Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp : Nạn lừa đảo bằng thiết bị gián điệp của Trung Quốc

Gần đây không ít người, nhất là người lớn tuổi bị lừa đảo bằng tin nhắn, do các thiết bị có thể trộm được dữ liệu từ tất cả số điện thoại di động trong vòng bán kính 200 mét. Báo chí Pháp hôm 24/04/2023 chú ý tới loại thiết bị gián điệp này, có thể mua dễ dàng từ Trung Quốc và gây lo ngại cho chính quyền Pháp.

ims1

Thiết bị Imsi-catcher. Ảnh minh họa 

Đại sứ "chiến lang"

Tại Pháp, Libération nhận thấy "Đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã (Lu Shaye), tiếng nói của chủ nhân ông ta đang trong ngõ cụt". Từ ba năm qua, nhân vật này vẫn nổi tiếng với những phát biểu khiêu khích, hết đả kích lại đến bóp méo thông tin, nói chung là không hề mang tính ngoại giao. Đã nhiều lần Lư Sa Dã đã bị bộ Ngoại Giao Pháp triệu mời để nhắc nhở, và cũng có lần ông ta tự cho phép không đến theo lời mời.

Tối thứ Sáu tuần trước trên đài LCI, đại sứ Trung Quốc đã bước qua một ngưỡng mới khi cho rằng Crimea thuộc về Nga và phủ nhận tư cách pháp lý của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Paris lập tức nhấn mạnh "việc Nga chiếm Crimea năm 2014 là bất hợp pháp, chiếu theo luật pháp quốc tế". Chính quyền Ukraine và ba nước Baltic cũng phản đối mạnh mẽ, Litva, Latvia và Estonia đều triệu tập đại sứ Trung Quốc tại các nước này – theo Les Echos.

Libération cho rằng một đại sứ không thể đóng vai chiếc robinet cho tuyên truyền của Nga, chối bỏ nhiều triệu cái chết thời Mao Trạch Đông, sự hiện hữu của các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ… "Chiến binh sói" này trắng trợn nói rằng đất nước ông ta "bị đe dọa", "các lực lượng ly khai" Đài Loan muốn "đòi độc lập". Lư Sa Dã trình ra một bộ mặt hung hăng không hề có lợi cho ai cả.

Tin nhắn lừa đảo tại Pháp bằng công nghệ cao

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Libération có bài điều tra công phu mang tựa đề "Imsi-catcher và SMS giả : Phía sau nạn lừa đảo bằng công nghệ mới". Vào ngày cuối cùng của năm cũ 2022, cảnh sát quận 10 Paris nghi ngờ một chiếc xe hơi chạy rất chậm, cửa sổ phía sau bị một chiếc hộp lớn màu xám che khuất. Khi kiểm tra, họ phát hiện chiếc két sắt có ghi nhiều chữ tiếng Hoa, nối với cốp xe bằng những sợi dây màu đỏ, còn ở ghế trước một sợi cáp điện nối với ca-pô. Tài xế thú nhận được trả tiền để rong ruổi trên các đường phố thủ đô nước Pháp.

Một tháng rưỡi sau, hiến binh bắt được thiết bị tương tự trên một chiếc xe thường dùng để cấp cứu. Người lái xe cho biết một kẻ bí ẩn trên Snapchat đã trả 1.000 euro một tuần để chạy khắp Paris trừ quận 19 và 20, ở những địa điểm đông người như đại lộ Champs-Elysées, tháp Eiffel, đại lộ Haussmann…và cả những vùng ngoại ô giàu có. Chỉ thị là không được mặc áo khoác thể thao, không để bị phạt vạ.

