Sam Rainsy quyết quay về Campuchia ngày 9/11 dù có thể bị bắt (VOA, 06/11/2019)
Ông Sam Rainsy, người sáng lập đảng đối lập Campuchia hiện đang sống lưu vong, hôm 6/11 cho biết ông sẽ trở lại Campuchia vào ngày 9/11 để đối mặt với việc bị bắt giữ giữa lúc đang diễn ra cuộc đàn áp của chính quyền Phnom Penh đối với các thành viên trong đảng của ông, theo Reuters.
Ông Sam Rainsy và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha.
Ông Rainsy, cựu bộ trưởng tài chính, tuyên bố sẽ quay trở lại để lãnh đạo các cuộc biểu tình chống lại sự cai trị độc đảng của Thủ tướng Hun Sen, người mà ông gọi là "một nhà độc tài tàn bạo".
Việc ông trở về có thể bị Thái Lan cản trở, khi mà thủ tướng nước này nói rằng ông sẽ không được phép nhập cảnh trên đường về Campuchia.
Hôm 6/11, ông Rainsy đăng trên Twitter vé máy bay của ông chặng từ Paris đến Bangkok, từ đó ông sẽ đi đến biên giới Thái Lan-Campuchia. Ông Hun Sen đã ra lệnh cho các hãng hàng không không cho phép ông Rainsy đáp các chuyến bay vào Phnom Penh.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm 6/11 nói ông không thể cho phép có sự can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia, cũng là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
"Theo cam kết của chúng tôi với ASEAN, chúng tôi sẽ không cho phép một người chống chính phủ sử dụng Thái Lan cho hoạt động này", ông Prayuth nói với các phóng viên khi được hỏi về ông Sam Rainsy.
Thủ tướng Hun Sen đã cáo buộc phe đối lập ủng hộ một cuộc đảo chính, và chính phủ của ông đã bắt giữ ít nhất 48 nhà hoạt động thuộc đảng đối lập bị cấm hoạt động trong năm nay.
Ông Sam Rainsy đã trốn sang Pháp 4 năm trước sau khi bị kết án hình sự vì tội bôi nhọ. Ông cũng phải đối mặt với án tù 5 năm trong một vụ án khác.
**************
15 người chết trong vụ tấn công ở miền nam Thái Lan (RFI, 06/11/2019)
Có ít nhất 15 người thiệt mạng trong vụ tấn công vào hai trạm kiểm soát ở miền nam Thái Lan tối qua. Quân đội Thái hôm nay 06/11/2019 cho rằng thủ phạm là phe Hồi giáo ly khai.
Cảnh sát và quân đội Thái tại hiện trường vụ nổ súng. Ảnh tại tỉnh Yala, miền nam Thái Lan, ngày 6/11/2019. Reuters/Surapan Boonthanom
Từ Bangkok, thông tín viên Carol Isoux tường trình :
"Các hung thủ núp trong một khu rừng cao su, loại cây được trồng nhiều nhất trong vùng, đã nổ súng vào trạm kiểm soát do các nhân viên dân sự phụ trách vào khoảng 11 giờ rưỡi khuya hôm qua. Có 12 người chết tại chỗ, ba người khác tử vong ở bệnh viện, và một số người bị thương.
Sự kiện này đã làm nổi rõ sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa những người dân theo đạo Phật và đạo Hồi ở miền nam Thái Lan, với sự hình thành các lực lượng dân quân vũ trang. Thường thì các vụ tấn công tập trung vào những mục tiêu quân sự và các biểu tượng của Nhà nước.
Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất trong cuộc khủng hoảng đã làm gần 7.000 người chết kể từ năm 2004. Quân đội cáo buộc phe Hồi giáo ly khai là thủ phạm, nhưng cảnh sát ghi nhận bên cạnh xung đột chính trị, các sát thủ dùng súng thường liên can đến nạn buôn người và buôn ma túy tại vùng biên giới với Malaysia".
Thụy My
******************
Biển Đông : Manila tố cáo Trung Quốc bắn hỏa Châu dọa phi cơ Philippines (RFI, 06/11/2019)
Điều trần trước Hạ Viện Philippines, lãnh đạo ngành tình báo quân sự Philippines hôm qua 05/11/2019 đã tố cáo việc lực lượng Trung Quốc trên các đảo nhân tạo ở vùng Trường Sa đã bắn pháo sáng cảnh cáo phi cơ Philippines tuần tra trong khu vực. Phản ứng trước thông tin này, ngoại trưởng hôm nay 06/11 tỏ ra thận trọng, cho biết là ông chờ xác minh rõ vụ việc trước khi phản đối.
Ảnh minh họa : Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tại hội nghị bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc tại Bangkok ngày 31/07/2019.Lillian SUWANRUMPHA / AFP
Theo nhật báo Philippine Star, phát biểu trước Ủy Ban Quốc Phòng và An Ninh Hạ Viện Philippines, tướng Reuben Basiao, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines phụ trách tình báo, đã xác nhận việc Bắc Kinh gia tăng đáng kể các hoạt động nhằm áp đặt yêu sách chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.
Tướng Basiao nói rõ : "Gần đây Bắc Kinh đã cho bắn pháo sáng (còn gọi là hỏa Châu) lên cảnh cáo máy bay Philippines tuần tra ở vùng này, và từ tháng Giêng đến tháng 6/2019, đã có sáu vụ như vậy được ghi nhận".
Theo lãnh đạo ngành quân báo Philippines, trong cùng một giai đoạn, Trung Quốc cũng đã triển khai 17 tầu nghiên cứu trong vùng biển của Philippines.
Các hành vị của Trung Quốc nhằm cản trở các nhiệm vụ tuần tra, luân chuyển lực lượng cũng như tiếp tế cho các đơn vị Philippines trên vùng biển của mình. Tướng Basiao khẳng định Trung Quốc là nước hung hăng nhất trong các nước tranh chấp ở Biển Đông.
