Số người chết trong vụ thảm sát Thiên An Môn là 'khoảng 10.000' (BBC, 25/12/2017)
Vụ quân đội Trung Quốc đàn áp các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đã làm ít nhất 10.000 người thiệt mạng, theo tài liệu mới được công bố của Anh.
Một chiếc xe tăng đang cháy hôm 4/6/1989, gần Quảng trường Thiên An Môn
Số liệu được nêu trong một điện tín ngoại giao bí mật do ông Alan Donald, Đại sứ Anh tại Trung Quốc hồi năm 1989, gửi đi.
Nguồn tiết lộ con số này là bạn của một thành viên trong Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, vị đại sứ cho hay.
Những ước tính trước đây về số người chết trong các cuộc biểu tình dân chủ Thiên An Môn là vào khoảng vài trăm cho đến trên 1.000 người.
Theo một thông báo của Trung Quốc hồi cuối tháng 6/1989, 200 người dân và vài chục nhân viên an ninh đã thiệt mạng ở Bắc Kinh sau cuộc đàn áp "những kẻ nổi dậy phản cách mạng" hôm 4/6/1989.
Bức điện của ông Donald được gửi đi hôm 5/6. Ông cho biết nguồn tin của mình là một người "truyền lại thông tin từ một người bạn thân, người hiện đang là ủy viên của Hội đồng Nhà nước [Trung Quốc]".
Hội đồng này thực chất là nội các chính phủ của Trung Quốc và do thủ tướng làm chủ tịch.
Sinh viên tuyệt thực biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn hôm 14/5/1989
Bức điện của ông Donald được giữ tại Kho lưu trữ Quốc gia Anh ở London. Hồi tháng 10, tài liệu này được giải mật và trang tin HK01 đã được xem.
Ông Donald nói nguồn tin của ông là đáng tin cậy, và là người luôn "thận trọng để tách biệt sự thật với suy đoán và tin đồn".
Ông viết : "Các sinh viên tưởng là họ có một giờ đồng hồ để rời quảng trường nhưng chỉ sau năm phút, các xe tăng đã tấn công.
"Sinh viên khoác tay nhau nhưng họ bị xe bọc thép cán, trong đó có cả binh lính. Sau đó xe bọc thép cán đi cán lại trên thân thể họ để làm thành 'bánh' và thi thể họ bị xe ủi chuyển đi. Xác người bị đốt rồi xả xuống cống".
"Bốn nữ sinh viên cầu xin tha mạng nhưng họ bị đâm".
Ông Donald nói thêm rằng "một số ủy viên của Hội đồng Nhà nước cho rằng nội chiến sắp xảy ra".
Cuộc biểu tình chính trị kéo dài bảy tuần trước khi quân đội được điều đến. Đó là đợt biểu tình lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc thời cộng sản.
Vụ thảm sát Thiên An Môn cho đến nay vẫn là chủ đề hết sức nhạy cảm ở Trung Quốc.
Trung Quốc cấm các nhà hoạt động kỷ niệm và kiểm soát rất chặt các thảo luận trên mạng về sự kiện này, thậm chí còn kiểm duyệt các ý kiến chỉ trích.
Tuy vậy, cuộc thảm sát Thiên An Môn vẫn được các nhà hoạt động trên thế giới kỷ niệm hàng năm, đặc biệt là ở Hong Kong và Đài Loan.
****************
Quân đội Trung Quốc thảm sát 10.000 người trong vụ Thiên An Môn (RFI, 23/12/2017)
Gần 30 năm sau vụ thảm sát đẫm máu Thiên An Môn tháng 6/1989, công chúng vẫn tiếp tục đặt câu hỏi : Có bao nhiêu người là nạn nhân của quân đội Trung Quốc ? Một thông tin vừa được cơ quan Lưu trữ quốc gia Anh tiết lộ cho biết khoảng 10.000 thường dân thiệt mạng trong biến cố kinh hoàng này.
Hồng Kông thắp nến tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn. Ảnh ngày 04/06/2016. Reuters
AFP hôm nay, 23/12/2017, thông báo đã tiếp cận được bức điện mật gửi về nước của đại sứ Anh tại Bắc Kinh vào thời điểm đó, trong đó ông khẳng định "ước tính tối thiểu có 10.000 nạn nhân". Con số nói trên cao gấp nhiều lần các ước tính được đưa ra năm 1989.
Chính quyền Trung Quốc đã kiểm duyệt nghiêm ngặt thông tin, chỉ đưa ra con số khoảng 200 người chết về phía dân thường, và "vài chục" về phía quân đội. Con số mới được công bố cũng cao hơn nhiều so với số liệu mà Hội Hồng Thập Tự Trung Quốc và các ủy hội sinh viên hồi đó cung cấp (2.700 người chết).
Báo cáo của đại sứ Anh Alan Donald – dựa trên thông tin từ một nguồn ẩn danh làm việc trong chính phủ Trung Quốc vào thời điểm đó - thuật lại cái đêm khủng khiếp từ ngày mùng 3 qua ngày 4/6, khi quân đội Trung Quốc tiến vào quảng trường Thiên An Môn mênh mông, trung tâm quyền lực của chế độ cộng sản, bị những người biểu tình chiếm giữ suốt bảy tuần lễ.
Theo đại sứ Anh, các sinh viên đã hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tấn công tàn khốc. Khi quân đội đến quảng trường Thiên An Môn, họ "đã tin là có một giờ để sơ tán, thế nhưng chỉ 5 phút sau đó, quân đội đã nổ súng".
"Xe thiết giáp của Quân đoàn 27 xả súng vào đám đông", những người còn sống sót bị binh sĩ hạ sát ở cự ly gần. Điện thư của đại sứ Anh kể rõ xe thiết giáp "đã cán đi, cán lại nhiều lần" khiến các thi thể bị "nghiền nát hoàn toàn".
Điện mật của đại sứ Anh cho biết lực lượng tấn công sinh viên của Quân đoàn 27 bao gồm các binh sĩ đến từ tỉnh Sơn Tây (Shanxi), trong số họ "60% mù chữ".
AFP khẳng đinh nhà Hán học Pháp Jean-Pierre Cabestan cũng cho rằng số lượng thường dân thiệt mạng nói trên là "đáng tin cậy", khi so sánh với các tài liệu giải mật những năm gần đây của Hoa Kỳ.
Jean-Pierre Cabestan cho biết thêm chế độ cộng sản vào lúc đó "đã mất kiểm soát Bắc Kinh". Lực lượng phản kháng đã lập nhiều chốt chặn trên khắp thành phố. "Người dân Bắc Kinh đã kháng cự và chắc chắn đã xảy ra nhiều trận đánh hơn là mọi người vẫn nghĩ".
Về tình hình chung, theo đại sứ Anh, cuộc đàn áp tàn khốc gây căng thẳng cao độ trong nội bộ quân đội Trung Quốc. Tư lệnh vùng Bắc Kinh lúc đó đã từ chối cấp thực phẩm và nơi ở cho các đơn vị đàn áp sinh viên. Một số thành viên chính phủ Trung Quốc còn dự đoán "nội chiến có thể bùng phát".
Trọng Thành