Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một Thế vận hội vô nghĩa tại Bắc Kinh và một Ukraine sôi sục

Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh và nguy cơ Nga xâm lăng Ukraine là hai chủ đề được các tuần báo Pháp kỳ này đề cập nhiều nhất.

tvh1

Lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh ngày 04/02/2022.  Reuters – Brian Snyder

Nga từng tấn công Georgia và Crimea vào dịp Thế vận hội

Courrier International chạy tựa trang nhất"Bắc Kinh, Thế vận vô nghĩa". Tuần báo kể ra : tẩy chay ngoại giao, vận động viên bị trùm kín trong bong bóng dịch tễ trong khi những ổ dịch vẫn nảy sinh, bị kiểm duyệt, theo dõi…Hầu hết báo chí quốc tế được tuần báo Pháp trích dịch đều tự hỏi, có nên tổ chức một Thế vận hội mùa đông như thế ở Trung Quốc hay không.

Trong khi cộng đồng quốc tế dán mắt về phía Ukraine, Thế vận hội mùa đông khai mạc tại Bắc Kinh ngày 04/02, quả là kỳ quặc. Tờ Süddeutsche Zeitung của Đức viết :"Đó là chuyến đi đến một đất nước mà ta không được chào đón, không thể làm quen với ai và sống trong nỗi lo thường trực sẽ bị cách ly trong nhiều ngày". Thế nên nhiều người không hề háo hức, và chỉ mong nhanh chóng lên máy bay về nước. Vẫn có thể dời lại một năm như Nhật Bản đã làm, nhưng Bắc Kinh và Ủy ban Thế vận vẫn quyết giữ. Như vậy đại hội thể thao kỳ này không phải là lễ hội, mà là một sự kiện được tiến hành "bằng mọi giá".

Không chỉ có Covid, mà bối cảnh quốc tế cũng rất gay go. Trong lúc Châu Âu lo sợ một cuộc chiến tranh với Nga, Vladimir Putin đến Bắc Kinh từ 04 đến 06/02 gặp Tập Cận Bình. Liệu có thể tạm ngưng căng thẳng trong thời gian diễn ra Olympic hay không ? Chẳng có gì là chắc chắn. Nhật báo Nga Kommersant đặt vấn đề, hoặc đây là thời điểm xuống thang ở miền đông Ukraine, hoặc có thể là lúc những người cực đoan muốn chọn lựa để tấn công. Đã có những tiền lệ : năm 2008, Nga đánh vào Georgia trong thời gian diễn ra Thế vận hội…Bắc Kinh. Năm 2014, chính sau Thế vận hội mùa đông ở Sotchi mà Moskva xua quân sang chiếm Crimea.

Về mặt môi trường, đây là thảm họa. Nhật báo De Volkskrant của Hà Lan giận dữ viết trong bài xã luận, gần 200 triệu lít nước được dùng để tạo ra tuyết nhân tạo, trong khi các nhà tổ chức hứa hẹn sẽ là một sự kiện "sạch". Washington Post nói thêm, Bắc Kinh có thể thí nghiệm ở quy mô lớn công nghệ kiểm soát khí tượng để bầu trời thật xanh cho truyền hình quay phim.

Từ "Beijing Welcome You"2008 đến Bắc Kinh cao ngạo 2022

Tuy Ủy ban Thế vận (CIO) ca ngợi đây là "lễ hội của hòa bình", "phải vượt qua mọi bất đồng chính trị", nhưng nhà cầm quyền Bắc Kinh hôm 18/01 tuyên bố rõ là mọi chỉ trích về "tinh thần Olympic, đặc biệt là luật pháp và quy định Trung Quốc" có thể bị khởi tố hình sự. Không thành viên nào muốn gặp thêm rắc rối, Hội liên hiệp các vận động viên Đức khuyến cáo không bày tỏ chính kiến cho đến khi có chỉ thị mới. Đa số các nhà thể thao không quen với mệnh lệnh loại này, họ cảm thấy rất sốc.

Từ nhiều tháng qua, Thế vận hội Bắc Kinh đã bị kịch liệt phản đối vì Trung Quốc phạm nhân quyền, diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, đàn áp Tây Tạng, Hồng Kông. Nhiều nước, đứng đầu là Hoa Kỳ đã tẩy chay về ngoại giao. Một nhà nghiên cứu Singapore nhận xét, buổi lễ khai mạc với sự hiện diện của các nhà độc tài Kazakhstan, Turkmenistan, Kirghizistan, Saudi Arabia càng làm xấu thêm bộ mặt Trung Quốc.

The Guardian nhận định, Trung Quốc hồi năm 2008 không phải như bây giờ. Lúc đó Bắc Kinh khao khát được nhìn nhận trên trường quốc tế, bày ra khuôn mặt tươi cười, với bài hát chính thức "Beijing Welcome You" (Bắc Kinh chào đón quan khách), còn phương Tây cho rằng Trung Quốc sẽ phát triển một cách hòa bình. Mười bốn năm sau, bàn cờ đã thay đổi, Trung Quốc muốn chứng tỏ có thể đứng trên cao ngạo nghễ nhìn xuống một phương Tây đang yếu đi, và không có gì tốt hơn đại hội thể thao thế giới để chứng tỏ sức mạnh Đại Hán.

"Sự kiện 1972" đảo ngược : Hy sinh Ukraine để đối phó Trung Quốc ?

Tuần báo Le Point quan tâm đến"Bắc Kinh-Moskva, trục chống phương Tây". Cuộc gặp thượng đỉnh Vladimir Putin và Tập Cận Bình nhân Thế vận hội thuộc về một quan hệ đối tác, mà kẻ thủ lợi chủ yếu là Trung Quốc.

Vào lúc đỉnh điểm của chiến tranh lạnh, Mỹ và Châu Âu vẫn coi Liên Xô &Trung Quốc là một khối bất khả phân ly. Phải đến năm 1969, khi hai cường quốc cộng sản hầm hè nhau bên bờ vực chiến tranh, phương Tây mới vỡ lẽ. Tổng thống Mỹ Richard Nixon được Henry Kissinger cố vấn, nhân dịp này đã bắt tay với Mao năm 1972 để làm yếu đi Liên Xô. Đồng thời tìm cách rút chân khỏi cuộc chiến Việt Nam, mà The Economist trong bài"Chuyến thăm Trung Quốc của Nixon, 50 năm sau" nhắc nhở, với cái giá là sự phản bội đồng minh.

Nhiều nhà chiến lược ngồi trong văn phòng cho rằng lần này, phải theo mô hình 1972 nhưng đảo ngược : hy sinh Ukraine và liên minh với Moskva để chống lại Bắc Kinh. Nhưng nếu từng đánh giá thấp sự thù địch lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga cách đây nửa thế kỷ, giờ đây những ai nghĩ rằng có thể tách rời hai nước này đã coi nhẹ tính vững chắc của trục Nga-Trung.

