Biển Đông : Philippines muốn cùng Việt Nam và Malaysia soạn thảo Bộ Quy tắc Ứng xử riêng
Minh Anh, RFI, 20/11/2023
Tổng thống Philippines hôm nay, 20/11/2023, cho biết, Manila đang tiếp cận với nhiều nước láng giềng như Malaysia và Việt Nam để thảo luận về một Bộ Quy tắc ứng xử riêng biệt về Biển Đông.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ, ngày 19/11/2023. AP - Audrey McAvoy
Phát biểu tại Hawai trong một sự kiện được phát trực tiếp, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., giải thích rằng căng thẳng leo thang ở Biển Đông đòi hỏi Philippines phải hợp tác với các đồng minh và nhiều nước láng giềng để duy trì hòa bình an ninh cho các tuyến đường hàng hải rất quan trọng trong khu vực.
Theo nguyên thủ Philippines, bất chấp những nỗ lực của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), tiến độ đàm phán cho bộ Quy tắc Ứng xử (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN rất được trông đợi lại "diễn ra khá chậm chạp".
Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ, Philippines buộc phải "chủ động tiếp cận các quốc gia khác trong khối ASEAN có tranh chấp lãnh hải" với Trung Quốc như Việt Nam và Malaysia để "xây dựng một bộ Quy tắc Ứng xử riêng biệt". Tổng thống Philippines bày tỏ hy vọng "điều này sẽ được phát triển và mở rộng sang nhiều nước ASEAN khác".
Ngoài ra, ông Marcos cho rằng "những rạn san hô gần đây nhất mà quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bắt đầu quan tâm đến để xây dựng căn cứ quân sự ngày càng tiến gần hơn đến bờ biển Philippines".
Đại sứ quán Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam tại Manila chưa có bình luận gì về những phát biểu trên của tổng thống Philippines. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc trong cuộc họp báo thường nhật cảnh báo "bất kỳ động thái nào đi chệch khỏi khuôn khổ và đi ngược tinh thần của Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên (DOC) ở Biển Đông đều vô hiệu".
Những nhận xét này của ông Marcos được đưa ra vài ngày sau cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Sáu 17/11, bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC tại San Francisco, Hoa Kỳ.
Theo Reuters, từ hai thập niên qua, Trung Quốc và ASEAN đã thương lượng về một dự thảo văn bản đàm phán duy nhất về Bộ Quy tắc ứng xử, nhưng các tiến bộ đạt được rất chậm chạp, cho dù các bên liên quan cam kết thúc đẩy nhanh tiến độ đàm phán về COC.
Minh Anh
*************************
Philippines thuyết phục các nước láng giềng soạn thảo quy tắc về Biển Đông
Reuters, VOA, 20/11/2023
hilippines vừa tiếp cận các nướcláng giềng như Malaysia và Việt Nam để thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử riêng liên quan đến Biển Đông, Tổng thống nước này cho biết hôm 20/11, với lý do tiến triển còn hạn chế trong việc đạt được một hiệp ước khu vực rộng lớn hơn với Trung Quốc, theo Reuters.
Mỹ và những nước phương Tây khác đã thúc đẩy một "trật tự dựa trên luật lệ" ở Biển Đông, nơi mà một phần lớn giao thông vận tải hàng hải của thế giới đi qua, và gọi vùng biển này là thiết yếu đối với nền an ninh và sự thịnh vượng kinh tế của khu vực. Nhưng Bắc Kinh chủ yếu xem những luật lệ quản trị hoạt động hàng hải mà Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn là không tương thích với luật nội địa, và vẫn tiếp tục công tác nạo vét lấp đất ở bảy đảo đá có tranh chấp trong gần hai năm qua, tạo thành những đảo nhân tạo nhỏ.
Mối quan hệ giữa hai nước ngày càng căng thẳng hơn dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos (con), người ngày càng chỉ trích hành vi "hung hăng" của Trung Quốc trong khi nối lại mối quan hệ bền chặt với Hoa Kỳ, đồng minh theo hiệp ước duy nhất của Philippines.
Phát biểu tại Hawaii trong một sự kiện được phát trực tiếp, ông Marcos cho biết căng thẳng leo thang ở Biển Đông đòi hỏi Philippines phải hợp tác với các đồng minh và láng giềng để duy trì hòa bình trên tuyến đường thủy nhộn nhịp, trong bối cảnh tình hình hiện nay "xấu đi".
