Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc "hô biến", ngôi sao Phạm Băng Băng mất tích

"Trung Quốc ‘hô biến’ ngôi sao Phạm Băng Băng" (Fan Bingbing), đó là tựa đề bài viết của thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh. Ngôi sao màn bạc được thế giới biết đến, bị cáo buộc trốn thuế, đã "mất tích" từ hơn hai tháng qua.

fan1

Nữ diễn viên Trung Quốc Phạm Băng Băng tại Liên hoan điện ảnh Cannes lần thứ 71 ở Pháp, ngày 11/05/2018. Reuters/Stephane Mahe/File

Nữ diễn viên kiêm nhà sản xuất phim nổi tiếng, hai tháng rưỡi qua không hề xuất hiện. Không có lời giải thích chính thức nào được đưa ra, nhưng các fan nghi rằng Phạm Băng Băng đã bị bí mật giam giữ ở một nơi nào đó, tại đất nước mà những vụ "mất tích" như thế vẫn thường xảy ra. Tuần trước Securities Daily, một tờ báo nhà nước khẳng định Phạm Băng Băng đã được đặt "trong vòng kiểm soát", và cô "chấp nhận" các thủ tục tư pháp. Bài báo này đã bị rút xuống hầu như ngay sau khi đăng.

Tài khoản Vi Bác của nữ diễn viên vốn hoạt động thường xuyên, đã im lặng từ đầu tháng Sáu. Định mệnh của cô đã thay đổi từ tháng Năm, khi một cựu bình luận viên truyền hình đăng tải trên internet các hợp đồng, theo đó Phạm Băng Băng được trả 10 triệu nhân dân tệ (1,3 triệu euro) cho bốn ngày làm việc, nhưng trên thực tế đã nhận thêm 50 triệu nhân dân tệ mà không khai báo. Báo chí chính thức tố cáo hệ thống "âm dương" tức làm hai hợp đồng song song, một để khai thuế, và phần lớn chạy vào túi riêng.

Tệ hơn nữa là Phạm Băng Băng chỉ được 0 điểm trên thang điểm 100 về trách nhiệm xã hội của người nổi tiếng trong lãnh vực điện ảnh và truyền hình, do cơ quan chức năng đánh giá. Theo Securities Daily, hợp đồng "âm dương" trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Diễn viên vedette này còn bị nghi ngờ "tham gia các hoạt động tín dụng bất chính và các vụ tham nhũng khác". Phạm Băng Băng có thu nhập đến 300 triệu nhân dân tệ (38 triệu euro) trong năm 2017, theo Forbes, cao hơn nhiều nữ diễn viên Mỹ hàng đầu.

Chế độ Bắc Kinh nhanh chóng đả kích xu hướng "tôn thờ tiền bạc", kích thích giới trẻ "theo đuôi thần tượng một cách mù quáng". Các hãng phim bị buộc không được trả thù lao cho các ngôi sao quá 70% tổng chi. Đồng thời Đảng cộng sản Trung Quốc cũng tìm cách sử dụng các thần tượng để gây ảnh hưởng, tránh việc giới trẻ thoát khỏi vòng kiềm tỏa của đảng. Về số phận của Phạm Băng Băng, dư luận có người cho rằng cô quá giàu mà lại trốn thuế, như vậy là "đáng kiếp", người khác lại tỏ ra thương cảm khi bị lâm vào vòng lao lý một cách mờ ám, trong lúc chưa có bằng chứng nào chống lại cô được công bố.

Miến Điện, đất nước khó thể trở thành dân chủ

Cũng về Châu Á, La Croix phỏng vấn nhà văn Naw Ja Gawlu, người thiểu số Kachin ở Miến Điện. Ông nói về một đất nước nội chiến liên miên với các tộc người thiểu số, và bị nạn tham nhũng hoành hành, mà bà Aung San Suu Kyi chừng như bất lực.

Theo Gawlu, người thiểu số Kachin ở miền bắc Miến Điện thường xuyên sống trong tình trạng chiến tranh từ nhiều thập niên qua, trên 100.000 người đã phải di tản và vẫn chưa thể quay về làng cũ. Vùng này đầy dẫy những bãi mìn, thường xảy ra các vụ mìn nổ chết người, quân đội Miến Điện kiểm tra khắp nơi và tìm cách chia rẽ sáu dân tộc ở bang Kachin. Đây cũng là thực tế tại tất cả các bang có tộc người Karen, Kachin, Shan… sinh sống.

