Doanh nghiệp Nhật rút vốn, khoảng trống trong xã hội Việt Nam (Việt Nam Thời Báo, 05/12/2017)
Công- một kỹ sư cơ khí động lực tốt nghiệp đại học Bách Khoa Đà Nẵng đi vào phía nam làm việc. Hai năm qua, anh đã đổi 5 công ty liên tục, toàn công ty Nhật. Các kỹ sư Việt Nam cho biết, hai năm 2016 và 2017, hàng loạt các công ty Nhật rút vốn về nước, máy móc thiết bị thì Nhật chuyển sang Thái Lan, ở Việt Nam chỉ còn vỏ xưởng trống rỗng, nắng mưa bỏ mặc.
Quan hệ Việt - Nhật - Ảnh minh họa
Cuối năm 2015, đầu năm 2016, khi sắp sửa tốt nghiệp, Công có cơ hội được người Nhật mời sang Nhật du học, theo dạng tu nghiệp sinh, vừa làm việc cho một hãng công nghệ nước ngoài vừa học hỏi kinh nghiệm. Lúc đó bạn bè khuyên Công sang Nhật, đừng ở lại Việt Nam nhưng anh kỹ sư của chúng ta không nghe, vì lúc đó lương kỹ sư Việt trong công ty Nhật ngay tại đất Việt cũng rất cao. Đùng một phát, sang cuối năm 2015, các tập đoàn Nhật Bản lũ lượt rủ nhau về nước, tiền vốn đưa về Nhật, máy móc đưa sang Thái. Trên danh nghĩa, vẫn còn có doanh nghiệp Nhật nhưng đã chuyển nhượng, chỉ còn cái xác nhà máy, hoặc đã nhượng sang cho nhà giàu người Việt quản lý. Bấy giờ, mức lương trả cho kỹ sư đột ngột từ ngàn đô hạ xuốngchỉ còn trên dưới chục triệu. Với tiền công rẻ mạt ấy, những người kỹ sư Việt cảm thấy bị bóc lột sức lao động kinh khủng. Công- người bạn chúng ta đang kể, chia sẻ rằng quản lý mới người Việt Nam thậm chí còn không đóng bảo hiểm cho cả kỹ sư. Bấy giờ anh mới hối hận vì năm ấy đã không sang Nhật khi còn rộng cửa.
Làm việc cho công ty Nhật, ấy là một niềm tự hào của người Việt trên đất Việt, nhà nào có con làm cho công ty Nhật thì liền đi khoe. Con trai họ làm cho ông chủ Nhật thì được dạy dỗ ứng xử có văn hóa và có thể nhận lương bằng tiền đô-la Mỹ. Đãi ngộ tốt đến nỗi, thanh niên Nhật tốt nghiệp các ngành kỹ sư cũng sang Việt Nam làm. Rủi thay, một ngày nọ nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa bị khủng hoảng, nhà nước không cho phát-nhận lương hoàn toàn bằng đô-la nữa, mà phải nhận trước khoảng 10 triệu đồng bằng tiền Việt ( là thứ tiền được coi như tờ giấy lộn), số còn lại mới được nhận đô-la. Không thể chịu nổi chính sách kinh tế bất công của nhà nước Việt Nam, giới doanh nghiệp Nhật càng thêm bực và càng kiên quyết rủ nhau về nước.
Theo như lý luận của các giáo sư- tiến sĩ kinh tế chính trị của đảng cộng sản Việt Nam, công ty Nhật hay Mỹ là loài tư bản, là giới chủ ngoại bang bóc lột, là tập đoàn làm giàu nhờ giá trị thặng dư trên đầu công nhân và kỹ sư Việt. Không loại trừ một lý luận khác, bảo rằng tư bản Nhật thuê người Việt làm kỹ sư với mức lương cao hơn tiền lương trong khối nhà nước, nhưng bắt làm việc với cường độ cao, căng thẳng thần kinh. Nhưng thực tế, ngày càng nhiều thanh niên Việt Nam thà để cho Nhật, Mỹ "bóc lột", còn hơn là làm cho công ty Việt, vì công ty Việt chơi không đẹp. Phúc lợi xã hội của công nhân và kỹ sư Việt trong công ty người Nhật quản lý là phủ phê, thoải mái. Đổi sang người Việt quản lý, hàng loạt quyền lợi của người lao động bị ăn cắp, ăn bớt, thành ra những bộ thần kinh bình thường nhất cũng không chịu nổi, phải đổi công ty liên tục. Tình cảnh của công nhân thì càng bất ổn hơn rất nhiều, vì họ không có bằng cấp. Sự rút lui của người Nhật để lại những khoảng trống lớn trong xã hội Việt Nam.