"Chúng tôi vẫn đang chờ đợi bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN, đáng tiếc là tiến độ này diễn ra khá chậm", ông Marcos nói, đề cập đến những nỗ lực của nhóm các quốc gia Đông Nam Á.
"Chúng tôi đã chủ động tiếp cận các quốc gia khác trong ASEAN mà chúng tôi đang có tranh chấp lãnh thổ, Việt Nam là một trong số đó, Malaysia là một quốc gia nữa và xây dựng quy tắc ứng xử của riêng chúng tôi".
"Hy vọng việc này sẽ mở rộng hơn nữa và mở rộng sang các nước ASEAN khác".
Đại sứ quán Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam tại Manila không trả lời ngay lập tức khi họ được đề nghị bình luận về một bộ quy tắc có thể có.
Trung Quốc cho rằng xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông là nhiệm vụ quan trọng đối với nước này và các nước ASEAN.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước này cảnh báo tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng : "Bất kỳ động thái nào đi chệch khỏi khuôn khổ và đi ngược lại tinh thần của tuyên bố về cách ứng xử của các bên (DOC) ở Biển Đông đều vô hiệu".
Ông Marcos phát biểu như trên sau cuộc gặp hôm 17/11 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại San Francisco.
Các nhà lãnh đạo thảo luận các biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng ở vùng biển chiến lược có nhiều tranh chấp sau một loạt các vụ đối đầu trong năm nay.
Trong vài năm qua, ASEAN và Trung Quốc đã nỗ lực tạo ra một khuôn khổ để đàm phán về quy tắc ứng xử, một kế hoạch đã có từ năm 2002. Tuy nhiên, tiến độ vẫn chậm chạp bất chấp cam kết của tất cả các bên nhằm thúc đẩy và đẩy nhanh quá trình này.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 2011/2023
**************************
Biển Đông : Liệu Việt Nam, Philippines và Malaysia sẽ có Bộ quy tắc ứng xử riêng ?
RFA, 20/11/2023
Tổng thống Philippines hôm 20 tháng 11 tiết lộ nước này đã tiếp cận Việt Nam và Malaysia để đề nghị đàm phán một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) riêng biệt.
Tàu hải cảnh Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây, Biển Đông hôm 10/11/2023 - AFP
Thông tin trên được ông Ferdinand Marcos Jr. tiết lộ trong bài phát biểu diễn ra ở đảo Hawaii, Hoa Kỳ, theo hãng thông tấn Reuters.
Trước đó, vị tổng thống thứ 17 của Philippines đã gặp với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh APEC, trong bối cảnh hai nước đã xảy ra nhiều va chạm trên khu vực Biển Đông trong thời gian gần đây.
Trung Quốc và các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vốn đã tiến hành đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), tuy nhiên hai bên đạt được rất ít tiến bộ thực chất dù quá trình đã kéo dài hàng chục năm.
Ông Marcos nói trong bài phát biểu, "Chúng tôi vẫn đang chờ bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng đáng tiếc thay, tiến bộ rất chậm chạp".
Trong khi đó, một mặt Trung Quốc vẫn tiếp tục đàm phán với các nước Đông Nam Á, nhưng mặt khác lại tích cực bành trướng ảnh hưởng và tuyên bố chủ quyên trên khu vực Biển Đông.
Kể từ năm 2002 khi hai bên ký kết Tuyên bố chung về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), một văn bản không có tính ràng buộc mà chỉ thể hiện ý chí chính trị của các bên tham gia, thì Trung Quốc đã tiến hành quân sự hoá hàng loạt thực thể trên vùng biển này, và hung hăng đối đầu với các nước nhỏ hơn bằng cách áp dụng chiến thuật "vùng xám".
Điều này khiến các nước Đông Nam Á, đặc biệt là những nước chịu tác động trực tiếp bởi yêu sách của Trung Quốc, tỏ ra chán nản với triển vọng về việc đạt được một bộ quy tắc ứng xử với cường quốc số hai thế giới, không những thế, hành xử của Trung Quốc trên thực địa, cũng đặt dấu hỏi lớn về việc liệu nước này có tuân thủ cam kết ngay cả khi một bộ quy tắc ứng xử đã được ký kết.
