Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình" vào điều lệ Đảng cộng sản (RFI, 19/10/2017)

Một ngày lễ khai mạc Đại Hội Đảng Trung Quốc lần thứ 19, Tân Hoa Xã thông báo : Đảng cộng sản Trung Quốc chính thức đưa vào điều lệ đảng "Tư tưởng Tập Cận Bình". Nhân vật quyền lực nhất tại Bắc Kinh mở ra "thời đại mới" : đến ngưỡng 2050, Trung Quốc phải là một quốc gia hùng mạnh và được kiêng nể.

thientu1

Biểu tình phản đối ông Tập Cận Bình nhân ngày Quốc khánh Trung Quốc 1/10/2017, tại Hồng Kông.AFP

Bên cạnh "Tư tưởng Mao Trạch Đông", điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc trong tương lai còn có "Tư tưởng Tập Cận Bình". Tương tự như cố chủ tịch Mao, tên tuổi của ông Tập cũng phải được ghi rõ, giấy trắng mực đen, bên cạnh khái niệm "Thời đại mới" trong điều lệ Đảng.

Hãng tin Pháp, AFP trích dẫn Tân Hoa Xã ngày 19/10/2017 thông báo, "Đảng Cộng sản Trung Quốc sáng lập ra "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội theo mô hình Trung Quốc trong một thời đại mới". Một ủy viên Thường Vụ Bộ Chính Trị, ông Lưu Vân Sơn (Lui Yunshan), nói rõ : "Tất cả các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phải học tập tư tưởng Tập Cận Bình về thời đại mới".

"Thời đại mới" là khái niệm đã được lãnh đạo tối cao Trung Quốc đề cập đến trong bài diễn văn ba tiếng rưỡi đồng hồ trước gần 2.300 đại biểu trong buổi khai mạc Đại Hội Đảng ngày hôm qua. Không tự nêu tên mình, nhưng như ghi nhận của AFP, lãnh đạo Trung Quốc đã gắn liền tư tưởng "thời đại mới" mà ông đề cập đến với "Tư tưởng của Mao Trạch Đông", cùng với "Lý luận của Đặng Tiểu Bình", cha đẻ của mô hình "kinh tế tư bản theo định hướng xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc".

Giới phân tích ghi nhận : với việc đưa "Tư tưởng" của mình vào điều lệ Đảng, Tập Cận Bình tự cho mình đứng ngang hàng với Mao Trạch Đông. "Tư tưởng của Mao" đã được đúc kết trong cuốn sách đỏ, kim chỉ nam của cả một thế hệ dưới thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976).

Thanh Hà

*******************

‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ ghi vào Điều lệ Đảng ? (BBC, 19/10/2017)

Giới quan sát đang chờ xem liệu 'Tư tưởng Tập Cận Bình' có được ghi vào điều lệ Đảng cộng sản Trung Quốc hay không.

thientu2

Tập Cận Bình đang là người quyền lực nhất Trung Quốc

Từ trước tới nay, chỉ có Tư tưởng Mao Trạch Đông được ghi vào điều lệ Đảng khi vị lãnh tụ còn đương quyền.

Ngay cả Đặng Tiểu Bình chỉ được thừa nhận có "lý luận" chứ chưa lên cao đến "tư tưởng".

Bản tin tiếng Anh mới nhất của Tân Hoa Xã ghi rằng sẽ có "Tư tưởng Tập Cận Bình" bao gồm 14 nguyên tắc.

Nhưng bản tin chỉ mới có tiếng Anh chứ chưa thấy bản tiếng Trung.

thientu3

Diễn văn khai mạc Đại hội 19 kéo dài hơn 3 tiếng

Tân Hoa Xã nói Đảng cộng sản Trung Quốc, đang tiến hành Đại hội 19, đã sáng tạo "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc cho thời đại mới".

Nếu điều lệ Đảng được sửa đổi tại đại hội lần thứ 19 để bổ sung "Tư tưởng Tập Cận Bình", đây sẽ là chỉ dấu chưa từng có, đưa ông Tập lên ngang hàng với Mao Trạch Đông.

Hai lãnh đạo Đảng trước đây đã có học thuyết gắn với thời kỳ họ nắm quyền.

Hồ Cẩm Đào có Quan điểm phát triển khoa học, Giang Trạch Dân có Thuyết Ba đại diện.

thientu4

Bác Tập quàng khăn đỏ' giữa các cháu thiếu nhi dân tộ̣c toàn Trung Quốc - hình ảnh tuyên truyền của Trung Quốc

Nhưng liệu ông Tập Cận Bình lần này có đi xa hơn người tiền nhiệm bằng việc lấy tên mình gắn vào hệ lý thuyết mới hay không ?

