Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong thập nhiên 1960, Bắc Triều Tiên muốn các phi công chiến đấu của họ có kinh nghiệm thực chiến chống lại "chủ nghĩa đế quốc".

chientranh1

Những phi công Triều Tiên chụp hình cùng Thiếu tướng Phan Khắc Hy (hàng đầu, thứ tư từ phải sang), chính ủy của Bộ Tư lệnh không quân Bắc Việt trong một bức hình không rõ ngày tháng - Gia đình Thiếu tướng Phan Khắc Hy

Hành động điều hàng ngàn quân tới giúp Nga trong cuộc chiến ở Ukraine của Triều Tiên đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo ở các nước phương Tây. Điều này buộc giới phân tích quân sự chú ý tới những can dự của Bình Nhưỡng vào các xung đột ở nước ngoài trong quá khứ, để tìm ra manh mối cho những gì sẽ xảy ra ở Ukraine.

Hơn 60 năm trước, quân đội Triều Tiên đã trực tiếp tham gia vào Chiến tranh Việt Nam, và Chiến tranh Yom Kippur ở Trung Đông năm 1973. Trong đó, Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến có mức độ lớn hơn rất nhiều và cũng kéo dài hơn.

Năm 1965, lãnh tụ Kim Nhật Thành, người sáng lập ra quốc gia Triều Tiên hiện đại, và là ông nội của đương kim lãnh tụ Kim Jong-un, đã quyết định điều phi công chiến đấu tới miền Bắc Việt Nam để đánh nhau với điều mà ông ta cho là chủ nghĩa đế quốc phương Tây, và chủ nghĩa thực dân.

chientranh2

Bia mộ phi công Triều Tiên Won Hong Sang hy sinh khi tham chiến ở Bắc Việt Nam vào năm 1965 ở tuổi 19. Báo Dân Trí

Won Hong Sang là phi công Triều Tiên đầu tiên và trẻ nhất tử trận tại Việt Nam, bị bắn rơi vào ngày 24/9/1965, ở độ tuổi 19. Điều này không khiến lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ ý định can dự sâu hơn vào cuộc chiến tranh với quân đội Mỹ.

Đề nghị của Kim Nhật Thành

Ngày nay, sự can thiệp của Triều Tiên hiếm khi được nhắc tới ở Việt Nam.

Các sử gia Việt Nam nhìn chung đều đồng ý rằng chính Kim Nhật Thành đã tình nguyện gửi lính tới chiến đấu ở Bắc Việt trong thập niên 60, trái với quan điểm cho rằng Hà Nội đã cầu viện phi công do nhu cầu cấp bách ở thời điểm đó.

Người khai sinh ra nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tên gọi chính thức của Triều Tiên, tới thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1958 và quay trở lại năm 1964, thời điểm mà Hoa Kỳ bắt đầu triển khai chiến tranh diện rộng, và đồng minh Hàn Quốc của họ cũng gửi những người lính đầu tiền tới miền Nam Việt Nam.

Toán phi công đầu tiên của Triều Tiên được triển khai tới Hà Nội trong năm 1965 để huấn luyện với máy bay chiến đấu do Liên Xô cung cấp. Khi chiến tranh leo thang, đã có thêm nhiều phi công được cử đến.

"Những người bạn của chúng ta đã đề nghị được gửi một đơn vị lính không quân tình nguyện tới Việt Nam chiến đấu", Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân của Bắc Việt, Phùng Thế Tài, phát biểu trong một hội nghị của Thường trục Quân ủy Trung ương, ngày 21/9/1996, khi ám chỉ đến Triều Tiên.

"Người của họ sẽ được tổ chức thành các đại đội và biên chế vào trung đoàn không quân của chúng ta, họ sẽ mặc quân phục của ta và được bố trí ở cùng sân bay với trung đoàn của ta".