Phân tích kỹ thuật cho thấy đó là Imsi-catcher, loại thiết bị dành cho tình báo và các đơn vị đặc biệt của cảnh sát, hiến binh, giúp thu thập tất cả số điện thoại di động trong vòng bán kinh 200 mét. Cỗ máy này mô phỏng một ăng-ten chuyển tiếp giả, xen vào giữa điện thoại và ăng-ten của nhà mạng. Số điện thoại của các nạn nhân mất tích khỏi mạng từ vài giây đến vài phút, và Imsi-catcher chuyển từ 4G thành 2G kém an toàn hơn, để gởi đi những tin nhắn lừa đảo. Từ tháng 9/2022 đến tháng 2/2023, trên 240.000 khách hàng của mạng Orange đã bị thu thập số. Cỗ máy gởi đi hàng loạt tin SMS giả làm bảo hiểm y tế, đòi cập nhật thẻ và tài khoản ngân hàng. Bị khách hàng khiếu nại, hãng Orange đã nộp đơn kiện hồi tháng 10.

Thiết bị gián điệp dễ dàng mua được từ Trung Quốc 

Việc thu thập các số điện thoại còn được dùng làm cơ sở để lừa đảo một cách tinh vi hơn. Vài phút sau khi nhận được một tin SMS, một người tự xưng là tư vấn của ngân hàng gọi lại nói với nạn nhân tin đó là giả, yêu cầu khiếu nại ngay, rồi chuyển máy cho một người nói là cảnh sát. Nạn nhân được đề nghị giao hết những vật giá trị và thẻ ngân hàng để giữ giúp vì nghi ngờ trộm đột nhập. Hầu hết các nạn nhân là người lớn tuổi đã để mất tài sản vào tay bọn lưu manh. Các nhà điều tra đã lần ra được Abdoulaye K. và Mohamed M., hai chủ nhân của công ty Scion Data Agency, chuyên về "tiếp thị kỹ thuật số". Trang web của công ty này khoe sở hữu 20 triệu số điện thoại, và có thể "gởi hàng loạt tin nhắn". Cả hai đã bị tạm giam.

Thiết bị gián điệp này từ đâu ra trong khi việc buôn bán và sử dụng được quy định chặt chẽ tại Pháp? Hai nghi can thừa nhận mua từ Trung Quốc, nhưng không tiết lộ người bán. Kiểm tra các giao dịch, cảnh sát phát hiện một vụ chuyển 18.430 euro vào một tài khoản tên Kevin Y. ở Trung Quốc. Đây là người bán thiết bị nghe lén, có văn phòng ở Trung Quốc, Anh, Peru và Dubai. Scion Data Agency là đại lý của anh ta tại Pháp. Libération cho rằng việc sử dụng bừa bãi Imsi-catcher rất đáng lo ngại.

Tại Pháp, chỉ một ủy ban đặc biệt có tên là R226 thành lập năm 2015 mới có quyền cấp phép, và số lượng cũng bị hạn chế : 70 chiếc cho Bộ Nội Vụ, 20 cho Quốc Phòng. Tuy nhiên cuộc điều tra cho thấy nhập khẩu thiết bị này hiện nay rất dễ dàng. Thậm chí chẳng cần phải vào Dark Web, một vài cú nhấp chuột là đủ để mua từ Trung Quốc và sau đó được gởi qua đường bưu điện. Theo một chuyên gia tình báo, khi một Nhà nước như Trung Quốc cho phép bán vô tội vạ loại thiết bị này, sẽ tạo ra tình trạng vô cùng lộn xộn. Đặc biệt công ty của Kevin Y. có nhiều điểm tương đồng với một công ty khác chuyên về lĩnh vực quốc phòng, không chỉ bán thiết bị thu lén mà còn cung cấp vũ khí, đặc biệt là robot sát thủ, drone tấn công và hỏa tiễn địa-địa. Nhân vật này còn là "đầu mối liên hệ" cho một số công ty công nghệ Trung Quốc ở nước ngoài.

