Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mỹ duy trì tên lửa tầm trung ở Philippines bất chấp phản đối của Trung Quốc

Trọng Thành, RFI, 19/09/2024

Hệ thống tên lửa tầm trung Typhon của Mỹ có thể vẫn được giữ lại ở Philippines sau cuộc tập trận chung Mỹ - Philipines kết thúc cuối tháng 9/2024. Quân đội hai nước cũng đang thử nghiệm sử dụng hệ thống này trong trường hợp xung đột bùng phát tại khu vực, theo một số nguồn tin nắm rõ về hồ sơ này, được hãng tin Anh Reuters dẫn lại hôm nay, 19/09/2024.

myphi1

Lính Philippines chuẩn bị cho một cuộc tập trận chung với Mỹ tại Laoag, bắc Philippines, ngày 08/05/2024. AP - Aaron Favila

Theo phát ngôn viên của quân đội Philippines, đại tá Louie Dema-ala, hôm 18/09, hoạt động huấn luyện với hệ thống tên lửa Typhon đang diễn ra, và Bộ Tư lệnh Lục quân Mỹ tại Thái Bình Dương (USARPAC) sẽ quyết định hệ thống tên lửa này sẽ được duy trì tại đây trong bao lâu. 

Khi hệ thống tên lửa Typhon lần đầu tiên được triển khai tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương từ tháng 4/2024, Trung Quốc và Nga đã cáo buộc Washington thúc đẩy chạy đua vũ trang. Hồi tháng 5/2024, bộ quốc phòng Trung Quốc tố cáo Manila và Washington mang "nguy cơ chiến tranh vào khu vực".

Các dàn phóng tên lửa tầm trung Typhon được đặt ở đảo Luzon, miền bắc Philippines, cách đảo Đài Loan khoảng 250 km. Hệ thống này phóng được các tên lửa SM-6 và Tomahawk với tầm bắn hơn 1.600km, từ Philippines có thể tấn công các căn cứ quân sự ở vùng ven biển miền nam Trung Quốc. Theo giới quan sát, Philippines, láng giềng phía nam của Đài Loan, là một phần quan trọng trong chiến lược của Mỹ tại Châu Á, và sẽ là bàn đạp cho quân đội Mỹ và đồng minh để hỗ trợ Đài Bắc trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc tấn công.

Các căn cứ Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa cũng nằm trong tầm bắn của hệ thống Typhon. Theo một quan chức cấp cao Philippines, được Reuters trích dẫn, việc duy trì hệ thống tên lửa tầm trung Typhon của Mỹ "có giá trị chiến lược đối với Philippines để ngăn chặn Trung Quốc".

Trong những tháng gần đây, Philippines liên tục đối mặt với các áp lực gia tăng từ Trung Quốc tại một số khu vực tranh chấp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông, đặc biệt tại khu vực bãi Sa Bin, cách bờ tây nước này khoảng 140 km, nơi Trung Quốc duy trì hàng chục tàu thuyền, bao gồm tàu hải quân, tàu hải cảnh và tàu dân quân biển. Manila lo ngại Bắc Kinh cưỡng chiếm khu vực này tương tự như đã chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012.

Trọng Thành

****************************

Biển Đông : Philippines khẳng định duy trì hiện diện ở khu vực có tranh chấp

Phan Minh, RFI, 17/09/2024

Phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Philippines, Jay Tarriela, hôm qua 16/09/2024, tuyên bố Manila sẽ duy trì sự hiện diện ở vùng biển có tranh chấp tại Biển Đông, bất chấp các yêu sách và hành động khiêu khích của Trung Quốc.

phi01

Phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Philippines Jay Tarriela trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Manila, Philippines, ngày 23/01/2024. AP - Aaron Favila

Hãng tin Anh Reuters, trích lời chuẩn đô đốc Tarriela, cho biết mặc dù tàu tuần tra PCG Teresa Magbanua của Philippines, sau khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc làm hư hại, đã rút khỏi bãi cạn Sa Bin, nhưng Manila vẫn sẽ duy trì sự hiện diện ở vùng biển có tranh chấp và không quan tâm đến những đòi hỏi của Bắc Kinh. Ông Tarriela nhấn mạnh việc PCG Teresa Magbanua rút đi và trở về cảng không phải vì Philippines làm theo yêu cầu của Trung Quốc, mà là để sửa chữa con tàu và đáp ứng nhu cầu y tế của thủy thủ đoàn.