Về kinh tế, doanh nghiệp Nhật Bản chưa rút hết vốn mà nền kinh tế Việt Nam đã lao đao, người người thất nghiệp nhiều như thế rồi. Về tâm lý, càng là thiệt thòi lớn cho người dân Việt. Hàng Nhật Bản được ưa chuộng nhất nhì tại Việt Nam, bởi uy tín cao. Không như văn hóa kinh doanh của Trung Quốc đã làm nên nỗi khiếp đảm trong người tiêu dùng Việt, hễ nghe đến danh từ hàng Trung Quốc hay công ty Trung Quốc là tất cả đều ngán ngẩm, tất cả đều đề phòng. Ngược lại, những mặt hàng của người Nhật, tiêu biểu như xe máy Honda, xe máy Yamaha và nhiều đồ công nghệ khác… được người Việt Nam yêu mến tin dùng, các công sở và hãng xưởng của người Nhật được người Việt yên tâm gửi con cái vào làm. Qua mấy thập kỷ đầu tư kỹ thuật tại Việt Nam, người Nhật đã để lại những ấn tượng đẹp, tiền nong không mua được.
Kiều Phong
*********************
Nhật muốn trang bị tên lửa tầm xa có thể tấn công Bắc Triều Tiên (RFI, 05/12/2017)
AFP ngày 05/12/2017 dẫn một nguồn thạo tin tại Tokyo cho hay, Nhật Bản đang chuẩn bị kế hoạch mua các loại tên lửa không đối đất có khả năng tấn công các cơ sở tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh ngày 06/11/2017. Reuters/Kiyoshi Ota/Pool
Tokyo dự kiến sẽ dành một phần trong ngân sách Quốc Phòng cho năm 2018 để nghiên cứu khả năng trang bị cho chiến đấu cơ F-15 tên lửa tầm xa lên tới 1000 km, trong đó có loại hỏa tiễn JASSM-ER (Joint Air-to-Surface Standoff Missile) do tập đoàn Mỹ Lockheed Martin chế tạo. Nguồn tin ẩn danh trên giải thích với AFP : "Thế giới hiện nay có xu hướng sử dụng tên lửa tầm xa, vì thế việc Nhật Bản muốn trang bị loại vũ khí đó cũng là bình thường".
Nếu trang bị các loại tên lửa tầm xa như vậy tức là Nhật Bản đã vượt ra ngoài khuôn khổ cho phép của bản Hiến Pháp chủ hòa, theo đó quân đội Nhật chỉ được phép sử dụng các loại tên lửa phòng không hay chống hạm có tầm bắn không vượt quá 300 km.
Mọi quyết định của Tokyo nhằm trang bị các loại vũ khí tầm xa có khả năng bắn tới Bắc Triều Tiên hay bay qua Trung Quốc không chỉ vi phạm Hiến Pháp chủ hòa mà sẽ còn gây những tranh cãi cả ở trong và ngoài nước.
Trước mối đe dọa tên lửa Bắc Triều Tiên ngày càng lớn, mặc dù vẫn luôn được đồng minh Mỹ bảo vệ theo khuôn khổ hiệp ước quốc phòng Mỹ - Nhật, nhưng Tokyo vẫn không yên tâm.
Chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe thời gian qua đang cố gắng cho sửa bản Hiến Pháp chủ hòa, cho phép quân đội Nhật mở rộng phạm vi hoạt động cũng như tăng cường khả năng chủ động tấn công.
Anh Vũ