Nga-Trung, hai đồng minh độc tài chống phương Tây

Hai bên đoàn kết với nhau vì cùng ác cảm với thế giới dân chủ và sức mạnh Mỹ, muốn đẩy mạnh chuyên chế, chia rẽ Hoa Kỳ với các đồng minh, ngăn cản mọi xu hướng tự do có thể làm lung lay chế độ. Nga-Trung làm hòa từ khi giải quyết tranh chấp biên giới năm 2005, và nhất là sau khi Vladimir Putin thách thức phương Tây qua việc nuốt chửng một phần lãnh thổ Ukraine năm 2014. Putin coi Liên Xô sụp đổ năm 1991 là thảm họa cho tham vọng đế quốc của Nga, còn Tập rút ra bài học là phải thẳng tay bóp nghẹt mọi khát vọng tự do.

Moskva giúp cải thiện năng lực quân sự và cung cấp nguồn dầu khí cho Trung Quốc luôn đói năng lượng, còn Bắc Kinh giúp giảm nhẹ tác động trừng phạt của phương Tây, tăng thêm vị thế địa chính trị cho Nga. Quân đội đôi bên tổ chức những cuộc tập trận chung ngày càng tinh tế, thương mại song phương đạt kỷ lục 140 tỉ đô la trong năm ngoái.

Tuy nhiên hai chế độ độc tài vẫn nghi kỵ lẫn nhau, đặc biệt Putin không thể nào hài lòng vì thế yếu trước người khổng lồ kinh tế. Theo AidData, Nga trở thành con nợ hàng đầu với 125 tỉ đô la, đầu tư Trung Quốc vào Siberia là đáng thất vọng. Bắc Kinh chưa bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập Crimea, Moskva cũng không nhìn nhận chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông. Nước Nga thời Stalin hãnh diện làm "người anh cả" của nước cộng hòa nhân dân non trẻ thời Mao, nhưng giờ đây Nga đang dần dà trở thành chư hầu của Bắc Kinh.

Cựu tổng thống Pháp : Putin có thể gặm nhấm ít đất, nhưng không tiến vào tận Kiev

Về tình hình Ukraine, trang bìa Le Point là hình ảnh đoàn xe tăng dàn hàng trên mặt đất đầy tuyết trắng, chạy tựa lớn"Nga-Ukraine : Trò chơi chiến tranh", và dành đến 15 trang trong cho hồ sơ này.

Đặc phái viên của tuần báo tại Kiev mô tả quảng trường Maidan lịch sử với lá cờ sao của Liên Hiệp Châu Âu bay phấp phới bên cạnh quốc kỳ Ukraine, và biểu tượng NATO. Từ sau cuộc cách mạng màu cam năm 2004, ngôn ngữ Ukraine vốn chỉ dùng trên truyền hình trở thành phổ biến, và gần đây tiếng giày đinh đe dọa từ phía Nga khiến lực lượng quân dự bị tăng vọt.

Hồ sơ của tờ báo điểm qua "Những bóng ma lịch sử" của Ukraine, đất nước phải mất gần 1.000 năm mới trở thành quốc gia độc lập. Tuần báo cũng trích dịch bài viết dài lê thê của Vladimir Putin trên trang web điện Kremlin, giải thích "Nga và Ukraine là một dân tộc duy nhất". Đặc phái viên tại Moskva cho biết "Điện Kremlin tập cho giới trẻ làm quen với quân đội như thế nào" : từ những buổi cắm trại "ái quốc" đến các câu lạc bộ bán quân sự.

Trong bài trả lời phỏng vấn, cựu tổng thống Pháp François Hollande, người đã thương lượng được việc ngừng bắn với Ukraine năm 2015, cho rằng "Putin sẽ không tiến đến tận Kiev". Ông ta chỉ gặm nhấm một ít lãnh thổ của Ukraine, vì chiếm hẳn Ukraine sẽ là một khiêu khích trắng trợn với phương Tây, và đáp trả của Kiev sẽ mạnh mẽ hơn hồi năm 2014. Theo cựu tổng thống Pháp, cần phải tỏ ra cứng rắn với Vladimir Putin, không nên đánh giá quá cao ông ta.

Ukraine, tâm chấn mới của thế giới

Trong bài "Ukraine, tâm chấn mới của thế giới", L'Obs quay lại với thời điểm 1997, sáu năm sau khi Liên Xô sụp đổ và ba năm trước khi Vladimir Putin bước vào điện Kremlin, sự độc tôn của Mỹ là không thể tranh cãi. Cố vấn của tổng thống Jimmy Carter, ông Zbigniew Brzezinski, một trong những chuyên gia giỏi nhất về tương quan lực lượng thế giới, đã tiên đoán trong thế kỷ 21 Ukraine sẽ trở thành một cột trụ địa chính trị, tương lai sức mạnh Mỹ và thế giới được đặt cược ở đây.

Trong cuốn sách xuất bản cách đây 25 năm, Brezezinski giải thích vì sao Ukraine luôn ám ảnh Putin. Khi tuyên bố độc lập năm 1991, Ukraine đã kết thúc hơn 300 năm lệ thuộc, khiến nước láng giềng bỗng mất đi một nền kinh tế đầy tiềm năng kỹ nghệ, nông nghiệp và dân số 52 triệu người mà gốc gác, văn minh, tín ngưỡng gần gũi với người Nga. Moskva cũng mất vị trí thống trị ở Hắc Hải, vì cảng Odessa là nơi giao thương truyền thống với các nước Địa Trung Hải và xa hơn nữa. Tái lập được việc kiểm soát Ukraine, Nga có thể lại trở thành đế quốc hùng mạnh trải rộng từ Âu sang Á.

Vì vậy trong lá thư dài gởi các quân nhân Nga hồi tháng Bảy, Vladimir Putin khẳng định "Nga và Ukraine là một dân tộc duy nhất". Thế nhưng cứ 10 người dân Ukraine đã có đến 9 người bỏ phiếu ủng hộ độc lập năm 1991. Và từ khi Putin nắm quyền, họ đã hai lần cố thoát khỏi quỹ đạo Nga : cuộc cách mạng màu cam năm 2004 và cách mạng Maidan cuối 2013. Việc Nga xâm chiếm Crimea càng làm Ukraine mong muốn gia nhập NATO, ý hướng này năm 2020 được ghi vào Hiến pháp.

