Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mỹ-Trung Quốc : Nhà Trắng có thể tổ chức thượng đỉnh Biden-Tập Cận Bình

Thanh Hà, RFI, 18/06/2021

Trả lời báo chí ngày 17/06/2021, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Jack Sullivan ngày 17/06/2021 cho biết, chính quyền Mỹ nghiên cứu khả năng tổ chức một buổi làm việc giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay tại Ý.

trungquoc1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong một lần tiếp Joe Biden, khi ấy với tư cách là phó tổng thống Mỹ đến thăm Bắc Kinh ngày 04/12/2013.  AP - Lintao Zhang

Theo AFP, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho rằng chuyến công du Châu Âu của tổng thống Joe Biden đã thành công. Các cuộc gặp thượng đỉnh trong khuôn khổ G7, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), với các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu và nhất là cuộc gặp và hội đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin, đã "đặt nền tảng" cho việc chứng minh rằng "các nền dân chủ có thể đem lại những kết quả cho công dân của chính mình và các công dân trên toàn thế giới".

Vẫn theo ông Sullivan, chuyến công du đầu tiên của nguyên thủ Mỹ cho thấy các nền dân chủ trên thế giới có một tầm nhìn chung "về Trung Quốc". Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng khẳng định, "tâm điểm trong chính sách đối ngoại của tổng thống Biden" là "tạo điều kiện để các nền dân chủ giành lấy phần thắng trong cuộc đọ sức toàn cầu chống lại các chế độ độc đoán" như là Trung Quốc và Nga.

Do vậy, ông Sullivan cho biết, tương tự như thượng đỉnh với tổng thống Putin, Joe Biden đang tính tới việc tổ chức một buổi làm việc trực tiếp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chủ nhân Nhà Trắng quan niệm không có giải pháp nào tốt hơn là "đối thoại trực tiếp giữa các lãnh đạo".

Washington để ngỏ khả năng thượng đỉnh Mỹ-Trung sẽ diễn ra bên lề thượng đỉnh G20, nhưng cũng không loại trừ khả năng lãnh đạo hai nước lại có một cuộc trao đổi "qua điện thoại". Điều cần thiết là tạo điều kiện để "trong những tháng tới tổng thống Joe Biden thảo luận với chủ tịch Tập Cận Bình". Vấn đề còn lại là xác định về "thời điểm và hình thức cuộc họp".

Vào tháng Hai vừa qua, Joe Biden đã điện đàm với Tập Cận Bình.

Trung Quốc là mối quan tâm "ưu tiên" của Lầu Năm Góc

Cũng trong quan hệ Mỹ-Trung, điều trần trước Ủy Ban Tài Chính tại Thượng Viện hôm 17/06/2021 để bàn về ngân sách quốc phòng Mỹ trong tài khóa 2022, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin khẳng định : Trung Quốc là một thách thức trong cuộc chạy đua với thời gian của Hoa Kỳ. Điều "rất quan trọng" là Washington phải tập trung nỗ lực để tạo điều kiện huy động các đối tác và đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ -Thái Bình Dương đây là một khu vực mang tính "chiến lược sống còn"

Tuần trước tướng Austin thông báo đã chỉ thị cho một nhóm làm việc đặt Trung Quốc và những hành động tăng cường sức mạnh quân sự của Bắc Kinh là mối quan tâm "hàng đầu" trong chính sách phòng thủ của Hoa Kỳ.

Thanh Hà

********************

Lắp đặt hệ thống cáp quang trong vùng Thái Bình Dương : Hoa Vi bị loại

Thanh Hà, RFI, 18/06/2021

Hãng tin Reuters ngày 18/06/2021 trích dẫn hai nguồn thạo tin cho biết, vì lý do "an ninh" tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi coi như bị loại khỏi một dự án lắp đặt hệ thống cáp quang ở Thái Bình Dương. Đây là một dự án do Ngân Hàng Thế Giới tài trợ.

trungquoc2

Một gian trưng bày của tập đoàn viễn thông Hoa Vi, Trung Quốc tại cuộc triển lãm ở Bắc Kinh ngày 31/10/2019.  AP - Mark Schiefelbein

Hệ thống cáp quang nói trên nhằm nâng cấp mạng internet và các phương tiện thông tin cho các quốc gia trong vùng Thái Bình Dương. Trong số này có các quốc đảo Nauru, Kiribati và nhóm các quốc gia thuộc khối Federated States of Micronesia tại Nam Thái Bình Dương.

