Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên là một tâm điểm trong cuộc thượng đỉnh Mỹ-Trung, bắt đầu từ ngày mai thứ Năm 06/04/2017. Trước cuộc gặp nguyên thủ Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thẳng thừng tuyên bố : Nếu Bắc Kinh không cộng tác, Washington sẽ "hành động một mình" (trả lời phỏng vấn Financial Times). Truyền thông Mỹ tìm cách giải mã.

thachdo1

Dân Hồng Kông đóng giả tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên để đùa chơi, công viên Victoria, Hồng Kông, ngày 21/01/2017. Ảnh : Wikipedia

Về phát biểu "sẵn sàng hành động một mình" trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, truyền thông quốc tế đăng tải rộng rãi bài phân tích của hãng AP, mang tựa đề : "Liệu ông Trump với phong cách bạo mồm, bạo miệng có giải quyết được vấn đề Bắc Triều Tiên ?".

Công chúng còn nhớ một Twitter của ông Trump đầu năm nay, sau khi Bình Nhưỡng lần đầu tiên bắn thử hạt nhân, kể từ khi ông đắc cử (Đại ý là : Tên lửa Bắc Triều Tiên không thể tấn công được Mỹ !) Lúc đó một số người cho rằng tổng thống tân cử Mỹ sẵn sàng dùng biện pháp quân sự. Nhưng nhiều chuyên gia nhận xét, Donald Trump có lối nói nước đôi. Dùng quân sự cũng là một cách hiểu, nhưng cũng có thể giải thích : xét về mặt kỹ thuật, tên lửa Bình Nhưỡng chưa đủ khả năng. Lần này cũng vậy, hứa hẹn hành động không cần Trung Quốc của tổng thống Mỹ cũng được một số phương tiện truyền thông giải thích là Washington "sẽ đơn phương hành động về quân sự", như điều mà ngoại trưởng Mỹ để ngỏ. Vậy thực hư ra sao ?

"Đòn cân não" hơn là giải pháp đã có

Điểm lại lịch sử, AP nhận xét, nếu tân tổng thống Mỹ có được "một giải pháp táo bạo" cho vấn đề Bắc Triều Tiên, thì đó phải là một giải pháp "rất thông minh", bởi vấn đề "rất phức tạp".

Năm 1994, tổng thống Bill Clinton thời ấy đã từng dự định sẽ tấn công phủ đầu Bắc Triều Tiên để ngăn chặn chương trình hạt nhân. Do quá mạo hiểm, rốt cuộc Clinton đã chọn thương lượng. Giải pháp này cũng đã thất bại qua cả hai đời tổng thống tiếp theo.

Theo AP, tân tổng thống Mỹ hiểu rằng, nếu có các thay đổi nguyên trạng về quân sự tại Đông Bắc Á, mà không có sự tham gia của Trung Quốc và đặc biệt là Nga, điều có thể dẫn đến "sự đối đầu giữa Mỹ với hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân".

AP nhận xét một cách châm biếm, thực ra "ông Trump không cần phải nói về chương trình hành động của ông với bất cứ một báo nào. Bởi nếu ông mà có một kế hoạch như vậy, thì tất cả các lãnh đạo Châu Á đã dỏng tai nghe rồi".

Nhìn chung, tuyên bố của ông Trump được một số nhà quan sát đánh giá như là một đòn cân não, nhằm gây ảnh hưởng đến lãnh đạo Trung Quốc, để tạo lợi thế trong mặc cả, nhiều hơn là thể hiện cho một đối sách đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong một hồ sơ được coi là thuộc loại gai góc nhất đối với Hoa Kỳ.

Về khả năng hành động của tổng thống Mỹ, kênh truyền thông CNN có bài phân tích nêu ra ba kịch bản.