Trước đây chỉ có Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình.

Giới quan sát đang chờ xem rốt cuộc nền tảng lý luận của Tập Cận Bình sẽ được đặt ở vị thế nào sau Đại hội Đảng 19.

*****************

Tập Cận Bình, người cầm lái một Trung Quốc ngập nợ (RFI, 18/10/2017)

Vào lúc Đại Hội lần thứ 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc khai mạc, sẽ tiếp tục trao quyền lãnh đạo nền kinh tế thứ nhì thế giới cho ông Tập Cận Bình, nhiều chuyên gia bày tỏ mối lo ngại trước hiện tượng kinh tế Trung Quốc chậm lại. Lần đầu tiên từ 1/4 thế kỷ nay, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể xuống dưới ngưỡng 6% vào năm 2018.

thientu5

Đồng nhân dân tệ - Ảnh minh họa

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI đã cảnh báo trước về nguy cơ ngày càng rõ nét là tăng trưởng Trung Quốc chậm lại do món nợ khổng lồ. Các cơ quan thẩm định tài chính Moody’s và Standard & Poor's đã hạ điểm về nợ của Trung Quốc. Tổng số nợ Trung Quốc, ngoài lãnh vực tài chính, có thể vượt qua 290% của GDP Trung Quốc từ đây đến 2022, so với 235% vào năm ngoái.

Nỗ lực định hướng lại kinh tế

Tuy nhiên theo bà Françoise Renard, giám đốc Viện Nghiên Cứu về Kinh Tế Trung Quốc, không nên hoảng hốt vì kinh tế nước này vẫn không "lâm nguy". Trả lời ban tiếng Pháp RFI, bà Renard giải thích :

"Trung Quốc đang bắt đầu định hướng lại kinh tế của mình, cải thiện tăng trưởng theo hướng chú ý đến chất lượng của tăng trưởng, để tránh rơi vào cái bẫy đối với các nước có thu nhập trung bình. Cụ thể là Trung Quốc đã đề ra những dự án khổng lồ, đặc biệt trong lãnh vực môi trường, nhưng mục tiêu chưa đạt được, vì vấn đề rất khó.

Điều mà ta có thể nói là kinh tế Trung Quốc còn vướng phải nhiều méo mó, lệch lạc mà chính quyền đang tìm cách khắc phục, ví dụ như do tình trạng sản xuất quá mức, họ đang cơ cấu lại các tập đoàn Nhà Nước.

Bên cạnh đó, còn có vấn đề chính sách xã hội, giảm thiểu bất công, vì vậy họ lao vào chống tham nhũng. Chiến dịch này dĩ nhiên có thể gây tranh cãi, nhưng đã có một số kết quả là giảm thiểu được hiện tượng.

Ngoài ra, Trung Quốc đang cố cải thiện chính sách bảo hiểm y tế, hệ thống hưu bổng nhưng còn phải nỗ lực hơn nữa.

Tóm lại, kinh tế Trung Quốc không suy sụp như có người lo ngại, tăng trưởng vẫn khá đều đặn. Dự phóng cho những năm sắp tới vẫn có phần lạc quan, nếu chính quyền tiếp tục đấu tranh chống những yếu tố lệch lạc.

Thách thức từ khối nợ khổng lồ của các địa phương

Vấn đề đáng ngại nhất là số nợ cực kỳ to lớn của chính quyền các địa phương, mà quy mô chưa lường được chính xác, khiến cho chính quyền không thể biết rõ mức độ mắc nợ thực thụ của nền kinh tế. Trong lãnh vực này cũng vậy, chính quyền trung ương cũng đã đề ra biện pháp để tái cơ cấu lại các món nợ này.

Khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nói là họ có một số quan ngại về tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc, họ muốn nói đến món nợ của các địa phương. Nhất là khi các chính quyền địa phương đã thế chấp nhà cửa, đất đai để vay tiền, điều đó khuyến khích tình trạng đầu cơ, giá sụt giảm, với nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chánh.

Tóm lại, đe dọa chủ yếu đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay chính là mức nợ đó. Nhưng trong ngắn hạn, nền kinh tế Trung Quốc không gặp nguy hiểm. Tăng trưởng có thể chậm lại, có thể sẽ ở mức 5%, nhưng 5% cũng không phải là cái gì nguy hiểm, con số này đã được mọi người dự kiến từ lâu".

