Loạt chủ đề nhẹ nhàng dành cho mùa hè tiếp tục được đưa trên trang nhất các tuần báo Pháp. “Ai làm gì trong cuộc sống vợ chồng ?” là câu hỏi lớn của L’Obs, “Homère, bậc thầy tư duy của nền văn minh chúng ta” được Le Point đề cập trên trang nhất, L’Express đưa độc giả khám phá “Những bí mật của làn da” còn trang nhất của Courrier international là hình ảnh như thây ma của “Jeff Bezos, phù thuỷ của Amazon”.
Quá trình xây dựng đập trên sông Mêkông ở tỉnh Xayaburi, Lào (@International Rivers)
Liên quan đến Châu Á, tuần báo Courrier international đăng bài “Dòng sông Mêkông được vẽ lại”, trích dịch từ báo Bangkok Post. Bắc Kinh muốn biến dòng sông này thành một tuyến đường trong mạng lưới vận tải, vốn đã chằng chịt, để chuyển hàng hóa Trung Quốc xuống các nước Đông Nam Á.
Ngày 14/11/2015, Trung Quốc đề xuất chương trình Hợp tác Lan Thương-Mêkông (LMC-Lancang-Mekong Cooperation) với mục đích cải thiện giao thương và hợp tác với các nước cùng chung dòng sông là Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam. Trong cuộc họp đầu tiên giữa các bên vào tháng 03/2016, thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết tháo khoán 1,35 tỉ euro tín dụng và tuyên bố sẵn sàng cấp các khoản tín dụng tổng cộng đến 83,75 tỉ euro nhằm đầu tư vào các công trình hạ tầng lớn và phát triển mạng lưới giao thông trong vùng Mêkông, trong đó có cả hệ thống đường sắt, cảng sông và vận tải hàng không.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, nhiều công trình khai quang khu vực Mêkông đã được tiến hành, kể cả việc dùng chất nổ phá đá và các dốc đứng để thương thuyền 500 tấn có thể qua lại được, thay vì những con tầu 100-200 tấn như hiện nay.
Tờ Bangkok Post cho biết cải thiện khả năng lưu thông trên dòng Mêkông đã được một số nhà công nghiệp người Hoa chú ý ngay đầu những năm 2000. Chỉ đến khi dự án Hợp tác Lan Thương-Mêkông được đưa ra, người dân Thái Lan trong khu vực mới biết đến dự án này.
Từ 20 năm qua, Trung Quốc xây dựng rất nhiều đập thủy điện trên dòng sông chảy qua lãnh thổ và từ đó, mực nước lên xuống phía hạ nguồn do Trung Quốc quyết định. Hậu quả là nhiều loài cá đã biến mất khiến ngư dân phải chuyển nghề, nông dân trồng hoa mầu bên bờ sông luôn ngay ngáy sợ nước lên bất thường vì Trung Quốc xả lũ.
Bên cạnh dự án vận tải đường thủy trên dòng Mêkông, Trung Quốc đã phát triển mạng lưới đường bộ nối với Thái Lan nhờ trục cao tốc R3A (2008) đi qua lãnh thổ Lào, cây cầu hữu nghị thứ 4 (2013) giữa Thái Lan và Lào dẫn đến vùng Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam), một hải cảng thương mại mới (2011) tại vùng Chiang Saen (Thái Lan)… Những công trình hạ tầng này đã tạo thêm lực đẩy cho giao thương biên giới, đặc biệt nhờ thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Trung Quốc và ASEAN, có hiệu lực từ năm 2010.
“Phải thận trọng khi giải quyết với láng giềng phương bắc”
Dự án cải thiện lưu thông trên dòng Mêkông mà chính phủ Thái Lan thông qua hồi tháng 12/2016 bị người dân một ngôi làng sống bên bờ sông phản đối do lo ngại tác động đến môi trường và kinh tế. Song họ lại tỏ ra “dè dặt” trước người láng giềng khổng lồ.
Một chuyên gia về quan hệ Thái-Trung thuộc đại học Thammasat ở Bangkok nhận xét “Trung Quốc là một nước lớn. Điều này khiến người ta phải thận trọng”. Bà không nhắc đến kích thước về mặt địa lý mà nhấn mạnh đến trọng lượng và sức ảnh hưởng kinh tế của quốc gia phương bắc đối với các nước trong vùng, cụ thể thông qua dự án Con đường Tơ lụa mới với những công trình hạ tầng có quy mô lớn để hình thành một mạng lưới giao thông đường thủy và đường bộ nối nền kinh tế Trung Quốc và khu vực Á-Âu.
Trong khoảng 2008-2014, lượng đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN đã tăng hơn 200%. Sông Mêkông vẫn là tuyến đường chính nối miền nam Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á. Giới đầu tư Trung Quốc bị thu hút trước các nguồn tài nguyên dồi dào và tầng lớp trung lưu ngày càng đông với tiềm năng tiêu thụ lớn. Trong cuộc họp đầu tiên giữa Trung Quốc và các nước bên bờ Mêkông, thủ tướng Lý Khắc Cường nêu viễn cảnh chương trình Hợp tác cam kết cùng chia sẻ lợi ích.