Tuần báo Pháp tiết lộ tổng thống Mỹ Bill Clinton từng đề nghị Boris Yeltsin chấp nhận để NATO mở rộng cho các cựu thành viên Hiệp ước Warszawa. Tổng thống Nga, đau yếu và uy tín đi xuống, lúc đó đang tranh cử nhiệm kỳ hai, rất cần sự ủng hộ của Nhà Trắng, để yên cho Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Czech lần lượt gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Sau khi Putin lên thay, ba nước vùng Baltic cũng trở nên thành viên, tân tổng thống không có ý kiến thậm chí còn gợi ra việc Nga gia nhập NATO. Đến sau chiến tranh Iraq, ông chủ điện Kremlin mới coi NATO là mối đe dọa.

Nga và Mỹ, ai sẽ lùi bước ?

Vladimir Putin chuẩn bị đối đầu với Mỹ. Ông ta xóa sạch những mầm mống nội bộ chống lại quyền hành tuyệt đối của mình, tống Alexei Navalny vào tù sau khi đầu độc mà nhà đối lập không chết. Rồi lợi dụng đại dịch Covid, tháng 6/2020 Putin cho thông qua Hiến pháp giúp trị vì suốt đời. Song song đó, ông tăng cường binh lực. Theo New York Times, chỉ trong 10 năm quân đội Nga được bổ sung 1.000 chiến đấu cơ và các xe tăng T-72B3 phóng tên lửa, sở hữu hỏa tiễn siêu thanh mang đầu đạn nguyên tử có thể tránh được lá chắn tên lửa của Mỹ. Phương Tây đe dọa trừng phạt nặng nề nếu Nga xâm lăng Ukraine.

Cuối cùng ai sẽ nhường ai ? Đối với Putin, dừng lại nửa đường là từ bỏ tham vọng đế quốc đã dần dà vun đắp từ 20 năm qua, và nhất là gây nguy hiểm cho phe nhóm của mình. Nhưng tấn công Ukraine, kể cả bằng "chiến tranh phức hợp", có thể khởi động xung đột với siêu cường nguyên tử mà không ai biết được lối thoát sẽ như thế nào. Còn đối với Washington, lãnh đạo thế giới tự do, chấp nhận giảm sự hiện diện quân sự theo yêu sách của Nga sẽ làm yếu đi vị thế, tuy nhiên đối phó với Nga thì lại khó tập trung sức cho việc đối đầu với Trung Quốc – vốn đang rình rập. Hôm 27/01, lần đầu tiên Bắc Kinh lên tiếng bênh vực Moskva trong hồ sơ Ukraine, có thể để cảm ơn Putin quá bộ đến dự Olympic, hoặc nhằm đổi lấy lời hứa không tấn công Kiev trong thời gian Thế vận hội.

Dù sao đi nữa, hậu quả từ một bước lùi dù nhỏ của Washington tại Châu Âu sẽ rất lớn : Bắc Kinh sẽ dấn tới ở Châu Á đặc biệt là Đài Loan, một trụ cột khác của địa chính trị toàn cầu. Tập Cận Bình cho rằng quân đội Mỹ sẽ không bảo vệ đảo quốc, thời cơ của Trung Hoa vĩ đại đã đến. Và thế giới bước hẳn vào một kỷ nguyên khác !

Sớm muộn gì chiến tranh cũng diễn ra ở Ukraine ?

L'Obs đặt câu hỏi Cuộc chiến Ukraine sẽ xảy ra hay không ? Vladimir Putin là một nhà chiến lược tài ba, hay là kẻ kiêu căng hành động theo cảm tính ? Ông ta đã quyết định xâm lược Ukraine, hay còn để ngỏ cho ngoại giao ?

Tuy vậy không còn nghi ngờ gì nữa : việc Nga điều 100.000 quân đến biên giới Ukraine, sang Belarus và tại Hắc Hải, là dấu hiệu cho thấy một lần nữa vận mệnh Châu Âu lại đang bị đe dọa. Việc chiếm Crimea và khống chế miền đông chưa dẫn đến những thay đổi địa chính trị như Putin mong muốn, tiến trình Minsk sa lầy. Chẳng những không yếu đi, quân đội Ukraine còn lớn mạnh, và các drone Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ chứng tỏ uy lực. Hơn nữa, từ khi Estonia gia nhập năm 2014, NATO chỉ cách Saint Petersburg hai tiếng đồng hồ xe chạy.

Phải nói rằng nếu Putin quyết định tấn công thì thật đúng thời điểm. Hoa Kỳ đã nói rằng sẽ không can thiệp quân sự, Nga đã chuẩn bị đối phó với trừng phạt kinh tế của phương Tây và liên kết với Trung Quốc, Châu Âu chia rẽ hơn bao giờ hết. Riêng Đức với đường ống Nord Stream 2 và kế hoạch đóng các nhà máy điện nguyên tử, lại càng lệ thuộc khí đốt Nga hơn. Như vậy NATO sẽ không tham chiến để giải cứu Ukraine, còn chính sách đối thoại giữa Emmanuel Macron và Vladimir Putin bắt đầu từ 2019 đã thất bại, tổng thống Pháp bị chỉ trích vì ngây thơ trước Kremlin.

Ngược với Ukraine luôn phải ở thế phòng thủ, Putin có vô số chọn lựa. Hoặc không kích để vô hiệu hóa các vũ khí của Ukraine mà không phải đổ quân sang, hoặc tấn công chớp nhoáng từ Belarus - có thể từ ngày 10 đến 20/02 nhân cuộc tập trận chung, hoặc chiếm luôn hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk. Thậm chí triển khai lực lượng thủy quân lục chiến với thiết giáp đổ bộ vừa được tập trung gần đây để can thiệp tại miền nam Ukraine, từ Mariupol đến Odessa hoặc tận biên giới Romania. L'Obs kết luận, dù với dạng nào, chiến tranh Ukraine cũng sẽ diễn ra, và thực chất đã bắt đầu.

Thụy My

Published in Quốc tế

Nhân quyền : HRW kêu gọi quốc tế tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022

Thùy Dương, RFI, 13/01/2022

Hôm 13/01/2022, nhân dịp báo cáo nhân quyền thế giới thường niên của Human Rights Watch (HRW) được công bố, lãnh đạo tổ chức này đã lên án Trung Quốc dùng Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022 để che giấu bản tổng kết "khủng khiếp" về nhân quyền. Tổ chức nhân quyền của Mỹ kêu gọi các quốc gia tham gia vào phong trào tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh do Washington khởi xướng.

tvh1

Sân vận động quốc gia tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Ảnh chụp ngày 10/01/2022.  Reuters – Fabrizio Bensch

Trao đổi với hãng tin Pháp AFP trước khi báo cáo thường niên về tình trạng vi phạm nhân quyền trên thế giới được công bố, Kenneth Roth, người đứng đầu HRW tố cáo : "Chính phủ Trung Quốc rõ ràng sử dụng Thế Vận Hội Bắc Kinh để tẩy trắng hoặc che giấu các hành vi đàn áp kinh khủng dưới vỏ bọc của các thành tích thể thao".