Sau khi kế hoạch được tướng Võ Nguyên Giáp phê duyệt, Bắc Việt và Triều Tiên đã ký một thỏa thuận triển khai phi công chiến đấu, dưới vỏ bọc "chuyên gia" nhưng trên thực tế là "quân tình nguyện".

Từ năm 1965 đến năm 1969, Triều Tiên đã gửi khoảng 100 quân nhân tới phục vụ ở các vị trí khác nhau trong lực lượng không quân của Bắc Việt. Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự của Hàn Quốc cho biết bắc Triều Tiên đã gửi "hàng trăm" phi công nhưng các sử gia Việt Nam phản bác con số trên. Tổng cộng đã có 14 phi công tử trận.
"Ta phải đoàn kết tôn trọng bạn, nhưng phải giữ vững chủ quyền" bằng cách chỉ rõ phạm vi hoạt động, chỉ định sân bay, và nhiệm vụ để "tránh những phức tạp không đáng có", Tướng Giáp giải thích.

Phía Bắc Việt có vẻ không được thoải mái với ý tưởng cho quân đội nước ngoài tham gia vào cuộc chiến của họ, hơn nữa quân Triều Tiên còn thiếu cả kinh nghiệm lẫn công nghệ.

chientranh3

Ông Hồ Chí Minh chào đón lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội hôm 11/11/1964 trong chuyến thăm chính thức thứ hai tới Việt Nam. Hình : Lăng Hồ Chí Minh

Một nguồn tin phía Việt Nam nắm được thông tin về mối quan hệ với Triều Tiên cho biết trong cuộc gặp tại Hà Nội vào năm 1964, Hồ Chí Minh đã cảm ơn Kim Nhật Thành vì đã đề nghị giúp đỡ, và nói thêm rằng "viện trợ về vật chất cũng đã đủ".

"Chúng tôi chỉ đồng ý sau khi Triều Tiên một mực giãi bày rằng phi công của họ thực sự cần kinh nghiệm chiến đấu, và cơ hội để làm quen với máy bay do Liên Xô chế tạo", theo lời nguồn tin nói với RFA, người này từ chối tiết lộ danh tính vì đây là chủ đề nhạy cảm.

"Nhưng vấn đề là họ bị bắn rụng rất nhiều, mất cả phi công lẫn máy bay", người này nói thêm. "Việt Nam mang ơn Triều Tiên rất nhiều vì những viện trợ trong thời chiến như thực phẩm, đạn dược và thuốc men, nhưng chương trình phi công chiến đấu thì không thực sự hiệu quả".

Tinh thần chiến đấu cao độ

Theo ông Merle Pribbenow, một cựu nhân viên CIA sau này trở thành nhà nghiên cứu độc lập về Chiến tranh Việt Nam, thì chương trình triển khai phi công chiến đấu người Triều Tiên đến Việt Nam, đã được giấu kín cho đến năm 2000, rất lâu sau khi chiến tranh kết thúc.

Lính Triều Tiên phục vụ trong một đơn vị không quân cỡ trung đoàn, dưới tên gọi "Group Z", ông Pribbenow viết thêm rằng đơn vị này đóng quân ở sân bay Kép, nằm ở phía bắc Hà Nội, từ đầu năm 1967 đến hết năm 1968.

Truyền thông Việt Nam tiết lộ thêm rằng "Goup Z" đã hứng chịu thiệt hại nặng nề trong khoảng từ năm 1967 đến năm 1968, và sau đó bị giải thể vào năm 1969.

Một bài viết đăng trên Báo Công an Nhân dân vào tháng 7/2013, cho biết sở dĩ nhóm phi công được cử tới Việt Nam vì phía Triều Tiên "ngưỡng mộ trước những chiến công mà không quân Việt Nam đạt được".

"Chiến sĩ Triều Tiên đã được những sĩ quan giàu kinh nghiệm nhất của không quân Việt Nam chỉ bảo tận tình, truyền đạt tỉ mỉ tất cả những kỹ thuật lái máy bay MiG 17 và MiG 19", bài báo có đoạn.