Nhà văn này tỏ ra thành kiến với người Rohingya, và cho rằng nếu bà Aung San Suu Kyi ưu tiên cho sắc dân này, thì tất cả các sắc tộc thiểu số khác sẽ chống lại bà, vì họ cũng đã xung đột với quân đội Miến Điện suốt nửa thế kỷ qua. Cũng theo Naw Ja Gawlu, Miến Điện là một đất nước phức tạp với nhiều cộng đồng sắc tộc khác nhau, quân đội nắm trọn quyền, giới tăng lữ Phật giáo cũng đầy quyền hành, tham nhũng lan tràn, mất an ninh. Giải Nobel hòa bình đã lớn tuổi, chỉ có thể làm những gì có thể làm được trước khi chết, để cố gắng xây dựng một nền dân chủ cho tương lai.

Vì sao Orban bị các đồng minh Châu Âu bỏ rơi ?

Tại Châu Âu, "Orban bị các đồng minh bỏ rơi", đó là tựa đề bài xã luận của Le Monde. Hôm thứ Tư 12/9, với 448 phiếu thuận và 197 phiếu chống, Nghị viện Châu Âu đã khởi động tiến trình trừng phạt Hungary vì không tôn trọng Nhà nước pháp quyền. Theo tờ báo, dù muộn vẫn còn hơn không. Đây là lời cảnh báo mạnh mẽ cho sự vi phạm các giá trị dân chủ nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu (EU).

Trong cuộc chiến đang chia rẽ Châu Âu từ khi xu hướng dân túy dâng lên, cuộc bỏ phiếu này là sự kiện lịch sử, với việc phe bảo vệ các giá trị cơ bản lấy lại thế tiến công – về mặt chính trị hơn là pháp lý.

Mặc dù được mệnh danh là "giải pháp nguyên tử", điều 7 của hiệp ước EU – đã được kích hoạt lần đầu hôm 20/12/2017 đối với Ba Lan, là một tiến trình lâu dài, khó đoán được kết quả. Nhưng một hôm trước cuộc bỏ phiếu, thủ tướng Hungary Victor Orban trước Nghị viện Châu Âu đã khẳng định rõ chủ trương dân tộc chủ nghĩa, và chỉ có được sự ủng hộ của phe cực hữu.

Chìa khóa nằm trong tay những người lãnh đạo đảng PPE, tập trung cánh hữu và trung hữu ở Nghị viện, trong đó có đảng Fidesz của ông Orban. Suốt một thời gian dài PPE từ chối đối mặt với thực tế về chính sách phản dân chủ của thủ tướng Hungary, vì muốn duy trì vị thế hàng đầu ở Nghị viện. Vì sao gió lại đổi chiều ? Theo Le Monde, động cơ của PPE chẳng phải cao cả như người ta tưởng.

Trước hết, Manfred Weber, chủ tịch PPE đang dòm ngó chiếc ghế chủ tịch Ủy ban Châu Âu của ông Jean-Claude Juncker, không muốn đeo thêm gánh nặng Orban. Tiếp đến là cuộc vận động bầu cử Châu Âu tháng 5/2019. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tích cực tìm kiếm đồng minh để thành lập một phong trào mới đối phó với phe dân tộc chủ nghĩa trên toàn Châu lục, PPE sợ liên minh của mình sẽ bị tan rã.

Thế giới đang ở đâu, 10 năm sau đại khủng hoảng ?

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos đặt câu hỏi : "Mười năm sau cuộc khủng hoảng, liệu chúng ta đang ở vào tình trạng như hồi năm 1939 ?".

Trong thế kỷ 20, Wall Street sụp đổ ngày 24/10/1929 và nước Đức của Hitler xâm lăng Ba Lan hôm 01/09/1939. Chưa đầy một thập niên sau khủng hoảng tài chính, là đại chiến thế giới, suy thoái kinh tế.

Đầu thế kỷ 21 có vẻ an lành hơn. Nhưng cũng như trong những năm 30, cử tri ngày càng có xu hướng ngả theo dân tộc chủ nghĩa hoặc bảo hộ. Không chỉ Hungary hay Nga, mà cả ở Tây Âu, Hoa Kỳ. Tăng trưởng chựng lại, khiến các nhà kinh tế lại phải đưa ra giả thiết "tăng trưởng yếu kéo dài" của tiền bối Alvin Hansen năm 1938. Về ngân sách, cũng như trong thập niên 30, các Nhà nước đã siết lại nợ công quá sớm ; về thương mại, thế giới đang bên bờ vực một cuộc chiến thuế quan.