Đối với lãnh đạo HRW, cần có thêm nhiều nước nữa từ chối việc cử đại diện chính phủ đến dự Olympic Bắc Kinh 2022, giống như Mỹ, Úc, Canada và Anh Quốc. Kenneth Roth lưu ý các nước "không thể chỉ coi như mọi việc vẫn bình thường" và nhấn mạnh "ít nhất thì cộng đồng quốc tế cũng phải gia nhập phong trào tẩy chay ngoại giao" Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh, theo dự kiến diễn ra vào tháng 02/2022. 

Nhắm tới giới tài trợ Olympic, lãnh đạo HRW khuyến nghị là thay vì giúp đỡ Bắc Kinh "tẩy trắng" hoạt động đàn áp, các nhà tài trợ "cần nhấn mạnh điều gì đang diễn ra ở Tân Cương", ý nói tới việc chế độ Cộng Sản Trung Quốc đàn áp, giam giữ hàng triệu người thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo ở Tân Cương.

Kenneth Roth còn chỉ trích đích danh tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteress, người theo dự kiến sẽ đến dự Olympic mùa đông 2022, là đã "hoàn toàn im lặng và từ chối lên án chính phủ Trung Quốc".

Nhiều lãnh đạo quốc tế bị chỉ trích

Nhìn rộng ra thế giới, HRW chỉ trích nhiều lãnh đạo quốc tế, trong đó có cả tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cựu thủ tướng Đức Angela Merkel, vì sự yếu kém trong việc bảo vệ nền dân chủ cũng như về thất bại trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng khí hậu và y tế. HRW cũng kêu gọi lãnh đạo các nước dân chủ phải cứng rắn hơn để đối phó với các chế độ chuyên quyền.

Thùy Dương

***********************

Thế Vận Hội Bắc Kinh : Người dân được lệnh tránh mọi tiếp xúc

Thụy My, RFI, 11/01/2022

Làm mọi cách để tách biệt thành viên các phái đoàn Olympic với người dân Trung Quốc trong ba tuần lễ diễn ra Thế Vận Hội Mùa Đông tại Bắc Kinh. Đó là mục tiêu của các nhà tổ chức đang hình dung ra mọi kịch bản, kể cả… tai nạn giao thông. Ngày 10/01/2022, nhà cầm quyền cảnh báo nhất thiết không được can thiệp hỗ trợ, ngay cả trong trường hợp đụng xe.

tvh2

Lối vào một sân vận động Olympic Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 4/12022. Noel Celis AFP

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde gởi về bài phóng sự :

Không nên can thiệp, hãy để cho "những người chuyên môn" làm việc. Tuyên bố hôm Chủ nhật của cơ quan giao thông Bắc Kinh, hôm nay được báo chí Nhà nước đưa lại rộng rãi. Kèm theo là hình ảnh những chiếc xe buýt lớn màu xám hay những xe hơi sang trọng màu đen dành cho các vận động viên và thành viên các đoàn tham dự. "Những người chuyên môn" rất có thể là công an mặc trang phục bảo hộ kín mít.

Thông báo trên đây được một cô gái ở Bắc Kinh rất đồng tình. Cô nói : "Tôi hoàn toàn thông cảm với khuyến cáo này, và sẽ tránh xa những chiếc xe dành cho Thế Vận. Đối với tôi, cần có một ‘bong bóng y tế' bao trùm lên Thế Vận Hội, điều này quan trọng cho đất nước chúng tôi" (bong bóng y tế cụm từ để chỉ một chuỗi các điểm cách ly, hoàn toàn cô lập với bên ngoài trong kỳ Thế Vận).

Có từng từng "bong bóng" dành cho xe buýt, khách sạn, làng thế vận và những cơ sở hạ tầng Olympic.

Ban tổ chức loan báo dành những tuyến đường đặc biệt cho các đoàn đại biểu lưu thông.

Một người làm việc trong ngành tài chính tỏ ra bất mãn, ông nói : "Tôi không cho rằng tất cả những việc này là cần thiết. Ai lại muốn đến gần làng Thế Vận trong thời kỳ như thế này ? Hơn nữa, tôi nghe nói một số đoàn đại biểu sẽ không đến, vậy những biện pháp như thế là quá đáng".

Cảnh sát giao thông nhấn mạnh, trong trường hợp xảy ra tai nạn, nếu thấy hàng chữ đỏ "Bắc Kinh 2022" trên cần gạt nước, nhất thiết không nên gõ vào cửa kính tài xế. "Chuỗi bong bóng khép kín", như các nhà tổ chức gọi, cần phải khép kín, tránh mọi tiếp xúc với cư dân và các phái đoàn.

Cũng như nhiều người mà chúng tôi gặp, một người sống ở trung tâm Bắc Kinh nhìn nhận : "Nếu muốn tổ chức Thế Vận Hội trong thời buổi Covid, tất cả mọi người đều phải cố gắng, kể cả cư dân chúng tôi". Người dân thủ đô được chính quyền yêu cầu không rời Bắc Kinh trong kỳ nghỉ Tết âm lịch trùng hợp với thời gian Thế Vận Hội, để tránh cho con virus quay lại Tử Cấm Thành.

Nhật Bản đóng cửa biên giới đến cuối tháng Hai

Hôm nay 11/01/2022 thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida loan báo kéo dài đến cuối tháng Hai biện pháp cấm hầu hết người ngoại quốc nhập cảnh. Bên cạnh đó sẽ mở những trung tâm tiêm chủng lớn do Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và các chính quyền địa phương quản lý, để đẩy nhanh việc tiêm liều bổ sung, nhằm đối phó với biến thể Omicron. Tuần trước số lượng ca nhiễm mới đã tăng gấp 10. Về phía lực lượng Mỹ trú đóng, từ hôm qua cũng đã tăng cường các biện pháp phòng dịch, dưới áp lực của Tokyo.

Thụy My

Published in Châu Á

Trung Quốc dọa Mỹ phải "trả giá" vì tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022

Thùy Dương, RFI, 07/12/2021

Hôm 07/12/2021, Trung Quốc đe dọa Mỹ "sẽ phải trả giá" cho quyết định tẩy chay Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh được tổ chức vào tháng Hai 2022. Tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tố cáo Washington đã vi phạm nguyên tắc trung lập chính trị trong thể thao.

tvh1

Logo Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 30/11/2021.  Reuters - Thomas Peter

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh "việc Hoa Kỳ tìm cách phá rối Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh, dựa trên những định kiến về ý thức hệ, sự dối trá và các tin đồn" sẽ chỉ "phơi bày những mưu đồ xấu xa" của Washington.

Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng đáp trả của Bắc Kinh, ông Triệu Lập Kiên không cho biết chi tiết. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde gửi về bài tường trình :

"Liệu Trung Quốc có tẩy chay Thế Vận Hội Los Angeles 2028 hay không ? Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc tạm thời chưa cho biết chi tiết về các "biện pháp đáp trả kiên quyết" mà ông thông báo. Tuy nhiên, các nhà tổ chức những sự kiện thể thao trong tương lai sẽ phải chú ý tới lời đe dọa này.

Đương nhiên là chúng ta nghĩ đến Thế Vận Hội Paris 2024. Pháp đã cử bộ trưởng Thể thao đến Bắc Kinh, cho dù hiện giờ Paris vẫn chưa quyết định liệu quan chức này có mặt tại khán đài dự khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh vào ngày 04/02/2022 hay không. Đa phần các nước Châu Âu đều có chung thái độ thận trọng, do dự và kín đáo như vậy. Cho đến nay, mới chỉ có tổng thống Nga Vladimir Putin và hoàng tử Albert của Monaco dường như đã đặt vé bay sang Bắc Kinh.

Vụ tẩy chay ngoại giao này không liên quan đến các vận động viên, và từ vài tuần nay bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã chuẩn bị câu trả lời. Do việc mời các quan chức nước ngoài được thực hiện thông qua Ủy ban Olympic của các nước, Bắc Kinh đã cho các nước thấy rằng dù gì đi chăng nữa thì những quốc gia tẩy chay Thế Vận Hội đều không được mời. Một điều hài hước khác là một số cây bút có tư tưởng dân tộc cũng cố tìm cách xóa đòn đau mới nhắm vào "quyền lực mềm" của Trung Quốc. Hoàn Cầu Thời Báo, một ấn bản của Nhân Dân Nhật Báo, viết trên mạng xã hội Twitter : "Thành thật mà nói, Trung Quốc cảm thấy nhẹ nhõm, an tâm khi biết tin (về vụ tẩy chay này), bởi càng ít quan chức Mỹ đến thì càng ít virus".

Thùy Dương

*******************

Sau Mỹ, Úc và Anh, đến lượt Canada tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022

Thùy Dương, RFI, 09/12/2021

Sau Mỹ, Úc và Anh, hôm 08/12/2021 đến lượt Canada thông báo tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022 vì các lý do nhân quyền.

tvh2

Thủ tướng Canada Justin Trudeau (giữa) trong cuộc họp báo tại Ottawa, Ontario, Canada, ngày 08/12/2021.  AP - Adrian Wyld

Theo Reuters, đích thân thủ tướng Justin Trudeau thông báo Canada sẽ không cử bất kỳ đại diện ngoại giao nào đến Olympic tại Bắc Kinh vào tháng 02/2022 bởi "rất nhiều đối tác trên khắp thế giới đang vô cùng lo ngại về việc chính phủ Trung Quốc lặp đi lặp lại các hành vi vi phạm nhân quyền".

Ngay lập tức, một phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc tại Canada tố cáo ông Justin Trudeau đã đưa ra những tuyên bố sai trái.

Ngoài ra, chính quyền Tập Cận Bình hôm 09/12 cảnh báo là tất cả những nước tẩy chay Thế Vận hội "sẽ phải trả giá". Phát biểu trước báo giới, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) coi đó là "một mưu mô chính trị" của các nước này, khẳng định quyết định nói trên "không hợp lòng dân" nên Mỹ, Úc, Anh và Canada đang "tự cô lập" chính họ. Vương Văn Bân khẳng định Trung Quốc đã không gửi lời mời cho những quốc gia nói trên và dù đại diện chính thức của họ có đến hay không thì Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh cũng sẽ vẫn thành công.

Quan điểm của Pháp

Liên quan đến Pháp, hôm 08/12, gần 30 học giả và nhà văn đã ký tên chung trên diễn đàn của báo Le Figaro đề nghị nhà chức trách không để các vận động viên Pháp tham gia điều mà họ gọi là "chiến dịch tung hỏa mù của một Nhà nước quân đội - cảnh sát độc tài biến thể thao thành công cụ" để thực hiện mục đích của Bắc Kinh. Tuy nhiên, hôm nay, phát biểu trên kênh truyền hình BFMTV và RMC, ông Jean-Michel Blanquer, bộ trưởng Giáo Dục, Thanh Niên và Thể thao, thông báo nước Pháp sẽ không gia nhập phong trào tẩy chay ngoại giao Thế Vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

Trong khi đó, sau cuộc trao đổi với tân ngoại trưởng Đức Annelena Baerbock, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định Paris chia sẻ quan điểm chung của Liên Âu về vấn đề này, lãnh đạo ngành ngoại giao các nước thành viên trong khối sẽ cùng đánh giá tình hình trong cuộc họp tới đây của các ngoại trưởng Liên Âu.

Thùy Dương

**********************

Tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022, Mỹ không muốn Trung Quốc phô trương thế mạnh

Minh Anh, RFI, 08/12/2021

Những đường đua trượt tuyết đang biến thành một mặt trận cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày 06/12/2021, chính quyền Biden đã quyết định "tẩy chay ngoại giao" Thế Vận Hội Mùa Đông lần thứ 24 diễn ra ở Bắc Kinh vào tháng 02/2022.

tvh3

Cờ mang logo và con thú biểu tượng của Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 được thấy trước một ngôi chùa trong một công viên ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 08/12/2021.  Reuters - Thomas Peter

Hoa Kỳ sẽ không cử một đại diện ngoại giao nào đến tham dự sự kiện. Nhà Trắng giải thích vì các lý do vi phạm nhân quyền, hành động diệt chủng nhắm vào sắc tộc thiểu số người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương. Theo giới quan sát, với quyết định này, Hoa Kỳ tìm cách cản trở Trung Quốc "phô trương sức mạnh". 

Quyết định tẩy chay của Mỹ, ngay lập tức đã bị Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ. Bắc Kinh cáo buộc Washington vi phạm điều khoản 50 của Ủy ban Olympic Quốc tế liên quan đến tính trung lập về chính trị của Thế Vận Hội, đồng thời cho rằng những cáo buộc của Hoa Kỳ là những lời "dối trá thế kỷ". Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên không ngần ngại dọa rằng "Hoa Kỳ sẽ trả giá cho những hành vi sai lầm".

Nhà nghiên cứu địa chính trị Jean-Baptiste Guégan, trên đài Franceinfo nhận định, quyết định tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh của Mỹ là để ngăn cản một tham vọng lớn của Trung Quốc : Đó là, nếu năm 2008 đánh dấu sự trở lại của Trung Quốc, thì năm 2022 sắp tới phải trao cho Trung Quốc vị trí hàng đầu, trên cả nước Mỹ.

