Mỹ, Nhật, Nam Hàn tập trận, Trung Quốc phản ứng (RFA, 11/12/2017)
Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản hôm thứ hai ngày 12/11 đã bắt đầu một cuộc tập trận chung kéo dài hai ngày nhằm tìm và phát hiện các tên lửa bắn ra từ Bắc Hàn.
Hình chụp do Bộ Quốc phòng Nam Hàn công bố hôm 6/12/2017 : máy bay chiến đấu của Mỹ bay qua Nam Hàn trong cuộc tập trận chung với Nam Hàn - AFP
Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho hay cuộc tập trận được diễn ra ở vùng nước gần bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Trong quá trình tập trận, các tàu chiến Aegis từ mỗi nước sẽ giả định phát hiện và theo dõi các tên lửa đạn đạo bắn ra từ Bắc Hàn và chia sẻ thông tin với nhau.
Cuộc tập trận diễn ra chỉ hai tuần sau khi Bình Nhưỡng cho bắn thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới và tuyên bố nước này đã trở thành quốc gia hạt nhân, gây quan ngại cho nhiều nước trên thế giới.
Hồi tuần trước, Nam Hàn và Mỹ cũng đã tiến hành một cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay để cho Bắc Hàn thấy sức mạnh của liên minh.
Cả ba nước cũng đã thúc giục thế giới phải có biện pháp cứng rắn hơn đối với Bắc Hàn nhưng chỉ nhận được phản ứng không mặn mà từ phía Nga và Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã lên tiếng chỉ trích cuộc tập trận chung giữa ba nước vì cho rằng cuộc tập trận không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực.
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói tình hình đang trong một vòng quay nguy hiểm của gây hấn và đối đầu. Nếu vòng xoay này tiếp tục thì nói sẽ dẫn đến kết quả hết sức tồi tệ và không có lợi cho bất cứ bên nào.
Trung Quốc đưa ra phản ứng này trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị cho cuộc gặp với Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-In ở Bắc Kinh vào giữa tuần này, nhằm tìm cách giảm căng thẳng giữa hai nước liên quan đến việc Nam Hàn cho Mỹ triển khai hệ thống chống tên lửa trên đất Hàn.
Tại Moscow, Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang bước vào giai đoạn nóng bỏng.
Ông Lavrov đưa ra phát biểu này sau cuộc gặp ba bên giữa Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Ông cũng cho biết cả ba nước đều không muốn thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên căng thẳng hơn nữa.
Cũng trong ngày thứ hai, 11/12, Tham mưu trưởng quân đội nga, Tướng Valery Gerasimov lên tiếng cảnh báo cuộc tập trận giữa Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản chỉ làm gây thêm lo ngại và tạo bất ổn cho khu vực.
Ông đưa ra phát biểu này ngay trước cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Odonera ở Tokyo.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 11/12 cho biết cả Nga và Trung Quốc đều phản đối Mỹ triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD trên đất Nam Hàn.
Trung Quốc đặc biệt lo ngại hệ thống radar này có thể theo dõi sâu vào lãnh thổ của nước này.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết nước này đã bắt đầu một cuộc tập trận chống tên lửa chung với Nga ở Bắc Kinh. Tuyên bố của Bộ này cho biết cuộc tập trận không nhắm vào bất cứ nước thứ ba nào.
********************
Căng thẳng Trung Quốc, Đài Loan gia tăng sau chuyến thăm của tàu chiến Mỹ (RFA, 11/12/2017)
Trung Quốc đe dọa sẽ xâm chiếm Đài Loan ngay khi tàu chiến Hoa Kỳ thăm viếng đảo quốc này.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vẫy tay từ tàu ngầm Sea Taiger ở căn cứ hải quân Tsoying ở Cao Hùng, miền nam Đài Loan hôm 21/3/2017 - AFP
Đe dọa được ông Lý Khắc Tân (Li Kexin), một nhà ngoại giao cao cấp của đại sứ quán Trung Quốc ở Washington DC đưa ra hôm thứ 6 vừa qua, ngày 8 tháng 12 năm 2017, nói thêm rằng ông đã nói với các quan chức Mỹ rằng Bắc Kinh sẽ kích hoạt Luật chống ly khai, cho phép Bắc Kinh sử dụng vũ lực ở Đài Bắc nếu thấy cần thiết để ngăn chặn việc hòn đảo này tách ra khỏi Hoa Lục, nếu phía Hoa Kỳ gửi các tàu hải quân tới Đài Loan.
