Trung Quốc bố trí pháo chống người nhái trên Đá Chữ Thập (RFI, 17/05/2017)
Trích dẫn một bài báo trên tờ Quốc Phòng Thời Báo Trung Quốc ngày 16/05/2017, hãng tin Anh Reuters cho biết Trung Quốc đã lắp đặt nhiều giàn pháo chống người nhái trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), một trong bảy hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp ở vùng quần đảo Trường Sa (Biển Đông). Mục tiêu, theo bài báo, là để ngăn chặn đặc công người nhái Việt Nam.
Cảnh bố phòng của Trung Quốc tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef, đá ngầm Vĩnh Thử theo tiếng Trung Quốc, Kagitingan theo Philippines), Trường Sa, từ máy bay do thám Hoa Kỳ P-8A Poseidon, ngày 21/05/2015. Ảnh : Reuters
Theo bài báo, được trang tin Trung Quốc Tân Văn Đầu Điều (xwtoutiao.cn) đăng lại, thì hệ thống mà Bắc Kinh cho lắp đặt là loại pháo Norinco CS/AR-1 55 ly, có khả năng phát hiện, nhận dạng và tấn công tiêu diệt người nhái của đối phương.
Bài báo không cho biết là hệ thống pháo này đã được triển khai trên Đá Chữ Thập từ lúc nào, nhưng xác định đây là một trong những biện pháp nằm trong kế hoạch nhằm đối phó với sự kiện là vào tháng 5 năm 2014, người nhái Việt Nam đã giăng một khối lượng lưới cá lớn tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Đá Chữ Thập là một trong bảy hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp ở vùng Trường Sa, biến thực thể này thành đảo lớn nhất tại Trường Sa, và xây dựng trên đó cả một sân bay, với phi đạo dài hơn 3000 mét, cùng nhiều cơ sở quân sự khác. Giới chuyên gia đã đánh giá Đá Chữ Thập là căn cứ tác chiến lớn nhất của Trung Quốc tại Trường Sa. Vào tháng Giêng 2016, hai phi cơ hàng không dân dụng của Trung Quốc đã bay ra Đá Chữ Thập để thử nghiệm phi đạo tại đây.
Hoa Kỳ đã chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này, cho rằng các cơ sở quân sự mà họ xây dựng trên các hòn đảo trong tay họ chỉ mang tính chất thuần túy phòng thủ. Mặt khác, Bắc Kinh xác định là họ có quyền xây dựng trên các khu vực thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Đá Chữ Thập hiện do Trung Quốc kiểm soát, nhưng Việt Nam, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên thực thể này.
Trọng Nghĩa
*********************
Trung Quốc tuyên bố việc xây dựng quân sự trên các đảo do nước này kiểm soát ở Biển Đông sẽ bị giới hạn ở mức phòng thủ cần thiết và rằng họ có thể làm những gì họ thích trên lãnh thổ của mình.
Hoa Kỳ chỉ trích điều mà họ gọi là việc quân sự hóa các tiền đồn trên biển của Trung Quốc và nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải bằng cách tiến hành tuần tra định kỳ trên không và trên biển định kỳ tại khu vực. Điều này khiến Bắc Kinh giận dữ.
Một bài trên báo Trung Quốc cho biết, dàn phóng rocket chống người nhái Norinco CS/AR-1 55mm được lắp đặt tại Đá Chữ Thập mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử quần đảo Trường Sa.
Đá Chữ Thập do Trung Quốc kiểm soát nhưng cũng được Việt Nam, Philippines, và Đài Loan tuyên bố chủ quyền.
Việt Nam và Trung Quốc nhất trí "kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông", theo nội dung thông cáo chung Việt-Trung nhân chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang.
Kể từ khi Phillipines, dưới quyền Tổng thống Rodrigo Duterte, giảm bớt đối đầu với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có nhiều bất đồng nhất với Trung Quốc về vấn đề này, hãng tin Reuters bình luận.
