Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc : Đấu tranh xã hội phát triển mạnh

Mức tăng trưởng đang bị chững lại của nền kinh tế Trung Quốc đè nặng lên chế độ lương bổng và điều kiện lao động của công nhân nước này. Trong số ra ngày 29/03/2017, nhật báo Le Monde nhận định "Các cuộc đấu tranh xã hội phát triển mạnh tại Trung Quốc", đặc biệt kể từ khi nhiều doanh nghiệp bắt tay với các công ty tuyển nhân công thời vụ để lách luật lao động mới dẫn đến nhiều cuộc tuần hành phản đối của người lao động thời vụ.

autranh1

Công nhân trên công trường xây dựng cảng hàng không mới ở phía nam Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 22/03/2017. REUTERS/Stringer

Phóng viên của Le Monde nêu ví dụ cuộc tuần hành từ vài tháng nay của hàng trăm công nhân nhà máy Volkswagen tại Trường Xuân (Changchun) đòi được đãi ngộ bình đẳng với công việc. Họ đấu tranh yêu cầu chủ lao động tôn trọng luật của Trung Quốc về việc làm tạm thời : phải được chính thức tuyển dụng sau thời hạn tối đa 6 tháng hợp đồng thời vụ. Tuy nhiên, khoảng 1.500 công nhân ở nhà máy Volkswagen có hợp đồng tạm thời từ… 10 năm nay.

Không được bảo vệ, những công nhân trên kêu cứu trên mạng xã hội và YouTube. Một số khác biểu tình trước văn phòng trọng tài nhằm tố cáo tổ chức này "ngoảnh mặt làm ngơ", gõ cửa công đoàn nhà nước (nhưng tổ chức này hiếm khi hoạt động hiệu quả và lại hùa theo giới chủ) và thậm chí họ xâm nhập văn phòng của Bộ Nhân sự và an sinh xã hội. Đáng tiếc là mọi nỗ lực cho đến giờ đều không mang lại kết quả.

Năm 2008, một đạo luật mới nhằm bảo vệ người lao động trước tình trạng sa thải bừa bãi được thông qua. Tuy nhiên, để lách luật, mô hình tuyển dụng lao động tạm thời dài hạn thông qua các văn phòng môi giới vẫn được sử dụng rộng rãi vì người lao động tạm thời bị trả lương ít hơn và không được hưởng đầy đủ lợi ích an sinh xã hội. Hiện có khoảng 60 triệu người Trung Quốc làm việc trong những điều kiện như vậy trong mọi lĩnh vực, theo Tổng Công Hội Trung Quốc.

Dù năm 2012, một đạo luật mới được ban hành để hạn chế việc sử dụng lao động thời vụ và khuyến khích ký hợp đồng lao động trực tiếp, nhưng cách làm trên vẫn rất phổ biến. Đến năm 2014, số lượng lao động tạm thời bị hạn chế ở mức 10% ở mỗi công ty, song nhiều doanh nghiệp vẫn vượt ngưỡng trên khiến người lao động phẫn nộ.

Công nhân ngày càng được tổ chức hơn

Phải nói tình trạng lạm dụng hợp đồng thời vụ tồn tại trên mọi vùng miền ở Trung Quốc, đặc biệt từ khi ngành công nghiệp nặng bị sản xuất dư thừa tác động khiến các doanh nghiệp phải giảm lương hoặc giảm bớt số lượng công nhân. Phong trào phản đối cũng lan sang lĩnh vực dịch vụ.

Năm 2016, hàng loạt cuộc đình công đã tác động đến các tập đoàn đa quốc gia, như công nhân của nhà phân phối lớn Walmart của Mỹ phản đối thời gian biểu thay đổi ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình của họ. Cùng năm, nhân viên của các tập đoàn Sony, Danone và Coca Cola tại Trung Quốc phản đối việc bán lại nhà máy cho các nhà đầu tư địa phương, trong khi họ không được thông báo, và vì người lao động sợ một số lợi ích xã hội sẽ bị cắt giảm khi nhà máy nằm trong tay một ông chủ địa phương.

Người lao động Trung Quốc tham gia biểu tình ngày càng tỏ ra có tổ chức, nắm rõ quyền lợi của họ và chỉ trích thiếu đối thoại xã hội trong các doanh nghiệp và với chính quyền. Họ cũng lên án hoạt động thiếu hiệu quả của nghiệp đoàn chính thức và sự nghi kị của chính quyền đối với các tổ chức bảo vệ quyền của người lao động mà nhiều nhân viên đã bị cầm tù vào cuối năm 2015.

Theo nhà sáng lập Tập san Lao động Trung Quốc (China Labour Bulletin) tại Hồng Kông, người lao động Trung Quốc "phải có quyền bầu ra đại diện của mình và trình bày những yêu cầu của họ thông qua quá trình hợp pháp và đàm phán tập thể. Sự thiếu hiệu quả của Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU) trong việc hoàn thành vai trò công đoàn khiến giới công nhân không còn lựa chọn nào khác ngoài đình công và phải đối mặt với trấn áp".

