Ấn Độ đẩy chuyện Kashmir đến chỗ không thể vãn hồi ? (BBC, 15/08/2019)
Vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý từ tuần trước đã bị đặt trong tình trạng kiểm soát chưa từng thấy, sau khi Ấn Độ hủy bỏ Điều 370, quy định về quy chế đặc biệt dành cho Kashmir, của Hiến pháp nước này.
Đã có các cuộc biểu tình phản đối việc tước bỏ quy chế đặc biệt của Kashmir
Sumantra Bose, giáo sư chính trị quốc tế và chính trị đối sánh tại Trường London School of Economics (LSE), giải thích lý do vì sao quyết định này làm bùng lên những phản đối, thách thức.
Từ cuối tháng Mười trở đi, Jammu và Kashmir sẽ không còn là một bang của Ấn Độ nữa.
Tuần trước, Quốc hội Ấn Độ đã thông qua với đa số phiếu tán thành quyết định của chính quyền liên bang, theo đó chia bang này thành hai vùng lãnh thổ liên hiệp - Jammu và Kashmir, và Ladakh.
Các vùng lãnh thổ liên hiệp được chính quyền liên bang trao cho ít quyền tự trị hơn so với các bang, và phải chịu sự cai trị trực tiếp từ Delhi.
Gần 98% dân số nơi này sẽ sống ở vùng lãnh thổ liên hiệp Jammu và Kashmir, gồm hai vùng là thung lũng Kashmir có đa số là người Hồi giáo, nơi có khoảng tám triệu người, và vùng Jammu có đa số dân là người theo Ấn giáo, khoảng sáu triệu người.
Vùng thứ ba, vùng lãnh thổ liên hiệp vừa được thành lập, Ladakh, là một sa mạc trên cao, nơi rất thưa dân, chỉ có khoảng 300 ngàn người, gồm cộng đồng người Hồi giáo và Phật giáo với số lượng gần như tương đương nhau.
Các sự kiện tuần trước đáp ứng được đòi hỏi của những người Ấn giáo theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan vốn có từ hồi đầu thập niên 1950 : xóa bỏ Điều 370.Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Ấn giáo từ suốt bảy thập niên nay đã mạnh mẽ lên án Điều 370 và coi đó là "sự thỏa hiệp vô nguyên tắc" đối với bang duy nhất có đa số dân là người Hồi giáo tại Ấn Độ.
Các phương án chia nhỏ Jammu và Kashmir
Sự phản đối này cũng phù hợp với niềm tin về ý thức hệ của những người Hindu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan rằng Ấn Độ phải là một quốc gia thống nhất, trung ương tập quyền.
Việc "tái tổ chức" Jammu và Kashmir cũng phản ánh đường lối từ lâu nay của họ.Vào năm 2002, Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), tổ chức nòng cốt của phong trào dân tộc chủ nghĩa Ấn giáo, đòi bang này phải bị chia thành ba phần : một bang Jammu riêng rẽ với đa số dân Hindu ; vùng thung lũng Kashmir với đa số dân là người Hồi giáo ; và vùng Ladakh, cần được trao quy chế lãnh thổ liên hiệp.
Người dân Kashmir nói họ đang sống trong một "nhà tù ngoài trời"
Vishwa Hindu Parishad (VHP), một chi nhánh của RSS, thì kêu gọi phải chia bang này thành bốn phần : Jammu trở thành một bang riêng rẽ, còn vùng Ladakh trở thành vùng lãnh thổ liên hiệp.
Một vùng có diện tích tương đối đáng kể nằm trong thung lũng Kashmir cũng cần được trao quy chế vùng lãnh thổ liên hiệp. Đây là nơi chỉ có duy nhất cộng đồng người Bramin ở Kashmir (còn gọi là Pandit Kashmir) sinh sống. Cộng đồng Hindu thiểu số, ít dân này đã bị buộc phải ra đi sau khi có cuộc nổi dậy nổ ra tại thung lũng hồi 1990.
Phần còn lại của Thung lũng Kashmir, theo kế hoạch của VHP, sẽ được để lại cho cộng đồng Hồi giáo đa số.
Mang tính biểu tượng
Quyền tự trị hầu như đã bị tước bỏ hết bởi một loạt biện pháp hợp nhất mà chính phủ liên bang áp dụng lên bang này trong thời gian từ giữa thập niên 1950 đến giữa thập niên 1960.
