Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pyongsong : "Silicon Valley" của Bắc Triều Tiên

Báo Le Monde ngày 03/01/2019, đặc biệt chú ý đến thành phố Pyongsong của Bắc Triều Tiên, được ví như là một "Silicon Valley" của chế độ Bình Nhưỡng. Thành phố Pyongsong, nằm cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 40 phút về phía bắc, là thủ phủ của tỉnh Nam Pyongan và chỉ có 280.000 dân. Đây là nơi được Kim Nhật Thành (1912-1994) chọn đặt Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia, rồi Trung tâm nghiên cứu năng lượng nguyên tử.

silicon1

Một góc thành phố Pyongsong dành cho người nước ngoài. NK News

Pyongsong xứng đáng được mệnh danh "Silicon Valley" của Bắc Triều Tiên, bởi vì sắp tới đây, thành phố này phải vận hành hiệp sức cùng với đặc khu kinh tế Unjong, chuyên nghiên cứu về đổi mới công nghệ. Hai địa điểm chỉ nằm cách nhau vài km.

Những cơ sở nghiên cứu ở đây tuyển dụng khoảng 6.000 người. Pyongsong từng là nơi trú ngụ của "đơn vị sản xuất 16/3" : Trung tâm lắp ráp tên lửa đạn đạo, nơi chế tạo tên lửa Hwasong-15, tên lửa liên lục địa được bắn thử ngày 28/11/2017. Chiếc tên lửa tầm xa này là vũ khí tối tân nhất của Bắc Triều Tiên hiện nay, cho phép nước này tự xưng là cường quốc hạt nhân. Tuy nhiên, trung tâm lắp ráp này đã bị dỡ bỏ vào tháng 6/2018.

Tại đây, tác giả bài viết, nhà báo Philippe Pons ghi nhận, giống như tại Bình Nhưỡng, người ta không còn thấy các tấm biển tuyên truyền, thay vào đó là những dòng chữ kêu gọi hướng đến những mục tiêu kinh tế được đề ra.

Pyongsong không chỉ là một "hub" công nghệ, mà đó còn là khu chợ bán sỉ lớn nhất cho Bình Nhưỡng từ giữa những năm 1990. Tại đây người ta có thể tìm thấy đủ loại hàng hóa, từ mỹ phẩm cho đến các mặt hàng cao cấp như đồ gia dụng, linh kiện rời, hàng hóa Hàn Quốc và cả thực phẩm. Những món hàng này được vận chuyển bằng đường bộ, đường tầu hỏa hay trong những túi ba-lô do những người bán rong, nam hay nữ, khuân về từ Đan Đông, Trung Quốc.

Trước các hoạt động kinh tế và khoa học nhộn nhịp như vậy, Le Monde cho rằng Pyongsong giờ đang trở thành một trong những trung tâm của "chủ nghĩa tư bản đỏ" Bắc Triều Tiên.

2019 : Trump " độc diễn " trên trường quốc tế

Trang nhất báo Le Figaro số ra ngày 03/01/2019 có hàng tít đáng chú ý : "Năm 2019, thế giới hồi hộp trước chính sách ngoại giao khó lường của Donald Trump". Dưới áp lực trong nước, cùng với nguy cơ tái khởi động các cuộc điều tra và trước thềm kỳ bầu cử tổng thống sắp tới, tổng thống Mỹ rất có thể sẽ đưa ra nhiều quyết định bất ngờ trên trường quốc tế.

Trong bài viết có tựa đề "Năm 2019, Donald Trump làm kỵ sĩ đơn độc", Le Figaro nhận xét, với sự ra đi của James Mattis, một trong những "bảo mẫu" cuối cùng, tổng thống Mỹ giờ có thể rộng tay hành động theo ý muốn. Tờ báo nhân dịp này điểm lại một loạt các quyết định địa chính trị của ông Donald Trump trong suốt năm 2018, đưa thế giới đi từ bất ngờ này sang đến những ngỡ ngàng khác.

Những cú đánh lén

Ông bắt đầu bằng tràng tweet hung hăng đầu năm tấn công Iran (ngày 02/01/2018), được tiếp nối với dòng bình phẩm nổi tiếng có "nút bấm hạt nhân to hơn" của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (03/01)… để rồi vài tháng sau đó, tổng thống Donald Trump bất ngờ thông báo chấp nhận một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore (12/06/2018).

Không chỉ hài lòng tấn công các nước "thù nghịch", ông còn làm cho các nước đồng minh truyền thống ngã ngửa, không kịp trở tay. Ông tuyên bố rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cho dời tòa đại sứ Mỹ về đấy. Tại G7, tổng thống Mỹ không ký tuyên bố chung. Với NATO, ông kịch liệt chỉ trích các nước thành viên, đồng thời có thái độ hòa dịu với tổng thống Nga Vladimir Putin.

Để thay lời kết luận, Le Figaro trích dẫn nhận xét của Washington Post ví von cho rằng : "Nếu quý vị thích bi kịch, hãy chuẩn bị đi nhé, bởi vì, năm vừa qua chỉ mới là màn tổng dợt cho những gì sắp diễn ra".

Hoa Kỳ : Bức tường chia rẽ

Một chủ đề khác liên quan đến nước Mỹ của Donald Trump cũng được nhiều nhật báo Pháp trên trang nhất quan tâm đến : Cuộc đọ sức giữa phe dân chủ và Donald Trump. Les Echos trên trang nhất dành một góc nhỏ đề tựa "Hoa Kỳ : Bức tường gây chia rẽ". Le Monde chạy tít lớn : "Hoa Kỳ : Phe dân chủ thách thức Trump".

