Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đạo quân thứ năm của Trung Quốc ở Úc và New Zealand gây lo ngại (RFI, 12/10/2017)

Một sự kiện tại New Zealand hạ tuần tháng 9/2017 đã khơi dậy nỗi lo ngại tại nước này cũng như tại nước Úc láng giềng : Một dân biểu gốc Hoa, tên là Dương Kiện (Jian Yang) thuộc đảng Quốc Gia trung hữu, đã lại đắc cử nhân cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 23/09. Vấn đề là khi làm đơn xin vào quốc tịch New Zealand, nhân vật này đã che giấu quá khứ đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc của mình, cũng như quá trình dậy tiếng Anh cho nhân viên tình báo Trung Quốc.

hoa1

Sinh viên Trung Quốc chụp ảnh cùng gia đình tại Đại học Sydney, Úc, 12/10/2017. Ảnh : William WEST / AFP

Những tiết lộ về quá khứ của ông Dương Kiện đã gióng lên hồi chuông báo động tại New Zealand về nguy cơ chính trường nước này bị Bắc Kinh thao túng thông qua những thành phần được báo chí gọi là "đạo quân thứ năm", mà mục tiêu là uốn nắn chính sách của New Zealand đi theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc.

Thái độ cảnh giác lại càng cao sau một bản báo cáo gần đây về ảnh hưởng của Trung Quốc trên chính phủ New Zealand, do bà Anne-Marie Brady, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học New Zealand Canterbury thực hiện.

Dân biểu New Zealand mà hành xử như tay sai của Trung Quốc

Bản báo cáo ghi nhận là từ ngày ông Tập Cận Bình lên cầm quyền tại Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đã tung ra cả một chiến dịch dùng quyền lực mềm để ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế và xã hội New Zealand, trong đó có việc tung tiền tài trợ cho các đảng phái ở New Zealand.

Bản báo cáo tố cáo đích danh nghị sĩ Dương Kiện và ông Hoắc Kiến Cường (Raymond Huo), một dân biểu gốc Hoa khác thuộc đảng Lao Động trung tả đối lập, là chịu ảnh hưởng của Đại Sứ Quán Trung Quốc tại New Zealand, cũng như của các tổ chức cộng đồng được sử dụng làm phương tiện thực hiện các ý đồ chính trị của Bắc Kinh.

Các phương tiện truyền thông bằng tiếng Hoa ở New Zealand cho biết ông Dương Kiện, hồi tháng Tư vừa qua đã trao giải thưởng cho các thành viên của Liên Đoàn Cựu Chiến Binh tại New Zealand, một nhóm bao gồm các cựu quân nhân và cảnh sát Trung Quốc đang sinh sống tại New Zealand. Phần thưởng liên quan đến các hoạt động của nhóm này nhân chuyến thăm New Zealand của thủ tướng Lý Khắc Cường, khi họ chặn biểu ngữ của những người biểu tình phản đối Trung Quốc…

Trần Duy Kiện (Chen Weijian), thành viên của tổ chức dân chủ New Zealand Values ​​Alliance và biên tập viên của tạp chí tiếng Hoa Bắc Kinh Chi Xuân, cho biết là khi nói chuyện, ông Dương Kiện giống một đại diện của chính phủ Trung Quốc hơn là một nhà lập pháp New Zealand.

New Zealand ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc, vốn đã trở thành một thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng sữa của New Zealand, và hai nước đang đàm phán mở rộng một hiệp định thương mại tự do được ký năm 2008.

Ông Jones, một nhà kinh tế học tại Bắc kinh, cho rằng mức độ can dự của Trung Quốc vào New Zealand có thể đe dọa các định chế dân chủ New Zealand. Cả ông Jones lẫn bà Brady, tác giả của báo cáo về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đã kêu gọi New Zealand cấm các khoản tài trợ chính trị từ nước ngoài, như Úc đang làm.

Úc : Hai đại gia gốc Hoa bị nghi là cán bộ của Bắc Kinh

Nếu New Zealand mới bắt đầu quan ngại về "đạo quân thứ năm" của Trung Quốc trên đất nước mình, thì láng giềng Úc của New Zealand đã được đánh động về mối nguy từ nhiều năm nay và đã bắt đầu có biện pháp chống đỡ.