Phi công Triều Tiên được biết đến với "tinh thần chiến đấu cao độ" và "một vài phi công thậm chí còn xích mình vào ghế, sẵn sàng hy sinh cùng với máy bay", bài báo viết thêm.

Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2023, Trung tướng Phạm Phú Thái, người từng là phi công chiến đấu trong giai đoạn chiến tranh, mô tả những phi công Triều Tiên, dưới tên gọi "Những người bạn Z" - "ầm ầm khí thế lao vào chặn đứng máy bay địch... tiếng động cơ, tiếng súng, tiếng tên lửa nổ gây nhiễu loạn cả vùng trời".

"Những người bạn Z báo cáo họ bắn rơi năm máy bay Mỹ, phía ta công nhận họ bắn rơi ba chiếc, nhưng không thấy chiếc nào rơi tại chỗ", Trung tướng Phạm Phú Thái viết về một cuộc đụng độ xảy ra vào ngày 21/7/1967. Ông cũng cho biết ba phi công "Những người bạn Z" hy sinh trong trận đánh này.

Theo tướng Thái, trong hai năm 1967 và 1968, "Những người bạn Z" thực hiện 1.266 phi vụ xuất kích chiến đấu, bắn rơi 26 máy bay Mỹ, và bắt sống 8 phi công Mỹ.

Hy sinh to lớn

14 phi công chiến đấu Triều Tiên hy sinh trong chiến tranh Việt Nam được chôn chất tại nghĩa trang Tân Dĩnh ở tỉnh Bắc Giang, đây là nghĩa trang dành cho liệt sĩ người nước ngoài duy nhất ở Việt Nam, hài cốt của họ sau đó được hồi hương vào năm 2002 thể theo đề nghị của phía Bình Nhưỡng.

Nhiều năm sau chiến tranh, các kênh chính thức của chính quyền Triều Tiên mới nói về công lao to lớn và sự hy sinh cao cả mà người Triều Tiên bỏ ra để giúp người anh em Việt Nam đánh bại "đế quốc Mỹ và tay sai".

"Chiến tranh Việt Nam được truyền thông nhà nước Triều Tiên mô tả như là một phần của cuộc đấu tranh vũ trang chung của Thế giới Thứ ba, nhằm chống lại lực lượng đế quốc và thực dân phương tây", theo Benjamin Young, chuyên gia về Triều Tiên và là học giả vãng lai tại viện nghiên cữu RAND Corporation, Hoa Kỳ.

"Do có nền kinh tế tương đối ổn định, thời kỳ Kim Nhật Thành cầm quyền được cho là thời hoàng kim của chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa ở Triều Tiên", ông Young nói với RFA, ông này cũng nói thêm rằng giờ đây cuộc chiến ở Ukraine đang được các cán bộ tuyên giáo ở Triều Tiên tuyên truyền là một nỗ lực để xây dựng "thế giới đa cực mới".

"Ở thời điểm đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho đăng tải các bài viết nhắc đến những chí nguyện quân đi chiến đấu ở Việt Nam. Công khai hơn rất nhiều so với thời điểm hiện tại, khi mà chính quyền Triều Tiên vẫn phủ nhận việc họ điều quân đến Nga", theo ông Young. "Tôi không nghĩ người dân Triều Tiên cảm thấy hài lòng trước việc binh sĩ nước họ bị điều đi đánh nhau ở nước ngoài, cách xa hàng ngàn dặm".

Mối quan hệ liên Triều cũng đóng vai trò nhất định, quyết định đến sự can dự của Bình Nhưỡng ở Việt nam.