Indonesia, quốc gia đang phát triển không thể bỏ qua của Pháp

Tổng thống Pháp François Hollande chọn Indonesia là nước cuối cùng để kết thúc chuyến công du Đông Nam Á. Theo nhật báo Le Monde, "Indonesia là nước đang phát triển không thể bỏ qua của Pháp" vì quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới ngày càng có trọng lượng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Vai trò quan trọng của Indonesia được thể hiện qua phát biểu của tùy viên phụ trách kinh tế của sứ quán Pháp ở Jakarta, Pascal Furth : "Đối với một số công ty Pháp, duy trì vị trí số một trong lĩnh vực của họ phụ thuộc vào sự phát triển tại Indonesia". Tổng trị giá các dự án đầu tư của Pháp vào quốc đảo Đông Nam Á này lên đến 3,5 tỉ đô la.

Indonesia là thị trường nước uống và sữa bột lớn nhất thế giới của tập đoàn Danone ; hãng hàng không giá rẻ Lion Air của Indonesia là khách hàng lớn nhất của liên doanh Pháp-Ý chuyên sản xuất máy bay hai động cơ ATR thích hợp với những đường băng ngắn trên trong quần đảo Indonesia ; chuỗi cửa hàng dụng cụ và phụ kiện thể thao Decathlon tung chiến lược phát triển khoảng 100 cửa hàng trong vòng 10 năm, bắt đầu từ tháng 09/2017…

Theo đại diện một tập đoàn lớn của Pháp ở Jarkarta, viễn cảnh mà Indonesia mang lại có thể thuyết phục được người Pháp ngừng ảo tưởng về thị trường Trung Quốc. Thị trường Indonesia có rất nhiều điểm lợi, theo phân tích của nhật báo Le Monde.

Thứ nhất, đây là một nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á căn cứ vào dân số (260 triệu người) và tài sản quốc gia (tổng sản phẩm quốc nội đạt 950 tỉ đô la). Tiếp theo, Indonesia là thành viên Đông Nam Á duy nhất của khối G20. Điều nghịch lý là, Indonesia vẫn bị đánh giá là một nước nghèo, nhưng tầng lớp trung lưu ngày càng đông hơn và giầu hơn, sức mua của các hộ gia đình tăng 5% vào năm 2016. Đây cũng chính là mối bận tâm của tổng thống Joko Widodo lên nắm quyền từ năm 2014.

Một trong các mối bận tâm khác của ông là tầm quan trọng của lĩnh vực hàng hải tại quốc gia có đến 17.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 3.000 đảo có người sinh sống. Ông Widodo không muốn khoảng cách trên biển chia rẽ quần đảo mà ngược lại, phải thắt chặt mối quan hệ giữa các phần lãnh thổ bằng cách tạo điều kiện cho phát triển kinh tế : đánh bắt, du lịch, cảng biển, vận tải hàng hải… Đây là khía cạnh mà Pháp rất quan tâm, theo nhật báo Le Monde. Chuyến công du của tổng thống Hollande sẽ "đề cập đến chủ đề hợp tác song phương trong lĩnh vực hàng hải", chủ yếu trong các ngành xây dựng hải cảng, năng lượng hàng hải và kết nối hàng không.

Dĩ nhiên vẫn tồn tại một số băn khoăn về thị trường lớn này, như tình trạng tham nhũng, cơ chế quan liêu lan rộng, cũng như ưu ái đối với các công ty trong nước… Le Monde cho rằng những bất lợi trên có thể trở thành rào cản cho đầu tư nước ngoài.

Brexit : Cuộc chia ly thiệt thòi và mất thời gian
 
Chín tháng sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, ngày 29/03/2017, London chính thức khởi động tiến trình từ giã Liên Hiệp Châu Âu. Sự kiện này được tất cả các nhật báo Pháp đăng trên trang nhất.

"Quý bà Brexit khởi động tiến trình ly hôn", theo hàng tựa của Le Monde, chính thức mở ra hai năm đàm phán giữa London và các đối tác cũ ở Châu Âu. Thủ tướng Theresa May đang giữ lợi thế vì có hơn 53% người dân ủng hộ đường lối của mình, song sự ủng hộ này có lẽ sẽ suy yếu, nếu bà không làm chủ được tiến trình đàm phán vô cùng phức tạp để cắt đứt với Liên Hiệp, với hàng nghìn văn bản phải xem xét lại, rất nhiều lợi ích bị thách thức…

Trả lời nhật báo Le Monde, cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Anh, thuộc đảng bảo thủ, dưới thời thủ tướng Margaret Thatcher, Michael Heseltine, cho rằng "Cử tri sẽ nhận ra là họ đã lầm"khi quyết định rời Liên Hiệp Châu Âu, vì cử tri không bỏ phiếu để đồng bảng Anh mất 15% giá trị và sức mua đang bị đóng băng, như những gì đang diễn ra.

