Người Hồi giáo Tân Cương, di dân Châu Phi : Những số phận đen đủi
Một cảnh thường ngày trên đường phố ở Tân Cương - Ảnh minh họa.
Cũng là thân phận con người, nhưng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, người nhập cư Châu Phi tại Ai Cập hay người nhập cư Trung Mỹ tại Mexico lại có những số phận khác nhau. Chủ đề này được các báo Pháp : Le Figaro, Libération và La Croix hôm 02/08/2019 khai thác rộng rãi dưới nhiều góc cạnh.
Dù vậy, nhừng người này cũng có một điểm giống nhau : Đó là những con người bất hạnh, những số phận đen đủi. Le Figaro trên trang nhất đăng ảnh một người Duy Ngô Nhĩ vẻ mặt lo sợ đứng nhìn đoàn xe cảnh sát Trung Quốc đi qua, rồi chạy tựa "Tại Trung Quốc, những nạn nhân của trại cải huấn Tân Cương làm chứng".
Đặc phái viên của nhật báo, Cyrille Pluyette, có dịp trao đổi cùng với hơn một chục nhân chứng là người Kazakh, sống tại Kazakhstan, nhưng lại phải hứng chịu một sự bất công và những chấn thương tâm thần to lớn không gì có thể chữa được. Những người này chỉ có một tội là theo đạo Hồi hay bị nghi ngờ theo đạo Hồi, và có người thân sống tại Tân Cương, Trung Quốc.
Một khi đặt chân lên lãnh thổ Trung Quốc chỉ nhằm mục đích đi thăm người thân, những người Kazakh này ngay lập tức bị cảnh sát còng tay dẫn về đồn. Sau những đòn tra khảo để trả lời các câu hỏi liệu họ có theo Hồi giáo, có đọc kinh cầu nguyện Coran, có đi Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước Ả Rập hay không, họ bị đưa vào các trại cải huấn, chỉ vì lời phán xét "Trong đầu ông có điều gì đó không ổn, chúng tôi phải cải huấn ông". Ông Jarkenbech Otan chua chát nhớ lại cảnh tượng bị đánh đập.
Sống sót trở về, nhưng những nạn nhân này không quên được quãng thời gian "sống như trong địa ngục" trong các trại cải huấn : Ăn uống thiếu thốn, bị cấm giao tiếp, chào cờ, hát quốc ca mỗi sáng, hát các bản nhạc cộng sản, rồi học tiếng Hoa, lịch sử Trung Quốc và tư tưởng Đảng cộng sản… Đối với nhiều nạn nhân, việc phải nhắc đi nhắc lại các khẩu hiệu đảng chẳng khác gì một sự tra tấn tinh thần. Nhưng nếu không tuân thủ hay không thuộc bài, hậu quả gánh lấy không phải là nhỏ : Nhẹ thì bị giam trong bóng tối nhiều giờ, nặng hơn thì bị bỏ xuống hố sâu và bị dội nước lạnh giữa mùa đông băng giá.
Theo nhà nghiên cứu người Đức, Adrian Zenz, tính từ đầu năm 2017, ước tính có khoảng 1,5 triệu người Hồi giáo, phần đông là sắc tộc Duy Ngô Nhĩ và Kazakh, bị gởi đến các trại cải huấn. Mục tiêu của chính quyền cộng sản Trung Quốc là "tái định dạng" các sắc tộc thiểu số Hồi giáo tại vùng Tân Cương, dưới danh nghĩa chống "khủng bố" và "chủ nghĩa cực đoan".
Cũng theo nhà nghiên cứu này, những trại cải huấn đầu tiên đã có từ năm 2014 trong khuôn khổ chiến dịch "phi cực đoan hóa", nhưng kể từ năm 2017, số người bị nhập trại tăng tốc. Vụ tấn công khủng bố năm 2009 đã tạo cớ cho chính quyền Bắc Kinh gia tăng các biện pháp an ninh, siết chặt kiểm soát người Duy Ngô Nhĩ và thực hiện chính sách đồng hóa cưỡng bức.
Theo quan điểm của James Leibold, giáo sư trường đại học La Trobe, tại Úc, đang có "một nỗ lực có hệ thống và có suy tính nhằm xóa sổ nền văn hóa và bản sắc người Duy Ngô Nhĩ và nhiều sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi khác".
Về điểm này, ông Michael Clarke, giáo sư trường Đại học Quốc gia Úc, nhận định thêm : "Đảng cho rằng có điều cố hữu nào đó ở người Duy Ngô Nhĩ và nhiều sắc tộc thiểu số Hồi giáo khác cản trở họ hội nhập với nền văn hóa Trung Quốc do tộc người Hán thống trị". Điều này là một "lực cản cho đà hiện đại hóa" đất nước, do vậy cần phải "cải huấn" nhằm "Hán hóa" họ.
Ai Cập : Nội tạng người nghèo, phụ kiện thay thế cho người giàu
Bài phóng sự dài của Libération quan tâm đến những di dân Châu Phi tìm đường đến trời Âu mong tìm một cuộc sống tốt đẹp, hơn nhưng số phận đen đủi lại đẩy họ rơi vào đường dây buôn nội tạng người ở Ai Cập. Trên trang nhất, nhật báo chạy tít lớn "Buôn nội tạng, những chiếc thận của kẻ mất hết hy vọng".