Sau thời kỳ giữa thập niên 1960, những phần còn lại trong Điều 370 chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng - một lá cờ của bang, một bản hiến pháp từ thời những năm 1950 không có ý nghĩa gì hơn một xấp giấy, và một bộ luật hình sự của bang còn sót lại từ thời nơi này còn là tiểu vương quốc Jammu và Kashmir, 1846-1947.
Điều 35A, với nội dung cấm người ngoài vào mua đất đai, bất động sản tại bang này và đảm bảo ưu tiên việc làm trong các cơ quan nhà nước cho người dân địa phương, sẽ vẫn tiếp tục có hiệu lực. Tuy nhiên, nội dung này không phải là điều chỉ áp dụng duy nhất cho Jammu và Kashmir.
Một số bang, trong đó có các bang miền bắc Himachal Pradesh, Uttarakhand và Punjab, cũng như một số bang ở vùng ngoại vi đông bắc Ấn Độ, cũng có chế độ bảo hộ tương tự đối với người dân địa phương.
Nguyên do thực sự của "chủ nghĩa ly khai" ở bang này, vốn đã bùng nổ thành cuộc nổi dậy hồi 1990, là việc hủy bỏ trên thực tế quyền tự trị của bang trong các thập niên 1950 và 1960, và cách mà bang này bị ảnh hưởng : chính quyền địa phương chỉ là một chính thể bù nhìn do Delhi thành lập và nơi này bị biến thành một bang với các luật định hà khắc.
Với việc tước bỏ khỏi Jammu và Kashmir quyền là một bang và chia cắt nơi này thành các phần khác nhau, một hành động chưa từng xảy ra kể từ khi Ấn Độ giành độc lập cho đến nay, chính quyền của đảng Bharatiya Janata Party (BJP) đã đi xa hơn nhiều so với trước.
Cấu trúc Liên bang Ấn Độ được xây dựng trên cơ sở các bang (29 bang, và sắp tới sẽ chỉ còn là 28 bang), trong đó mỗi bang được hưởng quyền tự trị tương đối đối với Delhi.
Các vùng lãnh thổ liên hiệp của Ấn Độ - hiện có bảy, và sẽ thành có chín vùng kể từ 31/10 - hầu như không có vị thế, quyền lực gì mà các bang được hưởng.
Phân cực
Việc phân chia Jammu và Kashmir thêm nữa có thể xảy ra như phương án mà RSS và VHP ủng hộ hồi năm 2002. Điều đó có thể tạo nên sự phân cực giữa các cộng đồng dân theo đạo Hindu và đạo Hồi trong khu vực.
Người Hồi giáo Shia chiếm thế thượng phong ở quận Kargil, tây Ladakh cũng không hài lòng với việc họ bị đưa vào vùng lãnh thổ liên hiệp Ladakh mới.
Phản ứng của những người theo đạo Phật vốn nắm ưu thế ở Leh, quận ở khu vực đông Ladakh, cũng như trong cộng đồng những người Hindu Jammu, là đành chịu khuất phục, bởi họ bị mất quyền được trao theo Điều 35A.
Ông Modi đã hứa hẹn với người dân trong khu vực một tương lai phát triển và tiến bộ rất huy hoàng.
Ông cũng tuyên bố rằng các cuộc bầu cử sẽ sớm được tổ chức để hình thành cơ quan lập pháp cho vùng lãnh thổ liên hiệp Jammu và Kashmir (Ladakh trở thành một vùng lãnh thổ liên hiệp nhưng không có cơ quan lập pháp).
Bất kỳ cuộc bầu cử nào như vậy nhiều khả năng sẽ bị tẩy chay ở thung lũng Kashmir và bởi hầu hết người Hồi giáo Jammu, và tạo ra một chính quyền vô quyền năng do BJP lãnh đạo ở vùng lãnh thổ liên minh này.
Sáng kiến cực đoan về Jammu và Kashmir mà chính phủ đưa ra hoàn toàn đi chệch khỏi các chính sách độc tài, trung ương tập quyền mà nhiều chính phủ Ấn Độ trước đây đã từng theo đuổi ở hai khía cạnh quan trọng.
Trước hết là các chính phủ liên bang trước đây luôn dựa vào các thành phần trung gian : khách hàng từ giới tinh hoa chính trị của thung lũng Kashmir. Ông Modi và ông Shah đã giải tán các thành phần trung gian đó và chọn cách tiếp cận siêu trung dung.
