Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hồng Kông : Luật Bắc Kinh áp đặt đe dọa "tự do ngôn luận toàn cầu"

Quyền tự trị của Hồng Kông bị Bắc Kinh tước đoạt, Đức đảm nhiệm chức chủ tịch Liên Âu vào bước ngoặt quyết định sự tồn vong của khối, tổng thống Pháp lập chính phủ mới với nhiệm vụ kép : đưa đất nước thoát khủng hoảng và chuẩn bị tái tranh cử 2022. Trên đây là chủ đề thời sự nổi bật trên các tuần báo Pháp số ra đầu tháng 7/2020.

end1

Quyền tự trị của Hồng Kông bị Bắc Kinh tước đoạt - Dale de La Rey / AFP

Đặc biệt đáng chú ý là chủ đề chính của tuần san Courrier International : niềm tin và hợp tác - cội nguồn sức mạnh của các xã hội dân chủ, vấn đề được đặt ra khẩn thiết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang làm rung chuyển tận nền móng hầu hết các xã hội phương Tây.

Hồng Kông - sau khi Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh quốc gia, đe dọa đàn áp mọi tiếng nói bất đồng - là chủ đề thời sự quốc tế số một của Courrier International tuần này. Tuần san Pháp giới thiệu bài của nữ phóng viên chuyên về Trung Quốc Louisa Lim, trên báo Anh The Guardian, với tựa đề "Hồng Kông. Bắc Kinh tước đoạt quyền cất tiếng nói phản kháng".

Quyết định gây bàng hoàng

Quyết định của Bắc Kinh áp dụng Luật an ninh quốc gia với Hồng Kông kể từ ngày 01/07/2020 gây bàng hoàng. Vì sao ?

Phóng viên Louisa Lim, người theo dõi tình hình chính trị Trung Quốc từ nhiều năm nay, ghi nhận tính chất chưa từng có của một đạo luật như vậy trên chính đất nước Trung Quốc thời cộng sản : "trong khoảng 10 năm đưa tin về Trung Quốc, tôi phát hiện ra rằng luật pháp ở đây thường là ít rõ ràng hơn là tôi tưởng. Khi xử lý các vấn đề nhạy cảm, chúng tôi thường đi qua các vùng mờ ảo, nhờ những người trả lời phỏng vấn dẫn dắt. Chính họ - trong hàng thập niên – cũng từng chọn những con đường ngoắt nghéo, quanh co trong bối cảnh chính trị nhập nhằng". Đối với Hồng Kông thì hoàn toàn khác, chỉ nội trong một hôm, một xứ sở tương đối tự do đột ngột bị đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt. "Việc không một ai trong giới lãnh đạo Hồng Kông – kể cả người đứng đầu Lâm Trịnh Nguyệt Nga – được tiếp xúc với luật này cho thấy chính quyển địa phương cũng ở trong thế bị động như thế nào…".

Tóm lại, luật mới mà Bắc Kinh áp đặt dựa trên "nỗi sợ", dựa trên việc chính quyền có độc quyền giải thích về các tội danh, tính độc lập của tư pháp Hồng Kông hoàn toàn bị tước bỏ. Với luật này, nỗi sợ hãi hiển hiện khắp nơi và cách dùng nỗi sợ để trấn áp đó của chính quyền Hoa lục đã tỏ ra rất hiệu quả. Ngay lập tức, tại Hồng Kông, nhiều tổ chức chính trị phải giải thể, lãnh đạo các phong trào dân chủ phải bỏ trốn, hàng loạt tài khoản trên các mạng xã hội phải đóng cửa.