Tháng 6/2017 vừa qua, vấn đề đã nổi cộm trở lại sau khi có tin là lãnh đạo ngành tình báo Úc đã xác định rằng hai đại doanh nhân gốc Hoa nổi tiếng tại Úc có thể là người hoạt động cho chính phủ Trung Quốc. Hai người này đã chi ra hàng triệu đô la để tài trợ rộng rãi cho các đảng chính trị trong những năm gần đây.

Một trong hai người được cho là đã rút lại một khoản tài trợ lớn vào năm ngoái vì không hài lòng với lập trường của một đảng chính trị về Biển Đông, phản ánh một mưu toan trong hậu trường nhằm lèo lái cuộc thảo luận công khai về một vấn đề chính sách theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

"Hàng chục triệu đô la để gây ảnh hưởng cho Trung Quốc"

Như vậy là cả hai đồng minh của Mỹ tại Châu Đại Dương đều đang vấp phải cùng một vấn đề. Theo nhà báo Lưu Tường Quang tại Sydney, riêng trong trường hợp nước Úc, Bắc Kinh và những chân rết của họ trong thời gian qua đã chi hàng chục triệu đô la để tìm cách mua chuộc các giới chính trị, văn hóa, giáo dục tại Úc, chưa kể đến các khoản đầu tư vào kinh tế.

Một cách cụ thể, nhà báo Lưu Tường Quang đã nhắc lại một ví dụ về mưu toan dùng tiền tài trợ để thao túng các đảng chính trị tại Úc. Đó là trường hợp của tỷ phú gốc Hoa, Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo), năm 2016, đã chiêu dụ được một chính khách Úc tên tuổi trong đảng Lao Động Úc, ông Sam Dastyari, để thúc đẩy đảng này rập khuôn theo quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông.

Ngoài giới chính khách và các đảng phái, Trung Quốc còn chú ý đến việc tấn công vào lãnh vực văn hóa, mua chuộc giới đại học và nghiên cứu, mua chuộc báo chí, thậm chí huy động các du học sinh Trung Quốc rất đông đảo tại Úc để tạo ảnh hưởng.

Các cố gắng của Trung Quốc tuy nhiên đã càng lúc càng bị vạch trần, và chính cơ quan tình báo Úc đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Canberra có biện pháp, cả về hành chánh lẫn luật lệ để hạn chế việc Bắc Kinh thao túng nội tình nước Úc. Báo chí độc lập tại Úc như kênh truyền thông ABC và hãng tư nhân Fairfax đã góp phần vạch trần âm mưu của Trung Quốc.

Ngay cả xã hội dân sự cũng bắt đầu cảnh giác. Theo nhà báo Lưu Tường Quang, mới đây, trường Đại Học Quốc Gia Úc ANU đã từ chối một khoản tài trợ của giới thân Bắc Kinh.

Nhìn chung, bài toán đặt ra cho cả Úc lẫn New Zealand rất hóc búa : đó là làm sao ngăn không cho Trung Quốc tung tiền thao túng đất nước mình, đồng thời tránh được tiếng xấu là phân biệt đối xử đối với với người Úc gốc Hoa.

Trọng Nghĩa, Lưu Tường Quang

*********************

Quan hệ Trung - Triều có vẻ ngày càng lạnh nhạt (BBC, 10/10/2017)

Từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền và với những cuộc thử hạt nhân liên tiếp xảy ra tại bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc có vẻ đã thay đổi thái độ đối với nước láng giềng.

hoa2

Bức điêu khắc chủ tịch Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành - biểu tượng cho tình hữu nghị Trung Quốc - Triều Tiên

Thành phố Đan Đông của Trung Quốc, giáp với Triều Tiên bên bờ sông Áp Lục, mang một biểu tượng cho tình hữu nghị Trung Quốc - Triều Tiên : bức điêu khắc chủ tịch Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành, cha đẻ của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tại Bảo tàng Tưởng niệm Chiến tranh chống Mỹ.

Tuy nhiên, từ khi cháu trai của Kim Nhật Thành lên nắm quyền năm 2012, và với những căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên do những vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp của lãnh đạo trẻ Triều Tiên, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình có vẻ đã thay đổi thái độ và cả những phát ngôn chính thức đối với người "láng giềng" cộng sản của mình.

Trên danh nghĩa, Trung Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vẫn là đồng minh. Hiệp ước Quốc phòng hiện tại giữa Trung Quốc và Triều Tiên, kí năm 1961 và đã gia hạn năm 1981 và 2001, sẽ hết hạn vào năm 2021.