"Ngày mà tàu Hải quân Hoa Kỳ đến Cao Hùng (Kaohsiung) là ngày mà Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa sẽ thống nhất Đài Loan bằng quân sự", giới truyền thông Trung Quốc cuối tuần qua trích lời ông Lý khi nhắc về xứ cảng Đài Bắc.
Đáp trả phát ngôn của ông Lý, Bộ Ngoại giao Đài Loan vào cuối ngày thứ Bảy cho biết rằng chính quyền Trung Quốc một mặt muốn chinh phục cảm tình của Đài Bắc, nhưng mặt khác Bắc Kinh cũng đã nhiều lần lặp lại những lời đe dọa khiến người dân xứ Đài bị tổn thương.
Tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Đài Loan nói thêm : "Những phương pháp này cho thấy sự thiếu hiểu biết về ý nghĩa thực sự của hệ thống dân chủ và cách hoạt động của xã hội dân chủ".
Từ trước đến nay, Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một tỉnh ly khai của Hoa Lục và thường xuyên cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực để thống nhất đất nước.
Hoa Kỳ mặc dù không có quan hệ đồng minh với Đài Loan nhưng bị ràng buộc bởi luật pháp để giúp Đài Bắc tự bảo vệ mình.
*********************
Trung Quốc dọa tấn công Đài Loan "ngày chiến hạm Mỹ ghé thăm" (RFI, 10/12/2017)
Người đưa ra lời đe dọa này là Lý Khắc Tân, nhân vật số hai của sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ : "Ngày chiến hạm Mỹ đến quân cảng Cao Hùng là ngày quân đội Trung Quốc tấn công Đài Loan". Theo AP, tình hình Châu Á có thêm dấu hiệu căng thẳng với thái độ cường điệu của Trung Quốc trước chương trình giao lưu hải quân Mỹ với Đài Loan.
Cuộc điện thoại của tổng thống Đài Loan với Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump từng khuấy động quan hệ Mỹ-Trung. Ảnh do văn phòng tổng thống Đài Loan cung cấp cho Reuters.
Trong một cuộc nói chuyện với 200 sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ và có mời một số kiều dân Đài Loan và báo chí, công sứ Lý Khắc Tân (Li Ke Xin) tuyên bố là nếu Hoa Kỳ vi phạm "đạo luật chống ly khai của Trung Quốc" ban hành từ năm 2005, nếu cho tàu chiến cặp bến cảng Đài Loan.
Theo trích dẫn của báo Đài Loan Liberty Times, thì nhân vật số hai của của sứ quán Trung Quốc tại Mỹ tuyên bố như sau : "Ngày hải quân Mỹ đến cảng Cao Hùng, cũng là ngày Giải Phóng Quân Trung Quốc thống nhất Đài Loan bằng quân sự".
Theo ông Lý Khắc Tân, quyết định chung Mỹ-Đài Loan tổ chức cho hải thuyền thăm viếng lẫn nhau là vi phạm đạo luật "Phản phân ly quốc gia pháp" của Trung Quốc, ban hành năm 2005 sau khi ông Trần Thủy Biển, lãnh đạo đảng Dân Tiến, đắc cử tổng thống Đài Loan.
Chương trình thăm viếng này được Quốc Hội Mỹ thông qua gần đây. Bộ Ngoại Giao Đài Loan thẩm định những lời tuyên bố mang tính đe dọa của một viên chức Trung Quốc chỉ gây xúc phạm đến tình cảm của nhân dân Hoa Lục và Đài Loan, không hữu ích gì cho nỗ lực cải thiện quan hệ hai bờ eo biển.
Trong khi đó, Alexander Hoàng, chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc đại học Tam Cương, Đài Loan cho rằng tuyên bố trên đây của viên công sứ Trung Quốc là nhắm vào dư luận nội bộ. Bắc Kinh thừa biêt không có phương tiện để cản trở Quốc Hội Mỹ ủng hộ Đài Bắc nên dùng lời đe dọa để đánh phá nỗ lực của những người có cảm tình với Đài Loan.
Hãng AP lưu ý thêm là Trung Quốc cũng tăng cường sức mạnh và hiện diện quân sự tại Biển Đông kể cả xây dựng thêm quân cảng và phi trường.
Tú Anh