"Thế Vận Hội Mùa Đông, trong sự tiếp nối với Thế Vận Hội Mùa Hè Bắc Kinh 2008, được dùng để chứng tỏ vị trí của Trung Quốc trên trường quốc tế. Bắc Kinh sử dụng những kỳ đại hội thể thao này nhằm chứng tỏ sức mạnh, rằng Trung Quốc có khả năng tiếp đón những sự kiện lớn, đồng thời có khả năng cho thấy nước này thống trị về mặt thể thao. Hoa Kỳ chỉ muốn cản trở điều đó, khi biến vấn đề nhân quyền và Tân Cương thành ưu tiên trong lịch trình truyền thông".

Giới chuyên gia lưu ý, nếu như quyết định tẩy chay ngoại giao được cho là "một tín hiệu mạnh mẽ" thì "biện pháp này vẫn chỉ mang tính biểu tượng". Đây là một phiên bản nhẹ, một giải pháp thay thế cho sự "tẩy chay toàn diện" như những gì tổng thống Jimmy Carter từng làm hồi năm 1980 đối với Thế Vận Hội Moskva, để rồi bốn năm sau bị Liên Xô đáp trả không cử đại diện và phái đoàn thể thao đến dự Olympic Los Angeles năm 1984.

Nhưng chuyên gia về chính trị thể thao người Đức Jürgen Mittag, trả lời kênh truyền hình quốc tế Đức DW cho rằng dù mang tính biểu tượng, biện pháp này cũng có thể có hiệu quả hơn nếu như nhiều chính phủ cùng tham gia, đặc biệt trong trường hợp nước bị nhắm đến là Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo, "Trung Quốc có một tầm quan trọng chính trị thế giới, là một cường quốc thế giới".

Bởi vì, hành động này cũng thể dẫn đến việc hứng lấy những đòn trả đũa nghiêm khắc từ Bắc Kinh, theo như nhận định của ông Tanguy Struye, giáo sư ngành Quan Hệ Quốc tế, trường đại học công giáo Louvain, Bỉ với tờ l’Echo. "Những biện pháp đối với Trung Quốc cho đến giờ vẫn chỉ mang nhiều tính tượng trưng bởi vì phương Tây đã bị trói chặt vào nền kinh tế Trung Quốc, do đã không có được những quyết định cần thiết đúng lúc để giải phóng khỏi sự lệ thuộc đó, như lẽ ra họ có thể làm được trong kỳ đại dịch".

Câu hỏi đặt ra tiếp theo là liệu Liên Hiệp Châu Âu có nên theo Mỹ hay không ? Nếu như cuộc khủng hoảng lần này là một chương mới trong cuộc đọ sức giữa hai siêu cường thế giới để áp đặt mô hình quản trị của mình, giữa một bên là Dân Chủ và bên kia là Chuyên Chế, thì Liên Hiệp Châu Âu một lần nữa lại bị Mỹ đưa vào thế khó xử, phải chọn phe. Nếu đi theo dưới trướng của Mỹ, phạm vi hành động của Liên Hiệp Châu Âu sẽ bị thu hẹp trong việc bảo vệ các lợi ích của mình, đồng thời có nhiều nguy cơ hứng lấy những đòn trả đũa từ Trung Quốc.

Trong kịch bản Liên Hiệp Châu Âu từ chối tẩy chay, hệ quả chính trị cho khối không phải là nhỏ như cảnh báo của nhà địa chính trị học Cyrille Bret trên trang mạng Les Echos. Nhiều rủi ro cho thấy khối này bị chia rẽ do việc có sự cạnh tranh giữa các nước thành viên trong thể thao cũng như thương mại, kể cả mức độ đi theo Hoa Kỳ. "Đồng minh không chung thủy, hoài nghi hay chia rẽ, danh tiếng của Liên Hiệp một lần nữa bị thách thức trong một quyết định mà không do chính họ đưa ra".

Nhà địa chính trị người Pháp này kết luận, trong mọi trường hợp, Liên Hiệp Châu Âu đều bị đóng vai "phản diện". Thiếu tự chủ về chính sách đối ngoại, Liên Hiệp Châu Âu đành phải học cách "trượt tuyết ngoài đường đua" trong cuộc cạnh tranh "quyền lực mềm" thể thao này !

Minh Anh

**********************

Tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh : Thành công tùy thuộc vào số nước theo gương Mỹ

Trọng Nghĩa, RFI, 08/12/2021

Ngay sau khi Hoa Kỳ thông báo quyết định tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 về mặt ngoại giao, Úc là nước đầu tiên vào hôm 08/12/2021, cho biết sẽ có hành động tương tự. Giới quan sát dự kiến là trong những ngày sắp tới đây, sẽ có thêm nhiều đồng minh của Mỹ tham gia phong trào. Câu hỏi đặt ra là số nước tẩy chay sẽ là bao nhiêu, vì thành công của việc này được cho là tùy thuộc rất nhiều vào số lượng các quốc gia theo gương Mỹ.

tvh4

Giới đấu tranh nhân quyền biểu tình trước Lãnh Sự Quán Trung Quốc ở Los Angeles (California-Hoa Kỳ) kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022, ngày 03/11/2021  Frederic J. Brown AFP/Archives

Khi quyết định tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022, Mỹ muốn nêu bật tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Trung Quốc, nhất là nạn "diệt chủng và các tội ác chống nhân loại đang diễn ra tại vùng Tân Cương" nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ.

Mục tiêu của hành động tẩy chay này là đánh động công luận trong nước và ngoài nước, thu hút sự chú ý của giới lãnh đạo các quốc gia khác đến tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc.

Số nước tham gia tẩy chay : Một thước đo thành công

Đối với giới phân tích, thước đo thành công của một quyết định tẩy chay trước hết là sức thu hút của hành động đó đối với số đông. Để có tác động đáng kể, việc tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh phải được đông đảo các nước tiến hành.

Trên hệ thống truyền hình Pháp France-Télévision vào hôm qua, 07/12, bà Carole Gomez, chuyên gia địa chính trị đồng thời là giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp IRIS, đã nhấn mạnh : "Nếu bạn là người duy nhất vắng mặt tại sự kiện, thay vì thu hút sự chú ý và vạch trần một điều gì đó, chính bạn sẽ lâm vào tình trạng bị tẩy chay và gạt ra bên lề".

Hiệu quả của một hành động tẩy chay cũng tùy thuộc vào phản ứng của quốc gia bị nhắm tới. Trong trường hợp của Trung Quốc, chuyên gia Gomez cho rằng : "Việc Bắc Kinh tuyên bố trả đũa có thể khiến nhiều các quốc gia khác không theo gương tẩy chay của Mỹ", nhất là khi Trung Quốc, do trọng lượng kinh tế ngày càng tăng, vẫn là đối tác thương mại chính của nhiều nước.