"Trước sau gì mình cũng có đến hai cái thận" là lời nhủ thầm của những người di dân tại Ai Cập trước những lời dụ dỗ của những kẻ buôn nội tạng. Họ, những di dân gốc Châu Phi, đến từ Sudan, Erythrea hay Ethiopia trên đường tìm đến Châu Âu hay Israel đang là những con mồi ngon cho những đường dây buôn nội tạng, với sự tiếp tay của những kẻ dẫn đường.
Nghĩ rằng với số tiền 5000 đô la cho một chiếc thận, họ có thể có đủ tiền để đi đến xứ sở thiên đường mà họ mơ ước. Nhưng họ không biết rằng một khi thận bị lấy rồi số tiền được hứa trả chỉ còn lại có 1/3. Tệ hơn nữa họ cũng không được chăm sóc hậu phẫu, thân thể trở nên bạc nhược, đau đớn và ước mơ tìm đến thiên đường xem như tan vỡ.
Theo Libération, di dân Châu Phi nhập cư trái phép vào Ai Cập được xem như là một nguồn cung ứng nội tạng dồi dào, giá rẻ. Khách hàng là những giầu có đến từ các vương quốc dầu hỏa, mua nội tạng như đi mua trứng. Sau Trung Quốc, Philippines và Ấn Độ, Ai Cập được cho là điểm đến để thực hiện giải phẫu cấy ghép nội tạng.
Nhật báo thiên tả lưu ý là cấy ghép nội tạng tại Ai Cập bị cấm vì các lý do tôn giáo. Luật pháp nghiêm cấm lấy nội tạng người khác, cho dù là người đã chết. Điều trớ trêu là quy định này có thể dễ dàng lách được. Chỉ cần người cho đến sở cảnh sát ký giấy tình nguyện cho nội tạng vì tôn giáo là được chấp nhận. Giáo sư Mohamed Ghoneim lo lắng nhìn thấy "nguy cơ người nghèo bị biến thành những phụ kiện thay thế thật sự cho người giàu".
Con đường đến Mỹ bị đứt đoạn
Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix trên trang nhất đăng ảnh đoàn người di dân, tay bồng tay bế, đi trong đêm tối buồn bã chạy tít "Di dân, áp lực với Mexico".
Trong bài phóng sự dài có tựa đề "Mexico khóa cửa phía nam", nhật báo cho biết dưới áp lực của Hoa Kỳ, chính quyền Mexico phải truy bắt người nhập cư ngay trên chính lãnh thổ của mình và ngăn chận họ tiến về phía bắc. Tính riêng trong tháng Sáu đã có 24.000 người không có giấy tờ bị bắt. Thành phố biên giới Tapachula, gần với Guatemala, giờ trở thành một ngõ cụt cho những người di dân Trung Mỹ.
Mỹ có nên đánh GAFA hay không ?
Đây là câu hỏi lớn trên trang nhất của nhật báo thiên hữu. Thế lực ngày càng lớn của các tập đoàn Mỹ khiến các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ ngày càng quan ngại. Nhiều cuộc điều tra đã được mở ra nhất là cuộc điều tra của bộ tư pháp Mỹ.
Tuy nhiên, Le Figaro trong bài xã luận có tựa đề "Răn đe kỹ thuật số" đặt câu hỏi : Đương nhiên, việc Hoa Kỳ mở điều tra GAFA để đi đến tháo dỡ hệ thống này có thể sẽ làm cho GAFA bị suy yếu, nhưng liệu điều đó có lợi ích gì chăng ? Với kỹ thuật số, những đế chế này được tạo dựng và tái hình thành trong vòng có vài năm.
Phá vỡ các ông hoàng kỹ thuật số là đồng nghĩa với nguy cơ để cho Trung Quốc qua mặt siêu cường hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Internet, các hệ thống mạng và nhất là trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, một vũ khí kinh tế, khoa học và chính trị tiềm tàng đáng gờm.
Do vậy, chưa chắn tổng thống Mỹ Donald Trump, hiện đang lao vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, lại chấp nhận làm suy yếu kho vũ khí kỹ thuật số của Mỹ ! Tờ báo kết luận, dù có thích hay không, Châu Âu và nhất là Pháp không còn cách nào khác ngoài việc đánh thuế GAFA !
Khám phá chòm sao Đại Hùng
Từ năm 1991, hằng năm trong ba ngày 2, 3 và 4/08, hàng ngàn nhà thiên văn và những người mê sao trên toàn thế giới cùng chia sẻ một sở thích : Ngắm đêm đầy sao. Năm nay, Le Figaro chia sẻ cùng bạn đọc một số kinh nghiệm và "chút bí ẩn về chòm sao Đại Hùng".
Tờ báo nhìn nhận, với lối sống đô thị như hiện nay, thói quen ngắm sao định hướng không gian hay thời gian hầu như biến mất. Nếu vẫn còn, thì việc ngắm sao trời ngày càng khó khăn hơn vì những ánh đèn đô thị và tòa nhà chọc trời. Dù vậy, vẫn còn một điều an ủi là người ta vẫn có thể bằng mắt trần ngắm chòm sao Đại Hùng.
Minh Anh