Nếu thế giới cho qua, Bắc Kinh sẽ mở rộng đàn áp ra toàn cầu

Tuy nhiên, điều mà nhà báo kỳ cựu về Trung Quốc nêu bật trong phần kết luận của bài là : đạo luật an ninh quốc gia của Trung Quốc về Hồng Kông không chỉ liên quan đến riêng mảnh đất nhỏ bé này, mà "có ý nghĩa toàn cầu". Bởi không chỉ người dân Hồng Kông, hay những người sống tại Hồng Kông, mà theo luật mới của Trung Quốc, bất cứ ai, sống ở bất cứ đâu cũng có nguy cơ là đối tượng của luật này. Những người tham gia vào các cuộc "thảo luận về tình hình chính trị Hồng Kông, trong lớp học, trên báo chí, hay tại các nghị viện ở khắp nơi trên thế giới" đều có nguy cơ bị luật này trừng phạt. Nhà báo Louisa Lim nhấn mạnh : "Việc luật này áp dụng bên ngoài Hoa lục cho thấy đây là một sự xâm phạm đến tự do ngôn luận trên quy mô toàn thế giới. Nếu chúng ta nhắm mắt, chúng ta có nguy cơ để các hành động xâm phạm nhân quyền này áp đặt lên toàn thế giới".

Le Point tuần này có ba bài về Hồng Kông : "Hồng Kông, tấn bi kịch của chúng ta", phóng sự "Tự do bị đặt ngoài vòng pháp luật" và bài phỏng vấn nhà chính trị trẻ Hồng Kông, anh Hoàng Chi Phong. Trả lời Le Point, nhà tranh đấu Hoàng Chi Phong nhấn mạnh là "tiếp cận truyền thống của phương Tây" hy vọng hiện đại hóa, các cải cách kinh tế sẽ làm thay đổi hệ thống chính trị Trung Quốc đã hoàn toàn thất bại. Chế độ cộng sản hiện nay, dưới quyền của Tập Cận Bình, ngăn chặn mọi hy vọng cải cách, do vậy "Các nền dân chủ phương Tây cần xem xét lại tình hình và thiết lập một cơ chế vững chắc để chống lại sự bành trướng của chế độ độc tài Trung Quốc". Với việc áp đặt Luật này tại Hồng Kông, Bắc Kinh đã công khai "thách thức thế giới", tuyên chiến chống lại một "đồng thuận của cộng đồng quốc tế", dựa trên nền tảng luật pháp. 

Cho – nhận – sẻ chia : Cội rễ sức mạnh của các xã hội dân chủ

Trung Quốc tước đoạt quyền tự trị của Hồng Kông, đại dịch Covid-19 chưa hết làn sóng thứ nhất làn sóng thứ hai đã bắt đầu … Thế giới hiện nay đang đứng trước các thách thức chưa từng có từ gần thế kỷ nay. Các biến động lớn đang làm chao đảo cả nền móng của nhiều quốc gia dân chủ. Đây cũng là dịp truyền thông đặt lại các vấn đề căn bản liên quan đến sự tồn vong của các xã hội.

Niềm tin là chủ đề chính của tuần san Courrier international, với tựa lớn trang bìa "Xã hội chúng ta còn biết cách để cho nhau tin tưởng hay không ?".

Như thông lệ, ban biên tập tuần san Courrier International mở đầu số báo với lời giải thích lý do chọn chủ đề. Điều gì đã khiến ba nước Đức, Đài Loan và New Zealand thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 ? Courrier International đặc biệt chú ý đến nhận định của nhà chính trị học Mỹ Francis Fukuyama, "chìa khóa thành công" đặc biệt phụ thuộc vào khả năng của chính quyền các nước "gây dựng niềm tin trong dân chúng" (năng lực hành động nói trên, theo tác giả, không phụ thuộc vào "ranh giới cứng nhắc", đối lập triệt để hai nhóm nước được mặc định sẵn, một bên là các quốc gia dân chủ, bên kia là các nước độc tài).