Hiệp ước này nêu rõ Trung Quốc đảm bảo hỗ trợ Triều Tiên về vấn đề quân sự và những vấn đề khác trong việc chống xâm lược của các thế lực bên ngoài.

Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, Triều Tiên được coi là "chiến hữu" và mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng là "tình bạn kết bằng máu", sau khi hơn một trăm ngàn Chi nguyện quân của Trung Quốc tử trận tại chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).

Từ đồng chí thành đồng minh rắc rối

Thái độ của Trung Quốc đối với Triều Tiên bắt đầu thay đổi từ khi Triều Tiên thúc đẩy việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Lập trường chính thức của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên luôn luôn là :

- Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

- Đảm bảo hòa bình và bình ổn

- Tìm giải pháp ngoại giao thông qua đối thoại cho cuộc khủng khoảng hạt nhân

Vì vậy, mỗi khi Triều Tiên thực hiện một vụ thử hạt nhân, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại đưa ra tuyên bố.

Sự leo thang căng thẳng đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên được thể hiện qua sự thay đổi từ ngữ sử dụng trong những tuyên bố đó, cho phép quan sát viên quốc tế hiểu rằng thái độ của Trung Quốc đối với Triều Tiên đã thay đổi và nhấn mạnh vào hợp tác đa phương và quốc tế.

Ví dụ, trong một tuyên bố đưa ra ngày 9/10/2006, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân, truyền thông chính thức của Trung Quốc đã cáo buộc Triều Tiên cố ý phớt lờ sự phản đối của quốc tế, và thể hiện Trung Quốc rằng "kiên quyết phản đối". Trung Quốc cũng nhấn mạnh lại ba điểm trong lập trường của mình.

Trong 3 tuyên bố tiếp theo vào ngày 25/5/2009, 12/2/2013 và 6/1/2016, Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh là "kiên quyết phản đối" việc thử hạt nhân của Triều Tiên.

Một lần nữa, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9/9/2016, trả lời về phản ứng trước cuộc thử hạt nhân thứ 5 của Triều Tiên, Trung Quốc thể hiện sự "kiên quyết phản đối" như mọi khi, nhưng cũng bắt đầu cho hay Trung Quốc sẽ "hợp tác với cộng đồng quốc tế" để hiện thực hóa mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trong tuyên bố mới nhất ngày 3/9/2017, trả lời về vụ thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên, ngoài việc nêu quan điểm "kiên quyết phản đối", lập trường, sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế như mọi khi, Trung Quốc đã đảm bảo sẽ "áp dụng quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Triều Tiên một cách toàn diện".

Sau khi Triều Tiên bắn tên lửa qua Nhật Bản tháng 8 năm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết những căng thẳng với Triều Tiên hiện "đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng".

hoa3

Sau vụ bắn tên lửa của Triều Tiên qua lãnh hải Nhật Bản, Trung Quốc cho rằng căng thẳng Triều Tiên "đang trên bờ vực khủng hoảng"

Nhiều nguồn tin không chính thức cho rằng việc Trung Quốc không thể hỗ trợ Kim hơn nữa làm dấy lên câu hỏi về cam kết của phía Trung Quốc trong Hiệp ước Hữu nghị Trung Quốc - Triều Tiên, nền tảng của mối quan hệ giữa hai nước.

Một xã luận trên tờ Global Times của Trung Quốc đã nói bóng gió về quan điểm mới của Bắc Kinh với người đồng minh Bình Nhưỡng vào tháng 8 năm nay : nếu Mỹ tấn công Triều Tiên trước, Triều Tiên sẽ bảo vệ. Nhưng nếu Triều Tiên bắt đầu một xung đột quân sự, ví dụ như tấn công đảo Guam, Trung Quốc sẽ giữ vị trí trung lập.

Nói cách khác, không như lần trước, khi Mao Trạch Đông gửi Chí nguyện quân tới giúp Kim Nhật Thành tấn công Hàn Quốc, Tập Cận Bình luôn sẵn sàng ủng hộ Kim Jong-un với điều kiện tốt nhất, nhưng Kim cũng có thể bị "bỏ rơi" nếu quyết định bắt đầu một cuộc chiến.