Có lẽ chính vì những lời đe dọa trả đũa đó của Bắc Kinh mà quyết định tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh mà Washington loan báo chưa gây ra được một làn sóng hưởng ứng từ phía các quốc gia khác, kể cả tại các nước đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ. Hầu hết đều duy trì một thái độ thận trọng trước khi đưa ra quyết định dứt khoát.

Úc và New Zealand đều "tẩy chay", nhưng với lý do khác nhau

Ngay sau khi Mỹ loan báo quyết định tẩy chay, Úc và New Zealand là hai nước đầu tiên cho biết quyết định sẽ tẩy chay hay sẽ không cử quan chức chính phủ đi dự Thế Vận Hội Bắc Kinh. Khả năng Canada hay Anh Quốc tẩy chay cũng đã được gợi lên.

Theo hãng tin Anh Reuters, vào sáng nay 08/12, thủ tướng Úc Scott Morrison đã thông báo rằng các quan chức Úc sẽ không đến dự Olympic mùa đông tại Bắc Kinh, và những quan ngại về nhân quyền là một trong các yếu tố được Canberra cân nhắc để đưa ra quyết định tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội Bắc Kinh.

Theo thủ tướng Úc, quyết định của Canberra không có gì là đáng ngạc nhiên căn cứ vào quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh càng lúc càng xấu đi trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, tương tự như trường hợp của Hoa Kỳ, các vận động viên Úc vẫn sẽ đến tranh tài tại Trung Quốc.

Nếu Úc nói rõ lý do tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh về mặt ngoại giao là vấn đề nhân quyền, thì New Zealand, ngay hôm qua, 07/12, lại kín đáo hơn, loan báo việc nước này sẽ không cử đại diện ngoại giao cấp bộ đến Olympic Bắc Kinh 2022, nhưng nhấn mạnh rằng quyết định đó "chủ yếu là do dịch Covid-19", chứ không liên quan gì đến thông báo của Mỹ, cho dù Wellington cũng từng bày tỏ thái độ quan ngại về tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc.

Theo Reuters, phó thủ tướng New Zealand Grant Robertson còn cho biết thêm là quyết định không cử quan chức chính phủ đi dự Thế Vận Hội Bắc Kinh đã được thông báo cho phía Trung Quốc ngay từ tháng 10 vừa qua.

Canada sẽ theo gương Mỹ, Anh Quốc còn dè dặt

Hai quốc gia khác được cho là sẽ theo gương Mỹ trong vấn đề tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh là Canada và Anh Quốc, nhưng với mức độ khác nhau.

Theo báo chí Canada, đại sứ Mỹ tại Ottawa vào hôm qua tỏ ý tin tưởng là Canada sẽ hành động như Mỹ trong vấn đề này. Bản thân thủ tướng Canada Justin Trudeau, hôm 18/11 vừa qua từng tuyên bố là nước ông đang cân nhắc khả năng vừa để cho các vận động viên tham gia thi đấu, vừa biểu thị thái độ quan ngại trước các hành vi của chính quyền Trung Quốc", một kịch bản hoàn toàn khớp với chủ trương tẩy chay ngoại giao của Mỹ.

Về phần mình, Anh Quốc có vẻ thận trọng hơn. Theo nhật báo Anh The Telegraph số ra hôm nay, 08/12, Luân Đôn đang xem xét khả năng cử quan chức cấp thấp tham dự Thế Vận Hội Bắc Kinh, tức là để đại sứ Anh tại Bắc Kinh đi dự, không đưa quan chức cấp cao đến nơi. Một phương án như vậy sẽ không phải là một cuộc tẩy chay ngoại giao hoàn toàn, cho dù một lệnh cấm hoàn toàn đối với các bộ trưởng và đại diện ngoại giao Anh tại Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh vẫn có khả năng được quyết định.

Theo tin giờ chót, trưa nay, 08/12, thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố trước Nghị Viện là Luân Đôn sẽ tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022.

Riêng đối với Liên Hiệp Châu Âu, quyết định tẩy chay hay không có vẻ đặc biệt phức tạp, nhất là đối với các quốc gia Châu Âu có liên hệ trực tiếp với Thế Vận Hội.

Pháp : Sẽ "phối hợp" với Liên Hiệp Châu Âu

Ngay sau thông báo của Mỹ về việc tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022, mọi con mắt đều đổ dồn vào Pháp, đầu tầu của Liên Hiệp Châu Âu và là nước sẽ tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024. Cùng được quan tâm là Ý, nước đăng cai Olympic Mùa Đông 2026.

Trong trường hợp của Pháp, tổng thống Macron sẽ bị ràng buộc vì phải tránh không cho Thế Vận Hội Paris 2024 lâm vào tình trạng bị Trung Quốc tẩy chay để trả đũa vụ Pháp tẩy chay Olympic Bắc Kinh.

Trong bối cảnh đó, theo hãng tin Pháp AFP, vào hôm qua, điện Elysée tức phủ tổng thống Pháp, cho biết là ông Macron đã "ghi nhận kỹ lưỡng" việc Mỹ tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội Bắc Kinh và Pháp sẽ "phối hợp ở cấp độ Châu Âu" về vấn đề này.

Ý : Sẽ không tẩy chay Olympic Bắc Kinh như Mỹ

Ý thì có phần rõ ràng hơn Pháp và Đức. Theo nhật báo Mỹ The New York Times, một quan chức chính phủ Ý vào hôm qua khẳng định là Roma sẽ không tham gia cuộc tẩy chay của Mỹ.

Quyết định này cũng dễ hiểu vì trong tư cách là nước tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông 2026, theo truyền thống Olympic, Ý phải cử sứ giả chính thức đến Bắc Kinh đã nhận biểu tượng Thế Vận mà nước đi trước bàn giao cho nước đi sau.

Về phần Đức thì chính phủ mới được cho là sẽ có đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc, ông Olaf Scholz, thủ tướng Đức tân nhiệm, vào hôm qua đã từ chối cho biết ý định của Berlin.

Ủy Ban Châu Âu : Không nên dùng Thế Vận Hội để tuyên truyền chính trị

Ở cấp độ Liên Hiệp Châu Âu, dù toàn khối vừa gia hạn thêm một năm lệnh trừng phạt các quan chức Trung Quốc dính líu đến các vụ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Tân Cương, và dù Nghị Viện Châu Âu, tháng 7 vừa qua, đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc về việc kêu gọi các quan chức ngoại giao tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh, Ủy Ban Châu Âu đã có quan điểm không ủng hộ việc tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh.

