Thu Hằng, RFI, 05/08/2022
Trong chuyến thăm Nhật Bản và trong cuộc gặp thủ tướng Fumio Kishida ngày 05/08/2022, chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tái khẳng định chuyến công du Châu Á của phái đoàn dân biểu Mỹ không thay đổi nguyên trạng đối với Đài Loan hoặc trong vùng", tuy nhiên Washington "sẽ không cho phép" Bắc Kinh cô lập Đài Loan. Trước đó, bên lề hội nghị ASEAN tại Phnom Penh, ngoại trưởng Mỹ và Nhật đã lên án các vụ bắn tên lửa của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (thứ 3 từ phải) đón tiếp chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi (áo xanh) tại phủ thủ tướng, Tokyo, Nhật Bản, ngày 05/08/2022. AP
Trong buổi họp báo ngày 05/08 tại Tokyo với thủ tướng Nhật Bản, chủ tịch Hạ Viện Mỹ không bình luận trực tiếp đợt tập trận nhiều ngày của Trung Quốc quanh Đài Loan, nhưng bà Nancy Pelosi nhấn mạnh các chính khách Mỹ cần được tự do đến Đài Loan. Còn thủ tướng Fumio Kishida đánh giá các vụ bắn thử tên lửa đạn đạo của Trung Quốc là một "vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia" của Nhật Bản.
Trước đó, hai ngoại trưởng Mỹ và Nhật Bản cũng lên án mạnh mẽ các vụ thử tên lửa của Trung Quốc trong buổi gặp ngày 04/08 tại Phnom Penh. Theo ông Antony Blinken, được đài NHK trích dẫn, việc tên lửa Trung Quốc rơi vào vùng biển gần Nhật Bản, đặc biệt là trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, là một vấn đề nghiêm trọng cho an ninh và người dân Nhật Bản. Tuy nhiên, cả hai lãnh đạo ngoại giao cũng "khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ vì hòa bình và ổn định trong vùng".
Cùng lúc Trung Quốc tổ chức tập trận lớn quanh Đài Loan, nhiều chiến hạm của Mỹ cũng đang hoạt động ở trong vùng, trong đó có đội tầu sân bay USS Ronald Reagan, đến Biển Đông từ tháng 7. Theo lệnh ngày 05/08 của tổng thống Joe Biden, đội tầu này sẽ kéo dài thời gian hoạt động so với kế hoạch, để "theo dõi tình hình", nhưng sẽ hoãn bắn thử tên lửa đạn đạo.
Phát biểu ngày 04/08, ông John Kirby, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, được trang ABC News trích dẫn, cho biết quyết định hoãn thử tên lửa Minuteman 3 là nhằm thể hiện "thái độ của một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm qua việc giảm nguy cơ tính toán sai lầm", trong bối cảnh Trung Quốc "đang tiến hành tập trận gây bất ổn quanh Đài Loan".
Thu Hằng
**********************
Phan Minh, RFI, 05/08/2022
Vụ 5 tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, khiến người dân nước này lo lắng.
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (ngoài cùng bên phải) và các thành viên chính phủ chào đón chủ tịch Hạ Viện Mỹ đến thăm Nghị Viện Nhật tại Tokyo, ngày 05/08/2022. AP - Shuji Kajiyama
Từ Tokyo, thông tín viên Bruno Duval tường thuật :
Hôm thứ Năm, 5 tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, điều chưa từng xảy ra trước đây. Một trong những tên lửa này thậm chí đã rơi chỉ cách 80 km Yonaguni, hòn đảo gần Đài Loan nhất của Nhật. Người dân Tokyo đang cảm thấy lo lắng.
Một người đàn ông cho biết : "Trung Quốc ở rất gần chúng tôi và rất hung hăng. Điều đó làm tôi rất sợ". Một người phụ nữ nói : "Tôi đã mất ngủ cả đêm, tên lửa của Trung Quốc đã rơi rất gần bờ biển của chúng tôi !"
Một người phụ nữ khác cho biết : "Chiến tranh vẫn đang diễn ra ở Ukraina và ai biết được, điều tương tự có thể sẽ xảy ra ở Đài Loan. Trong khi ngày mai sẽ là ngày kỷ niệm vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, thật đáng sợ. Khi nào loại người rất hiếu chiến này mới hiểu rằng hòa bình là thứ mà họ phải trân trọng ?"
