Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thế chiến thứ 3 xảy ra vì Biển Đông ? (Người Việt, 23/12/2018)

Giới chuyên viên phân tích chính trị quân sự sợ rằng nếu Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang thách đố trên biển Đông, sẽ dẫn đến thế chiến thứ 3 dù không ai muốn.

bd1

Hải quân Trung Quốc, gồm cả mẫu hạm Liêu Ninh tập trận trên Biển Đông hồi đầu năm 2017. (Hình : AFP/Getty Images)

Cho tới những ngày gần đây, từ các diễn biến hành động trên Biển Đông và những lời tuyến bố của các lãnh đạo và viên chức cấp cao của Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh, xâu chuỗi lại với nhau, người ta thấy bóng dáng thế chiến thứ ba lởn vởn đâu đó khi mọi chuyện đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Thậm chí, có nhà phân tích còn sợ rằng hai siêu cường quân sự Mỹ và Trung Quốc bị lôi cuốn vào sự tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông của các nước trong khu vực, có thể xảy ra trong năm 2019, với hàng ngàn người có thể thiệt mạng. Sự tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp người ta sản xuất ra các loại võ khí tối tân và chính xác, đồng thời khả năng hủy diệt và sát thương khủng khiếp hơn.

Ông Malcolm Davis, phân tích gia cấp cao về chiến lược quốc phòng và khả năng (defence strategy and capability) của Viện Chính Sách Chiến Lược nước Úc tại thủ đô Canberra mới đây nói với đài CNN của Mỹ : "Trung Quốc sẽ không giảm các nỗ lực nhằm kiểm soát hoàn toàn Biển Đông. Trên căn bản, cái mà Trung Quốc muốn là biến Biển Đông thành cái hồ của họ".

Theo ông Davis nhận định, chính phủ Trump nhiều phần cũng không lùi bước trước áp lực của Bắc Kinh.

Gregory Poling, một chuyên viên về luật lệ và hàng hải Á Châu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Hoa Thịnh Đốn nói với báo Al Jazeera hồi Tháng Mười 2018 là "Có rất nhiều vấn đề có thể dẫn đến xung đột Mỹ–Trung Quốc. Biển Đông là cái gai nhọn nhất. Nó nằm ngay trung tâm của chính sách Mỹ ở khu vực, nơi mà trật tự quốc tế đã được Hoa Thịnh Đốn xây dưng từ thời Thế chiến Thứ Hai. Vậy mà Trung Quốc sẵn sàng ức hiếp các láng diềng và thách đố thứ trật tự dựa trên pháp luật đó".

Nếu chiến tranh xảy ra giữa hai nước có khả năng võ khí nguyên tử như Mỹ và Trung Quốc thì hậu quả sẽ khủng khiếp cho cả hai vùng.

bd2

Thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines tập trận đổ bộ hồi Tháng Năm 2018. (Hình : AFP/Getty Images)

Các nhà quan sát tại Trung Tâm Ngăn Ngừa Hành Động của Hội đồng Đối Ngoại (Council on Foreign Rlations), một tổ chức nghiên cứu độc lập tại Hoa Thịnh Đốn, coi Biển Đông là điểm nóng của thế giới khi cả Bắc Kinh cũng như Hoa Thịnh Đốn từ chối nhượng bộ tại khu vực được ước đoán có nhiều trữ lượng dầu khí dưới lòng biển và thủy lộ thương mại hàng đầu thế giới.

Khi Bắc Kinh xây dựng hơn một chục căn cứ quân sự quy mô khổng lồ trên Biển Đông tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, người ta đã hình dung ra họ dùng chúng để làm gì.

Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và cả Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Bắc Kinh thì tham lam nhất, cậy sức mạnh quân sự ăn trùm các nước nhỏ ở khu vực, tuyên bố chủ quyền 90% Biển Đông theo 9 cái vạch đứt quãng nối lại giống hình "Lưỡi Bò".