Kịch bản 1 : Đối thoại đưa Bắc Triều Tiên vào đàm phán

Thứ nhất là đối thoại để đưa Bắc Triều Tiên vào bàn đàm phán. Ít nhất ba lần trong thời gian tranh cử tổng thống, ông Trump đã nói sẽ mời lãnh đạo Bắc Triều Tiên đi ăn hamburger. Một nhà nghiên cứu thuộc Viện tư vấn Hoover về Chiến Tranh, Cách Mạng và Hòa Bình (Mỹ), nhận định : một chuyện rất phức tạp không thể giải quyết đơn giản như vậy, không thể chỉ trong ngày một ngày hai, mà cần chuẩn bị lâu dài. Bình Nhưỡng đã tuyên bố sẵn sàng thương lượng, nhưng không chấp nhận giải trừ hạt nhân như một điều kiện tiên quyết.

Theo chuyên gia Leon Sigal, giám đốc dự án hợp tác an ninh Đông Bắc Á của Social Science Research Council, ở New York, cách duy nhất để ra khỏi tình thế hiện nay là Washington chấp nhận đối thoại với Bình Nhưỡng, "càng sớm càng tốt", để xem xem chế độ Bắc Triều Tiên có ý định tạm ngưng chương trình vũ khí hay không. Tuy nhiên, giải pháp này có thể bị chế độ Bắc Triều Tiên sử dụng để gây thanh thế, mặt khác việc Bắc Triều Tiên liên tục thử tên lửa trong những tháng gần đây khiến kịch bản này trở nên xa vời.

Kịch bản 2 : Siết chặt gọng kìm kinh tế

Một kịch bản thứ hai được nhiều chuyên gia nói đến, đó là "siết chặt gòng kìm" đối với Bắc Triều Tiên. Ông Anthony Ruggiero, một chuyên gia về các trừng phạt tài chính của Mỹ, nhấn mạnh rằng chính quyền Trump có thể điều tra về các doanh nghiệp Trung Quốc thông đồng với Bắc Triều Tiên, và trừng phạt trực tiếp các doanh nghiệp này, thay vì chỉ nhắm vào các doanh nghiệp Bắc Triều Tiên có quan hệ với chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng giải pháp này sẽ không khiến chế độ Bình Nhưỡng khuất phục. Vì dù thiệt hại đến đâu, quân đội và chương trình vũ khí hạt nhân vẫn sẽ là lực lượng được chế độ bảo vệ đến cùng.

Kịch bản 3 : Can thiệp quân sự

Trong một báo cáo hồi tháng 5/2016, của Stratfor, một nhóm tư vấn về địa chính trị, có trụ sở tại Texas, thì Hoa Kỳ có thể tấn công Bắc Triều Tiên với hơn 600 tên lửa hành trình và bom điều khiển trong trận đánh phủ đầu. Các vũ khí này sẽ được triển khai với các oanh tạc cơ B-2 và F-22 Raptors, tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio, cùng một lực lượng hùng hậu các tàu chiến khác. Tuy nhiên, theo Stratfor, vấn đề là Bắc Triều Tiên hiện sở hữu các phương tiện để phóng bom nguyên tử sang Hàn Quốc, và cả Nhật Bản. Nếu điều này xảy ra, hậu quả sẽ không thể tưởng tượng được.

Theo CNN, ngoài biện pháp đánh phủ đầu vốn rất khó xảy ra, một loạt khả năng trong kịch bản quân sự, nhưng không gây ra chiến tranh, cũng được CNN nêu ra, như phong tỏa đường biển, hay điều các tàu được trang bị hệ thống chống tên lửa Aegis đến sát bờ biển Bắc Triều Tiên, để sẵn sàng bắn hạ các tên lửa mà Bình Nhưỡng thử nghiệm trong tương lai.

Vấn đề "tính khí", khả năng mặc cả hay hiểu biết lịch sử ?