Những cáo buộc của tướng Basiao đã được báo chí Philippines loan tải rộng rãi. Tuy nhiên, phản ứng của ngoại trưởng nước này lại rất thận trọng.
Trong một tin nhắn Twitter ngày hôm nay, ông Teodoro Locsin Jr khẳng định sẽ gởi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc một khi cơ quan tình báo quốc gia Philippines NICA xác nhận vụ việc.
Ngoại trưởng Philippines cho rằng ông không tin vào các nguồn tin dân sự vì "họ nói dối như cuội (nguyên văn : "như họ thở")", mà chỉ tin vào cơ quan tình báo quốc gia NICA mà thôi vì "chỉ có thể tin vào việc quân đội nói sự thật mà thôi".
Hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ : 28 cơ quan, tổ chức Trung Quốc bị Mỹ xếp vào danh sách đen (RFI, 08/10/2019)
Hoa Kỳ xếp 28 cơ quan chính phủ và tổ chức kinh tế của Trung Quốc vào danh sách đen. Hôm qua 07/10/2019, trong một thông cáo, bộ Thương mại Mỹ khẳng định 28 cơ quan, tổ chức nói trên có liên quan đến chiến dịch trấn áp nhắm chủ yếu vào tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi.
Ảnh minh họa : Một trại gọi là cải huấn ở Đạt Phản Thành (Dabancheng) Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh 4/09/2018. Reuters/Thomas Peter/File Photo
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhấn mạnh : "Chính phủ Hoa Kỳ và bộ Thương mại không thể và sẽ không dung thứ cho hành động đàn áp thô bạo các tộc người thiểu số khắp nơi tại Trung Quốc". 28 cơ quan, tổ chức của Trung Quốc sẽ không được phép nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Ngoài ra, biện pháp trừng phạt của Washington cũng khiến Trung Quốc không thể dùng các công nghệ của Mỹ để đàn áp các tộc người thiểu số vốn không có khả năng tự vệ.
Theo AFP, chính phủ Mỹ cho biết trong số các cơ quan, tổ chức bị Washington xếp vào danh sách đen, có 8 đơn vị kinh tế, còn lại là các cơ quan chính phủ Trung Quốc, trong đó có Văn phòng Công An tỉnh Tân Cương. Trong số các doanh nghiệp bị Mỹ nhắm tới, có công ty Hikvision chuyên về caméra giám sát, các doanh nghiệp Megvii Technology và Sense Time trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo …
Thông cáo của bộ Thương mại Mỹ nói rõ là các cơ quan tổ chức nói trên đã tham gia vào việc triển khai chiến dịch đàn áp của chính quyền Trung Quốc, bắt giữ người một cách ồ ạt và vô cớ, dùng công nghệ cao để theo dõi, giám sát người dân. Theo nhiều chuyên gia và tổ chức bảo vệ nhân quyền, tỉnh Tân Cương là nơi có các trại tập trung giam giữ hàng triệu người Hồi giáo, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ.
Thông cáo của bộ Thương mại Mỹ được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày thứ Năm 10/10/2019, theo dự kiến Washington và Bắc Kinh sẽ nối lại đàm phán, nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại toàn phần để chấm dứt cuộc chiến thuế quan kéo dài hơn một năm giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Thùy Dương
*******************
Thái Lan : Quân đội tố cáo đối lập là "phản loạn" (RFI, 06/10/2019)
Nhiều lãnh đạo đối lập và giảng viên đại học phải đối mặt với những cáo buộc phản loạn từ quân đội. Nguyên nhân là vì những người này dám nhắc đến khả năng phân thêm quyền cho vùng phía nam luôn trong tình trạng xung đột.
Ông Thanathorn Juangroongruangkit, lãnh đạo đảng Future Forward Party, Bangkok, Thái Lan, ngày 06/04/2019.© Reuters/Athit Perawon
Miền nam Thái Lan là nơi diễn ra một cuộc xung đột ít ai biết đến giữa cộng đồng người Hồi giáo chiếm đa số và chính quyền theo Phật giáo. Từ khoảng 15 năm qua, cuộc xung đột này đã làm cho gần 7.000 người thiệt mạng.
Nhiều nhân vật đối lập, trong đó có ông Thanathorn Juangroongruangkit, hay được truyền thông chú ý, lãnh đạo giới trẻ Thái Lan, đã có một cuộc tranh luận công khai. Tại những buổi thảo luận này, họ kêu gọi hiệu chỉnh Hiến Pháp hiện nay cho phép vùng này nhiều quyền tự trị hơn.
Thanathorn không có mối liên hệ đặc biệt nào với vùng phía nam rối loạn, nhưng ông dùng chủ đề sửa đổi Hiến Pháp như một vũ khí đấu tranh nhằm làm giảm bớt quyền lực trao cho quân đội.
Với thắng lợi của những cựu quân nhân trong kỳ bầu cử cách đây vài tháng, gọng kềm dường như ngày càng siết chặt đối với phe ly khai theo đạo Hồi. Hôm thứ Sáu, 04/10/2019, một thẩm phán đã tìm cách tự sát trong phòng xét xử sau khi bị gây áp lực, theo như ông nói, buộc ông kết án những thanh niên nổi dậy.
RFI tiếng Việt
***************
Thủ tướng Campuchia dọa triển khai quân nếu thủ lĩnh phe đối lập về nước (VOA, 07/10/2019)
Hôm 07/10, Thủ tướng Campuchia dọa sẽ triển khai quân đội nếu các nhà lãnh đạo và những người ủng hộ đảng đối lập chính trở lại vào tháng tới trong một diễn biến mà ông coi là một âm mưa đảo chính, theo Reuters.
Thủ tướng Campuchia Hen Sen thăm Việt Nam ngày 04/10/2019.