*****************

Trung Quốc : Cán bộ Đảng phải tránh xa tôn giáo và mê tín dị đoan (RFI, 12/10/2017)

Các quan chức cao cấp của đảng cộng sản Trung Quốc cần phải cảnh giác, không để "bị ru ngủ qua việc cầu nguyện Thượng đế và tôn sùng đức Phật". Bài xã luận của Nhân Dân Nhật Báo hôm nay 12/10/2017 cảnh báo như trên, nhắc nhở rằng chủ nghĩa cộng sản không thể tách rời khỏi chủ trương vô thần, và mê tín là một trong những nguyên nhân gây ra tham nhũng.

hoa4

Đảng cộng sản Trung Quốc lo sợ đảng viên đi theo các tôn giáo. Trong ảnh, một tượng Phật ở tỉnh Tứ Xuyên (Xichuan). Ảnh : Wikipedia

Theo Nhân Dân Nhật Báo, các cán bộ đảng cần phải ghi nhớ lời của Các Mác, rằng "chủ nghĩa cộng sản bắt đầu ngay lập tức với chủ nghĩa vô thần". Tờ báo cũng cho rằng : "Mê tín dị đoan là tư tưởng ô nhiễm, một sự ru ngủ tinh thần không thể xem thường, cần phải bài trừ toàn bộ".

Về mặt chính thức, Nhà nước đảm bảo tự do tín ngưỡng, nhưng đảng viên phải có tư tưởng vô thần, và đặc biệt là không được có những hành động "mê tín dị đoan" như đi coi bói chẳng hạn. Theo Nhân dân Nhật báo, các quan chức tham nhũng đã bị "đả hổ" thường cũng tham gia vào "các hoạt động mê tín tàn dư của phong kiến".

Tờ báo của đảng cộng sản viết : "Trên thực tế, một số quan chức đôi khi đi chùa, cầu nguyện Thượng đế và tôn sùng Phật" ; nêu ví dụ cựu phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành (Li Chuncheng), bị kết án 13 năm tù vào năm 2015, vì tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Ông này cũng rất mê thuật phong thủy.

Mao Trạch Đông cấm xem bói toán, nhưng những thói quen truyền thống đã dần dà quay lại cùng với sự mở cửa của Trung Quốc vào cuối thập niên 70.

Thụy My

******************

Campuchia trục xuất tội phạm lừa đảo qua mạng (RFA, 12/10/2017)

Có đến 74 người Trung Quốc bị Campuchia trục xuất về Hoa Lục ngày 12 tháng 10 vì phạm tội tống tiền trên mạng. Trong số này có 14 phụ nữ.

hoa5

Cảnh sát Trung Quốc hộ tống các nghi phạm đến máy bay tại sân bay quốc tế Phnom Penh vào ngày 12 tháng 10 năm 2017.  AFP

Theo hãng tin AP đánh đi từ Campuchia thì những người Trung Quốc này nhắm vào những phụ nữ sống ở Hoa Lục, hăm dọa sẽ đưa hình ảnh khỏa thân của họ lên mạng, nếu không đưa tiền cho họ. Bọn tống tiền tìm cách liên lạc với nạn nhân qua mạng xã hội rồi sau đó dụ họ đưa lên những tấm hình khỏa thân.

Nạn tống tiền bằng cách này không phải là mới tại khu vực Đông Nam Á do những băng đảng người Trung Quốc, và cả Đài Loan thực hiện. Vào tháng Tám vừa qua Indonesia cũng đã trục xuất 140 người Hoa Lục và Đài Loan về những vụ tống tiền qua mạng nhắm vào các doanh nhân, và chính trị gia ở Trung Quốc lục địa.

Kể từ năm 2012, Campuchia đã trục xuất ít nhất 1 ngàn người Trung Quốc và Đài Loan về Hoa Lục.

Trung Quốc hiện là một đồng minh chính và là nước cung cấp tài chính lớn cho Campuchia. Phnom Penh đứng về phía Bắc Kinh trong những tranh chấp của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á khác.

Published in Châu Á

Trung Quốc thúc đẩy COC sau khi hoàn tất quân sự hóa biển Đông (RFA, 19/06/2017)

Ngày 6 tháng 6 năm 2017, một báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho hay Trung Quốc đã hoàn thành các cơ sở quân sự tại quần đảo Trường Sa và có thể triển khai ba trung đoàn máy bay chiến đấu tại đó.

bien1

Đá Chữ Thập chụp từ vệ tinh ngày 3/9/2015. Photo : csis.org

Trước đó, vào đầu tháng 3 nhóm làm việc giữa Trung Quốc và ASEAN đã đưa ra bản thảo đầu tiên bộ khung cho bộ qui tắc ứng xử trên biển Đông, gọi tắt theo tiếng Anh là COC.