Ukraine : Công nhân luyện kim cũng là chiến sĩ

Nhìn sang Ukraine, đặc phái viên Le Figaro viết về nhà máy chế tạo vũ khí cho quân đội nằm gần tiền tuyến ở Zaporijia. Kiev đang phải dựa vào các công ty luyện kim còn lại để phục vụ chiến đấu. Tại nhà máy Zaporijstal, "mặt trận kỹ nghệ" tiếp diễn : 6.000 công nhân duy trì việc sản xuất thép trong khi quân Nga chỉ cách đó 40 kilomet. Có đến 1.050 công nhân đã lên đường ra mặt trận thực sự. Gần 1.000 công nhân của Zaporijstal hiện nay là người Mariupol sống sót.

Câu chuyện của Zaporijstal cũng giống như Azovstal, Kryvorijstal, tất cả những nhà máy mang tên "stal" (tức "thép" trong tiếng Nga) được triển khai ồ ạt trong thập niên 30 thời xô-viết. Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, các nhà máy này lọt vào tay công ty Metinvest của doanh nhân Rinat Akhmetov. Trong khi các tài phiệt Ukraine khác bị quốc hữu hóa vào năm ngoái, công ty của Akhmetov vẫn tồn tại vì dồn sức cho cuộc chiến.

Metinvest tặng cho Nhà nước 80 triệu đô la, đóng thuế 86 triệu đô la, liên tục sản xuất thép để tập đoàn nhà nước Ukroboronprom chế tạo súng đạn, và đầu tư làm thiết bị quân sự như áo giáp, phụ tùng xe thiết giáp, các boong-ke cơ động. Tuy nhiên theo tài liệu của Mỹ bị rò rỉ, Ukraine vẫn thiếu trầm trọng đạn dược. Riêng về phòng không, chỉ có thể chống chọi được hai, ba đợt tấn công nữa mà thôi.

Châu Âu và 1 triệu quả đạn pháo cho Kiev

Trong bối cảnh đó, Les Echos cho biết "Châu Âu cam kết cung cấp một triệu đạn pháo cho quân đội Ukraine". Ủy viên Châu Âu Thierry Breton vừa đi một vòng các nhà máy sản xuất đạn ở hơn một chục nước, và hoàn tất kế hoạch tái lập năng lực kỹ nghệ.

Kiev nói rằng cần 5.000 quả đạn pháo một ngày để tung ra đợt tấn công, nhưng sản lượng pháo cỡ lớn cả năm của tập đoàn Pháp Nexter chỉ có 40.000 quả, đủ cho 8 ngày chiến đấu mà thôi. Tháng trước Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch 2 tỉ euro để cung cấp 1 triệu quả, chia làm ba giai đoạn.

Trước hết, trợ cấp 1 tỉ để giao nhanh nhất số lượng đạn tồn trữ, 1 tỉ còn lại để cùng mua chung, và hỗ trợ kỹ nghệ để nâng cao năng lực. Một số nước muốn mua từ các quốc gia đối tác như Úc, Hàn Quốc, Nam Phi, nhưng Pháp bảo vệ nguyên tắc tiền của người đóng thuế cần được rót vào kỹ nghệ Châu Âu. Các nước Đông Âu cũng vui mừng khi khởi động lại việc sản xuất đạn 152 ly xô-viết mà pháo binh Ukraine đang cần, đồng thời mở rộng kỹ năng theo tiêu chuẩn NATO.

Sudan : Di tản bằng mọi giá

Hôm nay, tròn một năm ông Emmanuel Macron tái đắc cử tổng thống Pháp, và đúng 10 năm ngày ban hành đạo luật cho phép người đồng tính kết hôn cũng như nhận con nuôi, các báo có nhiều bài viết về chủ đề này. Về thời sự quốc tế, bên cạnh chiến tranh ở Ukraine, chiến sự ở Sudan khiến các nước phải di tản công dân vẫn được đề cập nhiều nhất. Một thảm họa nhân đạo đang diễn ra tại Sudan, đất nước 45 triệu dân có biên giới chung với 7 nước Châu Phi khác, và lại nằm dọc theo Biển Đỏ, nơi dầu lửa được đưa vào Châu Âu.