Trước đó, ông Sam Rainsy, người sáng lập Đảng Cứu nguy Quốc gia Campuchia (CNRP) bị giải thể, hiện sống lưu vong ở nước ngoài, tuyên bố sẽ trở về vào ngày 9/11, trong khi ít nhất 30 nhà hoạt động thuộc đảng từng do ông lãnh đạo đã bị bắt giữ trong năm nay và bị chính quyền Hun Sen buộc tội có âm mưu lật đổ chính quyền.
Trong một buổi lễ tại thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen nói rằng sự trở lại của ông Rainsy, sẽ là một "sự xâm phạm bởi các lực lượng tìm cách lật đổ chính phủ" của ông.
Ông Rainsy từng kêu gọi một cuộc nổi dậy chống lại ông Hun Sen, một nhà lãnh đạo lâu năm của Campuchia.
Ông Hun Sen nói rằng nếu các nhà lãnh đạo phe đối lập và những người ủng hộ trở lại, những tuyên bố như vậy có nghĩa là quân đội phải bắt đầu triển khai và sử dụng các loại vũ khí.
"Tấn công bất cứ nơi nào họ bị phát hiện, không cần phải chờ lệnh bắt giữ hay không", ông nói. "Những người ủng hộ cũng sẽ bị bắt bất cứ khi nào họ bị phát hiện".
Hôm 07/10, ông Rainsy cho Reuters biết rằng việc tìm cách lật đổ ông Hun Sen là hợp pháp vì đảng CNRP đã bị giải thể và ông Hun Sen không sẵn sàng tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng trong tương lai.
"Nổi dậy là lựa chọn duy nhất còn lại cho các nhà dân chủ Campuchia để mang lại một sự thay đổi dân chủ", ông Rainsy nói với Reuters qua email.
Ông Rainsy cho biết, ông sẽ trở lại Campuchia vào ngày 9/11, sau 4 năm sống lưu vong ở Pháp sau khi bị kết án hình sự vì tội phỉ báng với án phạt 1 triệu đôla. Ông cũng phải đối mặt với án tù 5 năm trong một vụ án khác.
*******************
Tổng thống Philippines thú nhận mắc bệnh "mắt to mắt nhỏ" (RFI, 07/10/2019)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiết lộ ông mắc chứng nhược cơ (myasthénia) tự miễn dịch, một chứng bệnh liên quan đến thần kinh, có thể biến chứng nghiêm trọng. Theo phủ tổng thống Philippines, ông Duterte còn cho biết là bệnh này - gọi nôm na là bệnh "mắt to mắt nhỏ" - đã tác động lên mắt của ông.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) viếng mộ liệt sĩ vô danh, Moskva, 4/10/2019.Yuri Kadobnov/Pool via Reuters
Trong cuộc gặp gỡ cộng đồng người Philippines hôm 05/10/2019, nhân chuyến thăm Nga, ông Duterte xác nhận ông bị bệnh nhược cơ, và cho biết thêm : "Một mắt của tôi nhỏ hơn mắt còn lại, và nó tự xoay tròng… Đó là bệnh nhược cơ, một loại rối loạn (chức năng) thần kinh. Tôi bị di truyền từ ông nội tôi".
Theo Viện Y Tế Quốc Gia Mỹ (NIH), bệnh nhược cơ gây nên tình trạng yếu cơ và có thể làm sụp mi mắt, giảm thị lực cũng như yếu cơ bắp, mỏi ngón tay. Có đến 20% người mắc bệnh này bị "lên cơn" khiến họ phải dùng máy trợ thở.
Ông Duterte không cho biết chi tiết về khả năng ông bị nặng nhẹ ra sao, trong lúc chính quyền thông tin rất ít về sức khỏe của tổng thống và thường xuyên khẳng định tình trạng của ông vẫn tốt.
Từ ngày lên làm tổng thống vào năm 2016, vấn đề sức khỏe của lãnh đạo Philippines đã 74 tuổi này luôn luôn được đặt ra. Việc ông đôi khi bỏ họp, cũng như thường hay nói về tình trạng mệt mỏi của bản thân lại càng làm dấy lên những tin đồn.
Trọng Nghĩa
"Trung Quốc và Việt Nam đang chia nhau kiểm soát Cam Bốt" (RFI, 06/12/2017)
Chủ Nhật 03/12/2017, ông Sam Rainsy, cựu lãnh đạo đối lập Cam Bốt hiện đang lánh nạn tại Pháp đã dành cho phóng viên ba cơ quan truyền thông tại Paris là RFI, TV5 và báo Le Monde một cuộc phỏng vấn dài. Trong buổi nói chuyện này, ông lần lượt đưa ra các nhận xét về tình hình nền dân chủ đất nước, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và mối quan hệ láng giềng phức tạp mà Cam Bốt đang duy trì với Việt Nam cũng như là Thái Lan.
Cựu lãnh đạo đối lập Cam Bốt, Sam Rainsy. RFI/Khmer
Cuộc phỏng vấn diễn ra tại trụ sở của đài Radio France Internationale với sự tham gia của các phóng viên Françoise Joly (TV5 Monde), Christophe Ayad (báo Le Monde) và Sophie Malibeaux (RFI).
Trước tiên, ông Sam Rainsy nhìn nhận Thỏa thuận Paris năm 1991 đã cho phép tái lập hòa bình và trong một chừng mực nào đó là tiến trình dân chủ hóa tại Cam Bốt. Tuy nhiên, ông cũng lấy làm tiếc là cộng đồng quốc tế, dưới sức ép của Trung Quốc, đã không đưa thuật ngữ "diệt chủng" vào trong thỏa thuận, để lên án Khmer Đỏ thảm sát hàng triệu người Cam Bốt dưới thời Pol Pot.