Khoảng trống quyền lực của Hoa Kỳ ?

Hai chuyên gia về biển Đông mà chúng tôi tiếp xúc là Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban biên giới chính phủ của Bộ ngoại giao Việt Nam, và Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên nghiên cứu về biển Đông tại Sài Gòn đều nói rằng tin tức về những khu căn cứ quân sự của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa thực sự không có gì mới. Ông Hoàng Việt nói :

"Điều này nằm trong chiến lược của Trung Quốc từ trước, đặc biệt sau khi Tổng thống mới của Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra chính sách mới có thay đổi. Nó đã dẫn tới chuyện là Trung Quốc ngày càng mạnh hơn".

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng do chính sách mới của Mỹ không coi trọng biển Đông nên tạo điều kiện cho Trung Quốc lấp chổ trống, và điều này rất nguy hiểm khi Trung Quốc hoàn tất được các căn cứ không quân trên Trường Sa, tạo nên cái mà ông gọi là một hạm đội không thể bị đánh chìm của Trung Quốc.

Tiến Sĩ Trần Công Trục cũng đồng ý là những động thái của Trung Quốc hiện không có gì mới, nhưng ông không đồng ý là Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ bỏ biển Đông cho Trung Quốc :

"Qua các hoạt động ngoại giao, qua thực tế, chúng ta thấy chính quyền của ông Donald Trump thời gian gần đây đã biết được tất cả những tính toán của Trung Quốc rồi. Tôi nghĩ không như người ta nói rằng Mỹ sẽ tỏ ra yếu đuối hay tỏ ra nhân nhượng Trung Quốc. Tôi nghĩ sự thật là Trung Quốc đang tranh giành vai trò, vị trí siêu cường của Mỹ tại Châu Á Thái Bình Dương. Như vậy Mỹ chắc chắn sẽ có những hoạt động để khẳng định lại vai trò của mình đặc biệt trong những cam kết với các đồng minh mà từ trước đến nay như Philippines, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v…"

Ngày 24 tháng 5 vừa qua, chiến hạm của Mỹ là chiếc USS Dewey lại tiến hành một cuộc tuần tra đi ngang qua vùng biển 12 hải lý của bãi đá Vành Khăn mà Trung Quốc đang chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa. Hành động này của Washington được xem như tiếp nối các chiến dịch tuần tra biển Đông mang tên Tự do hàng hải đã được bắt đầu thời chính quyền ông Obama.

Ông Trần Công Trục còn nhắc tới các đối tác mới ở khu vực như Việt Nam, mà chuyến thăm Hoa Kỳ gần đây của Thủ Tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ một cách rất rõ ràng.

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, chính sách mới về biển Đông, cũng như về Châu Á, của chính phủ mới của Mỹ cũng sẽ không khác chính sách của Tổng thống Obama trước đây, mặc dù Nhà Trắng có thể không gọi là một chính sách xoay trục về Châu Á như ông Obama.

Sau khi có tin Trung Quốc đã hoàn thành các căn cứ quân sự trên các đảo mà họ chiếm đóng ở Trường Sa, vào ngày 15 tháng sáu Việt Nam lên tiếng phản đối nói rằng Trung Quốc cần có hành động tích cực mang tính xây dựng ở biển Đông.

bien2

Đá Gạc Ma chụp từ vệ tinh hôm 9/2/2016. Photo : csis.org

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về những hoạt động của Việt Nam hiện nay để đối phó với Trung Quốc, ông Hoàng Việt cho rằng Việt Nam lâm vào tình thế khó khăn nhưng cũng đã có nhiều cố gắng.

"Chính phủ Việt Nam cũng có cố gắng, nhưng cố gắng của Việt Nam thì cũng có hạn. Ví du như gần đây thấy Việt Nam có thuê một công ty lobby (vận động hành lang) để nhắc nhở, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, qua đó để nhắc nhở Hoa Kỳ vấn đề về biển Đông, để cho sự có mặt của hải quân, quân đội Hoa Kỳ trên khu vực biển này làm thành một đối trọng. Nhưng mà Việt Nam thì rất khó, thế và lực của Việt Nam chỉ có hạn. Đặc biệt nếu không có các liên minh để hỗ trợ, các cường quốc khác hỗ trợ thì rõ ràng là cuộc chơi này khó mà nghiêng về phía Việt Nam được".