Thế nhưng, trên thực tế, người dân địa phương không có chung cách nhìn tích cực như Bắc Kinh, thậm chí họ cho rằng Trung Quốc “lợi dụng” những nước nhỏ. Các dự án phát triển của Trung Quốc, từ các mỏ đồng ở Miến Điện đến các nhà máy giấy và trung tâm thủy điện ở Việt Nam hay các nông trường chuối ở Thái Lan, đều gây ra những quan ngại về môi trường.
Một số khác coi sự đầu tư ồ ạt của Trung Quốc như một “mối đe dọa đến chủ quyền”. Trong một bài báo nghiên cứu, giáo sư Khoa học-Xã hội Pollavat Prapattong thuộc đại học Mae Fah Luang ở Chiang Mai không ngần ngại miêu tả cách thức đầu tư của Trung Quốc như một âm mưu “biến (thành phố Chiang Mai và môi trường) thành một vùng đất của Trung Quốc và cho người Hoa”.
Lào cũng là một trường hợp điển hình. Một số thành phố của nước này bị “vẽ” lại hoàn toàn để dành chỗ cho mạng lưới đường sắt nối liền với Trung Quốc. Các khu đô thị như Luang Prabang và Viêng Chăn ngày càng giống một số khu vực ở tỉnh Vân Nam.
Dĩ nhiên, chính quyền trung ương Bắc Kinh yêu cầu các nhà đầu tư ra nước ngoài phải có trách nhiệm về xã hội và môi trường, nhưng những tiêu chí trên chỉ được một số nhỏ doanh nghiệp nhà nước áp dụng. Trung Quốc thu lợi từ trao đổi thương mại và đầu tư trong khu vực Mêkông nhưng cũng tìm cách để ngăn các nước ASEAN liên minh với nhau chống lại Bắc Kinh trong hồ sơ tranh chấp Biển Đông.
Bangkok Post nhận định khó lòng đánh giá được lợi ích mà người dân địa phương được hưởng từ những công trình mới của Trung Quốc trong vùng Mêkông, nhưng một điều chắc chắn là họ phải quen với một cuộc sống mới, như trường hợp của một ngư dân phải bỏ nghề, từ khi Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn, để bất dĩ trở thành công nhân chiết mủ cao su, làm thợ xây hay thợ máy.
Bành Lệ Viên : “Đệ nhất phu nhân” quyền lực Châu Á
Phu nhân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhân vật chính trong loạt bài mùa hè về những phụ nữ quyền lực của tuần báo L’Express. Trước khi trở thành “Đệ nhất phu nhân” Trung Quốc, bà đã nổi tiếng hơn chồng.
Luôn xuất hiện với nụ cười và trang phục thanh lịch bên cạnh chồng, bà Bành Lệ Viên được L’Express đánh giá là người dung hòa, thông qua hình ảnh, những mâu thuẫn của một chính quyền bị giằng xé giữa tư tưởng cộng sản cách mạng và cách thức tư bản và bảo thủ. Và bà đảm nhiệm tốt vai trò này.
Vào thời điểm khá nhạy cảm sau khi nhà đấu tranh Lưu Hiểu Ba bị “cầm tù” cho đến chết dù được chữa trị trong bệnh viện, bà Bành Lệ Viên, xuất hiện trong trang phục được cân nhắc kỹ, tuyên bố chiến đấu chống bệnh lao và bệnh sida. Hay khi đến Hồng Kông nhân 20 năm cựu thuộc địa Anh được trả lại cho Trung Quốc, bà Bành Lệ Viên đã thể hiện thành công vai trò của một Đệ nhất phu nhân hiện đại và luôn tươi cười trong một trại dưỡng lão, hay ôm hôn học sinh trong một trường tiểu học. Những hình ảnh trìu mến này lại trái ngược với chính sách mạnh tay của Bắc Kinh đối với đặc khu hành chính, mà chắc hẳn người ta vẫn chưa quên các cuộc biểu tình đòi dân chủ từ năm 2014 hay các vụ “bắt cóc” các nhà sách Hồng Kông…
Kết hôn với ông Tập Cận Bình từ gần 30 năm, trước khi trở thành Đệ nhất phu nhân, bà Bành Lệ Viên đã nổi tiếng hơn chồng vì là ca sĩ dân gian đương đại có tiếng trong quân đội Trung Quốc. Từ năm 2007, bà ngừng sự nghiệp ca sĩ để toàn tâm toàn ý giúp sự nghiệp của chồng.
Những bí mật của làn da
L’Express dành 16 trang báo để nói về “Những bí mật của làn da” thông qua bốn chủ đề chính : Làn da là tấm gương phản ánh sức khoẻ và cảm xúc ; Những phát hiện mới nhất về làn da ; Bảo vệ da như thế nào ? và những nguy hiểm khi xăm hình trên da.