Thời gian gần đây, tình hình chính trị Cam Bốt có những biến đổi nhanh chóng. Đảng đối lập bị giải thể, lãnh đạo Kem Sokha bị khởi tố vì tội phản quốc với cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, bản thân ông Sam Rainsy cũng phải chạy trở về Pháp sống lưu vong..., nhưng ông vẫn hy vọng mọi việc sẽ có thay đổi. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định tạm thời chưa trở về nước vì e sợ cho sự an toàn của chính bản thân.
Hoa Kỳ từng cam kết hỗ trợ tài chính cho Cam Bốt để tổ chức bầu cử lập pháp, dự kiến diễn ra vào tháng 7/2018. Thế nhưng, trước những diễn biến gần đây, Nhà Trắng thông báo ngưng chương trình hỗ trợ này. Câu hỏi đặt ra liệu đấy có là một phương pháp tốt hay là nên làm như Pháp và Anh Quốc là chỉ lên án mà không trừng phạt ?
Về điểm này, ông Sam Rainsy cho rằng phương Tây không nên chỉ dừng ở việc lên án mà còn phải đi xa hơn. Chẳng hạn như không nên hỗ trợ cơ quan bầu cử mà ông cho là vô nghĩa. Đối với ông, một cuộc bầu cử mà không có đối lập là một trò hề. Hơn nữa, phương Tây nên có nhiều áp lực dưới nhiều hình thức nhắm vào cá nhân các lãnh đạo : từ chối cấp visa nhập cảnh, tịch biên tài sản có được tham nhũng, từ buôn lậu, phá rừng...
Cựu lãnh đạo đối lập Cam Bốt cho rằng nhiều hồ sơ quốc tế lớn như Afghanistan, Iraq, Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên đã khiến cộng đồng quốc tế lơ là với Cam Bốt. Theo ông, Cam Bốt tuy nhỏ bé, nhưng cũng đáng để quốc tế dành chút sự quan tâm do việc Phnom Penh đang đi dần theo quỹ đạo của Bắc Kinh. Một việc mà ông Sam Rainsy đánh giá là có thể để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng cho hòa bình khu vực.
Đây cũng là điểm được các phóng viên RFI, TV5 và Le Monde đặc biệt quan tâm, muốn biết quan điểm của Sam Rainsy về việc Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế, tài chính và nhà đầu tư hàng đầu tại Cam Bốt, trong khi mà ảnh hưởng của Việt Nam lên xứ Chùa Tháp này vẫn chưa hề suy giảm.
RFI Tiếng Việt xin lược dịch lại một phần phỏng vấn liên quan đến mối quan hệ phức tạp mà Cam Bốt đang duy trì với Việt Nam và Trung Quốc.
RFI, TV5, Le Monde : Thủ tướng Hun Sen mới đây có chuyến thăm Bắc Kinh. Phải chăng mối quan hệ ưu tiên này sẽ giúp Cam Bốt thoát được mọi áp lực đến từ Châu Âu và Mỹ ?
Sam Rainsy : Tôi nghĩ là mối quan hệ nhân – quả sẽ như sau : Bởi vì Hun Sen đã vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, ông ấy đã cho giải tán đảng đối lập, Cam Bốt không còn là một nền dân chủ. Hun Sen bị phương Tây lên án và cảm thấy bị cô lập nên ông ấy không còn lựa chọn nào khác là xích lại gần và tìm cách dựa vào Trung Quốc. Một kịch bản gần giống như dưới thời Pol Pot. Khmer Đỏ đã giết chết hàng triệu người dân. Dĩ nhiên họ bị cả thế giới cô lập, ngoại trừ Trung Quốc, vốn dĩ không màng đến chuyện nhân quyền.
RFI, TV5, Le Monde : Trung Quốc là do độc đảng cai trị. Phải chăng Hun Sen cũng đang hướng theo mô hình này ?
Sam Rainsy : Chính xác. Trung Quốc dường như mang đến cho Hun Sen cùng một kiểu mô hình. Nhưng có một điểm khác biệt. Bởi vì Trung Quốc có một mô hình chủ nghĩa chuyên chế "khai sáng", còn tại Cam Bốt chủ nghĩa chuyên chế của Hun Sen là "ngu muội" (…).
Nghĩa là tại Trung Quốc các nhà lãnh đạo họ có học thức hơn, nội bộ đảng có sự thống nhất, và cứ mỗi 5 hay 10 năm thì lãnh đạo thay đổi. Trong khi đó, Hun Sen cầm quyền từ 32 năm nay, đảng của ông lãnh đạo đất nước từ 38 năm qua. Chẳng có một sự đổi mới gì cả. Và ông ấy cũng không chấp nhận bất cứ ý kiến thay đổi nào. Đấy chẳng phải ngu muội là gì.
RFI, TV5, Le Monde : Ở đây có một sự nghịch lý. Trong các chiến dịch tranh cử, nhất là vào năm 2013, ông đã cáo buộc chính quyền Pnom Penh lúc bấy giờ là thần phục, là bị Việt Nam mua chuộc. Nhưng giờ đây ông lại cáo buộc Hun Sen thần phục Trung Quốc. Điều này không mấy tương thích. Bởi vì Bắc Kinh và Hà Nội gần như đang đối đầu nhau, chủ yếu trong hồ sơ Biển Đông. Vậy chính quyền Cam Bốt hiện nay là thần phục ai, Trung Quốc hay là Việt Nam ?
Sam Rainsy : Hun Sen hiện đang đánh đu giữa hai phe. Đây là một trò nguy hiểm. Ông ấy đang tìm cách dàn xếp với cả hai bên. Nhưng vì do cố đánh đu giữa hai phía nên sẽ có ngày ông ấy ngã đau. Cựu hoàng Norodom Sihanouk đã từng cho là Cam Bốt nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng điều này nguy hiểm. Bởi vì một khi căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh gia tăng, vị thế của Hun Sen sẽ khó mà giữ được.