"Viên ngọc quý"

Thực chất niềm tin là gì ? và làm thế nào để gây dựng được niềm tin ? Tuần san Pháp – nổi tiếng với nỗ lực đãi cát tìm vàng, chắt lọc những thông tin giá trị trong biển cả truyền thông – rốt cục vui mừng thông báo với độc giả, đã phát hiện một bài viết trên tuần báo Đức Die Zeit. Courrier International gọi đó là "một viên ngọc quý hiếm". Bài viết mang tựa đề "Chúng ta còn có thể gây dựng được niềm tin hay không ?" của nhà báo Marcus Jauer, được Courrier Internationnal dịch đăng toàn bộ trên 6 trang giấy khổ A3.

Đại dịch Covid-19 khiến toàn cầu, trước hết là hàng loạt các quốc gia phát triển với nền công nghệ, khoa học hùng hậu, với các định chế những tưởng vô cùng vững chắc, rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Nền văn minh hiện đại tưởng như đã xây dựng được một thế giới an toàn, chắc chắn, bất ngờ đối mặt với không khí bất trắc tràn ngập. Tại nhiều nơi, khủng hoảng làm dấy lên các phản kháng bất mãn, khiến khủng hoảng càng thêm trầm trọng. Theo tác giả bài viết, "phương tiện duy nhất để cắt đứt vòng xoáy tồi tệ này là gầy dựng lại niềm tin. Chỉ có điều niềm tin không thể do lệnh trên ban xuống, không do chỉ đạo".

Người đi dây Tháp đôi New York và bầy tinh tinh rừng Phi Châu

Bài viết với nhiều ý tưởng thâm trầm, chiêm nghiệm sâu xa về cội nguồn của niềm tin, vấn đề cực kỳ phức tạp, mở ra với câu chuyện về Philippe Petit, công dân Pháp 24 tuổi, người bất ngờ vượt qua khoảng trống 60 mét trên một sợi dây thép mong manh, giữa hai tầng tháp chọc trời ở New York, rạng sáng một ngày hè năm 1974. Không có gì làm nổi rõ hơn ý nghĩa và giá trị của niềm tin, khi con người đối mặt với cái bất trắc tột cùng, đối mặt với cái chết.

Thế nhưng niềm tin không chỉ là câu chuyện của mỗi cá nhân, bởi mỗi con người sở dĩ có được niềm tin do bởi lớn lên trong một cộng đồng. Nhà báo Marcus Jauer dò tìm về những cội rễ sâu xa của niềm tin ở loài người, qua một nghiên cứu độc đáo của các nhà tập tính học động vật Viện Max-Planck ở Leipzig, Đức, về đời sống của loài tinh tinh, bà con xa với giống người. Qua nhiều khảo sát tỉ mỉ và tinh tế tại một khu bảo tồn ở xứ Bờ Biển Ngà, Châu Phi, các nhà khoa học phát hiện ra rằng sở dĩ loài tinh tinh có thể tổ chức được các cuộc săn bắt phối hợp rất phức tạp, tinh vi, chính bởi trong cộng đồng tinh tinh đã có sẵn một niềm tin chung. Đó là ai cũng sẽ có phần khi bắt được thú rừng. Niềm tin sẽ được chia sẻ là cơ sở cho sự hợp tác. Cho – nhận – sẻ chia chính là cội nguồn của niềm tin.

Điều nghịch lý là, các xã hội hiện đại - vận động với tốc độ ngày càng nhanh, và có mục tiêu hướng đến kiểm soát toàn diện mọi lĩnh vực – lại đang phải đối mặt với nỗi lo hãi trước tình trạng mất an ninh, mất kiểm soát đột ngột, mà đại dịch Covid-19 là một ví dụ sống. Ảo tưởng kiểm soát mọi thứ đi liền với tình trạng bất lực thảm thương. Niềm tin giống như không khí, là thứ mà người ta chỉ cảm thấy rõ ý nghĩa vào lúc mà nó trở nên hiếm có. Theo nhà báo Marcus Jauer, đây chính là lúc con người cần trở về học lại bài học ban đầu về niềm tin.