Bãi cạn Sa Bin mà Trung Quốc gọi là rạn san hô Xianbin còn Philippines gọi là bãi cạn Escoda, nằm ở phía tây tỉnh Palawan của Philippines, trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với bãi cạn.

Năm 2016, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ nêu trên. Bắc Kinh không công nhận quyết định này và tiếp tục theo đuổi các chính sách bành trướng tại vùng biển có tranh chấp.

Vẫn về Philippines, hôm 16/09, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, Đức đã điều hai tàu chiến đến quốc gia Đông Nam Á này. Berlin cho biết hành động này nhằm tái khẳng định cam kết của Đức về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời minh chứng cho sự hợp tác quốc phòng ngày càng phát triển giữa Đức và Philippines. Hai tàu chiến Đức sẽ rời cảng Manila ngày 19/09.

Phan Minh

***************************

Đối phó với Trung Quốc : Chiến thuật ‘quyết liệt’ của Philipines hay ‘thận trọng’ của Việt Nam hiệu quả hơn ?

BBC, 16/09/2024

Trung Quốc từ lâu đã áp dụng chiến thuật "chia để trị" đối với các quốc gia trong khu vực Biển Đông, dựa trên một cách tiếp cận rõ ràng và cụ thể đối với từng quốc gia, với mục tiêu là thống trị vùng biển chiến lược này.

phi1

Tuần duyên Philippines vẫy cờ khi tàu Cảnh sát biển Việt Nam ghé cảng ở Manila vào ngày 5/8/2024

Dù cùng là mục tiêu của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đang có những chiến thuật đối phó trái ngược nhau.

Trong khi chính quyền Manila chọn cách phơi bày những vụ va chạm tàu, công bố những video thể hiện hành vi hung hăng của Trung Quốc thì Việt Nam những năm gần đây giữ im lặng về tranh chấp bằng cách không công khai các sự cố và giải quyết vấn đề sau hậu trường.

Cách tiếp cận nào đang mang lại hiệu quả tốt hơn ?

‘Cậu bé chăn cừu chống lại gã khổng lồ’

Trong tháng 8/2024 đã liên tiếp xảy ra các vụ va chạm tàu giữa Trung Quốc và Philippines. Tàu tuần tra lớn của Philippines, mang tên BRP Teresa Magbanua, bị đâm ba lần, gây hư hỏng cấu trúc, theo nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill từ trường Đại học De La Salle ở Manila.

Ông Gill nói với BBC News tiếng Việt rằng Trung Quốc đang cố gắng đẩy Philippines ra khỏi khu vực, nhằm lặp lại những gì đã làm vào năm 2012 để chiếm đóng bất hợp pháp bãi cạn Scarborough.

Đồng thời ông cho rằng Trung Quốc đang tìm cách gia tăng áp lực trên không, lấy dẫn chứng máy bay nước này trong tháng Tám đã thực hiện những tác vụ nguy hiểm và thả pháo sáng trên đường bay của một máy bay tuần tra thuộc Không quân Philippines trên Bãi cạn Scarborough.

"Trung Quốc sẵng sàng chấp nhận rủi ro hơn là chấp nhận việc trở thành một người hàng xóm tốt và có trách nhiệm", nhà nghiên cứu Don McLain Gill đánh giá.

Philippines cũng thể hiện rõ lập trường quyết đoán và minh bạch khi công khai trên truyền thông các video quay lại những gì xảy ra trên biển.

Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) tại Singapore, cho rằng chính sách của Philippines có hai mục tiêu : tạo sự ủng hộ quốc tế đối với việc bảo vệ quyền chủ quyền của Manila và khiến người dân Philippines nhận thức được sự hung hăng của Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.

Theo ông, dù chính sách này cả ở hiện tại và tương lai đều không ngăn được Bắc Kinh sử dụng chiến thuật vùng xám (hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức chiến tranh), nhưng mục đích là tập hợp dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ Philippines như David trong cuộc chiến với Goliath (câu chuyện về cậu bé chăn cừu đánh bại gã khổng lồ).