RFI, TV5, Le Monde : Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông thường cáo buộc người Việt Nam là đến cướp công ăn việc làm, phá rừng tại Cam Bốt. Phải chăng đất nước của ông đang chịu một hình thức xâm chiếm nào đó từ Việt Nam ? Liệu những phát biểu đó mang tính chất dân tộc chủ nghĩa, thậm chí là bài người Việt của ông có thể dẫn đến bạo động hay không ?
Sam Rainsy : Không hẳn như thế. Người Cam Bốt là một dân tộc hiếu hòa. Từ hơn 20 năm qua chưa bao giờ có những hành động bạo lực xuất phát từ tình trạng phân biệt chủng tộc cả. Nhưng có một dạng bạo động chính trị dai dẳng mãnh liệt. Ở đây tôi muốn nói là Trung Quốc và Việt Nam đang chia nhau kiểm soát Cam Bốt.
Hà Nội kiểm soát Pnom Penh chủ yếu trên phương diện quân sự, bởi vì có rất nhiều cố vấn quân sự Việt Nam nhan nhản khắp nơi. Hà Nội còn triển khai cả một đội quân quan trọng nằm dọc theo biên giới và tại một số vùng thuộc Cam Bốt. Do đó, ảnh hưởng Việt Nam về mặt quân sự lên Cam Bốt là điều không thể chối cãi.
Ngược lại, Trung Quốc lại có tầm ảnh hưởng tài chính đáng kể. Đó là nhà đầu tư lớn nhất. Trên bình diện chính trị, Hun Sen ngày càng xích lại gần với Bắc Kinh hơn. Ông đã phá vỡ tình liên đới của khối ASEAN trong tranh chấp Biển Đông và ông ấy đã ủng hộ Trung Quốc để cho nước này không tôn trọng Công ước Quốc tế về luật biển.
RFI, TV5, Le Monde : Theo ông đâu là giải pháp cho Cam Bốt ? Ngoảnh mặt với cả Trung Quốc lẫn Việt Nam ?
Sam Rainsy : Không phải. Giải pháp duy nhất có thể nhắm đến là một nước Cam Bốt trung lập và độc lập. Cam Bốt phải thoát khỏi tầm ảnh hưởng tai hại từ Việt Nam cũng như là Trung Quốc.
RFI, TV5, Le Monde : Liệu Cam Bốt có thể thoát được cuộc chơi tranh giành ảnh hưởng của những nước lớn đó hay không ?
Sam Rainsy : Trong chính trị nên biến những gì cần thiết thành điều có thể.
RFI, TV5, Le Monde : Hoa Kỳ phải có phản ứng như thế nào đối với Cam Bốt ?
Sam Rainsy : Trong khu vực này hiện nay đang có những biến đổi sâu sắc về địa chính trị. Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đồng minh. Họ làm đồng minh với nhau là để chống Trung Quốc. Điều đó đã làm thay đổi diện mạo khu vực. Khi Cam Bốt phải khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế để tồn tại và bảo vệ nền độc lập và chủ quyền quốc gia, thì cũng nên tính đến diện mạo địa chính trị này.
RFI, TV5, Le Monde : Như vậy là những phát biểu của ông nhắm vào Việt Nam có thể bị chuyển hướng ?
Sam Rainsy : Nó có khả năng bị chuyển hướng nếu như tình hình chính trị có tiến triển. Như vậy, lập trường của chúng tôi và những phát biểu của chúng tôi cũng phải thay đổi theo để bảo vệ bằng mọi giá các lợi ích quốc gia.
RFI, TV5, Le Monde : Nhưng hiện nay đất nước của ông không có chiến tranh. Có thể chính vì vậy mà quốc tế không nói đến gì nhiều về Cam Bốt, bởi vì trong trước mắt Cam Bốt đang trong một thế cân bằng tạm thời với các nước láng giềng có đường biên giới chung như Thái Lan, Việt Nam. Tất cả đều cho thấy có sự cân bằng bấp bênh ?
Sam Rainsy : Có một cuộc chiến mà không ai nói đến đó là cuộc chiến mà Hun Sen đang tiến hành chống lại chính người dân của mình. Cam Bốt tiêu tốn nhiều kinh phí cho an ninh quốc gia, nhưng trên thực tế, binh sĩ Cam Bốt không được bố trí dọc theo các vùng biên giới mà được huy động để trấn áp người dân. Tình trạng này cần phải được quan tâm đến sao nền dân chủ lấy lại được quyền tại Cam Bốt.
RFI tiếng Việt
*************************
Cựu lãnh đạo đối lập Campuchia có thể bị kiện tội phản quốc (RFA, 06/12/2017)
Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào ngày 6/12 lên tiếng cáo buộc cựu lãnh đạo đảng đối lập ông Sam Rainsy tội phản quốc.
Cựu lãnh đạo phe đối lập Campuchia, ông Sam Rainsy (phải) tại Tokyo ngày 10 tháng 11 năm 2015. AFP photo
Trước đó một ngày, vào hôm 5/12, ông Sam Rainsy đã đăng tải một đoạn video lên Facebook kêu gọi binh lính Campuchia không nên tuân lệnh chính phủ giết hại dân thường.
Ông Rainsy nói với những người ủng hộ ông ở Paris, Pháp rằng trên thế giới các lực lượng vũ trang không được nghe lời những kẻ độc tài để giết hại người dân. Ông nói rằng ông Hun Sen không phải là bất tử và mọi người không được bảo vệ ông ấy.
Đáp lại lời kêu gọi của ông Sam Rainsy, Thủ tướng Campuchia cho biết quân đội sẽ kiện ông Rainsy vì tội phản quốc vì đã kích động binh lính không tuân lệnh.
