Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tám ngư dân Việt buôn lậu bị bắt giữ tại Malaysia (RFA, 24/10/2018)

Tám ngư dân Việt Nam tuổi từ 25 đến 35 đã bị bắt ở vùng biển ngoài khơi Pahang ở Malaysia vào chiều thứ Sáu, ngày 19/10, vì bị cáo buộc buôn lậu hàng hóa với giá trị hơn 300.000 ringgit (tương đương 72.000 đô la Mỹ) ra khỏi Malaysia.

tauca1

Thành viên của Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia. Ảnh chụp ngày 24 tháng 8 năm 2017. AFP

Báo Asia Times loan tin này vào ngày 23 tháng 10, cho biết thêm các viên chức từ Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA) đã để ý các tàu đánh cá đáng ngờ. Những tàu này sau đó bị phát hiện là đã mang số đăng ký thuyền giả.

Khi bắt thuyền đánh cá này, các nhân viên đã thu giữ 46 thùng rượu không nhãn hiệu, 10 thùng rắn sống và đông lạnh cùng một tấn mực loại A.

Điều tra sơ bộ phát hiện ra rằng không ai trong số những người tình nghi có giấy tờ du lịch hợp lệ. Những người này đang tìm cách buôn lậu các vật phẩm từ Malaysia về Việt Nam.

Vụ việc hiện đang được điều tra theo các luật của Malaysia bao gồm Luật Thủy sản năm 1985 vì vi phạm các điều khoản cấp phép chở hàng hóa, Đạo luật Nhập cư 1959/63 khi ngư dân không có giấy tờ tùy thân hợp lệ, và Đạo luật Hải quan 1967 và Đạo luật Bảo tồn Động vật hoang dã vì nghi ngờ buôn lậu rượu và động vật quý hiếm.

*******************

Indonesia bắt giữ 4 tàu cá Việt Nam gần Natuna (RFA, 24/10/2018)

Chỉ trong khoảng thời gian 1 tuần giữa tháng 10 đã có 4 tàu cá Việt Nam với 74 ngư dân bị Hải quân Indonesia bắt giữ vì đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở vùng biển Natuna.

tauca2

Một sĩ quan Hải quân Indonesia (trái) đang nhắm bắn tàu cá Việt Nam ở vùng nước gần đảo Anambas thuộc tỉnh Riau hôm 5/12/2014 - AFP

FBIS loan tin này vào ngày 24 tháng 10, trích dẫn thông tin từ Hải quân Indonesia cho biết thêm tàu chiến KRI Wiratno-379 đã bắt giữ 4 tàu cá Việt trong các ngày từ 12-21/10.

Theo FBIS, vào ngày 12 tháng 10, hai tàu Việt Nam với tổng sản lượng 4,5 tấn cá đã bị bắt giữ trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở vùng biển Natuna. Các tàu cá KG 95315 TS của thuyền trưởng Nguyễn Toàn Trung và KG 94059 TS khi đang trong vùng tiếp giáp lãnh hải của Indonesia. Hai tàu này sau đó đã được đưa đến Căn cứ hải quân Tarempa ở quận Kepulauan Anambas, quần đảo Riau để tiến hành điều tra.

Theo lời Trung tá chỉ huy tàu KRI Wiratno-379 thì mỗi tàu cá Việt Nam bao gồm 19 người. Toàn bộ thủy thủ và bằng chứng đã được chuyển đến Căn cứ Tarempa một ngày sau đó, 13/10.

Đến ngày 15 tháng 10, một tàu cá khác của Việt Nam là tàu KG 94810 TS của thuyền trưởng Nguyễn Văn Quốc cùng với 18 thủy thủ trên tàu đã bị bắt khi đang trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở vùng biển Natuna. Sau đó, Hải quân Indo đã đưa tàu này đến Căn cứ hải quân Ranai ở quận Natuna, quần đảo Riau để điều tra.

Gần 1 tuần sau, vào ngày 21 tháng 10, tàu KRI Wiratno-379 của Hải quân Indo đã bắt tàu cá BV 98299 TS cùng 18 thủy thủ trong vùng nước gần quần đảo Natuna.

Hiện Indonesia và Việt Nam vẫn còn một vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn gần vùng biển Natuna của Indonesia. Hai bên hiện vẫn đang đàm phán để phân định ranh giới trên vùng biển này.

Trước đó, vào hôm 12/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ Tổng thống Indonesia Joko Widodo ở Bali. Tại buổi gặp gỡ này, Tổng thống Widodo thông báo rằng Jakarta đã trả tự do cho 177 ngư dân Việt Nam bị nước này bắt giữ với cáo buộc đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển Indonesia.

Indonesia là nơi có nhiều ngư dân Việt Nam bị bắt giữ. Năm ngoái, Indonesia đã trao trả hơn 1.000 ngư dân bị bắt giữ cho phía Việt Nam.

Published in Châu Á