Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một ủy ban Liên Hiệp Quốc tố cáo Bắc Triều Tiên vi phạm nhân quyền (RFI, 15/11/2019)

Ngày 14/11/2019, Ủy ban Nhân quyền thuộc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết lên án Bắc Triều Tiên vi phạm nhân quyền trên quy mô rộng lớn.

nq1

Ảnh cô Megumi Yokota ngay tại địa điểm bị Bắc Triều Tiên bắt cóc. RFI / Bruno Duval

Ủy ban còn yêu cầu quốc gia này giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc trong thời gian trước đây. Đại diện Bình Nhưỡng đã cực lực phản đối.

Với sự ủng hộ của 60 quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Hoa Kỳ, văn kiện do Liên Hiệp Châu Âu đề nghị đã được đồng thuận thông qua. Theo nghị quyết này thì 10,9 triệu người ở Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng, trong khi hành vi vi phạm nhân quyền diễn ra ở quy mô lớn, với những vụ tra tấn, giam giữ trong các trại, những hành vi từng bị một ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc đồng hóa với tội ác chống nhân loại.

Văn kiện cũng kêu gọi Bắc Triều Tiên giải quyết trong thời hạn ngắn nhất vấn đề người nước ngoài bị chế độ Bình Nhưỡng bắt cóc, cung cấp thông tin cho gia đình họ, đồng thời cho những người này hồi hương ngay.

Hồ sơ này liên quan đến các công dân Nhật Bản. Phó đại diện thường trực của Nhật tại Liên Hiệp Quốc, Yasuhisa Kawamura, đã tuyên bố trước ủy ban là những người Nhật bị bắt cóc đã chờ đợi hơn 40 năm để được giải cứu và được hồi hương.

Đại diện Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song đã tố cáo một nghị quyết dối trá tệ hại trước khi dập cửa bỏ đi.

Nỗi đau của các gia đình Nhật có thân nhân bị Bình Nhưỡng bắt cóc

Tại Nhật Bản thì ngày thứ Sáu hôm nay cũng là ngày đồng nghĩa với đau buồn và tức giận, vì đúng ngày này cách đây 42 năm, hôm 15/11/1977, một thiếu nữ Nhật Megumi Yokota bị bắt cóc. Cô đã bị ép làm việc cho tình báo Bắc Triều Tiên, dậy tiếng Nhật và văn hóa Nhật cho những điệp viên được phái sang dọ thám ở Nhật. Trong các thập niên 70 và 80, có nhiều người Nhật đã bị bắt cóc như Megumi. Gia đình họ vẫn không có tin tức gì cả.

Thông tín viên RFI tại Nhật Bản Bruno Duval đã gặp được gia đình cô Megumi :

Takuya YOKOTA chỉ mới 9 tuổi khi người chị bị bắt cóc. Ông thuật lại : Megumi bị bắt lúc 13 tuổi. Một buổi tối sau khi đi học về, người ta đã bắt cóc Megumi, vứt vào một khoang trong hầm tàu và chở đến Bắc Triều Tiên. Megumi là mặt trời của gia đình chúng tôi. Bình Nhưỡng đã cướp đi mặt trời này của chúng tôi 42 năm rồi. Không thể chấp nhận được. Cha mẹ chúng tôi đã già yếu, sức khỏe không tốt, nếu họ chết mà không gặp được con gái thì thật là thảm kịch. Đối với tất cả những người bị bắt cóc có cha mẹ già đi thì quả thật là vấn đề trở nên khẩn cấp.

Cảnh sát Nhật đã liệt kê 881 vụ mất tích đáng ngờ giữa 1977 và 1983, có thể là do bị bắt cóc như trường hợp Megumi.

Đến giờ chỉ mới có 5 người là được thả ra, như ông Kaoru Hasuike, bị bắt cóc năm 1978, một buổi tối mùa hè khi ở trên bãi biển. Kaoru đã phải làm việc suốt 24 năm cho tình báo Bắc Triều Tiên. Ông nói :

Trong suốt những năm đó ở Bắc Triều Tiên, không lúc nào tôi cảm thấy được tự do. Rất khủng khiếp. Tôi luôn bị theo dõi, canh chừng. Ví dụ, khi tôi ra ngoài, chỉ đi đến cửa hàng ở đầu phố, là có 2 người đi theo tôi ngay cho đến khi tôi về đến nhà.

Kaoru Hasuike được trả tự do năm 2002. Kể từ lúc ấy, Bình Nhưỡng đã không trả tự do cho một người Nhật nào khác.

Mai Vân

*******************

Thảm nạn Rohingya : Tòa Hình sự Quốc tế thụ lý điều tra tội ác (RFI, 15/11/2019)

Tòa Hình sự Quốc tế CPI ở La Haye, Hà Lan, bật đèn xanh tiến hành điều tra về các hành vi bạo lực đàn áp sắc dân thiểu số Rohingya tại Miến Điện. Năm 2017, gần 750.000 nạn nhân chạy qua Bangladesh tị nạn. Hồi đầu tuần, Gambia, với sự ủy nhiệm của 57 quốc gia Hồi giáo, đệ đơn kiện Miến Điện.

nq2

Người Rohingya cầu nguyện đánh dấu hai năm rời Miến Điện sang tị nạn tại Bangladesh, trại Kutupalong ở Cox's Bazar, ngày 25/08/2019. Reuters/Rafiqur Rahman

Theo AFP, thứ Năm 14/11/2019, các thẩm phán của Tòa Hình sự Quốc tế, đặc trách xem xét các vụ phạm tội ác khủng khiếp trên thế giới, cho phép công tố viên Fatou Bensouda, một luật gia giàu kinh nghiệm, điều tra về nguyên nhân làm cho sắc dân thiểu số theo đạo Hồi phải bỏ làng đi tị nạn.

Vào tháng 8/2017, quân đội Miến Điện mở chiến dịch trả đũa nhóm du kích Hồi giáo tấn công vào một số đồn biên giới. Bị quân đội chính phủ và dân quân Phật tử đàn áp, từng đoàn người Rohingya bỏ làng chạy qua Bangladesh lánh nạn, sống chen chúc nhau trong các trại tạm cư do Liên Hiệp Quốc và các tổ chức thiện nguyện quản lý.

Theo nữ công tố viên Fatou Bensouda, đèn xanh của Tòa CPI là tín hiệu khích lệ đối với nạn nhân bị áp bức. Bà cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra một cách khách quan và độc lập cho đến khi sự thật được phơi bày.

Hai đơn kiện cùng lúc

Quyết định của Tòa Hình sự Quốc tế được loan báo một tuần sau khi một đơn kiện tương tự được đệ trình một Tòa án ở Buenos Aires, thủ đô Achentina, nhân danh công lý phổ quát, không biên giới .

Đơn kiện chống các hành vi bạo lực, tra tấn, cưỡng hiếp mà nạn nhân là người Rohingya, nhắm vào bà Aung San Suu Kyi, Nobel Hòa Bình 1991. Với chức vụ "cố vấn nhà nước" Miến Điện, thần tượng của phong trào dân chủ ngày trước, có thẩm quyền của một thủ tướng chính phủ.

Thẩm phán Maria Servini có kinh nghiệm thụ lý hai hồ sơ lớn : tội ác trong thời nội chiến tại Tây Ban Nha (1936-1939) và trong chế độ độc tài Franco từ năm 1939 đến 1975.

Tú Anh

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Châu Á