Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

G7 lên án tham vọng quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông

Minh Anh, RFI, 18/04/2023

Kết thúc ba ngày họp tại Karuizawa, Nhật Bản, hôm 18/04/2023, các ngoại trưởng khối G7 đã thể hiện một mặt trận thống nhất, lên án các "hoạt động quân sự hóa" trên biển của Trung Quốc, đồng thời nghiêm khắc cảnh cáo những nước nào hỗ trợ Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraine.

g7

Ngoại trưởng các nước G7 và đại diện ngoại giao Liên Âu, Karuizawa, Nhật Bản, ngày 18/04/2023. © AP - Yuichi Yamazaki

Thứ tự các ưu tiên trong thông cáo cho thấy xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như các tham vọng của Trung Quốc tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương, đã ngự trị các cuộc tranh luận của khối G7 bắt đầu từ hôm Chủ Nhật 16/04.

Theo AFP, thông cáo mở đầu bằng việc cực lực lên án cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga là "một hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế", bao gồm cả Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, đồng thời cảnh cáo những nước nào hỗ trợ Nga trong cuộc chiến chống Ukraine sẽ phải "trả giá đắt". 

Trong phần liên quan đến Trung Quốc (mục thứ 3), nhóm G7 bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hay cưỡng ép. Thông cáo ghi : "Trung Quốc không có một cơ sở pháp lý nào cho các yêu sách lãnh hải rộng lớn tại Biển Đông, và chúng tôi phản đối mọi hoạt động quân sự hóa tại khu vực".

Văn bản của G7 nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính chất phổ quát và thống nhất của Công ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), một khuôn khổ pháp lý cho phép điều chỉnh các hoạt động trên biển và đại dương, và cũng là cơ sở hữu ích để giải quyết mọi tranh chấp một cách hòa bình mà ví dụ điển hình là phán quyết của Tòa án Trọng tài ngày 12/07/2016, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Liên quan đến Đài Loan, khối G7 nhấn mạnh, duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan là một "yếu tố không thể thiếu" cho sự thịnh vượng chung của cộng đồng quốc tế.

Thông cáo của G7 cũng bày tỏ "lo lắng" về việc "Trung Quốc liên tục mở rộng và nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân" và cũng đề nghị Bắc Triều Tiên "ngừng" các cuộc thử hạt nhân mới và tên lửa đạn đạo.

Bắc Kinh đã có phản ứng gay gắt. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm nay tố cáo khối G7 là đã "vu khống" và "bôi nhọ" Trung Quốc sau khi ra thông cáo chỉ trích các chính sách của Bắc Kinh.

Bên cạnh những hồ sơ nóng, thông cáo của G7 cũng đề cập đến nhiều vấn đề và khủng hoảng chính trị khác trên thế giới, từ Myanmar, Afghanistan, Trung Đông, Iran, Sudan…

Minh Anh

***********************

Các ngoại trưởng G7 cố phô trương lập trường thống nhất về Trung Quốc

Trọng Nghĩa, RFI, 17/04/2023

Hội nghị các ngoại trưởng trong nhóm G7 chính thức mở ra hôm nay 17/04/2023 tại Nhật Bản với cuộc họp đầu tiên bàn về Trung Quốc và các thách thức khu vực, nối tiếp bằng một phiên thảo luận về việc đẩy mạnh chi viện cho Ukraine và trừng phạt nước Nga. 

g70

Hôi nghị cấp ngoại trưởng G7 tại Karuizawa-Nhật Bản. Ảnh ngày 16/04/2023. Reuters - Pool

Ngay từ tối hôm qua, vấn đề Trung Quốc cùng với Bắc Triều Tiên đã được thảo luận trong khuôn khổ một bữa ăn tối làm việc, với nước chủ nhà nhấn mạnh rằng "sự thống nhất của G7 là vô cùng quan trọng".

Theo hãng tin Pháp AFP, khai mạc phiên họp về Trung Quốc vào hôm nay, ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã lên tiếng cảnh báo rằng cộng đồng quốc tế đang ở một "bước ngoặt lịch sử", và nhóm G7 cần phải "chứng minh cho thế giới thấy quyết tâm mạnh mẽ" trong việc bảo vệ "trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền".

Nhật Bản từng mong muốn đưa các thách thức khu vực lên hàng đầu của chương trình nghị sự hội nghị và các sự kiện gần đây bao gồm các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan và các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên đã thu hút mối quan tâm đến các vấn đề đó.

Ngoài ra, khối G7 cũng cần có một lập trường thống nhất trong đối sách với Trung Quốc, trong bối cảnh khác biệt đã lộ rõ giữa thái độ cứng rắn của Hoa Kỳ và chủ trương hòa dịu hơn của Pháp và một số nước Châu Âu khác.

Trở về sau chuyến thăm Trung Quốc, trong một cuộc phỏng vấn, ông Macron đã bảo vệ sự cần thiết của "quyền tự chủ chiến lược" của Châu Âu trước nguy cơ EU bị lôi kéo vào cuộc xung đột giữa Washington và Bắc Kinh, đặc biệt là về vấn đề Đài Loan.

Ngay từ hôm qua, một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết là chuyến thăm Bắc Kinh mới đây của tổng thống Pháp Macron và các quan chức G7 khác sẽ là một chủ đề thảo luận.