Việc vận động hành lang của Việt Nam mà thạc sĩ Hoàng Việt nhắc tới cũng được báo chí quốc tế đề cập trong thời gian gần đây. Theo ghi nhận của ông Dương Danh Dy, một nhà nghiên cứu độc lập từng làm việc tại bộ ngoại giao Việt Nam, đăng trên trang mạng Viet-Studies, thì thời ông Obama, Việt Nam đã thuê những người vận động hành lang thân cận với đảng Dân chủ, còn sau khi ông Trump thắng cử thì thuê các nhóm thân với chính quyền mới thuộc đảng Cộng Hòa.

Bộ qui tắc ứng xử của Trung Quốc

Đồng thời với việc hoàn tất các công trình quân sự tại khu vực biển Đông, Trung Quốc trong năm nay cũng chủ động thúc đẩy đàm phán COC với các quốc gia ASEAN. Vào ngày 19 tháng 5 vừa qua các nước ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về bộ khung này sau 15 năm chờ đợi. Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định về việc này :

"Trước đó cách đây vài năm ASEAN đã thống nhất được một bộ COC, bản nháp đầu tiên, bản số 0 do Indonesia soạn thảo. Nhưng bây giờ bộ khung của nó đã có những nhượng bộ nhất định đối với Trung Quốc. Ví dụ, thứ nhất nó không nhắc tới phán quyết của tòa trọng tài quốc tế. thứ hai là nó không nhắc đến chuyện các bên kềm chế trong việc xây đảo, khi Trung Quốc xây đảo như vậy, mà không hề nhắc tới".

Phán quyết của tòa mà ông Hoàng Việt nhắc đến là Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế ở La Haye, Hà Lan vào năm ngoái 2016 nói rằng tòa phủ nhận tuyên bố đường đứt khúc chính đoạn mà Trung Quốc xem là biên giới lãnh hải của mình chiếm 90% diện tích biển Đông. Tòa Trọng tài quốc tế đã đưa ra phán quyết này để đáp lại đơn kiện của Philippines cho rằng Trung Quốc đòi hỏi quá đáng trên biển Đông.

Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, COC có khả năng sẽ hình thành trong năm nay, nhưng sẽ có rủi ro là có nhiều nhượng bộ cho Trung Quốc, vì hiện nay theo ông khuynh hướng của nhiều quốc gia ASEAN đang có chiều ngả về phía Trung Quốc.

Quan điểm của Tiến sĩ Trần Công Trục lại không cho rằng bộ khung COC mà Trung Quốc mới đưa ra là quan trọng :

"Đã là bộ khung thì các bạn nên hình dung nó là một cái dàn bài. Còn nội dung cụ thể thì chưa có, mà đó mới là quan trọng. Cho nên theo tôi việc đó không có nghĩa. Theo tôi vấn đề tòa trọng tài có được đưa vào hay không còn là một vấn đề. Nó có được dẫn chứng hay được đưa vào hay không ? Mà nó cũng chẳng liên quan gì nhiều đến bộ luật ứng xử với tư cách là một bộ luật biển khu vực, như tôi thường nói, chắc chắn phải có nội dung cụ thể".

ASEAN và Trung Quốc đưa ra mục tiêu đạt được COC trong năm nay khi Philippines là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN. Tổng thống Philippines, Rodgrigo Duterte từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái cũng tỏ rõ mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc và sẵn lòng bỏ phán quyết của tòa sang bên khi đàm phán với Trung Quốc. Tuy nhiên theo tiến sĩ Trần Công Trục thì Philippines chưa bao giờ có ý định từ bỏ chủ quyền của mình ở biển Đông.

Kính Hòa, phóng viên RFA

*****************

Indonesia, Malaysia, Philippines tuần tra hải quân chung (RFA, 19/06/2017)

Indonesia, Malaysia và Philippines vừa bắt đầu các cuộc tuần tra chung trên biển hôm 19 tháng 6 vào lúc có những đe dọa ngày một tăng từ những nhóm quá khích.

bien3

Từ trái qua : Tham mưu trưởng quân đội Indonesia Gatot Nurmantyo, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Malaysia Raja Mohamed Affandi ký kết thỏa thuận tuần tra chung hôm 19/6/2017. AFP photo

Cuộc tuần tra được thực hiện giữa lúc quân đội Philippines đang giao tranh với các tay súng Hồi giáo trung thành với Nhà nước Hồi giáo tại thành phố Marawi, miền Nam Philippines.