Thứ hai, sự đàn áp của Delhi ở Jammu và Kashmir từ những năm 1950 trở đi luôn được biện minh bằng lập luận kỳ dị rằng việc duy trì Jammu và Kashmir có đa số dân là Hồi giáo làm một phần của Ấn Độ bằng mọi cách là điều cần thiết để làm hợp lệ tuyên bố của Ấn Độ rằng họ là "nhà nước thế tục".
Ông Modi và ông Shah, cả hai đều theo đuổi đường lối chủ nghĩa dân tộc Hindu cứng rắn, thì không cần tới các lý do đó.
Bước đi cực đoan
Trong cách tiếp cận mang tính cực đoan của mình, có lẽ họ đã làm những điều quá sức.
Nước cờ thí tốt ở Kashmir có thể giúp BJP đạt kết quả khả quan trong các cuộc bầu cử ở một số bang Ấn Độ vào tháng 10 tới đây, và nó có thể tạm thời làm lạc hướng chú ý ra khỏi nền kinh tế đang chững lại của Ấn Độ.
Tuy nhiên, sự cực đoan của bước đi này có thể sẽ đẩy mạnh thêm tình trạng xung đột ở Kashmir theo cách thức mà hai ông sẽ thấy khó mà kiểm soát được trong tương lai.
Nhiều nền dân chủ cũng gặp vấn đề với việc có các vùng đòi ly khai dai dẳng : Scotland ở Vương quốc Anh, Quebec ở Canada, hay Catalonia ở Tây Ban Nha.
Những gì mà chính phủ BJP làm thì giống như những gì chế độ Milosevic của Serbia đã làm vào năm 1989, khi đơn phương hủy bỏ quyền tự trị của Kosovo và áp đặt một nhà nước cảnh sát đối với cộng đồng người Albania chiếm đa số ở Kosovo.
Nhưng cách tiếp cận của chính phủ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa BJP đối với Kashmir vượt xa những gì Milosevic định làm đối với người Albania ở Kosovo : đòi họ phải khuất phục.
Chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi Hindu dường như cuối cùng khao khát đồng hóa những người Hồi giáo nổi loạn ở Jammu và Kashmir biến họ thành một dạng bản sắc dân tộc Ấn Độ. Cách tiếp cận này gần giống với chính sách của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Nhưng những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Hindu biết rằng Ấn Độ không phải là một quốc gia độc đảng.
Tương lai quả là u ám.
Sumantra Bose
Sumantra Bose là Giáo sư Chính trị Quốc tế và Đối sánh tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE).
********************
Kashmir : Quân đội Pakistan sẵn sàng chiến đấu chống Ấn Độ (RFI, 15/08/2019)
Hôm 15/08/2019 là ngày Quốc khánh Ấn Độ, chính quyền Pakistan thông báo đây là ngày toàn quốc ủng hộ người dân xứ Kashmir, mà chính quyền New Delhi vừa tuyên bố tước bỏ quy chế tự trị của phần lãnh thổ do Ân Độ kiểm soát. Hôm qua, thủ tướng Pakistan tuyên bố quân đội sẵn sàng chiến đầu
Người Pakistan phất cờ Pakistan (P) và cờ Kashmir (T) tỏ sự đoàn kết với dân Kashmir. Ảnh chụp tại Karachi, ngày 14/08/2019. Reuters/Akhtar Soomro
Phát biểu tại Muzaffarabad, thủ phủ xứ Kashmir của Pakistan, thủ tướng Imran Khan khẳng định : Quân đội Pakistan đang có trong tay các thông tin chắc chắn về khả năng Ấn Độ có hành động can thiệp vào vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát. Người đứng đầu chính phủ Pakistan cho biết, nếu Ấn Độ có hành động xâm phạm, Pakistan sẽ "chiến đấu đến cùng". Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pakistan Qamar Javed Bajwa cũng xác nhận quân đội nước này sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Theo AFP, rõ ràng Pakistan đã trở nên cứng rắn hơn rất nhiều với tuyên bố hồi tuần trước của ngoại trưởng Pakistan, theo đó, Islamabad sẽ "xem xét trước hết các giải pháp chính trị, ngoại giao và pháp lý".