Tháng Bảy, 2016, tòa trọng tài quốc tế tại The Hague, Hòa Lan, phán quyết tuyên bố "Lưỡi Bò" của Bắc Kinh là vô giá trị nhưng Bắc Kinh ngang ngược chống lại.

Sau vụ chiến hạm Trung Quốc chận đường chiến hạm Mỹ "tuần tra hải hành" gần đảo nhân tạo Ga-Ven trong quần đảo Trường Sa cuối Tháng Chín, 2018, sang Tháng Mười Một, một chiến hạm khác của Mỹ đi gần một đảo tại quần đảo Hoàng Sa. Một sĩ quan cấp cao Trung Quốc hô hào nước này đưa hai chiến hạm, một chiếc chặn đường, một chiếc đâm hông tàu Mỹ nếu "xâm phạm vùng biển Trung Quốc" trên biển Đông.

Chưa thấy một biến cố nào như vậy diễn ra nhưng hai bên có tự kềm chế để Biển Đông đừng nổi sóng hay không, đó là những ẩn số mà giới chuyên gia phân tích đang bầy tỏ những lo âu. (TN)

****************

Nhật Bản : Diễn văn cuối cùng của hoàng đế Akihito (RFI, 23/12/2018)

Đúng sinh nhật 85 tuổi, ngày 23/12/2018, hoàng đế Nhật Bản Akihito đọc bài diễn văn cuối cùng trước khi thoái vị. tháng 4/2019 ông sẽ nhường ngai vàng cho con trai là hoàng thái tử Naruhito. Trị vì từ năm 1989, Akihito là một vị hoàng đế rất được thần dân nể trọng và yêu mến.

bd3

Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko ngày 23/12/2018. Reuters

Ông và hoàng hậu Michiko được kính trọng vì lòng nhân từ. Lần đầu tiên trong lịch sử xứ phù tang, hoàng đế và hoàng hậu thường xuyên xuất cung, đến thăm hỏi, an ủi các nhạn nhân mỗi lần Nhật Bản bị thiên tai.

Riêng Akihito, ông đi vào lịch sử Nhật Bản như một vị hoàng đế yêu chuộng hòa bình. Thông tín viên đài RFI Frédéric Charles từ Tokyo tường thuận về bài diễn văn cuối cùng Akihito gửi đến quốc dân.

"Ông là một vị hoàng đế yêu chuộng hòa bình, là người bảo đảm cho bản Hiến Pháp chủ hòa mà thủ tướng Shinzo Abe đang muốn sửa đổi. Hoàng đế Akihito phát biểu với quốc dân lần cuối. Ông đã suy nghĩ rất nhiều về cuộc đại chiến ở châu Á mà Nhật Bản đã gây ra nhân danh cố hoàng đế Hiroshito, thân phụ của Akihito.

Phát biểu hôm nay, Nhật hoàng kêu gọi người dân "đừng quên rằng rất nhiều mạng sống bị cướp đi trong chiến tranh. Hòa bình và thịnh vượng mà Nhật Bản có được ngày nay là nhờ không biết bao nhiêu hy sinh to lớn của người dân Nhật. Truyền đạt lại một cách chính xác về lịch sử cho các thế hệ sinh ra sau chiến tranh là điều hết sức quan trọng".

Trong suốt thời gian trị vì, hoàng đế Akihito đã thăm quan những địa danh, nơi từng nổ ra những trận đánh trong Thế Chiến Thứ Hai và ông không ngừng nỗ lực hòa giải với tất cả những nước láng giềng châu Á.

Thông điệp của hoàng đế Nhật trái ngược hoàn toàn với lập trường của thủ tướng Shinzo Abe. Chính quyền Tokyo muốn thay đổi bản hiến pháp chủ hòa, sang trang quá khứ lịch sử. Những thế hệ mới sau này hầu như không biết gì về cái thời kỳ ấy".

RFI tiếng Việt

Published in Châu Á