Kết quả là Philippines thực sự đã nhận được một số lợi ích và sự ủng hộ của quốc tế, bao gồm mới đây là 500 triệu USD tài trợ quân sự từ Mỹ, radar và tàu từ Nhật Bản, và thiết bị phát hiện tàu tối tân từ Canada, theo đại tá về hưu Raymond M. Powell từ Đại học Stanford, Mỹ, người quan sát các vấn đề trên Biển Đông lâu năm.

Nhưng cũng theo ông Powell, ngược lại, Manila đã phải chấp nhận rất nhiều rủi ro.

"Rõ ràng là Philippines đang chịu nhiều phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc hơn so với Việt Nam, nhưng thực tế là chiến lược này đã phát huy hiệu quả khá tốt trong việc xây dựng năng lực cho Philippines để chống lại Trung Quốc trong tương lai", ông Powell nhận định.

Chiến lược của Việt Nam

Phía bên kia Biển Đông, Việt Nam cũng đã từng "nêu tên và bêu xấu" người hàng xóm Trung Quốc, chẳng hạn như khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm 2014.

Vào thời điểm đó, một làn sóng phẫn nộ đã bùng nổ trong dư luận Việt Nam dẫn đến các cuộc biểu tình thậm chí mất kiểm soát, khiến nhiều nhà máy bị đập phá.

Kết quả là chính quyền Việt Nam đã vào cuộc vào thời điểm đó và mời báo chí quốc tế, bao gồm BBC, đến thực địa để đưa tin về sự kiện.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, kể từ năm 2020 đến nay, Việt Nam chọn cách tiếp cận ngược lại, theo ý kiến của nhà phân tích Derek Grossman thuộc viện nghiên cứu Rand của Mỹ trên báo Nikkei Asia tháng 7/2024.

Ông Grossman cho rằng Hà Nội đã đạt thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh là không công khai hóa các xung đột và giải quyết các bất đồng và căng thẳng giữa hai nước hoàn toàn trong hậu trường nhằm tránh các leo thang không cần thiết.

Dù phản ứng kiềm chế, nhưng về phía Việt Nam, thỉnh thoảng người phát Bộ Ngoại giao vẫn yêu cầu Trung Quốc chấm dứt khảo sát mà họ cho là trái phép hoặc sử dụng tàu mà họ cho là trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Phía Trung Quốc không ngưng hoạt động của họ nhưng cũng không đẩy cao, và phía Việt Nam cũng cố gắng hết sức kiềm chế, không đưa vấn đề ra cộng đồng quốc tế để tránh làm vấn đề nóng lên.

Từ Thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Hoàng Việt - giảng viên luật, nhà nghiên cứu Biển Đông - nói với BBC rằng chiến lược của Việt Nam vẫn hiệu quả, ít nhất là gần đây Việt Nam chưa để mất thực thể nào.

Ông cũng cho rằng trong khi Philippines đã đoạn tuyệt với Trung Quốc thì Việt Nam vẫn cân bằng và duy trì được quan hệ tốt với Trung Quốc và Mỹ.

"Dù chưa thể nói được chiến lược của bên nào hiệu quả hơn, nhưng ít nhất Việt Nam đang dễ thở hơn với Trung Quốc, trong khi Philippines đang nghẹt thở với những cuộc rượt đuổi trên biển hằng ngày", Thạc sĩ Hoàng Việt đánh giá.

phi2

Tàu Trung Quốc (trái) và tàu Việt Nam đối đầu trong vụ căng thẳng liên quan tới giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014

Chuyên gia Powell nói rằng rõ ràng cách tiếp cận của Việt Nam đã có hiệu quả trong hoàn cảnh này, giúp họ có thể tiến hành công tác bồi đắp đảo một cách thầm lặng, không bị can thiệp nhiều.

Trong khi đó, bài viết của nhà phân tích Grossman nhận định cả hai cách đối phó của Việt Nam và Philippines đều thất bại, vì câu trả lời nằm trong bản chất hiện nay của chế độ Bắc Kinh.