Bên cạnh nhóm phi công chiến đấu, Triều Tiên còn cử lực lượng đặc nhiệm tới các khu vực ở Nam Việt Nam, nơi quân đội Hàn Quốc hoạt động, để "nghiên cứu kỹ- chiến thuật, khả năng sẵn sàng chiến đấu, và tinh thần của quân đội Hàn Quốc, và sử dụng tuyên truyền chống lại người Hàn Quốc", theo như nội dung một bức điện mật của đại sứ quán Romania ở Bình Nhưỡng gửi về Bucharest vào ngày 6 tháng 7 năm 1967, được thu thập bởi Dự án Tài liệu Quốc tế về Triều tiên của Trung tâm Wilson có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Đây là "bằng chứng cho thấy Kim Nhật Thành chủ trương tăng cường sự hiện diện quân sự của Triều Tiên tại Việt Nam, nhằm đánh giá năng lực quân sự của Hàn Quốc", theo ông Young.

Ông này cũng cho rằng sự đối đầu của hai miền Triều Tiền rất có thể cũng sẽ xuất hiện trong Chiến tranh Ukraine.

"Hàn Quốc rất có thể sẽ gửi vũ khí sát thương tới Ukraine một cách công khai và trực tiếp", ông Young nói.

Một vài nhà phân tích phương tây cho rằng Kim Nhật Thành đã tỏ ra hài lòng khi chứng kiến việc Hoa Kỳ bị sa lầy trong cuộc chiến ở Việt Nam, do đó không thể duy trì sức ép quân sự lên Triều Tiên.

Giờ đây, cháu nội Kim Jong-un của ông ta, một thập kỷ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc mới ra đời, rất có thể cũng sẽ rất hài lòng khi chứng kiến Hoa Kỳ bận tâm với cuộc chiến ở Ukraine.

Luna Pham

Nguyên tác : Ukraine war stirs memories of North Korea’s long-secret Vietnam venture, RFA, 30/10/2024

Mike Firn Taejun Kang biên tập

Nguồn : RFA, 01/11/2024

Additional Info

  • Author Luna Pham
Published in Diễn đàn

Triều Tiên bị cáo buộc đã gửi hàng ngàn lính sang Nga mà có thể là để tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine. Nếu điều đó đúng sự thật, đây là lần đầu mà quốc gia bị cô lập này triển khai quân quy mô lớn ở nước ngoài kể từ Chiến tranh Việt Nam.

viettrieu1

Các sĩ quan và thủy thủ đoàn tàu USS Pueblo của Hải quân Mỹ bị lính Triều Tiên bắt giữ trong Chiến tranh Việt Nam

Dưới đây là những quốc gia mà Bình Nhưỡng từng hợp tác quân sự.

Việt Nam

Triều Tiên đã điều hơn 1.000 binh sĩ sang Bắc Việt trong giai đoạn 1966-1972, bao gồm hàng trăm phi công lái máy bay MiG-17, theo một cuốn sách xuất bản năm 2017 của Viện Lịch sử Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Theo báo Công an Nhân dân (Việt Nam), lực lượng không quân Triều Tiên đã bắn hạ ít nhất 26 máy bay Mỹ và mất 14 quân nhân của mình từ năm 1967 đến năm 1969.

Cuốn sách của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết một nhóm chuyên gia tâm lý chiến của Triều Tiên đã hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền và bắt cóc của Bắc Việt nhằm vào quân đội Hàn Quốc ở miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng chục du kích Bắc Việt đã được đào tạo ở Triều Tiên.
Nhưng mối quan hệ đã nguội lạnh từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa với phương Tây, tiến hành cải cách chính trị và kinh tế vào cuối những năm 1980 và thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc vào năm 1992.

Ai Cập

Theo ông Niu Song - giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, trong Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, Triều Tiên đã cử một nhóm gồm khoảng 1.500 cố vấn quân sự và khoảng 40 quân nhân không quân tới Ai Cập theo một hiệp ước hỗ trợ quân sự giữa cố lãnh tụ Kim Nhật Thành và cố Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.

Yom Kippur là một cuộc chiến tranh ngắn giữa một bên là Israel và một bên là Ai Cập cùng một số đồng minh Ả Rập vào năm 1973.