Sau những cuộc họp mà phía Trung Quốc nói là "tích cực" giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch Trần Đại Quang, thông cáo chung nhấn mạnh hai bên cần kiểm soát các bất đồng.
Thông cáo chung còn nói hai bên đã "đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển" và nhất trí sử dụng cơ chế đàm phán hiện hành về biên giới lãnh thổ để "tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được".
Đây không phải là lần đầu tiên hai bên dùng những ngôn từ này.
********************
Hai ngày sau chuyến thăm của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, Trung Quốc thông báo đã lắp đặt các bệ phóng rocket trên một bãi cạn ở Biển Đông nhằm ngăn chặn sự tiếp cận của người nhái Việt Nam.
Reuters dẫn lại tin của tờ Thời báo Quốc phòng của Trung Quốc đưa tin hôm 17/5 rằng bệ phóng rocket Norinco CS/AR-1 55 mm có khả năng phát hiện, nhận diện và tấn công người nhái của kẻ thù đã được lắp đặt trên Bãi đá Chữ thập ở Trường Sa.
Bắc Kinh kiểm soát bãi cạn này, nhưng Việt Nam, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.
Tờ báo không nói là hệ thống phòng thủ trên được lắp đặt khi nào, nhưng đưa tin rằng đó là một động thái đáp trả kể từ tháng Năm năm 2014, khi người nhái Việt Nam giăng một số lượng lớn lưới đánh bắt cá ở Hoàng Sa.
Trả lời VOA tiếng Việt, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một người nghiên cứu về Biển Đông, nói rằng sự việc cho thấy, từ năm 1974 tới nay, khi xảy ra trận hải chiến ở Hoàng Sa, "Trung Quốc không hề thay đổi".
Ông nói thêm : "Họ muốn chiếm bằng được những đảo đá ở Biển Đông trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Họ cho đó là quyền lợi cốt lõi của họ. Nếu mà thế giới cứ ứng xử như từ trước tới nay, thì Trung Quốc nó vẫn tiếp tục như thế. Việt Nam cũng chuẩn bị cách đối phó, nhưng là một nước bên cạnh mà nhỏ thì cần phải có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Hiện nay Trung Quốc chỉ có ngại có Mỹ".
Lâu nay, chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới tuyên bố rằng họ có quyền xây dựng các cơ sở quân sự trên các hòn đảo mà nước này kiểm soát ở Biển Đông, và việc đó sẽ chỉ giới hạn cho mục đích phòng thủ.
Tuy nhiên, việc quân sự hóa này đã vấp phải chỉ trích của các nước cũng có tranh chấp như Việt Nam hay quốc gia không tuyên bố chủ quyền như Mỹ.
Hà Nội chưa có tuyên bố nào về thông tin trên, nhưng nhiều tờ báo trong nước viết rằng Trung Quốc "ngang nhiên lắp đặt" hay "triển khai trái phép bệ phóng rocket" ở "Trường Sa của Việt Nam".
Tin của truyền thông Trung Quốc được đăng tải hai ngày sau chuyến thăm của Chủ tịch Trần Đại Quang. Tin cho hay, ngày 11/5, Bắc Kinh đã bắn nhiều phát đại bác để chào đón nguyên thủ Việt Nam.
Trong chuyến công du để tham dự hội nghị thượng đỉnh về Con đường Tơ lụa mới, ông Quang đã gặp nhiều quan chức cấp cao của quốc gia chủ nhà, và Hà Nội và Bắc Kinh cùng cam kết "kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông".
Hồi tháng Tám năm ngoái, Reuters đưa tin rằng Việt Nam đã "âm thầm" đưa ra Trường Sa các giàn pháo di động mới có khả năng tấn công đường băng và căn cứ quân sự của Trung Quốc gần đó.
Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó lên tiếng nói rằng đó là thông tin "không chính xác", nhưng không giải thích thêm.
Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới Biển Đông, hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 14 về thực thi Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông sẽ được tiến hành vào ngày 18/5 tới tại thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh cho biết rằng quan chức ngoại giao cấp cao các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân sẽ tham dự hội nghị nhằm "thúc đẩy hợp tác thực tế trên biển và các vấn đề liên quan đến đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông".
Viễn Đông
*************************
Trung Quốc đặt dàn phóng hỏa tiễn ở Đá Chữ Thập (RFA, 17/05/2017)
Bãi đá Chữ Thập. Courtesy of csis.org
Viện dẫn lý do phải ngăn chận hoạt động của lực lượng người nhái quân đội Việt Nam, Trung Quốc cho đặt các dàn phóng hỏa tiễn ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Tin này được tờ Quốc Phòng Thời Báo xuất bản tại Hoa Lục phổ biến ngày hôm nay, và được hãng thông tấn Reuters trích dẫn lại.
Bài báo của Trung Quốc cho biết dàn phóng hỏa tiễn chống người nhái NORINCO CS/AR-1 được đặt tại Đá Chữ Thập là dàn phóng có nhiều khả năng khác nhau, từ phát hiện, nhận dạng cho đến tấn công kẻ địch.
Tờ Quốc Phòng Thời Báo của Trung Quốc cũng ghi rõ hệ thống này được đặt để phòng chống hoạt động của lực lượng người nhái Việt Nam, nhắc lại chuyện người nhái quân đội Việt Nam đã đặt nhiều lưới đánh cá ở Hoàng Sa từ hồi tháng Năm 2014.
Đá Chữ Thập là nơi tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và Đài Loan, nhưng Trung Quốc nắm quyền kiểm soát từ năm 1988 đến giờ.
Đây cũng là địa điểm Trung Quốc cải tạo, xây nhiều cầu tầu, bãi đáp trực thăng, trạm radar, đặc biệt xây một đường băng cho máy bay ném bom chiến lược đáp hoặc cất cánh, để không quân của họ có thể hoạt động trong không phận quy mô, kéo dài từ Tây Thái Bình Dương cho đến Ấn Độ Dương.
Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các hành động mang tính quân sự hóa của Trung Quốc, đồng thời Washington cũng khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không bằng những cuộc tuần tra trên không và trên biển, kể cả những hoạt động sát đảo Đá Chữ Thập.
Trung Quốc cũng thường xuyên lên tiếng phản đối những hoạt động của quân đội Mỹ, khẳng định có quyền triển khai cơ sở trên tất cả những hòn đảo mà họ có chủ quyền.
Tin Trung Quốc đặt dàn hỏa tiễn tại Đá Chữ Thập được Bắc Kinh phổ biến chỉ ít ngày sau chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông Trần Đại Quang, Chủ Tịch Nhà Nước Việt Nam.
Bản thông cáo chung công bố tại Bắc Kinh cho thấy hai nước cam kết kiểm soát tốt mọi bất đồng trên biển, không có những hành động khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, không mở rộng tranh chấp và cùng nhau gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Thông cáo chung giữa Trung Quốc và Việt Nam còn viết rằng hai nước đồng ý sẽ tiếp tục đàm phán để giải quyết tranh chấp, cùng đi tìm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được.
Một diễn biến liên quan khác cũng cần nhắc lại là mới hôm qua, Tổng Thống Phi Rodrigo Duterte tuyên bố sẵn sàng hợp tác chung với Trung Quốc và Việt Nam trong kế hoạch thăm dò khai thác tài nguyên ở Biển Đông.
Điều này được nhà lãnh đạo Phi nói với báo chí ngay sau khi từ Bắc Kinh về lại Manila. Tuy nhiên Tổng Thống Duterte cũng nói là thỏa thuận đó nếu thành hình, phải dựa theo các tiêu chuẩn công bằng và cân đối.
Đây là lần đầu tiên Tổng Thống Phi đưa ra ý kiến hợp tác tay ba để dò tìm và khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Đầu năm nay ông đã nêu ý tưởng tương tự, nhưng chỉ nói tới hợp tác song phương với Trung Quốc.