Chi nhánh của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi HMN là một trong số bốn công ty đấu thầu để giành hợp đồng. Giá thành của công ty Trung Quốc này ước tính lên tới 72,6 triệu đô la, thấp hơn đến hơn 20 % so với các đối thủ cạnh tranh như Alcatel ASN của Pháp, Nokia của Phần Lan hoặc NEC của Nhật Bản. Với lợi thế về giá cả nói trên, Hoa Vi chiếm thế thượng phong.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin được Reuters trích dẫn, dự án đã lâm vào bế tắc sau khi Hoa Kỳ báo động về yếu tố "an ninh". Vấn đề đặt ra là mạng cáp quang nói trên có nguy cơ dễ dàng kết nối vào những đường dây nhậy cảm của Mỹ gần khu vực đảo Guam, một căn cứ quân sự quan trọng của Hoa Kỳ trong khu vực.

Về phía nhà tài trợ là Ngân Hàng Thế Giới, trước mắt định chế tài chính đa quốc gia này cho biết đang tìm kiếm một giải pháp cho những "giai đoạn kế tiếp". Tiến trình gọi thầu tạm thời bị hoãn lại do không một đối tác nào đáp ứng những đòi hỏi của dự án.

Bắc Kinh đã phản ứng ngay lập tức. Một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói với Reuters, quyết định phải được đưa ra trên cơ sở những yếu tố mang tính thương mại và "không mang tính phân biệt đối xử".

Thanh Hà

**********************

Trung Quốc đưa ba phi hành gia lên trạm không gian

Thụy My, RFI, 17/06/2021

Hôm 17/06/2021, Cơ quan Không gian Trung Quốc loan báo phi thuyền Thần Châu (Shenzhou) 12 đã kết nối thành công với trạm vũ trụ Thiên Cung (Tiangong), 6 giờ sau khi hỏa tiễn Trường Chinh 2F được phóng đi từ trung tâm Tửu Tuyền (Jiuquan) ở sa mạc Gobi. Ba phi hành gia Trung Quốc sẽ lưu lại trên quỹ đạo 3 tháng.

trungquoc3

Các phi hành gia Trung Quốc chào giới nhà báo theo kiểu quân nhân trước vụ phóng tên lửa Trường Chinh-2F từ trung tâm Tửu Tuyền, sa mạc Gobi, ngày 17/06/2021.  Reuters – Carlos Garcia Rawlins

Đây là chuyến bay đưa người lên vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc kể từ 5 năm qua. Đài truyền hình Nhà nước CCTV đưa hình ảnh ba phi hành gia Nhiếp Hải Thắng (Nie Haisheng), Lưu Bá Minh (Liu Boming) và Thang Hồng Ba (Tang Hongbo) tươi cười. Trong phi vụ dự kiến dài nhất từ trước đến nay đối với Trung Quốc, nhóm có nhiệm vụ bảo trì, lắp đặt các thiết bị, chuẩn bị cho các ê-kíp tương lai cũng như sẽ đi bộ trong không gian.

Họ đều là quân nhân, trước khi thực hiện phi vụ đã nói lời từ biệt với người thân và đồng nghiệp, qua một buổi lễ đầy màu sắc ái quốc với câu khẩu hiệu cách mạng quen thuộc "Không có một nước Trung Hoa mới nếu không có Đảng cộng sản". Trong cuộc họp báo hôm qua, ba phi hành gia vừa mới được tiết lộ tên tuổi, chào các phóng viên theo kiểu quân nhân, trước một lá cờ lớn màu đỏ với năm ngôi sao. AFP dẫn tuyên bố của trưởng nhóm Nhiếp Hải Thắng, ca tụng "những chương vinh quang của lịch sử ngành không gian Trung Quốc".

Trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây và tâm lý chống Trung Quốc tại nhiều nước, thành công của phi vụ hết sức quan trọng đối với Bắc Kinh, vốn đang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc vào tháng 07/2021.

Trạm vũ trụ Thiên Cung một khi hoàn chỉnh sẽ trông giống trạm Mir của Liên Xô cũ thời kỳ 1986-2001, dự kiến duy trì khoảng 10 năm. Bắc Kinh quyết định chế tạo trạm không gian riêng sau khi Hoa Kỳ từ chối cho tham gia ISS (dành cho các phi hành gia Mỹ, Nga, Canada, Châu Âu, Nhật Bản). Các trạm vũ trụ ISS dự kiến chấm dứt hoạt động vào năm 2024, dù NASA muốn gia hạn.