Phương Tây tìm cách dung hoà với Thiên nhiên 

Cả L’Obs Le Point tuần này đều dành các bài viết đầu số báo cho chủ đề sinh thái. Bài "Sinh thái với thị trường", trên L’Obs, nhấn mạnh là cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh phải gắn liền với tạo ra những việc làm mới. Nhà báo Sylvain Courage của L’Obs lưu ý là, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang để lại các hệ quả kinh hoàng với xã hội, không thể để mục tiêu chống biến đổi khí hậu lấn át các mệnh lệnh hành động khác. Lối thoát duy nhất hiện nay là tìm ra được sự phối hợp giữa "hiệu quả thị trường" và "tôn trọng thiên nhiên".

Bài "Sinh thái là điều quan trọng… đến mức không thể phó thác cho các nhà sinh thái" của nhà báo Franz-Olivier Giesbert (Le Point) đặc biệt chú ý đến cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên với báo viết của tân thủ tướng Pháp Jean Castex, tập trung nói về một loạt các biện pháp cụ thể của cuộc chuyển đổi sang xã hội sinh thái (rút ngắn chuỗi cung ứng thực phẩm, chú trọng sức khỏe động vật nuôi, chống làm thoái hóa đất đai). Nhà báo Le Point thừa nhận : nền văn minh phương Tây giờ đây đã "đột ngột ngộ ra sự mong manh ghê gớm của giống người, ngược hẳn với một phần lớn của thế giới còn lại, đặc biệt ở Châu Á, nơi mà không cần đến đại dịch Covid-19, đã thường xuyên sống trong sự hòa đồng với các giống loài khác", ngược hẳn với quan điểm ở phương Tây tin tưởng loài người là "trung tâm của vũ trụ, tin tưởng rằng Chúa đã tạo ra cho chúng ta Trái đất, muông thú và cây cỏ".

Franz-Olivier Giesbert dẫn lại "câu nói tuyệt vời" của vị thủ lĩnh nổi tiếng của người da đỏ Bắc Mỹ Sitting Bull (1831-1890), một linh hồn của cuộc kháng chiến của thổ dân chống lại chính phủ Hoa Kỳ : "Thiên nhiên không phải là sở hữu của con người, mà con người thuộc về Thiên nhiên". Tuy nhiên, để có một thái độ đúng mức với cuộc chuyển hóa sang xã hội tôn trọng thiên nhiên, nhưng không cực đoan phủ nhận những giá trị của xã hội hiện đại, nhà báo Le Point mời độc giả đến với cuốn sách nhỏ của triết gia Régis Débray, Le siècle vert / Thế kỷ Xanh (vừa ra mắt đầu năm, trước đại dịch Covid-19).

 Nền độc tài toàn trị công nghệ số

Cũng liên quan đến sinh thái, nhưng trong quan hệ với công nghệ kỹ thuật số và chế độ chính trị, L’Express giới thiệu tiểu thuyết viễn tưởng vừa ra mắt : "2034", khi các tập đoàn công nghệ GAFAM thống lĩnh hết thảy". 

Lần này hiểm họa với nhân loại không đến từ Trung Quốc, mà từ trong lòng chính xã hội phương Tây. Tiểu thuyết viễn tưởng 2034 hình dung, đến năm 2034, các hậu duệ của những tập đoàn công nghệ Mỹ Gafam thao túng hành tinh. "Môi trường bị hy sinh", xã hội "quản trị theo kiểu Trung Quốc, với thông tin về cá nhân bị kiểm soát hoàn toàn", nguyên tắc lợi ích cá nhân theo kiểu mỗi người chỉ vì mình được tôn sùng, "chủ nghĩa cá nhân được đặt trên lợi ích chung». Rốt cục, một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo người Pháp và một thiếu nữ Estonia chuyên về não bộ đã hợp sức thách thức quyền lực của ba tập đoàn công nghệ số. Theo L’Express, tiểu thuyết 2034 đáng được xếp bên cạnh tiểu thuyết giả tưởng 1984 về xã hội toàn trị. Tác giả của "2034" là Christoph Victor, lãnh đạo nhật báo kinh tế Les Echos và đồng sáng lập Hội chợ triển lãm cách tân công nghệ Pháp Viva Technology.