Ngày nay, có quá nhiều nợ nần, nhiều dân tộc thua thiệt sau một thập kỷ bị mất đi nhiều việc làm, thu nhập giảm sút. Những kẻ mị dân đang có một đại lộ thênh thang trước mặt, họ mang lại những giải pháp giản đơn, sai lạc để đối phó với những vấn đề phức tạp. Tác giả nhận định, may mắn thay, chúng ta không phải ở vào năm 1939 với một trận chiến vừa khởi phát, nhưng đang ở đâu đó trong thập niên 30. Và trách nhiệm của chúng ta là viết nên một lịch sử khác.

Chiến dịch bóp méo thông tin về Syria của Nga

Nhìn sang Trung Đông, La Croix cho biết "Cuộc chiến Idlib cũng diễn ra trên mặt trận truyền thông Nga". Moskva cáo buộc phe nổi dậy Syria ở Idlib chuẩn bị tấn công bằng vũ khí hóa học, tuy nhiên bộ quốc phòng và ngoại giao Pháp tố cáo chính sách "bóp méo thông tin"của Nga.

Từ thứ Ba 12/9, các kênh truyền hình trong và ngoài nước của Nga đồng loạt nói rằng phe nổi dậy chuẩn bị một vụ tấn công hóa học giả tạo tại Idlib, vùng đất cuối cùng ở Syria còn do phe thánh chiến kiểm soát, rồi sau đó đổ cho chế độ Damascus. Theo quân đội Nga, các ê-kíp truyền hình Trung Đông đã hiện diện tại chỗ, vùng với "một kênh thông tin quan trọng của Mỹ", ám chỉ CNN. Những người tình nguyện Mũ Trắng "sẽ đến giúp dân" sau vụ được cho là sử dụng khí chlor. Phương Tây sẽ dùng cái cớ này để cáo buộc Damascus, và oanh kích các vị trí quân chính phủ.

"Kịch bản" do quân đội Nga mô tả cũng tương tự như một loạt tuyên bố của chính quyền từ một năm qua. Ông Igor Delanoe, phó giám đốc Đài quan sát Pháp-Nga ghi nhận : "Các thông tin kiểu này nhằm chuẩn bị dư luận ở Nga trước khả năng Mỹ oanh kích, chận đầu trước những chứng lý của phương Tây".

Một chuyên gia Châu Âu nhận định : "Để củng cố câu chuyện của mình, người Nga dựa vào những tin giả, tin đồn hoặc các bài báo một chiều, tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Nga phổ biến ở nước ngoài bằng các thứ tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ả Rập". Theo một nghiên cứu của Keir Giles cho NATO, mục tiêu không còn như thời Liên Xô cũ là xúc tiến một mô hình, mà là "phá hoại khái niệm sự thật khách quan, thậm chí cả nghề báo". Và ý đồ về lâu dài là làm giảm uy tín những nền dân chủ, đánh bóng các chế độ toàn trị.

Xóa nghèo, khủng hoảng tài chính : Tựa chính báo Pháp

Kế hoạch xóa đói giảm nghèo của tổng thống Emmanuel Macron, Pháp nhìn nhận trách nhiệm về cái chết của nhà hoạt động cộng sản Maurice Audin trong chiến tranh Algérie, những bài học được rút ra 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, đó là những chủ đề chính của các nhật báo Paris hôm nay 14/09/2018.

Nếu nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh đến "Những vũ khí mới chống lại nạn nghèo khó", thì tờ báo thiên tả Libération có phần mỉa mai : "Nghèo khó : Macron chìa ra bàn tay trái".Theo Libération, tuy ngân sách 8 tỉ đô la là chưa đủ, nhưng các biện pháp đề ra là cụ thể và hữu ích ; với ý định ngăn ngừa nạn nghèo khổ từ gốc rễ. Có điều những bất bình đẳng hãy còn quá lớn. Tờ báo ví von, muốn đặt mọi người ở cùng vạch xuất phát là một tiến bộ, nhưng một số người phải mang một ba lô đá nặng trên lưng. Cần có một xã hội bớt bất bình đẳng hơn, có nghĩa là ít tự do chủ nghĩa về kinh tế hơn. Le Figaro thì cho rằng ông Macron đã ngả sang phía tả một chút, nhưng không muốn nhìn nhận đây là một "bước ngoặt".

Le Monde quan tâm đến "Chiến tranh Algérie : Hành động lịch sử của Macron", còn Le Figaro nói về "Bầu cử Châu Âu : Macron chuẩn bị song đấu với Le Pen". Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa "Lehman : Những bài học của cuộc khủng hoảng thế kỷ". Ở trang trong, là bài phỏng vấn độc quyền ba nhân vật quan trọng của Mỹ vào thời đó.

Thụy My

Published in Châu Á