Thụy My

*******************

Trung Quốc và cuộc chiến tranh cát tại Châu Á

Thụy My, RFI, 16/06/2021

Libération hôm 16/06/2021 có bài viết nói về "Cuộc chiến tranh cát ở Châu Á" gây tác động dây chuyền. Cát là loại tài nguyên được sử dụng nhiều nhất, chỉ đứng sau nước, và tình hình rất đáng báo động trong những năm tới đối với hệ sinh thái biển và sông, với số phận hàng triệu người, trong một lãnh vực mờ ám và bạo lực.

trungquoc4

Tàu vét nạo cát Trung Quốc nhìn từ một tàu tuần duyên Đài Loan, ngoài khơi đảo Mã Tổ. Ảnh ngày 28/01/2021. Reuters - Ann Wang

Bài viết mô tả khung cảnh những xà lan, máy xúc cát lớn ngang dọc khu vực quanh quần đảo Mã Tổ (Matsu) do Đài Loan kiểm soát nhưng nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc, chỉ cách Phúc Kiến hơn một chục cây số. Những xà lan quy mô này hút đi nhiều tấn cát biển, cả ở quần đảo Kim Môn (Kinmen) và Bành Hồ (Penghu), nhưng trầm trọng nhất là Mã Tổ.

Từ một năm qua, Trung Quốc liên tục xâm nhập đôi khi vào cả trong lãnh hải Đài Loan. Từ tháng 6 đến tháng 12/2020, tuần duyên Đài Loan - thường xuyên trong tình trạng báo động và thiếu trang bị - đã trục xuất 240 xà lan Trung Quốc trộm cát, có khi là những con quái vật nặng nhiều ngàn tấn. Đây là loại vũ khí mới của Bắc Kinh, vừa có được nguyên liệu rất cần cho xây dựng, lại vừa dọa nạt Đài Bắc mà không tốn kém. Bên cạnh "chiến tranh cân não", việc hút cát bất hợp pháp còn gây lo sợ cho cư dân, đe dọa đến du lịch và ngư nghiệp, gây thiệt hại cho môi trường và mạng cáp ngầm thông tin.

Cát là "xương sống của thế giới hiện đại". Liên Hiệp Quốc ước tính hàng năm thế giới dùng đến 50 tỉ tấn cát, tăng gấp ba lần từ 20 năm qua, và con người sẽ có nguy cơ thiếu hụt với đô thị hóa, dân số tăng, đại dự án hạ tầng…Đặc biệt Trung Quốc chiếm đến phân nửa, tiêu thụ xi măng của Trung Quốc từ 2011 đến 2013 đã bằng số lượng của Hoa Kỳ trong cả thế kỷ 20 ! Dự án Con đường tơ lụa mới cần rất nhiều cát xây dựng, và không thể quên việc bồi đắp các đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Một số nhà nước khác cũng lao vào cuộc đua như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nigeria, Singapore. Riêng Singapore đã mở rộng diện tích đến 25% từ 1973, trở thành nhà nhập khẩu cát lớn nhất. Các láng giềng như Indonesia, Việt Nam, Cam Bốt gần đây cấm xuất khẩu cát, nhưng lại không kiểm soát được.

Những con sông Đông Nam Á phải chịu đựng nạn hút cát đại quy mô, vì cát sông giúp làm ra xi măng, bê tông tốt nhất, không cần tẩy mặn trước khi sử dụng. Nhà địa lý học Marc Goichot báo động khoảng 80 đến 100 triệu tấn cát bị lấy đi khỏi sông Mêkông hàng năm, nhưng số cát tái tạo chỉ có 3 đến 5 triệu tấn. Những con sông chính ở Đông Nam Á bị coi như siêu thị, ai muốn đến lấy gì thì lấy.

Hậu quả là lưu vực bị lún xuống, bị nhiễm mặn, thủy triều dâng cao, có thể đảo lộn số phận nhiều triệu người. Có những điểm nóng ở Paksé, Vientiane (Lào) và miền nam Việt Nam gần biên giới Cam Bốt, có những địa phương cho khai thác bất chấp luật quốc gia. Trong thị trường căng thẳng và mập mờ này, bọn mafia từng ra tay sát hại cảnh sát, nhà hoạt động môi trường, nhà báo ; dân làng những nơi bị lún sụt phải tha phương cầu thực.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thanh Hà, Thụy My
Published in Châu Á