Merkel : "thủ tướng của Châu Âu"

Việc nước Đức đảm nhiệm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu kể từ tháng này là chủ đề thời sự thứ hai của Courrier International sau Hồng Kông. Tuần san Pháp giới thiệu bài "Bà Merkel, thủ tướng của Châu Âu" trên nhật báo Đức Suddeutsche Zeitung.

Nhật báo Đức điểm lại ba khủng hoảng lớn của Liên Âu, trong thời gian bà Merkel nắm quyền : khủng hoảng tài chính tiền tệ 2008, khủng hoảng tị nạn từ Châu Phi và Cận Đông và khủng hoảng Covid-19 hiện nay. Trong ba cuộc khủng hoảng, nước Đức đều không phải là nạn nhân hàng đầu. Thủ tướng Merkel đã khéo léo chèo chống, cho nước Đức và cùng với Châu Âu. Bây giờ, với cuộc chấn hưng kinh tế Liên Âu, rất tốn kém và không chắc đã thành công, Đức là đầu tầu, số phận nước Đức kể từ đây gắn chặt với Châu Âu. Câu nói của bà Merkel, được Suddeutsche Zeitung dẫn lại như một biểu tượng : "Cái gì tốt cho Châu Âu thì cũng tốt cho nước Đức".

Nước Nga bắt đầu học cách tôn trọng thiểu số ? 

Về trưng cầu dân ý cải tổ Hiến pháp Nga, cho phép ông Putin cầm quyền thêm 2 nhiệm kỳ, tuần san Courrier International giới thiệu thêm một góc nhìn khác từ nước Nga. Bài viết trên nhật báo Moskovskij Komsomolets lưu ý : số lượng người phản đối cải tổ Hiến pháp là "một thiểu số đáng kể, không thể coi thường". Nhà báo Nga Mikhail Rostovski cho là kết quả này cho thấy người Nga giờ đây không còn sẵn sàng tin tưởng dễ dàng với lãnh đạo như trước, người cầm lái nước Nga không thể tin tưởng ông ta là người có sức mạnh toàn năng và vĩnh viễn cai trị đất nước.

Tác giả cũng cho rằng với kết quả này, người Nga sẽ học cách chung sống với các quan điểm đối lập, đa số học cách tôn trọng ý kiến của thiểu số, và thiểu số tôn trọng thẩm quyền của đa số. Tác giả dẫn lời bình luận của nữ phóng viên Nga nổi tiếng Ekaterina Vinokurova, theo đó "không nên coi những người nghĩ khác mình là kẻ thù. Không nên đòi hỏi mọi công dân phải đứng về phía bên này hay bên kia lằn ranh". Như vậy, phải chăng cuộc trưng cầu cải tổ Hiến pháp đã hé mở cho nước Nga cơ hội xây dựng một nền dân chủ đa nguyên ? Liệu nhà báo Moskovskij Komsomolets có quá lạc quan ? 

Tân thủ tướng Pháp : tâm điểm chú ý

Thời sự nước Pháp với tân chính phủ là chủ đề trang bìa của cả Le Point L’Obs. L’Obs tìm cách giải mã chiến lược trong phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống Macron, với các câu hỏi : "Chương trình tranh cử tổng thống của họ là gì, kế hoạch chính phủ đối phó với suy thoái, tân thủ tướng Jean Castex thực sự là ai ?". Về phần mình, tuần báo Le Point giễu cợt những đồn đại xung quanh vị tân thủ tướng, bị coi là kẻ vô danh tiểu tốt, người được cử lên chỉ để làm vì. Theo Le Point, trái ngược lại nhiều đồn đoán, tân thủ tướng Castex là một người có tài tổ chức, hiểu tường tận về bộ máy chính quyền, một người có sức làm việc ghê gớm.

Trọng Thành

Published in Châu Á