Mở rộng kiểm soát trên toàn bộ nền kinh tế

Vấn đề nợ của Trung Quốc vào lúc Đại Hội Đảng Cộng Sản mở ra cũng được nhật báo Pháp Le Figaro nêu bật trong một nhận định : Tập Cận Bình, người cầm lái một Trung Quốc bị ngập nợ.

Theo tờ báo, nhiều chuyên gia đã bày tỏ mối quan ngại về việc ông Tập đã mở rộng kiểm soát trên toàn bộ nền kinh tế. Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế của Natixis tại Hồng Kông nhìn nhận : "Đó không phải là điều được người ta chờ đợi cách đây 5 năm".

Hồi tháng 10/2012, và sau đó đến mùa xuân năm 2013, khi các cải cách kinh tế của "Tập gia gia" được đưa ra, vấn đề đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ là đấu tranh chống tham nhũng, chuyển đổi nền kinh tế dựa vào tiêu thụ nội địa, và tự do hóa.

Đối với chống tham nhũng và chuyển đổi mô hình kinh tế, Bắc Kinh đã đúng hẹn. Công cuộc "đả hổ, diệt ruồi" đại quy mô đã giúp Tập Cận Bình tăng cường kiểm soát cả về chính trị lẫn kinh tế cả nước. Còn việc chuyển đổi tăng trưởng, từ dựa trên xuất khẩu hàng giá rẻ sang dựa vào tiêu thụ của giai cấp trung lưu, những con số thống kê đã tự nó nói lên. Hồi Đại Hội 18, tiêu thụ chiếm khoảng 35% GDP, còn nay lên 40%. Riêng khu vực dịch vụ chiếm đến 50% nền kinh tế.

Sự thay đổi này trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục chậm, đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của Trung Quốc. Aidan Yao thuộc Axa IM ở Hồng Kông nhắc nhở : nhịp độ tăng trưởng chậm lại, cộng với vụ sụp đổ thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến mùa hè 2015, đã gây lo lắng cho các nhà kinh tế cách đây hai năm. Tuy từ đó đến nay tình hình đã được cải thiện, nhưng mọi quan ngại đều tập trung vào một điểm : nợ nần đang tăng lên.

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lo ngại trước tình trạng chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc chậm lại, có thể làm tăng thêm số nợ. Nợ nần của Nhà Nước, doanh nghiệp và hộ gia đình cách đây 10 năm chiếm khoảng 150% GDP, thì nay lên tới 270%. Sau cuộc khủng hoảng năm 2009, và đầu năm 2016, Bắc Kinh đã tái thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư - một cách lặng lẽ nhưng ồ ạt.

Cải cách các công ty quốc doanh ?

Ý kiến về nợ Trung Quốc của các chuyên gia có khác nhau. Philippe Le Corre, thuộc Havard Kennedy School cho rằng vấn đề này "hết sức to lớn". Alicia Garcia Herrero cũng nhận thấy nợ nần tiếp tục tăng lên, tỉ lệ với GDP.

Ngược lại Aidan Yao không loại trừ việc tỉ lệ nợ giảm xuống trong năm nay. Ông nói : "Các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng lên nhờ chính quyền cải thiện xuất khẩu và giảm tình trạng sản xuất thừa, nên ít có nhu cầu vay hơn". Chuyên gia này cũng nêu ra hành động tích cực của Ngân Hàng Trung Ương nhằm giảm bớt tín dụng đen.

Cũng cùng xu hướng lạc quan, Sébastien Djaoui, chuyên về thị trường Trung Quốc của ngân hàng Nomura tương đối hóa vấn đề nợ, nhấn mạnh đến cán cân thương mại thặng dư và lượng tiền tiết kiệm lớn : "Nợ của Trung Quốc do người Trung Quốc nắm giữ".

Các chuyên gia đều đồng ý ở một điểm : nợ nần phình to, chủ yếu là do các công ty quốc doanh. Tập Cận Bình cam đoan sẽ cải cách các tập đoàn công nghiệp khổng lồ này, đa số kém hiệu quả và sản xuất thừa. Theo Alicia Garcia Herrero : "Mới đây đã có thay đổi, sở hữu chủ của các doanh nghiệp quốc doanh không còn là Nhà Nước mà là Đảng !".

Chính quyền đã cho sáp nhập các công ty quốc doanh làm ăn hiệu quả nhất với các doanh nghiệp đang suy sụp, với tham vọng tạo ra các đại tập đoàn mang tầm quốc tế. Aidan Yao nhận định : "Biện pháp này khác hẳn những gì thị trường trông đợi cách đây 5 năm, nhắm vào tư nhân hóa". Tuy vậy cũng đã có những nỗ lực để chuyển đổi khu vực quốc doanh.