********************
Biển Đông : Hải Quân Mỹ-Singapore-Thái Lan diễn tập chung (RFI, 17/05/2017)
Một cuộc tập trận CARAT tại Thái Lan năm 2015. Ảnh : Wikipedia
Chiến hạm của Hoa Kỳ, Singapore và Thái Lan đã tiến hành một cuộc diễn tập chung tại Biển Đông vào tuần trước. Hoa Kỳ muốn thể hiện ý định đa phương hóa các cuộc tập trận với một số nước Châu Á đang phải đối mặt với các vấn đề an ninh ngày thêm căng thẳng trong vùng.
Theo trang Defense Daily ngày thứ Hai 15/05/2017, cuộc diễn tập chung CARAT kéo dài 3 ngày. Phía Hải Quân Hoa Kỳ có hai chiến hạm tham gia : Tầu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Sterett (DDG-104) và tầu chiến đấu ven biển USS Coronado (LCS 4). Singapore cử chiến hạm RSS Intrepid (FFS 69) và Thái Lan cử chiến hạm HTMS Naresuan (FFG 421).
Theo Hải Quân Hoa Kỳ, bốn tầu cùng tiến hành theo bản kế hoạch từ trước, gồm các hoạt động theo dõi, tập bắn, lên tầu, khám xét và bắt giữ (VBSS), kèm theo là các hoạt động không quân chung và thông tin truyền thông.
Trong một bản thông cáo, tư lệnh Doug Meagher, chỉ huy tầu USS Coronado, nhấn mạnh : "Các cuộc diễn tập hải quân đa phương tạo điều kiện quan trọng để cải thiện quan hệ đối tác hàng hải với Hải Quân Hoàng Gia Thái Lan và Cộng Hòa Singapore, đồng thời tăng cường khả năng hợp tác chặt chẽ trong các nhiệm vụ hợp tác an ninh".
Cuộc diễn tập CARAT gồm các hoạt động đào tạo an ninh hàng hải nhằm tăng cường hợp tác và hỗ trợ giữa hải quân của ba nước. Hoa Kỳ bắt đầu hoạt động diễn tập này với Singapore và Thái Lan từ năm 1995.
Thu Hằng
*******************
Philippines nhích gần Trung Quốc, hải quân Mỹ tập trận lánh Biển Đông (VOA, 17/05/2017)
Hệ thống phóng rốc-két HIMARS của Mỹ tham gia cuộc thao dượt quân sự chung Mỹ-Philippines mang tên Balikatan năm 2016.
Cuộc thao dượt quân sự thường niên của hải quân Mỹ và Philippines năm nay tránh vùng lãnh hải nhạy cảm trong lúc Tổng thống Philippines tiến thêm một bước nữa trong chính sách tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị với Trung Quốc, nước tham vọng lớn nhất trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Cuộc thao dượt quân sự "Balikatan" từ ngày 8 đến 19 tháng 5 sẽ có bài thực tập cứu hộ thảm họa diễn ra ngoài khơi bờ biển tỉnh Aurora thuộc đảo chính Luzon của Philippines. Cuộc thao dượt quân sự chung năm nay tránh hẳn các vùng lãnh hải có những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Bắc Kinh chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của Manila tại khu vực ngoài biển phía tây đảo Luzon.
Việc tránh vùng biển có tranh chấp chủ quyền này giúp Tổng thống Rodrigo Duterte thắt chặt hơn quan hệ của Philippines với Trung Quốc sau 4 năm công khai kình chống nhau và đã đưa nhau ra một tòa trọng tài quốc tế.
Ông Herman Kraft, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Dililman của Philippines, nhận định :
"Tổng thống Duterte chưa bao giờ chuyên tâm vào địa chính trị, có nghĩa là chính sách đối ngoại của ông là chính sách kinh tế, và chúng ta có thể thấy rằng đó là cách mà ông thực sự biện minh hay giải thích cho đường lối tiếp cận của ông với Trung Quốc.