Hãng tin Reuters cho hay chính quyền Bắc Kinh hôm qua ủng hộ yêu cầu của Pakistan về việc mở một cuộc họp khẩn cấp bàn về Kashmir tại Hội Đồng Bảo An.
Riêng tại Kashmir, theo người phát ngôn của chính quyền bang Jammu và Kashmir, thiết quân luật sẽ được nới lỏng sau ngày Quốc khánh 15/08, nhưng điện thoại và internet vẫn sẽ bị cắt trong những ngày tới. Thống đốc Satya Pal Malik hứa hẹn, nếu tình hình trong mười ngày nữa bình ổn, thông tin liên lạc sẽ được thiết lập trở lại.
Trọng Thành
Xung đột tại Nam Á : Ấn Độ, Pakistan bắn hạ chiến đấu cơ của nhau (VOA, 27/02/2019)
Ấn Độ và Pakistan đều nói họ đã bắn hạ phi cơ quân sự của nước kia hôm thứ Tư, một ngày sau khi chiến đấu cơ Ấn Độ thực hiện một cuộc tấn công vào lãnh thổ Pakistan, lần đầu kể từ sau chiến tranh năm 1971, khiến các cường quốc thế giới phải lên tiếng hối thúc hai bên hãy tự chế.
APTOPIX India Kashmir Pakistan
Hãng tin Reuters tường thuật rằng trong hai ngày qua, cả hai nước đã ra lệnh thực hiện các cuộc không kích, lần đầu tiên trong lịch sử hai nước đều trang bị hạt nhân làm như vậy, giữa lúc các lực lượng trên bộ chạm súng tại hơn một chục địa điểm.
Căng thẳng đã tăng cao kể từ khi xảy ra vụ đánh bom tự sát do các phần tử chủ chiến có căn cứ ở Pakistan thực hiện trên vùng lãnh thổ Kashmir nằm dưới quyền kiểm soát của Ấn Độ, giết chết ít nhất 40 cảnh sát bán quân sự Ấn hôm 14/2. Tuy nhiên nguy cơ xung đột tăng cao hôm 26/2 sau khi Ấn Độ tiến hành một cuộc không kích, tấn công một mục tiêu mà phía Ấn Độ nói là một cơ sở huấn luyện của các phần tử chủ chiến.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Thủ tướng Pakistan Imran Khan kêu gọi đàm phán với Ấn Độ. Ông nói ông hy vọng hai bên sẽ có nhận thức đúng đắn để "xuống thang" các hành động thù nghịch.
Ông Khan phát biểu :
"Lịch sử đã dạy chúng ta rằng các cuộc chiến tranh thường đầy dẫy những tính toán sai lầm. Câu hỏi của tôi là, với những vũ khí mà chúng ta đang có trong tay, liệu chúng ta có thể hứng chịu hậu quả của những tính toán sai lầm hay không ?
Lên tiếng trong một chương trình truyền hình phát đi trên toàn quốc, Thủ tướng Imran Khan nói : "Chúng ta hãy ngồi xuống thảo luận với nhau".
Theo Reuters, cuộc tấn công do Ấn Độ thực hiện hôm thứ ba 26/2 nhắm vào Jaish-e-Mohammed (JeM), nhóm chủ chiến đã lên tiếng nhận trách nhiệm trong vụ tấn công tự sát. Sau đó, Ấn Độ cho biết nhiều phần tử JeM đã bị giết, nhưng các quan chức Pakistan nói cuộc tấn công là một sự thất bại và không gây thương vong.
Pakistan và Ấn Độ đã đối đấu nhau trong ba cuộc chiến tranh từ khi giành được độc lập vào năm 1947, thoát chế độ thực dân Anh, trong đó hai cuộc chiến xảy ra ở khu vực Kashmir, vùng lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp giữa hai bên trên dãy Himalaya. Năm 2002 một lần nữa hai nước đã tiến gần tới bờ vực một cuộc chiến tranh thứ 4 sau khi phiến quân Pakistan tấn công vào quốc hội Ấn Độ.
Vụ leo thang mới nhất đánh dấu một bước ngoặt bất ngờ trong quan hệ giữa hai nước Nam Á, cả hai đều tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ vùng Kashmir mặc dù mỗi bên chỉ kiểm soát một phần khu vực này. Mới gần đây, vào tháng 11, Thủ tướng Pakistan Imran Khan còn đề cập tới việc "hàn gắn quan hệ" với Ấn Độ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã thảo luận với các vị đồng cấp Ấn Độ và Pakistan và kêu gọi hai bên hãy đỉnh chỉ mọi hoạt động quân sự có thể làm tình hình xấu đi hơn nữa.