Nếu việc tự do hóa đã được tiến hành từ 5 năm qua, đặc biệt trong lãnh vực tài chính, qua việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và kết nối thị trường chứng khoán Thượng Hải với Hồng Kông, điều rõ rệt nhất là nền kinh tế ngày càng bị tập trung hóa.

Ngay cả thông qua các ngôi sao công nghệ, thường là tư nhân, như Hoa Vi (Huawei), "Nhà Nước đã tăng cường kiểm soát" qua những mối liên hệ với Đảng hay chính quyền địa phương, theo kiểu "golden share" (cổ phần ưu tiên), tinh tế và mạnh mẽ hơn - Alicia Garcia Herrero giải thích.

Sébastien Djaoui dự báo : "Chính quyền có thể nắm lấy các công ty đã trở nên quá to, như Alibaba chẳng hạn". Nhà tỉ phú Mã Vân (Jack Ma), chủ nhân tập đoàn bán hàng trên mạng vào mùa xuân từng nói : "Chúng tôi không chỉ là một doanh nghiệp mà là cả một nền kinh tế". Thế nên, rất có thể ông Tập Cận Bình sẽ cố mở rộng thêm nữa tầm khống chế của mình.

Thụy My

******************

Các quyền tự do bị siết chặt dưới thời Tập Cận Bình (RFI, 18/10/2017)

Không chỉ trong dịp Đại hội Đảng, mà trong năm năm qua, chế độ Bắc Kinh đã tăng cường kiểm soát internet, siết chặt tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận…Trung Quốc ngày nay bị xếp thứ 176/180 nước trong bảng xếp hạng về tự do báo chí của tổ chức Phóng viên Không biên giới.

thientu6

Ảnh minh họa : Cảnh an ninh nghiêm ngặt ở Bắc Kinh, ngày 18/10/2017, Reuters/Damir Sago

Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh Heike Schmidt cho biết :

Xã hội Trung Quốc ngày nay là một xã hội bị bịt miệng, với việc kiểm duyệt càng thêm hoàn hảo dưới thời Tập Cận Bình, theo nhà nghiên cứu Chloé Froissart, thuộc Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc đương đại.

Bà nói : "Người ta có thể ghi nhận một chủ trương chung về việc tái lập kiểm soát nhiều lãnh vực khác nhau của xã hội dân sự, từ các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng tôn giáo cho đến truyền thông, giới luật gia và các trường đại học.

Các tổ chức xã hội đã phát triển mạnh tại Trung Quốc từ 20 năm qua, đa số nằm trong một vùng xám được chính quyền làm ngơ, nhưng không được hợp thức hóa bằng luật pháp. Ý định rõ ràng của Tập Cận Bình là tái lập việc kiểm soát vùng xám này, hệ thống hóa các đạo luật giúp các tổ chức xã hội sống sót nhưng chỉ được hoạt động như là những tổ chức phụ trợ cho đảng Cộng Sản. Đảng muốn duy trì sự ổn định và thống trị xã hội».

Tất cả các công dân dám lên tiếng cho các giá trị xã hội có nguy cơ bị khởi tố vì tội "lật đổ chính quyền" hay "gây rối trật tự công cộng".

Cụ thể, có bốn lãnh vực đặc biệt bị siết chặt trong 5 năm qua.

Trước hết là internet. Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng với "Vạn Lý Hỏa Thành", bức tường lửa vĩ đại ngăn chận mọi thứ bị coi là không chính thống. Các bài viết hoặc lời bình nhạy cảm đều bị xóa, và nhiều trang web nước ngoài (Google, Facebook, YouTube, Twitter, Instagram, Dailymotion) bị phong tỏa.

Tháng 6/2017, đạo luật an ninh mạng đã hạn chế thêm quyền tự do ngôn luận, buộc các công ty internet phải lưu trữ dữ liệu của người sử dụng tại Trung Quốc. Chính quyền đóng cửa các blog thông tin bình dân, các trang web đăng tải video được lệnh xóa các nội dung "không phù hợp với các tiêu chuẩn chính trị và đạo đức". Trước khi bước vào Đại hội Đảng 19 lần này, Bắc Kinh bắt đầu phong tỏa các VPN, tức những phần mềm giúp vượt tường lửa.