Về mặt công khai, các quan chức Mỹ, bao gồm cả Ngoại trưởng Antony Blinken, đã tự kiềm chế, không lên án những nhận xét này, trái ngược với phản ứng bực tức nhất định của các nước Châu Âu như Ba Lan. Về phần mình, Paris đã cố gắng xoa dịu, tái khẳng định rằng lập trường của Pháp không thay đổi. Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nhắc lại rằng Pháp vẫn "gắn bó sâu sắc với việc tôn trọng nguyên trạng, cũng như việc duy trì hòa bình và ổn định giữa hai bờ eo biển" Đài Loan.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ và đồng nhiệm Pháp cũng gặp nhau bên lề G7 vào thứ Hai, và theo ông Blinken, đã cho thấy sự "đồng nhất" về quan điểm giữa hai nước.

Washington và Tokyo đều đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về các hành vị "cưỡng ép về kinh tế" của Bắc Kinh và tuyên bố kết thúc hội nghị vào ngày mai có khả năng kêu gọi hành động nhiều hơn nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho các mặt hàng nhạy cảm như chất bán dẫn.

Trong phiên họp thứ hai ngày hôm nay, các ngoại trưởng G7 cũng đã tập trung bàn về Ukraine và Nga.

Theo hãng tin Mỹ AP, một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ tháp tùng ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tiết lộ với các phóng viên rằng mục tiêu của chính quyền Biden trong các cuộc đàm phán là tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm cả việc tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kiev, lẫn sáng kiến ​​ln v cơ s h tng năng lượng ca Ukraine được đưa ra ti các cuc hp G7 năm ngoái Đức.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng chủ trương gia tăng trừng phạt Nga vì cuộc xâm lược Ukraine, đặc biệt là thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính mà G7 đã đe dọa lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2021, trước cuộc xâm lược.

Trọng Nghĩa

*****************************

Trung Quốc, trọng tâm hội nghị ngoại trưởng G7 - Nhật Bản

Trọng Nghĩa, RFI, 16/04/2023

Ngoại trưởng khối G7 bắt đầu họp tại Karuizawa ở miền trung Nhật Bản từ ngày 16 đến 18/04/2023. Chiến tranh Ukraine và nhất là áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc trên Đài Loan là hai hồ sơ chính hội nghị lần này. 

g72

Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi (trái) rời ga Tokyo lên đường đến Karuizawa dự hội nghị các ngoại trưởng G7. Ảnh ngày 16/04/2023. AP - Andrew Harnik

Hãng tin Pháp AFP nhận định những thách thức về ngoại giao và an ninh đối với nhóm G7, tập hợp 7 quốc gia công nghiệp phát triển nhất - Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Canada và Nhật Bản – không thiếu, nhưng các diễn biến gần đây đã thu hút mối quan tâm đến Trung Quốc nói riêng và khu vực Châu Á nói chung.

Cuộc họp mở ra vài ngày sau khi Trung Quốc kết thúc các cuộc tập trận quân sự lớn xung quanh Đài Loan. 

Cho đến nay, nhóm G7 đã thường xuyên cảnh báo Trung Quốc về mưu toan chiếm Đài Loan. Từng thành viên một trong khối đã lên tiếng báo động trong những ngày gần đây.

Phát biểu ngay tại Bắc Kinh hôm 14/04, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã cho rằng : "Leo thang quân sự ở eo biển Đài Loan... sẽ là một viễn cảnh kinh hoàng đối với toàn thế giới". Liên Hiệp Châu Âu với 3 thành viên tham gia nhóm G7, lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu, ông Josep Borrell vào hôm nay cũng xác định : "Bất cứ điều xẩy ra ở eo biển Đài Loan cũng đều rất có ý nghĩa với Châu Âu".

Nhật Bản, thành viên Châu Á duy nhất của G7 cũng rất lo ngại trước đà vươn lên của láng giềng Trung Quốc, đặc biệt là nguy cơ Bắc Kinh dùng vũ lực tấn công Đài Loan.

Hội nghị mở ra từ hôm nay cũng là dịp để toàn khối G7 xác định lại lập trường sau những bình luận gần đây của tổng thống Pháp Macron liên quan đến Đài Loan và Trung Quốc, đặc biệt là tuyên bố của ông cho rằng Châu Âu nên tránh "những cuộc khủng hoảng không phải là của mình".

Trước một số phản ứng bất bình, Paris đã nỗ lực trấn an, khẳng định rằng quan điểm của Pháp không thay đổi và hầu hết các nhà quan sát chờ đợi là nhóm G7 sẽ tái khẳng định lập trường cố hữu, cảnh cáo Trung Quốc không được "thay đổi hiện trạng bằng vũ lực".

Theo Reuters, đối sách chung chống Trung Quốc sẽ được thảo luận tại hội nghị lần này. Một quan chức ngoại giao Mỹ cấp cao đã xác nhận rằng các ngoại trưởng sẽ thảo luận về một "phương thức tiếp cận chung và có phối hợp" đối với Trung Quốc.

Dĩ nhiên, một chủ đề quan trọng khác là cuộc chiến tranh mà Nga đang tiến hành tại Ukraine, với khối G7 đồng lòng ủng hộ Kiev.

Tuy nhiên, với tư cách là nước chủ nhà năm nay, Nhật Bản rất muốn đảm bảo các thách thức khu vực là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Đối với Tokyo, cuộc xâm lược Ukraine của Nga chỉ làm tăng nhu cầu cảnh giác ở Châu Á. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, đã nhiều lần lưu ý : "Ukraine ngày nay có thể là Đông Á ngày mai".

Trước khi hội nghị ngoại trưởng G7 mở ra, một quan chức chính phủ Nhật Bản xác định : "Lập trường cơ bản của Nhật Bản... đối với Ukraine là an ninh của Châu Âu và của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương không thể được thảo luận riêng rẽ".

Trọng Nghĩa

Additional Info

  • Author Minh Anh, Trọng Nghĩa
Published in Châu Á