Bài xã luận của nhật báo Les Echos đánh giá "Mất thời gian vì Brexit". Châu Âu có nhiều việc khác phải giải quyết hơn là mất năng lượng vào cuộc đàm phán này, vì Anh Quốc không có lịch trình rõ ràng để rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Thủ tướng Anh Theresa May từng tuyên bố "thà không có bất kỳ thỏa thuận nào với Bruxelles hơn là một thỏa thuận tồi". Dường như, đường lối này ngày càng khó được duy trì cả về kinh tế lẫn chính trị. Thêm vào đó là lời đe dọa rút khỏi Liên Hiệp Anh của Scotland để tiếp tục ở lại Liên Âu.

Cùng chung nhận định với Les Echos, bài xã luận của La Croix cho rằng cả hai bên đều thiệt thòi vì Brexit do quá trình đàm phán sẽ "kéo dài vài năm. Rất nhiều năng lượng sẽ phải bỏ ra để chia tay nhau, trong khi có nhiều việc phải làm để xây dựng một Châu Âu mạnh mẽ hơn và công bằng hơn".

Qua trường hợp Brexit, Libération cảnh báo cần phải xem xét lại "Quan hệ tương ái" giữa các nước trong Liên Hiệp Châu Âu (EU-European Union). Đành rằng Anh Quốc là thành viên của EU, nhưng về tâm lý, Anh Quốc chưa bao giờ cảm thấy liên can đến sáng kiến của khối. Theo bài xã luận, "thực tế mà nói Brexit không phải là một thảm họa mà là một lời cảnh báo : Mắt xích kém của Liên Hiệp đã lùi bước. Quan hệ tương ái vẫn còn đó, nhưng ít ra phải củng cố nó. Chừng nào Liên Hiệp Châu Âu chưa dung hòa được với người dân, mối đe dọa sẽ còn kéo dài".

Pháp và Anh bắt tay nghiên cứu một dự án tên lửa mới

Trong khi Anh Quốc chính thức khởi động tiến trình rời Liên Hiệp Châu Âu, "London và Paris cùng nhau phát triển một hệ thống tên lửa tầm xa", theo nhật báo kinh tế Les Echos. Thỏa thuận được ký ngày 28/03/2017 tại London khẳng định sự xích lại gần nhau trong lĩnh vực quân sự chưa từng có giữa hai bờ eo biển Manche.

Theo thỏa thuận, hai bên sẽ cùng nhau nghiên cứu các loại tên lửa chống tầu và tên lửa hành trình để dần thay thế các loại tên lửa mà quân đội Pháp và Anh đang sử dụng hiện nay. Mục tiêu là đến năm 2030, Anh và Pháp sẽ dùng chung các loại tên lửa tầm xa.

Cụ thể, Paris và London giao cho tập đoàn công nghiệp MBDA nhiệm vụ nghiên cứu trong vòng 3 năm để đưa ra những mô hình mới thay thế cho tên lửa chống tầu Exocet của Pháp và Harpoon của Anh, và thế hệ mới thay cho tên lửa địa đối không Scalp (Pháp) và Storm Shadow (Anh), hiện đang được sử dụng để chống tổ chức Nhà Nước Hồi giáo.

Theo người đứng đầu MBDA, thỏa thuận trên nhằm duy trì khả năng bảo vệ ngành công nghệ chủ quyền này ở Châu Âu trước các tập đoàn của Mỹ và Trung Quốc. Ngoài lĩnh vực sản xuất tên lửa, Anh và Pháp còn hợp tác về hệ thống chiến đấu trên không.

Tổng thống Erdogan đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào thế cô lập

Dường như không gì có thể ngăn được những phát ngôn ngày càng thái quá của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan khi cuộc trưng cầu dân ý trao thêm quyền lực cho tổng thống đang tới gần, ngày 16/04.

Le Monde nhận định, trong trường hợp chiến thắng, ông Erdogan sẽ có quyền điều hành cơ quan hành pháp, Nghị Viện và sẽ chế ngự Bộ máy tư pháp với quyền hạn bổ nhiệm 12 trên 15 thẩm phán của Tòa Bảo Hiến. Ông cũng sẽ tiếp tục đứng đầu đảng Công lý và Phát triển (AKP, Hồi giáo bảo thủ) được chính ông thành lập cách đây 16 năm.

Tuy nhiên, ông Cemil Cicek, cựu chủ tịch Quốc hội (2011-2015), đánh giá "thời điểm lựa chọn và nội dung cải cách cho hệ thống tổng thống là không hay. Chúng tôi mất thời gian thay vì ưu tiên cho những vấn đề thật sự mà đất nước đang phải đối mặt". Thực vậy, không khí sôi nổi của các cuộc vận động - mít tinh chỉ để cử tri quên đi giai đoạn khó khăn mà nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua : doanh thu từ du lịch sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng, lạm phát ở mức hai chữ số, cô lập trên lĩnh vực ngoại giao, trong khi đó chính sách đối ngoại trở thành con tin cho những tham vọng của vị tổng thống.

Trên mặt trận Syria, trong những tuần gần đây, Washington và Moskva chặn đường tiến của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như của phe nổi dậy đồng minh đến các vùng Manbij (phía đông) và Afrine (phía tây) nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng Kurdistan, kẻ thù không đội trời chung của tổng thống Erdogan. Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria và càng đẩy Ankara vào thế cô lập hơn.

Thu Hằng

Published in Châu Á