Tổng thống Duterte đã hai lần đi thăm Trung Quốc, gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình và đồng ý tổ chức đối thoại trong tháng này về kế hoạch chung nhau quản lý các vùng lãnh hải có tranh chấp. Trung Quốc hồi tháng 10 đề nghị 24 tỉ đôla viện trợ và đầu tư và rồi tháng 1 năm này đã cam kết thực hiện 30 dự án trị giá 3,7 tỉ đôla.
Các nhà phân tích nói cuộc tập trận ở Thái Bình Dương gần Philippines vừa gởi đi một tín hiệu ủng hộ Trung Quốc vừa chiều lòng Mỹ cũng như những người Philippines thân Mỹ.
Benham Rise, hay còn gọi là Benham Plateau, là một khu vực rộng khoảng 13 triệu hecta, chìm dưới nước nằm ở phía đông bắc đảo Luzon, được cho là giàu tài nguyên dầu khí, được Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc công nhận là vùng biển của Philippines. Nhưng Manila phát hiện tàu bè của Trung Quốc hoạt động khai thác trong vùng biển này hồi năm ngoái. Trung Quốc không chính thức tuyên bố chủ quyền đối với Benham Rise.
Các nhà phân tích nói một cuộc biểu dương lực lượng được hải quân Mỹ hậu thuẫn gần Benham Rise sẽ giúp xoa dịu những người Philippines bất bình về vụ tàu bè của Trung Quốc hiện diện trong vùng biển này hồi năm ngoái cũng như những người thích Washington hơn Bắc Kinh.
Ông Eduardo Araral, giáo sư khoa chính sách công của Đại học Quốc gia Singapore, nhận định :
"Cách làm đó có thể đảm bảo với nhưng người Philippines thân Mỹ rằng Mỹ không bị đẩy ra khỏi Philippines hoàn toàn mà vẫn có chỗ cho đối thoại và hợp tác. Do đó các cuộc thao dượt quân sự này giống như là một tuyên bố xác định mối quan hệ Mỹ-Philippines".
Kết quả một cuộc thăm dò của viện nghiên cứu Metro Manila thực hiện vào cuối năm 2016 cho thấy 70% người Philippines "tin tưởng" Mỹ nhiều hơn.
Ông Duterte đã phản ứng giận dữ đối với ảnh hưởng của Mỹ tại Philippines hồi năm ngoái và yêu cầu các lực lượng của Mỹ rút khỏi nước ông, nhưng sau đó ông đã dịu giọng trong những đe dọa của ông. Một số hãng tin Philippines nói Tổng thống Duterte biết rõ về việc các tàu khảo sát của Trung Quốc hoạt động tại Benham Rise hồi năm ngoái, nhưng ông không nêu vấn đề đó lên.
Năm 2014, cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino ký một thỏa thuận tăng cường phòng thủ chung với Washington, Các cuột thao dượt quân sự chung kể từ khi có thỏa thuận đó tập trung vào những cuộc tập trận giả chống Trung Quốc trên vùng biển có tranh chấp chủ quyền.
Các giới chức Philippines và Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái đã thỏa thuận với nhau về kế hoạch của cuộc thao dượt hải quân chung năm nay. Ðại sứ quán Mỹ tại Manila cho biết cuộc thao diễn sẽ bao gồm "các bài tập chặn đường tiếp tế trên biển và tấn công đổ bộ" cùng với các bài tập về cứu hộ nhân đạo và chống khủng bố. Theo thông báo của Ðại sứ quán Mỹ, hải quân Mỹ điều một tàu hậu cần, các tàu đổ bộ và hơn 25 máy bay quân sự tham gia cuộc thao dượt.
Ðại sứ quán Mỹ không bình luận về địa đểm của cuộc thao dượt năm nay ở Thái Bình Dương ngoài khơi Philippines.
Ralph Jennings