Ông cho rằng dưới thời các nhà lãnh đạo trước đây như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đã hoàn toàn tin vào câu thần chú của chính quyền George W. Bush rằng Trung Quốc phải hành động như một "bên liên quan có trách nhiệm" trong cộng đồng quốc tế. Các quan chức Trung Quốc khi đó cũng tích cực thúc đẩy câu chuyện "trỗi dậy hòa bình" của họ để xóa tan mọi quan niệm cho rằng Bắc Kinh tìm cách gây xung đột với các nước láng giềng hoặc Mỹ.

"Tuy nhiên, nhà lãnh đạo hiện tại Tập Cận Bình lại là một người khác. Trung Quốc dưới thời ông Tập, bắt đầu từ năm 2012, đã trở nên độc đoán hơn và nghi ngờ phương Tây. Họ cũng ít quan tâm đến danh tiếng quốc tế của mình và coi thường luật pháp và chuẩn mực ứng xử quốc tế nếu điều đó phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh", bài viết có đoạn.

Nhà phân tích này cho rằng Hà Nội và Manila nên có những chiến lược thực chất và hữu hiệu hơn : Philippines nên tính đến việc kích hoạt hiệp định hỗ tương với Mỹ. Còn Việt Nam cũng có thể tiến tới tập trận với Mỹ hoặc phối hợp chặt chẽ hơn với Tuần duyên Mỹ tại Biển Đông.

Câu chuyện bó đũa

Dù có những phương pháp tiếp cận khác nhau và cũng có các yêu sách chồng chéo trên Biên Đông, nhưng theo các chuyên gia, cả Philippines và Việt Nam đều nhận ra mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là liên tục thay đổi tình hình ở Biển Đông, bằng cách gây tổn hại đến lợi ích của cả hai nước Đông Nam Á.

Hai quốc gia Đông Nam Á gần đây đã tăng cường hợp tác và phối hợp trên vùng biển chién lược, với cuộc diễn tập hàng hải chung trong tháng 8/2024 và những chuyến thăm giữa các lãnh đạo cấp cao.

Nhà phân tích Powell cho rằng đó là bước đi thông minh bởi lẽ các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử trong ASEAN không đi đến đâu cả, và Trung Quốc sử dụng các cuộc đàm phán đó để cố gắng kéo dài tranh chấp, từ đó tiếp tục củng cố năng lực và đạt được những gì họ muốn.

Ông nhấn mạnh rằng Hà Nội thường tiến hành rất chậm trong việc xây dựng các mối quan hệ như thế này, nhưng cho rằng sự hợp tác vẫn sẽ tiếp diễn.

"Việt Nam là một quốc gia rất bảo thủ về mặt chính sách đối ngoại và không có xu hướng thực hiện các hành động kịch tính. Vì vậy, chúng ta có thể kỳ vọng rằng sự hợp tác sẽ tiếp tục một cách có phương pháp và chậm rãi", ông lý giải.

Còn theo nhà nghiên cứu Don McLain Gill, tham vọng của Trung Quốc trong việc mở rộng yêu sách vào Vịnh Bắc Bộ, cùng với các kế hoạch hạ tầng rộng lớn ở Đông Dương, đã dấy lên những mối quan ngại về an ninh của Việt Nam, khiến Hà Nội tăng cường hợp tác nhằm đối phó với sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong giai đoạn 2023-2024.

"Quan trọng là cả Manila và Hà Nội đều nhận ra rằng cả hai đều không có động thái bành trướng, và việc hợp tác hướng tới một mục tiêu chung có vẻ như là điều hợp lý", ông nhận xét.

phi3

Tàu CSB 8002 của Cảnh sát biển Việt Nam tham gia luyện tập cứu hộ cứu nạn cùng tàu BRP Gabriela Silang của Tuần duyên Philippines sáng 9/8/2024

Chuyên gia này dẫn chứng rằng Trung Quốc đã cố gắng tạo ra sự chia rẽ giữa Philippines và Việt Nam, chẳng hạn như thực hiện các chiến dịch thông tin nhằm bôi xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt Philippines nhưng không hiệu quả, và Manila vẫn tôn trọng và đánh giá cao mối quan hệ với Hà Nội.