Một người đàn ông nói : "Nhật Bản cần phải từ bỏ đường lối chủ hòa đã lỗi thời của mình và khẩn trương tái vũ trang. Nếu không, giống như Ukraina ngày hôm qua và như Đài Loan ngày mai, chúng ta sẽ bị xâm lược".
Các mạng xã hội, các bài xã luận và các chương trình tọa đàm trên truyền hình của Nhật Bản đều chỉ trích chuyến công du Châu Á của bà Nancy Pelosi. Đối với họ, chuyến đi đó đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực một cách nguy hiểm không cần thiết.
Theo một cuộc thăm dò được công bố vào giữa tháng Sáu vừa qua, 73% người Nhật Bản cho rằng Trung Quốc có thể sẽ xâm lược Đài Loan. 60% thậm chí còn lo sợ rằng một ngày nào đó đất nước của họ cũng sẽ chịu chung số phận.
Trần Công, RFI, 04/08/2022
Chiều ngày 03/08/2022, máy bay của bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Mỹ, hạ cánh tại căn cứ không quân Hoa Kỳ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, chỉ có đại sứ Hoa Kỳ và chỉ huy quân đội Hoa Kỳ tại Hàn Quốc ra đón bà Pelosi.
Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi và chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo duyệt đội quân danh dự tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 04/08/2022. AP - Lee Jung-hoon
Thông tín viên RFI Trần Công tại Seoul tường trình :
"Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc đã có một buổi họp kéo dài hơn một tiếng đồng hồ vào ngày 04/08 với bà Pelosi. Buổi họp được cho là thân thiện, và các chủ đề được thảo luận bao gồm hợp tác kinh tế và an ninh quốc phòng. Phía Hàn Quốc đã yêu cầu sự hợp tác và ủng hộ của Quốc hội Mỹ với các công ty Hàn Quốc liên quan đến các đạo luật cơ sở hạ tầng, hỗ trợ khoa học và chất bán dẫn. Sau buổi họp, hai bên đã ra một thông cáo báo chí chung tại tòa nhà Quốc hội ở Yeouido, Seoul, nhất trí tăng cường liên minh chiến lược giữa hai nước và ủng hộ nỗ lực của hai chính phủ về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Sau đó, bà Pelosi đã có cuộc điện đàm kéo dài 40 phút với tổng thống Yoon Suk-yeol vì ông này đang trong kỳ nghỉ. Cuộc điện đàm tập trung vào vấn đề hợp tác công nghệ, an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, tự do hàng hải, và vấn đề người Mỹ gốc Hàn tại các khu vực bầu cử. Ông cũng nhấn mạnh chuyến thăm của bà Pelosi là một dấu hiệu răn đe mạnh mẽ của liên minh Mỹ-Hàn đối với Triều Tiên. Một quan chức văn phòng Tổng thống cho biết "nói tổng thống và bà Pelosi không gặp nhau vì sợ Trung Quốc là vô lý, do lịch trình thăm Đài Loan của bà Pelosi được quyết định trước đó chỉ một tuần, còn lịch nghỉ của tổng thống đã được sắp xếp trước đó khá lâu".
Mặc dù vậy, việc đón tiếp mà Hàn Quốc dành cho bà Pelosi được cho là khá lạnh nhạt do không có sự đón tiếp nào từ chính phủ và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Và cũng không có một buổi gặp mặt nào giữa ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và bà Pelosi, do ông đã lên đường sang Cam Bốt để dự hội nghị các ngoại trưởng ASEAN vào chiều ngày 03/08/2022.
Chính phủ Hàn Quốc khẳng định "vẫn giữ quan điểm một nước Trung Quốc, và đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại eo biển Đài Loan và tin rằng hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là rất quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực".
Theo dự kiến, chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi cũng sẽ đến thăm Khu phi quân sự (DMZ), ranh giới phân chia hai miền Nam - Bắc Triều Tiên. Như vậy, bà Pelosi sẽ là quan chức cao cấp nhất đầu tiên trong chính quyền Biden đến thăm Khu vực An ninh chung (Joint Security Area - JSA) và làng đình chiến liên Triều Bàn Môn Điếm, kể từ sau cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un năm 2017. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol xem chuyến thăm khu vực DMZ của bà Pelosi như là "một tín hiệu răn đe mạnh mẽ giữa Mỹ và Hàn Quốc nhắm vào Bắc Triều Tiên".
Trần Công