Reuters dẫn lời Ngoại Trưởng Mỹ cho biết là trong cuộc trao đổi riêng rẽ, ông nói "Hoa Kỳ khuyến khích Ấn Độ và Pakistan tự chế, tránh leo thang "bằng bất cứ giá nào".
Trung Quốc và Liên minh Châu Âu cũng góp tiếng, kêu gọi hai nước Nam Á đều sở hữu vũ khí hạt nhân, hãy tự chế.
*******************
Pakistan nói đã bắn rơi hai máy bay Ấn Độ trong lúc căng thẳng lên cao (BBC, 27/02/2019)
Pakistan tuyên bố đã bắn rơi hai chiến đấu cơ của Ấn Độ, bắt giữ phi công trong diễn biến gây gia tăng căng thẳng.
Lính Pakistan đứng cạnh khu vực được nói là máy bay Ấn bị bắn rơi
Ấn Độ xác nhận bị mất một máy bay MiG21 và rằng phi công mất tích.
Ấn Độ và Pakistan đều đòi chủ quyền vùng Kashmir, và mỗi nước đang kiểm soát một phần khu vực này.
Tin mới nhất cho hay trong ngày 27/02, có thêm một trực thăng của Ấn Độ "đâm xuống" vùng Kashmir.
Hai nước đều có vũ khí hạt nhân, đã đánh nhau ba lần - trong đó hai lần là vì Kashmir - từ khi độc lập khỏi Anh năm 1947.
Diễn biến mới nhất theo sau một vụ tấn công của dân quân ở Kashmir làm chết 40 lính Ấn Độ.
Một nhóm ở Pakistan nhận trách nhiệm vụ này.
Ấn Độ và Pakistan đưa ra thông tin mâu thuẫn quanh vụ đụng độ mới nhất.
Pakistan nói họ tiến hành sáu vụ không kích vào khu Kashmir do Ấn kiểm soát, sau khi máy bay Ấn xâm phạm không phận.
Ấn Độ bác bỏ, nói Pakistan khiêu khích trước.
Mảnh chiếc chiến đấu cơ của Ấn Độ
Đại diện quân đội Pakistan nói một máy bay Ấn bị bắn rơi ở phần Kashmir của Ấn, còn máy bay thứ hai rơi xuống vùng Kashmir do Pakistan nắm giữ, và hai phi công bị bắt.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Mike Pompeo, đang có mặt ở Hà Nội, cho hay ông đã nói chuyện riêng với hai người tương nhiệm Ấn Độ và Pakistan, yêu cầu họ tránh "tăng hoạt động quân sự".
Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan lên cao nhất kể từ năm 1971 khi Ấn Độ tấn công vào phía bên kia biên giới Pakistan
Hoa Kỳ, qua lời ông Pompeo, mong muốn hai nước Nam Á "kiềm chế".
Trung Quốc và Liên hiệp Châu Âu cũng bày tỏ ý kiến tương tự.
Tin mới nhất cho hay Hàng không Thái Lan, Thai Airways hủy các chuyến bay đi Châu Âu bay qua vùng trời Kashmir, và mọi chuyến đến Pakistan trong hai ngày.
Lý do là, theo một thông báo của Islamabad, không phận của Pakistan bị đóng do xung đột với Ấn Độ.
Ba chuyến bay của Thai Airways sang London, một số chuyến sang Nga và Đức trong ngày 27/02 và 28/02 bị hủy.
Tin tức cuối ngày 27/02 cũng nói Singapore Airlines và British Airways đã xem xét việc đổi hướng bay để tránh vùng trời đang có căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ.
********************
Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan gia tăng (RFI, 27/02/2019)
Căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân Ấn Độ - Pakistan gia tăng với việc sáng sớm hôm qua, 26/02/2019, không quân Ấn Độ tiến hành một cuộc không kích chớp nhoáng nhắm vào một trại "khủng bố" trên đất Pakistan, để trả đũa cho vụ tấn công 14/02. Hôm nay 27/02/2019, Islamabad thông báo đã bắn hạ 2 chiến đấu cơ Ấn Độ. Tuy nhiên, hai bên ngay lập tức đều có dấu hiệu muốn xuống thang.