"Năm 2019, khi tàu tuần tra của Trung Quốc đâm vào một tàu gỗ đánh cá nhỏ của Philippines khiến các ngư dân Philippines bị rơi xuống biển, chính lực lượng tuần tra trên biển Việt Nam đã cứu những ngư dân Philippines. Điều này đã tạo ra nhận thức với Manila rằng nếu cần hợp tác với một nước láng giềng, thì không ai tốt hơn Việt Nam", ông Gill nêu ví dụ.

Chuyên gia này cũng hi vọng đà hợp tác giữa Manila và Hà Nội sẽ tiếp tục, làm cho Trung Quốc khó khăn hơn trong việc gây chia rẽ hai nước.

"Dù Việt Nam không mặn mà với việc đưa các cường quốc ngoài khu vực vào vấn đề Biển Đông, tôi nghĩ rằng Việt Nam sẵn sàng hợp tác với một nước láng giềng và quốc gia có yêu sách ở Biển Đông, đó là Philippines. Điều này ít gây tranh cãi hơn với Hà Nội và cũng phù hợp với cách tiếp cận tập trung vào Đông Nam Á của Việt Nam", ông giải thích.

Cũng theo các chuyên gia, Trung Quốc sẽ phản ứng tiêu cực với bất kỳ dấu hiệu hợp tác nào giữa các bên yêu sách ở Đông Nam Á.

Thạc sĩ Hoàng Việt cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không thích điều này, nêu ví dụ về phản ứng của Bắc Kinh khi Việt Nam và Indonesia tuyên bố đã ra một thỏa thuận chung phân định vùng đặc quyền kinh tế vào tháng 12/2022.

Theo ông, Trung Quốc sẽ theo dõi, và muốn áp dụng chính sách đàm phán song phương với từng quốc gia trong khu vực.

"Mà nếu đàm phán song phương thì họ sẽ bẻ gãy từng chiếc đũa chứ không phải một bó đũa. Câu chuyện mà ASEAN đang vật lộn là đoàn kết hay không trong vấn đề Biển Đông", ông nhận định.

Tuy nhiên, việc Hà Nội và Manila đều tìm cách giải quyết các tranh chấp của mình theo luật pháp quốc tế, điều mà Bắc Kinh không tuân thủ, chứng tỏ rằng Hà Nội và Manila có thể làm điều gì đó trong dài hạn.

"Bắc Kinh khó có thể ngăn chặn xu hướng ngắn hạn áp dụng một lập trường hòa giải hơn ở Biển Đông", Tiến sĩ Storey kết luận.

Nguồn : BBC, 16/09/2024

*****************************

Biển Đông : Philippines sẽ điều tàu khác đến bãi Sa Bin để duy trì sự hiện diện

Thu Hằng, RFI, 16/09/2024

Ngày 16/09/2024, chỉ một ngày sau thông báo rút tàu BRP Teresa Magbanua khỏi bãi Sa Bin, Biển Đông, Lực lượng Tuần duyên Philippines khẳng định "chỉ tái bối trí con tàu" và sẽ tiếp tục "hiện diện" trong khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

phi4

Tàu BRP Teresa Magbanua chuẩn bị cập bến Puerto Princesa, tỉnh Palawan, Philippines ngày 15/09/2024. AP

Theo AFP, trong buổi họp báo, khi báo chí so sánh tình hình tại bãi Sa Bin với bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát năm 2012 sau nhiều tháng đối đầu, người phát ngôn Lực lượng Tuần duyên Jay Tariela nhấn mạnh "Chúng tôi không thất bại". Ông cũng khẳng định Manila "không từ bỏ gì" vì "bãi Escoda (tên Philippines gọi bãi Sa Bin) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế" của Philippines, cách đảo Palawan khoảng 140 km.

Vẫn theo ông Jay Tariela, dù tàu BRP Teresa Magbanua trở về cảng neo đậu nhưng "chúng tôi có những tàu tuần duyên khác, mà vào lúc chúng ta đang nói có thể đang đến hoặc đã tới bãi cạn Escoda". Ông không nêu chi tiết vì lý do an ninh nhưng khẳng định "Lực lượng Tuần duyên sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo rằng Trung Quốc không thể chiếm đóng và thậm chí đòi lại bãi cạn Escoda (Sa Bin)".