Theo New York Times, vào hôm qua, cơ quan hành pháp của Liên Âu này đã ra thông cáo cho rằng Châu Âu sẵn sàng đóng góp cho mục tiêu "truyền bá các giá trị tích cực và thúc đẩy tự do và nhân quyền ở cấp độ toàn cầu", tuy nhiên những sự kiện như Thế Vận Hội "không nên được sử dụng để tuyên truyền chính trị".

Trọng Nghĩa

************************

Mỹ tẩy chay Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh vì nhân quyền

Chi Phương, RFI, 07/12/2021

Nhà Trắng tuyên bố hôm thứ Hai, 06/12/2021, không cử đại diện ngoại giao đến tham dự Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2 năm 2022, vì các vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền của chính quyền Tập Cận Bình. 

tvh5

Một cảnh sát đứng gần áp phích môn thể thao trượt tuyết, tại một nhà ga xe lửa ở tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 26/11/2021.  AP - Mark Schiefelbein

Từ Washington, thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình : 

"Việc tẩy chay đã được nhen nhóm từ nhiều tuần nay, và cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa Joe Biden và Tập Cận Bình không đủ để làm giảm căng thẳng giữa hai nước. Như vậy, các quan chức Hoa Kỳ sẽ ngồi ở nhà để cổ vũ các vận động viên Mỹ tham gia Thế Vận Hội. Dĩ nhiên, các nhân viên ngoại giao Mỹ vẫn có mặt để bảo đảm an toàn cho phái đoàn Hoa Kỳ.

Về phía chính quyền Mỹ, thật khó để làm như không có chuyện gì xảy ra, trong khi nhân quyền thường xuyên bị chà đạp tại Trung Quốc, nhất là ở Tân Cương. Riêng trong trường hợp này, người phát ngôn của Nhà Trắng thậm chí còn sử dụng từ "diệt chủng" nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ. Các tổ chức phi chính phủ khẳng định có hơn một triệu người thuộc cộng đồng thiểu số Hồi Giáo này đang bị giam giữ tại các khu trại.

Trước đó, Trung Quốc đã cảnh báo rằng, họ sẽ thực hiện các biện pháp "đáp trả" nếu Hoa Kỳ kêu gọi một cuộc tẩy chay như vậy, Bắc Kinh gọi đây chỉ là hành động "khoác lác".

Ủy ban Olympic Quốc tế vui mừng vì quyết định của Hoa Kỳ chỉ giới hạn ở trong khuôn khổ chính trị, các vận động viên Mỹ vẫn có thể tham gia thi đấu. Trước kia, Ủy ban Olympic Hoa Kỳ đã phản đối việc tẩy chay hoàn toàn và giải thích rằng các lần tẩy chay Thế Vận Hội, ở Moskva vào năm 1980, và ở Los Angeles vào năm 1984, trong bối cảnh chiến tranh lạnh, đã cho thấy việc sử dụng những sự kiện thể thao như thế này vào mục đích chính trị là một sai lầm". 

Theo Reuters, cũng trong ngày hôm qua, vài giờ sau tuyên bố của Nhà Trắng, phó thủ tướng New Zealand cho biết sẽ không cử đại diện ngoại giao ở cấp bộ trưởng tới Thế Vận Hội mùa đông ở Bắc Kinh, viện dẫn lý do dịch Covid-19, và khẳng định rằng động thái này không liên quan đến quyết định của Hoa Kỳ. 

Về phía Nhật Bản, thủ tướng Fumio Kishida hôm nay cho biết Tokyo chưa đưa ra quyết định, vì cần phải đánh giá lợi ích quốc gia và cân nhắc đến tầm quan trọng của Thế Vận Hội trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản. 

Nikkei Asia nhắc lại rằng, năm 1980, giữa lúc chiến tranh lạnh vẫn căng thẳng, các nước như Mỹ, Nhật Bản đã tẩy chay hoàn toàn Thế Vận Hội mùa đông ở Moskva, tức là không có cả vận động viên đến tham dự. Khi đó, chính quyền của tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã phản đối cuộc xâm lược của Liên Xô vào Afghanistan một năm trước đó.

Chi Phương

******************

Trung Quốc dọa Mỹ phải "trả giá" vì tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022

Thùy Dương, RFI, 07/12/2021

Hôm 07/12/2021, Trung Quốc đe dọa Mỹ "sẽ phải trả giá" cho quyết định tẩy chay Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh được tổ chức vào tháng Hai 2022. Tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tố cáo Washington đã vi phạm nguyên tắc trung lập chính trị trong thể thao.

tvh6

Logo Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 30/11/2021. Thomas Peter

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh "việc Hoa Kỳ tìm cách phá rối Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh, dựa trên những định kiến về ý thức hệ, sự dối trá và các tin đồn" sẽ chỉ "phơi bày những mưu đồ xấu xa" của Washington.

Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng đáp trả của Bắc Kinh, ông Triệu Lập Kiên không cho biết chi tiết. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde gửi về bài tường trình :

"Liệu Trung Quốc có tẩy chay Thế Vận Hội Los Angeles 2028 hay không ? Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc tạm thời chưa cho biết chi tiết về các "biện pháp đáp trả kiên quyết" mà ông thông báo. Tuy nhiên, các nhà tổ chức những sự kiện thể thao trong tương lai sẽ phải chú ý tới lời đe dọa này.

Đương nhiên là chúng ta nghĩ đến Thế Vận Hội Paris 2024. Pháp đã cử bộ trưởng Thể thao đến Bắc Kinh, cho dù hiện giờ Paris vẫn chưa quyết định liệu quan chức này có mặt tại khán đài dự khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh vào ngày 04/02/2022 hay không. Đa phần các nước Châu Âu đều có chung thái độ thận trọng, do dự và kín đáo như vậy. Cho đến nay, mới chỉ có tổng thống Nga Vladimir Putin và hoàng tử Albert của Monaco dường như đã đặt vé bay sang Bắc Kinh.

Vụ tẩy chay ngoại giao này không liên quan đến các vận động viên, và từ vài tuần nay bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã chuẩn bị câu trả lời. Do việc mời các quan chức nước ngoài được thực hiện thông qua Ủy ban Olympic của các nước, Bắc Kinh đã cho các nước thấy rằng dù gì đi chăng nữa thì những quốc gia tẩy chay Thế Vận Hội đều không được mời. Một điều hài hước khác là một số cây bút có tư tưởng dân tộc cũng cố tìm cách xóa đòn đau mới nhắm vào "quyền lực mềm" của Trung Quốc. Hoàn Cầu Thời Báo, một ấn bản của Nhân Dân Nhật Báo, viết trên mạng xã hội Twitter : "Thành thật mà nói, Trung Quốc cảm thấy nhẹ nhõm, an tâm khi biết tin (về vụ tẩy chay này), bởi càng ít quan chức Mỹ đến thì càng ít virus".

Thùy Dương

Published in Quốc tế