Trả lời phỏng vấn của đài RFA, ông Bill Hayton, nhà nghiên cứu của Chương trình Châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House, và là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về Biển Đông và Trung Quốc, hôm 20/11 cho biết nhận định của ông về diễn biến mới nhất này :
"Đây là dấu hiệu cho thấy các quốc gia Đông Nam Á đang tỏ ra khó chịu, và thể hiện sự buông xuôi trước cách tiếp cận của Trung Quốc".
Có lẽ vì thế mà Philippines, nước chịu sức ép rất lớn từ Trung Quốc trên khu vực Biển Đông, đã tìm cách loại Trung Quốc ra khỏi các sáng kiến liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền, và thay vào đó là làm việc trực tiếp với các nước Đông Nam Á khác có chung quan ngại.
Tổng thống Philippines cũng cho biết ông hy vọng rằng các nước ASEAN khác sẽ tham gia sáng kiến bộ quy tắc ứng xử này.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự do, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế ở khu vực Châu Á-Thái bình Dương, cho biết nhận định của ông về ý tưởng Philippines, Malaysia, cùng Việt Nam tạo ra bộ quy tắc ứng xử riêng trên Biển Đông :
"Tôi cho rằng đây chính là giải pháp bởi vì cần phải có một cách tiếp cận mang tính pháp lý để đối phó với chiến thuật vùng xám của Trung Quốc. Hiện giờ thì mới chỉ dừng lại ở lời nói, các nước trong khu vực cần loại bỏ Trung Quốc ra khỏi vấn đề này, và tự đàm phán với nhau, và cộng đồng quốc tế sau đó sẽ có thể ủng hộ nỗ lực của ASEAN.
Sáng kiến này trước hết sẽ giúp các nước trong khối ASEAN giải quyết các bất đồng nội bộ, dù những bất đồng đó không quá nghiêm trọng. Từ đó sẽ gây dựng được sự đoàn kết giữa các nước có tuyên bố chủ quyền. Và khiến Trung Quốc gặp rắc rối, có khi còn có thể khiến Trung Quốc rơi vào thế bị động, và bị cô lập".
Đồng quan điểm với giáo sư Carlyle Thayer, ông Bill Hayton nhận định đây là sáng kiến tốt để giúp các nước Đông Nam Á giải quyết các bất đồng với nhau. Ngoài ra, ông còn cho rằng bước đi này sẽ giúp các nước ASEAN buộc Trung Quốc phải xem xét lại thái độ và hành vi của họ, và phải đưa ra cách điều chỉnh :
"Nếu sau này Trung Quốc muốn tham gia thì càng tốt, họ là nước gây ra hầu hết các vấn đề trên Biển Đông, thế nên việc họ vắng mặt trong bộ quy tắc ứng xử này sẽ không giúp làm giảm đi nguy cơ xung đột. Thế nhưng, đây là ý tưởng rất tốt nhằm buộc Trung Quốc phải có những động thái rất cụ thể".
Tuy nhiên, theo Giáo sư Carlyle Thayer thì Trung Quốc rất có thể sẽ tìm cách ngăn cản nỗ lực tìm kiếm sự đoàn kết giữa các nước ASEAN, bởi Trung Quốc từ trước đến nay vẫn một mực từ chối bất cứ cách tiếp cận đa phương nào đối với vấn đề Biển Đông :
"Trung Quốc có thể tiếp tục áp dụng chiến thuật vùng xám, nói theo cách khác thì thái độ của Trung Quốc sẽ là để mặc cho các nước Đông Nam Á cứ việc nói chuyện với nhau, nhưng Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện diện, tiếp tục thách thức, và làm suy yếu mọi nỗ lực hợp tác của các nước.
Hoặc Trung Quốc cũng có thể thực hiện ngoại giao hậu trường, gây áp lực chính trị lên các nước và nói rằng đây là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và nước liên quan, và họ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách này".
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trong Quốc Mao Ning cảnh báo trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ hai rằng : "Bất kỳ động thái nào đi chệch khỏi khuôn khổ và đi ngược lại tinh thần của tuyên bố về cách ứng xử của các bên (DOC) ở Biển Đông đều vô hiệu".
RFA, 20/11/2023