Ông Sam Rainsy hiện đang sống lưu vong tại Pháp để tránh bản án 2 năm tù với cáo buộc tội phỉ báng Phó Thủ tướng Hor Namhong. Ngày 15/11 vừa qua ông tuyên bố sẽ trở lại chính trường Campuchia.
Thời cơ, thách thức của ông Hun Sen và CPP sau khi Sam Rainsy từ chức (GDVN, 13/02/2017)
Sam Rainsy đã từ chức Chủ tịch CNRP, nhưng không có nghĩa là ông ta đã rời chính trường đất nước Chùa Tháp, chịu bó gối quy hàng.
Bình luận về tình hình chính trị tại Campuchia, Nikkei Asian Review ngày 11/2/2017 cho rằng :
"Thủ tướng Hun Sen và đảng Nhân dân Campuchia (CPP) được cho là đã tăng cường những nỗ lực nhằm làm suy yếu đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) trước khi cuộc bầu cử địa phương diễn ra cuối năm nay và cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm 2018".
Tuy nhiên, những động thái được cho là của Thủ tướng Hun Sen nhằm làm suy yếu CNRP để đảm bảo chiến thắng cho mình và CPP chưa biết có hiệu quả đến đâu, thì đùng một cái Chủ tịch CNRP cũng đồng thời là thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy lại tuyên bố từ chức.
Với vai trò và ảnh hưởng của mình ở đất nước Chùa Tháp, việc ra đi của ông Sam Rainsy sẽ có tác động rất lớn tới chính trường Campuchia.
Cá nhân người viết cho rằng, việc từ chức của thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy giúp tạo ra một vị thế rất lớn cho cá nhân Thủ tướng Hun Sen và CPP, thậm chí có thể nhận diện một thời kỳ hoàng kim nữa – thời kỳ hoàng kim thứ 3 – đã chính thức mở ra với đương kim Thủ tướng Campuchia và CPP.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh : Reuters.
Tuy nhiên, cơ hội ấy có biến thành hiện thực hay không còn phụ thuộc rất lớn vào những quyết sách của CPP và Thủ tướng Hun Sen, đặc biệt là giải quyết những mâu thuẫn nội tại về kinh tế - xã hội - chính trị tại đất nước Chùa Tháp, khi Sam Rainsy dù rời chức vụ Chủ tịch CNRP, nhưng vẫn có thể "thao túng" chính trường Campuchia từ xa.
Những thời kỳ hoàng kim đã qua của CPP - Hun Sen và thách thức từ CNRP
Khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Phnom Penh năm 1979, lật đổ chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ, chính thể Cộng hòa Nhân dân Campuchia được thành lập, mở ra thời hoàng kim thứ nhất cho CPP.
Bởi khi đó, đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia (tiền thân của CPP) là đảng chính trị duy nhất trên sân khấu chính trị Campuchia thời hậu Pol Pot.
Năm 1985, khi Thủ tướng Chan Sy qua đời, Ngoại trưởng Hun Sen được bầu làm người thay thế, đã mở ra thời hoàng kim thứ nhất cho ông Hun Sen.
Khi quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia năm 1989 và sau đó Campuchia được quản lý bởi Phái bộ của Liên Hợp Quốc (UNTAC), thời hoàng kim thứ nhất của CPP và Hun Sen chấm dứt.
Kết quả cuộc tổng tuyển cử năm 1993 khiến CPP phải chia sẻ quyền lực với đảng Bảo Hoàng (FUNCINPEC) của Hoàng thân Norodom Sihanouk, Hun Sen phải làm đồng Thủ tướng với Thái tử Norodom Ranariddh.
Điều này đã trở thành một sự kiện may mắn cho CPP và cá nhân Thủ tướng Hun Sen. Bởi đó là cơ hội để Thủ tướng Hun Sen biến thời gian phân quyền thành quãng thời gian quý giá với CPP.
CPP vừa không mất quyền kiểm soát đất nước trong một chính phủ hợp hiến được quốc tế công nhận, vừa có điều kiện củng cố lại lực lượng.
Khi người dân Campuchia hướng trọn niềm tin vào Quốc vương Norodom Sihanouk thì CPP gần như độc chiếm vũ đài chính trị Campuchia, mở ra thời hoàng kim thứ hai trong lịch sử nắm giữ quyền lực của mình.
Tuy nhiên, khi Bộ trưởng Tài chính Sam Rainsy rời bỏ chính phủ, thành lập đảng chính trị riêng mang tên mình – đảng Sam Rainsy (SRP), sau này là đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP), thì CPP và Thủ tướng Hun Sen đã chính thức có đối thủ ngang tài ngang sức.
Sam Rainsy là một chính khách lọc lõi, sành sỏi trong việc sử dụng thủ đoạn chính trị để làm nổi bật mình cũng như đảng chính trị của mình trong mắt người dân Campuchia.
Ngoài những mặt trái trong xã hội Campuchia, Sam Rainsy thường xuyên sử dụng lá bài bài Việt, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phân biệt chủng tộc để tìm kiếm sự ủng hộ từ những người dân thiếu thông tin, nhiều bất mãn.
Cộng đồng người Campuchia gốc Việt, vấn đề dân nhập cư và biên giới Việt Nam - Campuchia thường được Sam Rainsy và CNRP sử dụng trong các cuộc bầu cử và đã tạo ra những làn sóng nhất định khuynh đảo chính trường đất nước này.
CNRP đã nhanh chóng lớn mạnh trong những vùng vốn thuộc quyền kiểm soát của Khmer Đỏ và sau cuộc bầu cứ 1998 thì gần như trắng quyền lực, nhờ đó Sam Rainsy đã nhanh chóng trở thành người có vị thế không kém gì Hun Sen trên chính trường Campuchia.
Nhìn vào sự phát triển nhanh chóng và kết quả đạt được của Sam Rainsy và CNRP trong kỳ bầu cử quốc hội năm 2013, có le ông Hun Sen mới cảm nhận rõ những nguy cơ đến từ đối thủ "sinh sau đẻ muộn".
