Mỹ trong năm 2018 (RFI, 06/10/2017)

Mua súng Trung Quốc, nhưng tập trận trở lại với Mỹ. Sau một năm nhiều căng thẳng, hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Philippines được thắt chặt và sẽ gia tăng. Tổng cộng 261 hoạt động, kể cả tại Biển Đông, sẽ được tổ chức trong năm 2018.

bd1

Tập trận Mỹ Philippines 'Carat', ngày 28/06/2013 - Reuters

Chương trình tập trận chung được tham mưu trưởng quân đội Philippines loan báo ngày 05/10/2017 tại Manila, trong buổi lễ "tiếp nhận 3000 khẩu súng" của Trung Quốc. Theo tuyên bố của tướng Edouardo Ano : "Philippines và Mỹ sẽ gia tăng các cuộc tập trận chung trong năm 2018 theo đúng tuyên bố của tổng thống Duterte, cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, đồng minh số một của Philippines".

Cụ thể, quân đội hai nước sẽ tổ chức 261 hoạt động chung từ tập trận, hợp tác chỉ huy, đánh trên sa bàn cho đến cứu trợ nhân đạo, xây dựng cầu đường và trường học… trong năm 2018. Theo bình luận của tướng Edouardo Ano, nếu so với 258 hoạt động chung trong năm 2017, thì hợp tác quân sự Mỹ-Philippines được "nâng cấp" theo nghĩa tái lập những cuộc tập trận trước đây đã bị hủy bỏ vì Manila muốn xoa dịu Trung Quốc.

Trong chương trình 2018, lực lượng Mỹ-Phi sẽ tiến hành các cuộc tập trận "bảo vệ lãnh thổ"tại Biển Đông mà Manila gọi là Biển Tây. Cuộc tập trận quan trọng nhất hàng năm Balikatan sẽ tiếp tục. Theo báo chí ở Manila, chưa rõ là khi nào diễn ra các cuộc tập trận bảo vệ lãnh thổ. Năm 2017, hai chiến dịch thuộc loại quan trọng bị hủy bỏ là cuộc diễn tập đổ bộ Phiblex của Thủy Quân Lục Chiến và CARAT của hải thuyền.

Theo AFP, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dường như muốn tái lập quan hệ nồng ấm với Washington, sang trang giai đoạn cư xử khiếm nhã đối với tổng thống Barack Obama, người tiền nhiệm của Donald Trump. Tuần trước, ông cam kết xây dựng quan hệ thân thiện với Hoa Kỳ, trong lúc tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Edouardo Ano đến Hawai hội kiến với đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương.

Quan hệ Mỹ-Phi bị suy giảm một phần do lời tuyên bố của tổng thống Duterte "muốn ly khai" với Mỹ nhân chuyến công du Bắc Kinh vào năm 2016.

Tú Anh

*******************

Tình báo Mỹ : Trung Quốc sẽ xây nhiều căn cứ ở nước ngoài (RFI, 06/10/2017)

bd2

Sau Pháp, Mỹ và Nhật Bản, đến lượt Trung Quốc mở căn cứ quân sự ở Châu Phi. Photo : Corporal Matthew J. Apprendi (USMC)

Căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài, đặt tại Djibouti, một quốc gia nhỏ bé ở Châu Phi, rất có thể sẽ là khởi đầu cho nhiều căn cứ quân sự khác mà Trung Quốc sẽ thiết lập khắp thế giới và điều này có thể gây các xung đột lợi ích với Hoa Kỳ. Đó là cảnh báo của các quan chức tình báo Mỹ hôm qua, 05/10/2017, theo hãng tin Bloomberg.

Các quan chức tình báo Mỹ, xin được giấu tên, nhấn mạnh Trung Quốc hiện có một quân đội được hiện đại hóa nhanh nhất thế giới, bên cạnh Hoa Kỳ. Trong chiều hướng đó, tháng 7/2017, quân đội Trung Quốc loan báo thiết lập một căn cứ hỗ trợ hậu cần ở Djibouti, để phục vụ cho các chiến dịch nhân đạo, duy trì hòa bình và hộ tống trên biển ở vùng Châu Phi và vùng tây Châu Á, cũng như hỗ trợ cho các cuộc thao dượt quân sự và di tản khẩn cấp.

Tuy nhiên, theo nhật báo South China Morning Post ngày 01/10, các hình ảnh vệ tinh và các báo cáo không chính thức, tại căn cứ này có nhiều cơ sở hạ tầng quân sự, như trại lính, các đơn vị bảo trì, nhà kho và các bến tàu có thể tiếp nhận hầu hết các tàu của hạm đội Trung Quốc. Nói cách khác, căn cứ ở Djibouti có thể sẽ được Trung Quốc dùng để tung lực lượng ra vùng bắc Châu Phi, cũng như củng cố vị thế của họ ở vùng Ấn Độ Dương.

Theo các quan chức tình báo Mỹ nói trên, giới lãnh đạo Trung Quốc xem cái trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu, nhất là hệ thống các liên minh với Mỹ và việc cổ súy cho các giá trị Mỹ trên toàn cầu, là những yếu tố ngăn chận việc Trung Quốc trỗi dậy và thay đổi trật tự thế giới cho phù hợp hơn với nhu cầu của Bắc Kinh.

Tình báo Mỹ ghi nhận là trên con đường bành trướng thế lực quân sự và kinh tế, Bắc Kinh tỏ ra ngày càng cứng rắn hơn về tranh chấp chủ quyền Biển Đông, về quan hệ với Đài Loan và đang đẩy mạnh sáng kiến "Một Vành Đai, Một Con Đường" để tăng cường quan hệ thương mại với thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực Châu Á. Nói chung, tình báo Mỹ cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách làm suy giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới.

Những cảnh báo nói trên được đưa ra vào lúc chủ tịch Tập Cận Bình đang củng cố thế lực trước Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, diễn ra trong tháng 10 này và trước chuyến viếng thăm Trung Quốc của tổng thống Donald Trump vào tháng 11/2017.

Tuy đạt được đồng thuận trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, giữa Washington và Bắc Kinh còn nhiều bất đồng trên những vấn đề khác, như tranh chấp chủ quyền Biển Đông, Syria và nhất là thương mại, chủ yếu do thâm thủng mậu dịch giữa Mỹ với Trung Quốc còn rất lớn.

Đặc biệt, vấn đề đang gây quan ngại hiện nay đó là việc chuyển giao công nghệ của Mỹ cho Trung Quốc. Cựu cố vấn của tổng thống Trump, ông Steven Bannon từng xem đây là vấn đề kinh tế lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông Bannon cảnh báo rằng nếu không giải quyết vấn đề này, nước Mỹ sẽ bị Trung Quốc đánh gục về kinh tế.

Theo lời các quan chức tình báo Mỹ, Bắc Kinh cũng ý thức được rằng những tham vọng của họ đang gây quan ngại, cho nên đang cố chứng minh rằng việc thâu tóm công nghệ của Mỹ không phải là mối đe dọa đối với kinh tế của Mỹ và những nước khác.

Thanh Phương

Published in Châu Á