Về tư pháp, tháng 7/2015 một mẻ lưới quy mô chưa từng thấy đã được giăng ra : trên 200 luật sư đã bị công an câu lưu, thẩm vấn. Các luật sư bị bắt nổi tiếng là chuyên biện hộ cho những thân chủ "nhạy cảm" : các nhà đấu tranh dân chủ, học viên Pháp Luân Công hay các nhà đối lập. Đa số sau đó đã được thả ra, nhưng một số luật sư sau đó bị kết án thậm chí đến bảy năm tù.

Đối với các nhà ly khai lại càng tệ hại. Thậm chí giải Nobel Hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba, bị án tù 11 năm, khi phát bệnh ung thư, cũng đã phải chết đi trong tình trạng bị quản thúc, bất chấp những lời kêu gọi trả tự do cho ông của cộng đồng quốc tế. Cái chết của nhà hoạt động ôn hòa 61 tuổi nổi tiếng thế giới, đã gây ra một làn sóng thất vọng trong giới đấu tranh dân chủ. Vợ ông Lưu Hiểu Ba là nhà thơ Lưu Hà, dù không phạm bất cứ tội danh nào, cũng vẫn bị quản thúc từ bảy năm qua.

Một đạo luật về an ninh quốc gia năm 2015 đã tạo ra nhiều lo ngại cho các tổ chức bảo vệ nhân quyền, vì trao nhiều quyền hạn cho ngành an ninh để kiếm soát xã hội dân sự. Còn tại Hồng Kông, bàn tay sắt của Bắc Kinh ngày càng lộ rõ, nhất là sau vụ bắt cóc các chủ nhà sách chuyên xuất bản những tác phẩm tiết lộ về đời tư các lãnh đạo Hoa lục.

Về tự do tín ngưỡng, chế độ áp đặt những hạn chế khắt khe với Hồi giáo, vì lo sợ các vụ nổi dậy ở vùng Tân Cương. Bắt đầu từ năm nay, khăn choàng Hồi giáo và những bộ râu bị cho là "không bình thường" đều bị cấm. Và từ năm 2018, các tôn giáo nếu muốn mở trường phải chịu nhiều điều kiện khắt khe. Tại Tân Cương, nhà nước hạn chế cấp hộ chiếu, công chức và sinh viên học sinh không được tham gia mùa chay Ramadan. Còn tại Tây Tạng, các nhà sư bị giám sát chặt chẽ, mỗi lần di chuyển phải xin giấy phép đặc biệt.

Tóm lại, năm năm cầm quyền vừa qua của ông Tập Cận Bình không có gì tốt đẹp đối với các nhà đấu tranh nhân quyền, luật gia, blogger hoặc tất cả những ai không ngoan ngoãn tuân theo đường lối của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Thụy My

*******************

Trung Quốc thông báo kinh tế tăng trưởng "vững chắc" (RFI, 19/10/2017)

Trong bối cảnh Đại Hội Đảng, Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc thông báo, tăng trưởng "hợp lý và ổn định", đạt 6,8 % trong quý 3/2017. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cảnh báo thành tích có được che giấu một sự thật phũ phàng : nợ trên toàn quốc tăng mạnh.

thientu7

"Thành phố ma", một hậu quả của hội chứng phát triển giả tạo tại Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình : Reuters

Trong thông cáo ngày 19/10/2017 Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc cho biết, so với cùng thời kỳ năm ngoái, GDP tăng 6,8 % trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2017. Nền kinh tế thứ 2 trên thế giới trong giai đoạn tăng trưởng được đánh giá là "ổn định". Bắc Kinh đề ra mục tiêu GDP tăng 6,5 % trong năm nay. Theo phân tích của Cơ quan tư vấn Capital Economics, trụ sở tại Luân Đôn, Anh Quốc, đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc "vững vàng". Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,6 % trong tháng 9/2017, khá hơn so với dự phóng.

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF không lạc quan bằng, khi cho rằng, tăng trưởng mà Trung Quốc có được do trung ương bơm thêm tín dụng trong 6 tháng đầu năm, tăng chi tiêu công cộng và cho mở nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Đầu tư cho các dự án xây dựng tăng 7,5 % trong 9 tháng đầu năm 2017.

AFP lưu ý, trong diễn văn khai mạc Đại Hội Đảng hôm qua, khác với thông lệ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không nêu lên mục tiêu tăng trưởng cụ thể, mà chỉ nói đến những nỗ lực để chuyển đổi mô hình kinh tế Trung Quốc, chú trọng vào "chất lượng", khuyến khích những phát minh và kêu gọi "giảm thiểu rủi ro tài chính".

Thanh Hà

Published in Châu Á