Vấn đề Bắc Triều Tiên dường như bế tắc, cho dù Donald Trump và Tập Cận Bình có gặp nhau vào ngày mai. Theo AFP, một số chuyên gia Trung Quốc đã "giễu cợt" quan điểm cho rằng cuộc hội kiến với nguyên thủ Mỹ có thể sẽ khiến Bắc Kinh thay đổi quan điểm trong quan hệ với Bắc Triều Tiên, bởi "Trung Quốc đã xác lập các nguyên tắc" trong vấn đề này (Yang Xiyu, một chuyên gia viện Nghiên Cứu Quốc Tế Trung Quốc), có nghĩa là sẽ không có nhân nhượng.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cũng cho rằng rất khó dự đoán kết quả cuộc gặp giữa nhân vật nhiều quyền lực nhất Trung Quốc kể từ vài thập niên nay, với một tổng thống Hoa Kỳ mới nhậm chức mới chỉ hơn 100 ngày, vốn đang có tỉ lệ được lòng dân rất thấp. Kết quả cuộc gặp được đánh giá là sẽ còn phụ thuộc nhiều vào vấn đề "tính khí" hay nói cách khác "khả năng hòa hợp" giữa hai bên (personal chemistry).

Một số điều đã được nêu lên trong các kịch bản của CNN cho thấy tổng thống Mỹ vẫn còn một số lá bài trong tay để có thể mặc cả với lãnh đạo Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng có một câu hỏi khác đặt ra là : để có được một giải pháp "táo bạo" và "thông minh" cho vấn đề "rất phức tạp" này, phải chăng một độ lùi lịch sử là điều cần thiết ?

Trang mạng báo The Nation, có trụ sở tại Hoa Kỳ, giới thiệu bài nhận định của chuyên gia về chiến tranh Triều Tiên Brice Cumings hồi cuối tháng 3/2017 (Bài "This Is What’s Really Behind North Korea’s Nuclear Provocations"). Nhà sử học Mỹ nhắc lại, tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng đã nảy sinh khi Hoa Kỳ đưa vũ khí nguyên tử chiến thuật vào miền nam Triều Tiên, cuối những năm 1950, để đối phó với lực lượng cộng sản, được Trung Quốc và Nga hậu thuẫn. Đây là điều rất ít được nói đến trong chính giới Mỹ đương đại.

Trọng Thành

 

************************

Bắc Triều Tiên bắn tên lửa ra biển Nhật Bản để thách thức Mỹ-Trung (RFI, 05/04/2017)

Một hôm trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên vào hôm nay, 05/04/2017 đã lại phóng ra biển Nhật Bản một tên lửa đạn đạo. Đây được coi là một hành động thách thức nhắm vào cả Washington lẫn Bắc Kinh, trong bối cảnh hồ sơ Bắc Triều Tiên sẽ nổi cộm trong hai ngày tiếp xúc giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự trù bắt đầu từ ngày mai, 06/04 tại Florida (Hoa Kỳ).

thachdo2

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un xem một vụ thử tên lửa. Ảnh do hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cung cấp ngày 19/03/2017. Reuters

Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc đã nói rõ là tên lửa mà Bình Nhưỡng bắn đi đã bay được khoảng 60 cây số trước khi rơi xuống biển. Quân Đội Mỹ xác định đó là một tên lửa đạn đạo tầm trung loại KN-15, không hề mang tính chất đe dọa đối với lãnh thổ Mỹ.

Phản ứng của các nước rất tức thời. Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc đã ra thông cáo lên án vụ phóng tên lửa, xem đấy là một hành vi "đe dọa hòa bình và ổn định trên toàn thế giới". Phủ tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia để thảo luận về vụ việc.

Nhật Bản cũng lên án hành động của Bắc Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xem đấy là một "hành vi khiêu khích nghiêm trọng" và tỏ ý quan ngại trước khả năng Bình Nhưỡng có thêm nhiều hành vi khiêu khích khác.

Riêng về phía Mỹ, ngoại trưởng Rex Tillerson tỏ ý ngán ngẩm trước "hành động liều lĩnh" được ông cho là "không còn gì để nói thêm".

Hồ sơ Bắc Triều Tiên sẽ bao trùm thượng đỉnh Mỹ-Trung

Hồ sơ Bắc Triều Tiên sẽ bao trùm cuộc gặp đầu tiên giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida ngày mai 06/04/2017.