Bởi khi đạo luật công nhận địa vị cho thủ lĩnh đối lập được ban hành, vũ đài chính trị Campuchia đã chính thức dành chỗ hợp pháp cho CNRP và Sam Rainsy.
Người viết cho rằng, nếu Sam Rainsy không quá nóng vội trong việc giành quyền lực thì có lẽ chính trường Campuchia hiện nay không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của ông Hun Sen.
Dựa vào ảnh hưởng của Sam Rainsy và đường lối chính trị nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc, tấn công các tồn tại và mặt trái của chính quyền, chính sách hiện hành, phe đối lập ngày càng có nhiều thách thức khiến chính phủ Campuchia phải sử dụng những biện pháp mạnh.
Điều đó tạo ra những bất ổn trên chính trường Campuchia và cũng đồng thời chấm dứt thời kỳ hoàng kim thứ hai của CPP và Thủ tướng Hun Sen.
Cú hích từ Trung Nam Hải và việc Sam Rainsy từ chức có mở ra thời hoàng kim thứ ba cho CPP và Hun Sen ?
Phải chấp nhận bị thách thức, rồi dần bị đẩy vào thế bị động trước sự tấn công của phe đối lập, cho thấy quyền lực của Thủ tướng Hun Sen và vị thế của CPP trong đời sống chính trị Campuchia đã bị đe dọa nghiêm trọng.
Điều đó một phần bị tác động bởi Sam Rainsy và CNRP, một phần do nền tảng quyền lực của Hun Sen và CPP không vững vàng.
Như người viết đã từng phân tích, nền kinh tế Campuchia gần như không có một ngành kinh tế xương sống. Chính phủ Campuchia không có được sức mạnh nội lực bằng nguồn thu ngân sách từ nền công nghiệp sản xuất nội địa, qua đó đảm bảo sự độc lập cho mình.
Campuchia phụ thuộc nhiều vào viện trợ của nước ngoài. Thậm chí ngân sách nhà nước của Campuchia cũng có phần từ viện trợ.
Trung Quốc hiện là nước viện trợ, tài trợ nhiều nhất cho Campuchia, ngược lại Campuchia phải đánh đổi nhiều lợi ích chính trị. Từ sự cộng sinh đó đã hình thành nên quan hệ chiến lược Phnom Penh - Bắc Kinh.
Cuộc bầu cử quốc hội năm 2018 đang đến gần và CNRP đang đe dọa quyền lực của CPP, Bắc Kinh nhận thấy cần phải có cú hích cho chính phủ Hun Sen.
Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Campuchia hồi tháng 10/2016, lần đầu tiên trên cương vị người đứng đầu nhà nước Trung Quốc, được xem là cú hích quan trọng cho sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Hun Sen và quyền lực cho CPP.
Phnom Penh rất kỳ vọng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Campuchia. Và kết quả quá mỹ mãn với Phnom Penh :
"Chủ tịch Tập Cận Bình đã xem đây là chuyến thăm lịch sử và hai bên đã thúc đẩy sự hợp tác trên tinh thần bạn bè thân thiện nhất và đối tác chiến lược toàn diện", theo The Phnom Penh Post ngày 14/10/2016.
Từ một kết quả như mơ với Phnom Penh sau chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc, khiến giới phân tích đã phải nhìn nhận :
Bắc Kinh có thể giúp mở ra thời hoàng kim thứ ba cho đảng CPP và cá nhân Thủ tướng Hun Sen trong đời sống chính trị tại quốc gia này.
Tuy nhiên, cho dù cú hích của Bắc Kinh có thể giúp CPP và Hun Sen gia tăng sức mạnh trong đối trọng với thách thức từ Sam Rainsy và CNRP, song điều đó chưa đảm bảo cho CPP có thể chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018.
Kết quả cuộc bầu cử năm 2013 vẫn luôn là lời cảnh báo với CPP.
Nay thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy rời bỏ CNRP đã có thể tạo ra sự cộng hưởng với hiệu ứng tích cực từ cú hích của Bắc Kinh, chính thức mở ra một chương mới trong việc nắm giữ quyền lực của CPP và Thủ tướng Hun Sen.
Bởi lẽ CNRP sẽ có thế mất phương hướng khi không còn Sam Rainsy, giống như việc FUNCINPEC bị mất chỗ đứng trong đời sống chính trị Campuchia khi không còn Hoàng thân Sihanouk.
Nhưng những mặt trái, những tồn tại trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đất nước Chùa Tháp vẫn còn đó, đòi hỏi một sự cải tổ, phá bỏ các rào cản để đất nước phát triển mới thực sự là thách thức lớn nhất đang chờ đợi Thủ tướng Hun Sen.
Sam Rainsy đã từ chức Chủ tịch CNRP, nhưng không có nghĩa là ông ta đã rời chính trường đất nước Chùa Tháp, chịu bó gối quy hàng.
Năm 2013 CNRP suýt nữa thì đe dọa đến vai trò đảng cầm quyền của CPP là nhờ vào Internet và mạng xã hội. Đây sẽ vẫn là những công cụ hữu hiệu để Sam Rainsy can thiệp vào chính trường đất nước Chùa Tháp từ một góc nào đó ở Paris, Pháp quốc.
Cờ đang ở trong tay CPP và Thủ tướng Hun Sen, một thời kỳ hoàng kim thứ 3 cho ông và CPP sẽ không bị bỏ lỡ nếu những rào cản cho hợp tác, phát triển, hòa hợp dân tộc, nâng cao vị thế của Campuchia trong khu vực được dỡ bỏ.