Khoảng 2 m2 da bao phủ cơ thể con người. Lớp vỏ bọc này là một cơ quan phức tạp và đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ với những người khác. Làn da như tấm thẻ căn cước về mỗi người và “bật mí” về tuổi tác, nguồn gốc dân tộc, cảm xúc và bệnh tật. Với làn da, con người khó lòng “ăn gian” được tuổi tác, dù có trải qua “dao kéo”. Chấm đen, vết đỏ, mụn nhọt hay các vùng mầu ghi xuất hiện trên da mỗi khi chế độ ăn uống bị giảm.
Cùng với hình thể và trí tuệ, mùi hương toả ra từ làn da là yếu tố thứ ba đóng vai trò quan trọng trong một buổi hẹn hò. Sự mịn màng và tươi tắn của làn da không tự nhiên mà có được mà cần được quan tâm chăm sóc. Tuy nhiên, L’Express cho rằng công việc này lại không phức tạp như vẫn nghĩ, chỉ cần nuôi dưỡng tốt và luôn giữ ẩm làn da.
Làm đẹp làn da bằng những hình xăm vẫn luôn thịnh hành. Khoảng 15% dân Pháp xăm mình, trong đó 25% dưới 30 tuổi ; từ 10 đến 50% trong số họ hối hận vì đã xăm mình và 10% trong số họ bị nhiễm trùng hoặc dị ứng. Nguyên nhân chính là thành phần của mực xăm mà L’Express cảnh báo nên chú ý, vì trong mực có chứa kim loại nặng, hidrocarbon, còn mực mầu chứa nhiều chất độc gây ung thư.
Để có được làn da trẻ trung, nhiều người không ngại can thiệp của dao kéo, từ tiêm botox, với liều lượng ít hơn trước một nửa để có làn da tự nhiên hơn, hay sử dụng một loại gel thần thánh tẩy hết mọi vết nhăn hoặc phẫu thuật thẩm mỹ. Theo một chuyên gia, đôi môi đầy đặn hờn dỗi và gò má cao vẫn còn tương lai xán lạn trước mắt.
“Trách nhiệm tinh thần” về gánh nặng việc nhà
Phụ nữ thường trách đàn ông làm chưa đủ, còn các ông lại luôn trách các bà muốn kiểm soát tất cả. Ai có lý và làm thế nào để thoát khỏi “cuộc đối đầu” căng thẳng này là chủ đề của phóng sự điều tra trên tuần báo L’Obs. Thế nhưng, giữa hai luồng quan điểm là một “trách nhiệm tinh thần” về việc nhà.
Khái niệm “trách nhiệm tinh thần” được sử dụng trong thập niên 1970 để nói về những mối bận tâm của các nhà quản lý khi phải mang thêm việc về nhà giải quyết. Chỉ đến năm 1984 mới xuất hiện nguyên tắc “trách nhiệm tinh thần gia đình” trong một bài báo của nhà xã hội học Monique Haicault. Bà miêu tả tâm trí của một người phụ nữ bị ám ảnh bởi những lo âu trong nhà, quản lý gia đình khi họ đang làm việc.
Những trường hợp được L’Obs nêu trong bài báo đều cho thấy phụ nữ bận tâm nhiều hơn cho “trách nhiệm tinh thần”, trong khi phái nam chỉ dành một phần nhỏ, thậm chí với một số người, về nhà đồng nghĩa với “nghỉ ngơi” và “giải toả đầu óc”. Chính điều này là nguyên nhân gây những bất đồng trong gia đình. Theo nhận định của nhà xã hội học Jean-Claude Kaufmann, người đàn ông phải dứt khỏi vỏ bọc tiện nghi, còn người phụ nữ phải chia sẻ cách làm của mình.
“Dunkerque” : Tái hiện 9 ngày quân đồng minh rút khỏi vòng vây của Đức
Đạo diễn người Anh Christopher Nolan, 46 tuổi, trở lại với bộ phim dài Dunkerque, được tuần báo Le Point cho rằng “chắc chắn đánh dấu lịch sử nền điện ảnh”. Còn L’Express đánh giá đạo diễn đã sáng tạo lại thể loại phim chiến tranh.
Dài 1h45, bộ phim Dunkerque thuật lại chiến dịch Dynamo (bí danh của trận Dunkerque) hay đúng hơn là cuộc sơ tán, vào tháng 05/1940, của hơn 338.000 quân nhân Anh, Pháp và Bỉ bên bờ biển Dunkerque (miền bắc nước Pháp) giữa vòng vây của lính Đức. Bị dồn trên cầu cảng và bãi biển, họ chỉ có một lối thoát duy nhất là đến nước Anh bằng đường biển.
Trong vòng 9 ngày, một khu vực dài 10 km quanh thành phố Dunkerque được một số đơn vị Pháp phòng thủ để kéo thời gian giúp các toán quân, chủ yếu là lính Anh, rút lui bằng đường biển để được hải quân Anh và một số du thuyền cứu vớt.
Câu chuyện được thuật lại dưới ba nhãn quan : của những người lính trên bãi biển, một nhà hàng hải Anh và một phi công của Không Lực Hoàng gia Anh.
Với Dunkerque, đạo diễn Nolan lại thêm một bộ phim lớn vào danh sách những tác phẩm như Memento, Inception, Interstellar, Batman.
Thu Hằng