Hai lãnh đạo sẽ gặp nhau tại nhà riêng của ông Trump tại Mar-a-Lago, bang Florida, lần đầu tiên kể từ khi nhà tỷ phú lên làm tổng thống Mỹ. Trong cuộc gặp này, ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình sẽ đề cập đến nhiều hồ sơ, nhưng nổi cộm hơn hết vẫn là Bắc Triều Tiên, nhất là Bình Nhưỡng hôm nay vừa bắn thêm một tên lửa.

Từ nhiều tuần qua, Washington vẫn thúc giục Bắc Kinh gây áp lực lên đồng minh Bắc Triều Tiên. Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times Chủ nhật vừa qua, tổng thống Trump thậm chí đã dọa là Mỹ sẽ "đơn phương can thiệp", sẵn sàng "một mình" giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, nếu Trung Quốc cứ chần chờ.

Nhưng theo một chuyên gia Trung Quốc, thuộc Đại học Phục Đán, Thượng Hải, được hãng tin AFP trích dẫn, Hoa Kỳ hoàn toàn không có khả năng, cũng như không có quyết tâm để giải quyết một mình vấn đề Bắc Triều Tiên.

Về phần ông Jonathan Pollack, thuộc Viện Brookings, thì nhấn mạnh đến thái độ ngày càng bất bình của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng. Ông cho rằng thượng đỉnh ở Florida sẽ là dịp chưa từng có để hai lãnh đạo Mỹ-Trung đạt được một bước đột phá trong cuộc khủng hoảng đang ngày càng đe dọa các lợi ích của hai nước.

Trong tuần này, một quan chức của Nhà Trắng đã cho rằng tình hình ngày càng khẩn cấp, không còn nhiều thời gian nữa. Bình Nhưỡng hiện đang tìm cách phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể bắn tới lãnh thổ lục địa của Hoa Kỳ.

Trọng Nghĩa, Thanh Phương

************************

Bình Nhưỡng dọa trả đũa nếu quốc tế tăng cường trừng phạt (RFI, 04/04/2017)

Bình Nhưỡng ngày 03/04/2017 cảnh báo là nếu quốc tế thắt chặt trừng phạt Bắc Triều Tiên về các chương trình tên lửa và hạt nhân, nước này sẽ có các biện pháp trả đũa.

thachdo3

Kim Jong-un tham quan Bảo Tàng Cách Mạng Bắc Triều Tiên. Ảnh KCNA cung cấp không ghi rõ thời điểm. Reuters

Lời cảnh báo đáp trả của Bắc Triều Tiên được đưa ra chỉ một ngày sau khi trang Financial Times dẫn lời tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ sẵn sàng tự "giải quyết" vấn đề Bắc Triều Tiên mà không cần sự trợ giúp của Trung Quốc.

Tuyên bố của tổng thống Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Seoul, Tokyo và Washington khởi động tập trận chung chống lại mối đe dọa về tên lửa từ tầu ngầm của Bình Nhưỡng. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên cáo buộc là "các hành động vô trách nhiệm" này đang đẩy bán đảo Triều Tiên tới "bờ vực chiến tranh". Việc Mỹ có thể ngăn cản chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng chỉ là "một giấc mơ điên rồ".

Hãng tin nhà nước Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời ông Thae Yong Ho - cựu công sứ Bắc Triều Tiên tại Anh Quốc - cho biết lãnh đạo Kim Jong-Un sẽ không ngại ngần sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại Hoa Kỳ nếu thấy có dấu hiệu bị tấn công. Cựu quan chức ngoại giao của Bình Nhưỡng cảnh báo là hành động của Kim Jong-un sẽ "ngoài sức tưởng tượng" của mọi người.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lần đầu tiên sẽ chủ trì cuộc họp của Hội Đồng Bảo An về vấn đề Bắc Triều Tiên dự kiến diễn ra vào ngày 28/04/2017.

Tại Mỹ, theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, hầu như tất cả các dân biểu ngày 03/04/2017 đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật nhằm đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách các nước ủng hộ khủng bố (398 phiếu thuận, 3 phiếu chống) và thông qua nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng về chương trình phát triển tên lửa xuyên lục địa (294 phiếu thuận, 1 phiếu chống).

Thùy Dương

Published in Châu Á