Libya

Triều Tiên đã thúc đẩy trao đổi quân sự với Libya dưới thời Muammar Gaddafi, ký kết một hiệp ước liên minh 10 năm vào năm 1982, cam kết hỗ trợ quân sự nếu một bên bị tấn công và bị một quốc gia thứ ba đe dọa.

Một tài liệu mật năm 1982 của CIA cho biết Bình Nhưỡng có thể đang tìm cách biến Libya thành một "nhà kho ở nước ngoài" cho quân đội của mình. Tài liệu này đã trích dẫn các báo cáo trước đây về các phi công Triều Tiên và quá trình huấn luyện với máy bay MiG-23 tại Libya.

Tài liệu này cũng cho rằng Triều Tiên đem quân tới Libya là để đặt nền móng trong việc có được vũ khí hạt nhân.

Syria

Syria là một người bạn lâu năm của Triều Tiên, hợp tác với nhau trong lĩnh vực tên lửa và vũ khí hóa học. Triều Tiên cũng xây dựng một lò phản ứng plutonium nhưng đã bị một cuộc tấn công của Israel vào năm 2007 phá hủy.

Năm 2013, truyền thông Israel cho biết một số phi công trực thăng và sĩ quan pháo binh Triều Tiên đang hoạt động tại Syria, mặc dù hãng thông tấn nhà nước của Bình Nhưỡng phủ nhận việc cung cấp viện trợ quân sự.

Năm 2016, hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga đưa tin hai đơn vị quân sự của Triều Tiên đang chiến đấu trong cuộc nội chiến Syria, sát cánh cùng quân của Tổng thống Bashar al-Assad.

Iran

Cùng chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên và Iran đều bị nghi ngờ hợp tác trong các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, trao đổi chuyên môn kỹ thuật và linh kiện.

Năm 2015 - một nhóm đối lập Iran lưu vong, nhóm đã tiết lộ cơ sở hạt nhân Natanz của nước này vào năm 2002 - cho biết một phái đoàn gồm bảy chuyên gia hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên đã thăm một địa điểm quân sự gần thủ đô Tehran. Đó là cuộc trao đổi quân sự lần thứ ba giữa hai nước trong năm 2015.

Các giám sát viên của Liên Hiệp Quốc vào năm 2021 tiết lộ rằng hai quốc gia này đã nối lại hợp tác để phát triển tên lửa tầm xa, chuyển giao các bộ phận quan trọng.

Triều Tiên cũng bị cáo buộc cung cấp vũ khí cho các lực lượng ủy nhiệm của Iran, bao gồm Hamas.

Lính Hamas được nhìn thấy đã sử dụng súng phóng lựu của Triều Tiên để tấn công Israel vào năm 2023. Bình Nhưỡng phủ nhận điều này.

Châu Phi

Triều Tiên đã có mối quan hệ lâu dài với các chế độ độc tài ở Zimbabwe, Uganda và những nơi khác ở Châu Phi kể từ thời Chiến tranh Lạnh, tham gia vào việc bán vũ khí và huấn luyện quân sự.

Năm 2011, một nghị sĩ Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã có hơn 100 vòng đàm phán bán vũ khí trong giai đoạn 1999-2008 với các quốc gia như Angola, Congo, Libya, Tanzania và Uganda. Người này trích dẫn tài liệu mật của chính phủ.

Các giao dịch này nhằm bán vũ khí cũ, rẻ ở Châu Phi để lấy đô la và mua vũ khí, phụ tùng tối tân hơn của Nga, theo Viện Chiến lược An ninh Quốc gia của cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc.

Nhưng mối quan hệ của Triều Tiên với nhiều đối tác Châu Phi đã suy yếu trong thập kỷ qua kể từ khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Botswana cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên vào năm 2015, Uganda và Ethiopia ngừng trao đổi an ninh với nước này vào năm 2016.

Nguồn : BBC, 28/10/2024

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Châu Á