Tham mưu trưởng quân đội Indonesia Gatot Nurmantyo cho biết cuộc diễn tập diễn ra đúng lúc phải ngăn chặn các phiến quân từ Marawi hòa vào những người tị nạn chạy trốn sang Indonesia.

Hồi tháng 5 năm ngoái, cả ba nước đã đồng ý sẽ thực hiện những cuộc tuần tra chung và chia sẻ thông tin tình báo sau một loạt các vụ bắt cóc người nước ngoài do nhóm Hồi giáo quá khích, Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines tiến hành. Nhiều nạn nhân đã bị chặt đầu vì không nộp tiền chuộc.

*************************

Việt - Nhật diễn tập chống đánh cá trộm (RFA, 19/06/2017)

Lực lượng Tuần duyên Nhật bản và Cảnh sát Biển Việt Nam vừa tổ chức buổi diễn tập chống đánh cá trộm ở Biển Đông vào tuần trước. Đây là cuộc diễn tập chung lần đầu tiên giữa hai nước với nội dung này.

bien4

Tàu tuần tra bờ biển Việt Nam 6001 (trái), vốn là một tàu đánh cá do chính phủ Nhật bàn giao, tham gia tập trận chung với Tàu tuần tra Nhật Bản Echigo PLH08 ngoài khơi Đà Nẵng vào ngày 16 tháng 6 năm 2017. AFP photo

Theo hãng tin NHK của Nhật Bản, cuộc diễn tập diễn ra ngoài khơi Đà Nẵng theo lời mời từ phía Việt Nam. Nhật Bản gửi tầu Echigo- 3.100 tấn có thể mang theo máy bay trực thăng hạng nhẹ tham gia diễn tập. Phía Việt Nam cũng cho tàu tuần duyên do Nhật Bản trang bị tham gia.

Trước cuộc diễn tập vừa nêu, tuần duyên Nhật Bản cũng có những cuộc diễn tập nhỏ với phía Việt Nam chủ yếu tập trung vào các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Hồi tháng 9 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, bà Tomomi Inada cho biết chiến lược Biển Đông của Nhật Bản sẽ tập trung vào việc giúp xây dựng năng lực cho các nước ven biển trong khu vực bao gồm Việt Nam và Philippines.

*********************

Giới chức ASEAN thăm tàu chiến Nhật (RFA, 19/06/2017)

Các sĩ quan quân đội của 10 nước thành viên ASEAN vào ngày 19 tháng 6 lên hàng không mẫu hạm Izumo của Nhật hiện đang có mặt tại Singapore bắt đầu chuyến thăm 4 ngày khu vực Biển Đông. Bộ Quốc phòng Nhật loan tin này trên trang web chính thức.

bien5

Hàng không mẫu hạm Izumo của Nhật tại căn cứ Yokosuka ở tỉnh Kanagawa vào ngày 01 tháng 5 năm 2017. AFP photo

Đây được cho là dấu hiệu mới nhất của Nhật muốn tăng cường nổ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng lên của Trung Quốc.

Sau đó, vào ngày 20 tháng 6, những đại diện quốc phòng khác thuộc khối ASEAN cũng đến tham dự một sự kiện kéo dài 3 ngày ở Nhật bản để quan sát các cuộc diễn tập ứng phó thảm họa. Giới chức Bộ Quốc phòng Nhật bản cho biết đây là lần đầu tiên Nhật Bản tổ chức sự kiện như vậy với ASEAN.

Hai sự kiện này diễn ra liên tục cho thấy cấp độ hợp tác chưa từng có từ trước tới nay giữa hai phía trong lĩnh vực quốc phòng và giữa các giới chức quốc phòng dân sự. Hai sự kiện cũng đánh dấu những thúc đẩy vào hướng ngoại giao quân sự của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Nhật Bản hiện rất lo ngại việc Trung Quốc củng cố kiểm soát khu vực Biển Đông bằng cách cho xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo, bán vũ khí và cung cấp trợ giúp phát triển.

Nhật Bản cho rằng nước này hiện ở vị thế tốt hơn Hoa Kỳ trong khu vực để lôi kéo các nước ASEAN ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Published in Châu Á