Tại Karachi, đài truyền hình trưng ảnh phi công máy bay Ấn Độ bị Pakistan bắn hạ. Reuters/Akhtar Soomro
Theo AFP, trong một phát biểu ngắn được truyền hình, thủ tướng Pakistan Imran Khan hôm nay một lần nữa nhắc lại đề nghị "thương thuyết" với New Delhi, "sẵn sàng cho mọi đối thoại về vấn đề khủng bố và tất cả các vấn đề khác". Thủ tướng Pakistan cũng nhấn mạnh đến nguy cơ "tính toán sai lầm dù là nhỏ nhất" giữa hai cường quốc hạt nhân có thể dẫn đến các hệ quả bi thảm. Căng thẳng ở vùng biên giới với Ấn Độ là khủng hoảng lớn đầu tiên mà thủ tướng Imran Khan, nhậm chức từ mùa hè năm ngoái, phải đối mặt.
Về phần mình, New Delhi cũng tìm cách làm giảm nhẹ tình hình. Trong chuyến công du Trung Quốc hôm nay, ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swarai nhấn mạnh là New Delhi không muốn "leo thang" và "sẽ tiếp tục hành động với trách nhiệm và sự kềm chế". Ngoại trưởng Ấn Độ lưu ý là chiến dịch không kích nói trên "không mang tính quân sự", vì "không nhằm vào các cơ sở của quân đội Pakistan", mà chỉ tấn công vào một trại huấn luyện của lực lượng Jaish-e-Mohammed. Đây là lực lượng mà theo New Delhi đang chuẩn bị một số vụ khủng bố mới trên đất Ấn.
Pakistan đóng cửa không phận
Cơ quan hàng không dân sự Pakistan hôm nay, tuyên bố đóng cửa không phận, trong lúc Ấn Độ đóng cửa hơn 10 sân bay ở miền bắc. Nhiều chuyến bay bị hủy. Tại New Delhi, không có máy bay nào cất cánh.
Hiện tại thông tin về chiến dịch không kích chớp nhoáng của Ấn Độ tại vùng Kashmir tranh chấp được mô tả rất khác nhau theo truyền thông mỗi bên.
Thông tin rất khác nhau về vụ không kích
Theo truyền thông Ấn Độ, vào khoảng 3 giờ 30 phía sáng qua, 12 chiến đấu cơ Mirage 2000 Ấn Độ bay về hướng thị trấn Balakot, nơi có một số trại huấn luyện của lực lượng Jaish-e-Mohammed. Trong cuộc tấn công kéo dài khoảng 20 phút, các phi công Ấn Độ có thể đã hủy diệt một trong các căn cứ quan trọng nhất của nhóm khủng bố, từng tuyên bố đứng đằng sau vụ khủng bố khiến tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, hôm 14/02, khiến ít nhất 40 dân quân Ấn Độ thiệt mạng.
Trong khi đó, theo Islamabad, các máy bay Ấn Độ chỉ xâm nhập không phận nước này trong vòng bốn phút, các không kích có thể đã không gây thiệt hại về người. Theo chính quyền Pakistan, không quân nước này đã kịp thời bắn hạ 2 máy bay Ấn Độ, bắt sống hai phi công. Đây là điều mà New Delhi bác bỏ. Ngược lại, Ấn Độ cho biết đã bắn hạ một phi cơ Pakistan.
Trọng Thành
Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ sắp đến Pakistan để gây sức ép (RFI, 07/10/2017)
Theo AFP ngày 07/10/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump trong những tuần tới sẽ điều hai bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng đi công tác tại Pakistan. Mục tiêu là nhằm gây áp lực lên quốc gia đồng minh bị cáo buộc là đã làm ngơ cho một số nhóm thánh chiến.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (p) gặp đồng nhiệm Pakistan Khawaja Muhammad Asif tại Bộ ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington ngày 04/10/2017. 10 năm 2017. Reuters / Yuri Gripas
Vài tuần sau khi ông Trump chỉ trích Islamabad "chứa chấp những kẻ gây hỗn loạn", ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dự kiến đến Pakistan vào cuối tháng 10. Theo nhiều nguồn tin Mỹ và Pakistan, sau đó bộ trưởng quốc phòng James Mattis cũng sẽ theo chân. Chuyến viếng thăm của hai vị bộ trưởng Mỹ nhằm chuyển giao thông điệp là Pakistan cần chấm dứt việc ủng hộ các nhóm thánh chiến.