Ngày 15/09, Hội đồng Hàng hải Quốc gia Philippines ra thông cáo cho biết "tàu BRP Teresa Magbanua đã hoàn thành nhiệm vụ hoa tiêu và trở về cảng neo đậu" sau hơn 5 tháng thả neo ở bãi Sa Bin và nhiều lần va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc đến xua đuổi. Tháng 08, đội tàu Trung Quốc đã cản trở hoạt động tiếp tế cho tàu Teresa Magbanua khiến lực lượng đồn trú trên tàu bị thiếu lương thực.

Ngay sau khi tàu của Philippines rời bãi cạn Sa Bin, Bắc Kinh đã tái khẳng định "chủ quyền không thể chối cãi" đối với khu vực. Theo một số chuyên gia được trang Global Times của Đảng cộng sản Trung Quốc trích dẫn, sự việc này "cho thấy Trung Quốc đã quản lý đúng tình hình, nhưng cần cảnh giác trước những hành động khiêu khích trong tương lai".

Tình hình căng thẳng ở Biển Đông cũng là một trong những chủ đề thảo luận giữa phái đoàn quân sự Mỹ với Trung Quốc tại Bắc Kinh, sau khi tham dự Diễn đàn Hương Sơn. Dù cuộc họp song phương kết thúc hôm 15/09 không mang lại giải pháp cụ thể, nhưng theo trang VOA, phía Mỹ tiếp tục gây sức ép để tránh xảy ra xung đột ở Biển Đông, cũng như ở Đài Loan.

Thu Hằng

*************************

Biển Đông : Philippines rút tàu hải cảnh khỏi bãi cạn Sa Bin trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc

Thu Hằng, RFI, 15/09/2024

Ngày 15/09/2024, tàu BRP Teresa Magbanua của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã rút khỏi bãi cạn Sa Bin, thuộc quần đảo Trường Sa. Con tàu này đã thả neo tại đây trong suốt hơn 5 tháng để xác quyết chủ quyền của Manila và ngăn Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát. Tàu Magbanua ở bãi Sa Bin, cùng với tàu chiến cũ nát Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây, là hai điểm nóng đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc.

phi5

Tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5205 va chạm với tàu Tuần duyên Philippines BRP Teresa Magbanua gần bãi cạn Sabina tại Biển Đông ngày 31/08/2024. AP

Trong thông cáo, Hội đồng Hàng hải Quốc gia Philippines đưa ra lời giải thích : "Sau hơn 5 tháng ở biển, tàu BRP Teresa Magbanua đã hoàn thành nhiệm vụ hoa tiêu và trở về cảng neo đậu. Nhiệm vụ đã hoàn thành".

Theo AFP, thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau các cuộc thảo luận giữa đại diện của Philippines và Trung Quốc về tranh chấp hàng hải trong tuần này. Bắc Kinh đã nhắc lại yêu cầu "rút ngay lập tức" con tàu của Philippines khỏi bãi cạn Sa Bin. Khi đó, Manila đã không công bố phản hồi về yêu cầu này.

Ngày 15/09, ngay sau khi tàu của Philippines rút khỏi bãi cạn Sa Bin, Trung Quốc tái khẳng định "chủ quyền không thể chối cãi đối với Xianbin Jiao (tên Trung Quốc gọi bãi cạn Sa Bin) và các vùng biển lân cận". Sa Bin nằm cách đảo Palawan của Philippines 140 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 1.200 km.

Tàu Teresa Magbanua được neo ở bãi cạn Sa Bin từ tháng 04. Nhiều vụ va chạm giữa tàu của hai bên đã xảy ra trong thời gian này. Một ví dụ gần đây là đoạn video được người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines Jay Tarriela công bố ngày 31/08 cho thấy tàu 5205 của Hải cảnh Trung Quốc "đã cố tình trực tiếp đâm vào tàu Philippines" khiến tàu Teresa Magbanua bị hỏng nhưng không có người bị thương.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye và chồng lấn lên các vùng đặc quyền kinh tế hoặc khu vực tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng Đông Nam Á Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia. Kể từ khi tổng thống Marcos Jr lên cầm quyền ở Philippines năm 2022, Manila đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với những đòi hỏi chủ quyền của họ ở Biển Đông.

Thu Hằng

Additional Info

  • Author Trọng Thành, Phan Minh, Thu Hằng,, BBC tiếng Việt
Published in Châu Á