La Croix mô tả nỗ lực di tản người ngoại quốc khỏi Sudan và tỏ ý tiếc vì quốc tế lâu nay không quan tâm đến quốc gia này.Anh và Hoa Kỳ di tản nhân viên ngoại giao ; Pháp đã đưa đi được vài trăm công dân của mình và một số nước bạn ; Ý, Đức, Thụy Sĩ cũng tổ chức những cuộc sơ tán riêng nhưng rất vất vả, nhất là phi trường Khartoum đã đóng cửa.

Một phụ nữ Sudan có quốc tịch Anh kể lại với Le Figaro, dân quân bố trí các tay súng bắn tỉa trên nóc các tòa nhà, bắn vào bất cứ ai. Quân đội tịch thu tất cả xe hơi, một người bạn có công ty cho thuê xe trở thành trắng tay. Lợi dụng khoảng thời gian tạm lắng ngắn ngủi trong dịp lễ Aid kết thúc mùa chay Ramadan, bà cùng với chồng con âm thầm rời khỏi thành phố đến một vùng ngoại ô xa, nơi có chiếc xe ca của người quen. Cả gia đình đến được Ai Cập sau chuyến đi dài 20 tiếng đồng hồ. Họ may mắn hơn nhiều người khác đang có nguy cơ chết đói.

Cuộc chiến vì quyền lợi của các tướng lãnh

Les Echos phân tích "Cuộc chiến của các tướng lãnh ở Sudan". Thời nay, hiếm thấy những cuộc xung đột mà nguyên nhân chỉ là sự đối địch giữa hai con người. Cần phải có tài năng cỡ Shakespeare để mô tả "cuộc chiến tướng lãnh" đang dìm Sudan trong máu lửa. Năm 2019, người dân xuống đường để kết thúc sự ngự trị từ nhiều năm của Omar Al Bachir, nhưng rốt cuộc chính quân đội đã đánh đuổi nhà độc tài. Và sau một thời gian ngắn chuyển đổi sang bán dân chủ, quân đội đã nắm toàn bộ quyền hành trong tay năm 2021. Giờ đây chính các tướng lãnh làm đảo chánh đang trong cuộc chiến tương tàn, có nguy cơ làm bất ổn toàn bộ Đông Phi.

Mặc cho những lời kêu gọi ngưng bắn của ngoại trưởng Mỹ và Liên Hiệp Quốc, cuộc xung đột chỉ kết thúc khi một phe giành được chiến thắng. Sau chiến tranh Darfour làm hàng trăm ngàn người chết từ năm 1989 đến 2003, lịch sử chừng như lặp lại một cách đáng buồn. Máu lại đổ ở Sudan, không phải do chống xâm lăng, đấu tranh ý thức hệ, tín ngưỡng, chính trị giữa các sắc tộc, mà rất đơn giản là tranh giành quyền lực giữa tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Abdel Fattah Al Buhran và nhân vật số 2, tướng Mohamed Hamdan Dagalo, có biệt danh là "Hemetti". Ông Buhran muốn kiểm soát lực lượng đặc biệt trước đây là vệ binh của Al Bachir, nhưng Hemetti nhất quyết không chịu. Động cơ của họ chỉ là quyền lợi.

Trả lời Libération, nhà nghiên cứu Marc Lavergne của CNRS cho biết, Sudan là nước sản xuất vàng thứ nhì Châu lục, chỉ sau Nam Phi, nhưng tiền bán vàng rơi vào túi Hemetti và thuộc hạ, còn tiền bán dầu lửa thuộc về ngân sách nhà nước đang do phe Buhran nắm. Và trong suốt ba thập niên dưới chế độ quân sự Hồi giáo của Al Bachir, rất nhiều mảnh đất dọc theo sông Nil được bán cho tất cả những ai muốn mua : Qatar, Trung Quốc…Tướng tá làm giàu bằng cách đuổi nông dân đi để bán đất. Từ Miến Điện cho đến Sudan, các tướng lãnh không còn che giấu xu hướng thâu tóm tài nguyên của đất nước mình.

Thụy My

Published in Châu Á