Washington rất bực tức khi thấy Pakistan cho một số nhóm thánh chiến hoặc quân Taliban trú ngụ, trong khi lực lượng Mỹ đang chiến đấu với những nhóm này bên kia biên giới, ở Afghanistan.
Quan hệ giữa hai nước đặc biệt căng thẳng từ năm 2011, sau khi tổng thống Barack Obama bật đèn xanh cho chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Usama bin Laden tại Abbottabad, thành phố có các khu gia binh Pakistan.
Tình hình đến nay vẫn không tốt đẹp hơn. Hồi tháng Tám, tổng thống Donald Trump đòi hỏi Pakistan phải thay đổi thái độ. Ông nói : "Chúng tôi đã viện trợ hàng tỉ và hàng tỉ đô la cho Pakistan, nhưng đồng thời họ lại chứa chấp chính những tên khủng bố mà chúng tôi phải chiến đấu".
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis tuần này nhắc lại trước Quốc Hội, là ông sẽ "cố gắng thêm một lần nữa để xem có cải thiện được gì không".
Ngoại trưởng Pakistan, công du Hoa Kỳ hôm thứ Tư 4/10 cho rằng những cáo buộc của Mỹ là "không có cơ sở", "không thể chấp nhận được", "không thể nói chuyện với những người bạn từ 70 năm kiểu như vậy".
Thụy My
*****************
Nam Á : Ấn Độ tìm cách đối phó với tiền của Trung Quốc (RFI, 07/10/2017)
Ấn Độ tìm cách bảo vệ phạm vi ảnh hưởng lâu năm tại Nam Á, khu vực đang được Trung Quốc đầu tư hàng triệu đô la. Nhiều chuyên gia tham dự hội nghị Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới tại New Delhi, diễn ra từ ngày 04-06/10/2017, cho rằng Ấn Độ phải phát huy thế mạnh riêng thay vì đối chọi với tiền của Trung Quốc.
Đồng nhân dân tệ (yuan) Trung Quốc (Ảnh minh họa) - Reuters/Thomas White
Trả lời kênh CNBC ngày 06/10, thượng nghị sĩ Ấn Độ Shashi Tharoor nhận định : "Trung Quốc có thừa vốn để đầu tư, chúng tôi thì không thể, nhưng chúng tôi có thể tự lực trong những lĩnh vực có giá trị khác nhau. Đây là điều luôn được đánh giá cao và theo đuổi".
Có nghĩa là để tránh bị Trung Quốc lấn lướt trên sân nhà, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nên tiếp tục xuất khẩu công nghệ giá rẻ và cung cấp các khoản tín dụng phát triển ưu đãi. Vì từ lâu Ấn Độ đã nổi lên là quốc gia hàng đầu về công nghệ chi phí thấp ở Nam Á và Đông Nam Á. Ngoài dược phẩm giá phải chăng rất được quan tâm, Ấn Độ cũng đang dẫn đầu trong ngành năng lượng mặt trời.
Biên tập viên đối ngoại Suhasini Haidar của tờ The Hindu khẳng định New Delhi "sẽ gây thất vọng nếu quyết tâm cạnh tranh với Trung Quốc trên mặt trận đầu tư", thay vào đó, nên phát huy lợi thế vì Ấn Độ cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự với các nước trong vùng, như đói nghèo và thời tiết khắc nghiệt.
Còn theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Leela Ponappa, New Delhi còn có thể hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế của các nước Nam Á với những khoản vay bằng đồng rupi Ấn để giảm các vấn đề liên quan đến tỉ giá hối đoái và phá giá đồng tiền.
CNBC nhắc lại, để theo đuổi tham vọng dự án "Một Vành Đai, Một Con Đường", Bắc Kinh đã đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng khác nhau ngay trong vùng ảnh hưởng của Ấn Độ, như cảng Hambantota tại Sri Lanka, Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc-Pakistan. Điều này đã khiến New Delhi tức giận và từ chối tham gia Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc.
Ngoài ra, còn phải kể thêm sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai cường quốc Châu Á cả về tăng trưởng kinh tế lẫn tranh chấp biên giới trên cao nguyên Doklam từ tháng 09/2017.
Thu Hằng