Ngọc Việt
Tài liệu tham khảo :
[1]http://asia.nikkei.com/Politics-Economy/Policy-Politics/Cambodian-opposition-leader-resigns
[2]http://www.phnompenhpost.com/national/chinas-xi-jinping-visits-king-hun-sen
[3]https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_Cambodia
[4]http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/country_profiles/9404519.stm
[5]http://www.bbc.com/news/world-asia-pacific-13006828
************************
Cam Bốt : Sam Rainsy từ chức lãnh đạo đảng đối lập (RFI, 12/02/2017)
Sam Rainsy (phải) trao đỏi với phó chủ tịch đảng CNRP Kem Sokha trong một diễn đàn của đảng tại Cam Bốt. @Facebook
Lãnh đạo đối lập Cam Bốt, Sam Rainsy, hôm 11/02/2017, đã thông báo quyết định từ chức lãnh đạo Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt mà ông đã thành lập vào năm 2012. Thông báo này được loan tải qua mạng Twitter và Facebook. Đảng Cứu Nguy Dân Tộc là đảng duy nhất được xem có khả năng đối đầu với ông Hun Sen.
Trong thông điệp của mình, ông Sam Rainsy giải thích là sở dĩ ông từ chức, đó là vì "lợi ích của đảng". Chiếc ghế lãnh đạo đảng được nhường lại cho nhân vật số 2 trong CNRP, ông Kem Sokha, người sẽ có trọng trách chuẩn bị cho cuộc bầu cử cấp địa phương vào tháng Sáu tới đây.
Theo giới quan sát, việc ông Sam Rainsy từ chức sẽ tác hại lớn đến tương lai của đảng CNRP và phe đối lập Cam Bốt nói chung. Đảng Cứu Nguy Dân Tộc từng được xem là có triển vọng thắng vào cuộc tổng tuyển cử năm 2018 tới đây.
Nhân cuộc bầu cử năm 2013, đảng đối lập đã có thành quá rất đáng kể, và lãnh đạo đảng khẳng định mình bị thua là vì gian lận bầu cử, điều ông Hun Sen đã lên tiếng bác bỏ.
Ông Sam Rainsy đã phải chạy qua sống lưu vong tại Pháp từ năm 2015, để tránh lệnh truy bắt sau đơn kiện vu khống của thủ tướng Hun Sen. Ông còn bị kêu án 5 năm tù vì cho đăng trên trang Facebook của ông một nhận định về vấn đề biên giới với Việt Nam.
Thông báo từ chức của ông Sam Rainsy được đưa ra sau khi thủ tướng Hun Sen, cuối tháng Giêng vừa qua, thông báo ý định phong tỏa tài sản của nhà đối lập, thay đổi luật lệ để ông Sam Rainsy không thể tiếp tục đứng đầu đảng CNRP.
Mai Vân
****************************
Ông Sam Rainsy từ chức Chủ tịch đảng đối lập Campuchia (GDVN, 12/02/2017)
Quốc hội Campuchia sẽ soạn thảo và thông qua các dự luật sửa đổi, buộc các đảng có lãnh đạo bị tòa kết án sẽ phải giải thể.
The Cambodia Daily ngày 11/2 đưa tin, lãnh đạo phe đối lập Campuchia ông Sam Rainsy hôm thứ Bảy đã nộp đơn từ chức Chủ tịch đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) khi đối mặt với đe dọa của Thủ tướng Hun Sen về một đạo luật cấm người bị kết án lãnh đạo các đảng phái chính trị.
Cuối tháng trước, ông Hun Sen đã tuyên bố trước dư luận rằng Quốc hội Campuchia sẽ soạn thảo và thông qua các dự luật sửa đổi, buộc các đảng có lãnh đạo bị tòa kết án sẽ phải giải thể.
Hôm thứ Bảy 11/2, Sam Rainsy công bố trên tài khoản Facebook cá nhân từ Paris, Pháp quốc bức thừ từ chức Chủ tịch đảng CNRP "vì lý do cá nhân", nhưng vẫn tuyên bố sẽ chống lại ông Hun Sen.
Ông Sam Rainsy và Thủ tướng Hun Sen ảnh : The Cambodia Daily.
Sam Rainsy đề nghị, thường trực ban lãnh đạo CNRP xem xét chấp nhận đơn từ chức của mình để nó có hiệu lực ngay trong ngày ông ký, 11/2/2017.
Trong khi đó cũng theo The Cambodia Daily, ngày 10/2, 60/68 nghị sĩ đảng cầm quyền CPP nộp đơn kiến nghị Quốc hội kêu gọi họp khẩn cấp để sửa đổi luật pháp cấm Sam Rainsy lãnh đạo đảng phái chính trị và thúc đẩy kế hoạch loại bỏ CNRP trước cuộc bầu cử sắp tới.
Theo luật pháp Campuchia, chỉ cần 40 nghị sĩ nộp đơn yêu cầu họp khẩn cấp, cuộc họp toàn thể của Quốc hội sẽ được tổ chức ngay sau yêu cầu. Cuộc họp này sẽ diễn ra vào thứ Hai ngày 13/2.
Ông Hun Sen cho biết, vệc sửa đổi luật pháp lần này cũng giống như Thái Lan sửa Hiến pháp dưới thời chính quyền quân sự, giải thể đảng phái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Ông Sam Rainsy đã phải sống lưu vong tại Paris, Pháp từ tháng 11/2015 để tránh một bản án phạt tù tội phỉ báng ông Phó Thủ tướng Hor Namhong.
Người phát ngôn CNRP Ym Sovann xác nhận rằng, ông Sam Rainsy đã gửi đơn từ chức Chủ tịch đảng, nhưng khi ông gọi hỏi thêm Sam Rainsy về đơn từ chức thì không liên lạc được.
Hồng Thủy
Tài liệu tham khảo :
https://www.cambodiadaily.com/news/urgent-session-sought-approve-rule-eliminate-cnrp-124966/
https://www.cambodiadaily.com/news/sam-rainsy-resigns-opposition-party-president-124975/