Nhật báo thiên tả Libération thì có bài phân tích châm biếm đề tựa "Shutdown : Donald Trump bị tước Hạ Viện ‘thân quen’". Hôm nay, Quốc Hội mới chính thức hoạt động vào lúc tình trạng "shutdown" kéo dài từ hai tuần qua. Đảng dân chủ, kiểm soát Hạ Viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ, dự định thông qua hai dự luật ngân sách nhằm đưa đất nước ra khỏi tình trạng bế tắc hiện nay.

Riêng tờ báo công giáo La Croix chú ý đến vấn đề kiểm soát vũ khí qua hàng tựa "Các dân biểu dân chủ Mỹ được trông đợi về việc kiểm soát vũ khí". Một sự trông đợi mà La Croix cho rằng khó có thể thực hiện.

Cuba "thắt bụng" mừng 60 năm cách mạng

Nhìn xuống Trung Mỹ, tờ nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết đề tựa "Cuba : Một lễ mừng 60 năm cách mạng buồn thảm vì kinh tế bị bóp nghẹt".

Tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 1%, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước, do khan hiếm thực phẩm. La Havana không thể trông cậy vào các đồng minh như Venezuela chẳng hạn cũng đang lâm vào khủng hoảng, đang vật vã cung cấp dầu hỏa cho Cuba.

Bí thư thứ nhất Đảng cộng sản Cuba Raul Castro trong bài diễn văn kỷ niệm 60 năm cách mạng thừa nhận "Kinh tế đang bị bóp nghẹt là một thách thức". Ông kêu gọi giảm những khoản chi tiêu vô ích, đa dạng hóa nguồn hàng xuất khẩu và "khuyến khích đầu tư nước ngoài".

Đây cũng là điểm thay đổi mà Cuba muốn điều chỉnh trong Hiến Pháp, sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào ngày 24/02 tới đây. Theo đó, Hiến Pháp mới thừa nhận sở hữu tư nhân, kinh tế thị trường và đầu tư nước ngoài, nhưng không từ bỏ mục tiêu xã hội "cộng sản".

Les Echos cũng nhận thấy là kinh tế Cuba trì trệ là do chính sách thù nghịch của Hoa Kỳ. Việc ông Donald Trump vào Nhà Trắng đã xóa sạch các nỗ lực xích lại gần giữa hai nước được tiến hành dưới thời tổng thống Obama. Với việc duy trì các biện pháp cấm vận kinh tế có từ năm 1962, Donald Trump tiếp tục xếp Cuba vào "trục bạo chúa", bao gồm cả Venezuela và Nicaragua.

Trung Quốc : Tập Cận Bình đầu năm dọa nạt Đài Loan

Thời sự Châu Á khá hiếm hoi trên các mặt báo. La Croix chú ý đến việc chủ tịch Trung Quốc "Tập Cận Bình lại đe dọa thống nhất Đài Loan bằng vũ lực".

La Croix nhận thấy, về mặt cơ bản, nội dung không có gì thay đổi, nhưng điều đáng chú ý là chưa bao giờ Bắc Kinh lại có một giọng điệu hiếu chiến với Đài Bắc như lần này. Tờ báo cho rằng, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc ngày càng suy yếu và năm 2019 này được dự báo đầy bất định, Tập Cận Bình muốn tác động đến tinh thần dân tộc đang nung nấu trong lòng mỗi người dân Trung Quốc mơ tưởng đến một quốc gia hùng mạnh và hợp nhất, dù phải gây chiến.

Jeanne Calment : Hơn hai mươi năm sau vẫn khuấy động giới khoa học

Cuối cùng, mục điểm báo xin khép lại với phần tin khoa học. La Croix có bài giải đáp thắc mắc đề tựa "Tuổi thọ của Jeanne Calment : Đề tài tranh cãi của giới chuyên gia".

Ba người Nga, trong đó có hai nhà khoa học, cho rằng người phụ nữ qua đời năm 1997 ở tuổi 122 ở Arles, không phải là bà Jeanne Calment, mà là con gái của bà, Yvonne. Trong khi đó, hai nhà khoa học Pháp, đã từng gặp vị trưởng lão này vào đầu những năm 1990 thì khẳng định ngược lại.

Hai nhà khoa học Nga, một người là giám đốc trung tâm xã hội chống hiện tượng lão hóa và người kia là nhà toán học, với sự trợ giúp của một nhà báo Nga, sau khi tiến hành điều tra tiểu sử, nghiên cứu lại các cuộc phỏng vấn, đối chiếu các hình ảnh (về chiều cao, mầu mắt, kiểu trán), hồ sơ lưu trữ của thành phố Arles nơi bà Calment sinh sống cũng như qua tiếp xúc nhiều nhân chứng…, khẳng định "con gái của bà Jeanne Calment, là Yvonne đã lấy nhân thân của mẹ mình" vào lúc bà qua đời.

Theo ba người Nga này, bà Calment đã qua đời năm 1934 do mắc bệnh viêm màng phổi. Mục đích của việc chiếm hữu nhân thân này là để được hưởng lợi tức trọn đời từ một hợp đồng mua bán mà bà Calment có được. Ba nhà nghiên cứu người Nga kết luận : Bà Jeanne Calment chỉ thọ có 99 tuổi chứ không phải là 122 tuổi, vốn đã được ghi vào sách kỷ lục Guiness, một kỷ lục thế giới về tuổi thọ hiện chưa ai vượt qua được.

Minh Anh

Published in Châu Á